{title}
{publish}
{head}
Nhiều năm sau này, mảnh đất Cam Lộ vẫn không ngừng thôi thúc tôi, cứ có dịp là tôi trở về ngồi bên sông Hiếu để nghe dòng sông kể chuyện về vùng đất Cam Lộ đầy trầm tích của lịch sử trong tâm thức vọng tưởng của những người xa xứ...
Nơi đầu nguồn sông Hiếu -Ảnh: Đ.T.T
Ngày còn nhỏ, tôi có một người dì hay đi đường sông từ Thạch Hãn ngược lên sông Hiếu để đến chợ Phiên Cam Lộ mua hàng mang về chợ Thuận bán. Trong những món hàng lỉnh kỉnh thương hồ đủ loại sản vật từ miền thượng, mẹ tôi chỉ nhờ dì mua giùm một cái nồi nấu cơm bằng đồng đem về.
Mẹ nói, nồi đồng nấu cơm rất ngon, đặc biệt ở phần hông của nồi. Mẹ vốn mù chữ nhưng ca dao, tục ngữ, phương ngữ mẹ thuộc làu làu, nói chuyện nồi đồng là đọc ngay: Ba ba nấu cháo nồi ba/Tam tam như cửu cháo đà chín chưa...
Lần theo câu ca của mẹ sau này tôi mới hiểu “tam tam như cửu” ý nói chợ Phiên ở trên Đường 9. Và biết thêm làng nghề truyền thống đúc nồi đồng nức tiếng một thời là làng Phước Tuyền ở chợ Mai, cách chợ Phiên 2 km.
Chính Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục từng về treo võng ngủ lại một đêm tại chợ Phiên. Sau cái đêm thực địa ấy, còn thấy ghi lại trong cổ lục: “Xã Cam Lộ huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Điếu Ngao, dưới thông với Cửa Việt, trên tiếp giáp với nguồn Sái đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều ra từ đây; ở xa thì nước Lạc Hoàn, nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, châu Quy Hợp; các bộ lạc Lào đều có đường thông từ đây, rất là xung yếu...” và xa hơn, trước đây đầu nguồn từng là một vùng đất giàu có phong phú những sản vật miền trung du “ở địa phận Vũ Xương, là nơi sinh sống của các làng thổ dân châu Sa Bôi. Đặc sản ở đây có ngà voi, ngựa trâu, thảm hoa, trầm hương, tốc hương, bạc mộc hương, gai sợi, gấm thổ hoa trắng, vải bông trắng...”.
Thú thật, trước năm 1975, tôi chưa một lần đến Cam Lộ. Ba tôi từng làm lục lộ (cầu đường bây giờ) thời Pháp thuộc, từng ăn dầm ở dề để theo dõi thi công Đường 9, nên ông thuộc lòng cung đường.
Sau này về già, ông vẫn thường kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về Cam Lộ, Khe Sanh, Ba Lòng... những nơi chốn gắn bó với biết bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ của ông. Trong những câu chuyện ấy, ba tôi thường biểu lộ cảm xúc để rồi cứ cuốn hút và in đậm vào trí nhớ tôi, cùng một nỗi khát khao được trở về quê nhà đi dọc dài theo những nơi chốn đã gieo vào tâm hồn mình bằng một nỗi cảm hoài mà mình chưa một lần đặt chân đến.
Một lần, hồi tôi còn làm tạp chí Nhân đạo, cũng gần 20 năm trước tôi về Quảng Trị được Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đưa đi thực tế để viết bài ở xứ Cùa, nơi có con em nạn nhân chất độc da cam nhiều nhất ở Quảng Trị.
Cảm nhận đầu tiên là chiến tranh đã để lại di chứng bi thảm trên vùng thung lũng đất đỏ xung quanh là núi đồi. Có gia đình có đến 2 - 3 con em là nạn nhân chất độc da cam. Vùng đất bên sông Hiếu một thời chiến tranh đã bị tàn phá nặng nề. Hệ thống đồn bốt giăng đầy suốt cả cuộc trường chinh giành giật từng mảnh đất, ngọn đồi.
Đi quanh thôn xóm trong tầm mắt là những hàng tiêu cao xanh ngắt, làm che khuất những ngôi nhà, lòng cứ rưng rưng dù sao sau chiến tranh màu xanh đã trở lại trên vùng đất chịu nhiều đau thương này. Có nhiều điều kỳ lạ, dù mới đến lần đầu nhưng khi đến chợ Cùa, tôi cảm thấy ngôi chợ này như đã từng gặp đâu đây, một cảm giác lạ lùng hình như ngôi chợ trước bao dâu bể vẫn y nguyên như từ thuở khai sinh.
Có lẽ, tất cả như bước ra từ ký ức theo lời kể của ba tôi. Và ngay cả đèo Cùa, vẫn là những câu chuyện luôn tạo ra niềm cảm hứng đối với quá khứ cùng những kỳ tích mưu lược của một con đèo heo hút trong chiến tranh.
Du khách viếng Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T.T
Đèo Cùa dài khoảng 8 - 9 km. Con đèo đã đặt vào cho mình một vị trí chiến lược của cả vùng Cùa. Trong chiến tranh chống Pháp và cả chống Mỹ sau này, chỉ cần một du kích đứng trên đèo là có thể quan sát toàn bộ hoạt động của địch. Trên bản đồ địa hình quân sự của Pháp ghi tên đèo là Col du canon (Đèo Thần công).
Tại sao lại có tên đèo Cùa là Col du canon? Nguyên là từ ngày đó, quân Pháp thường tấn công vào xứ Cùa. Một hôm địch kéo lên một khẩu pháo (canon) với ý đồ dùng hỏa lực của vũ khí “hạng nặng” khống chế cả vùng Cùa. Được tin, do không đủ vũ khí và lực lượng để chống trả, những cán bộ Việt Minh bèn lập mưu để đánh giặc. Đất Cùa dẻo, lính Pháp mang giày đinh, dân làng hái mù u, một loại quả rất tròn, rất cứng, rải khắp trên đỉnh đèo. Bọn lính Pháp lên đó bị trượt té, khẩu canon cũng chịu chung số phận bị lăn xuống vực sâu, từ đó chúng mới đặt tên đèo như trên.
Lịch sử phát triển Cam Lộ như một hiệu ứng domino tích cực. Khi chợ Phiên Cam Lộ trở thành một trung tâm thương mại, nơi trung chuyển hàng hóa trọng điểm kinh tế nhộn nhịp cả thủy lẫn bộ của vùng thượng lưu sông Hiếu thì Đường 9 mới được hình thành. Trong dòng chảy lịch sử của phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm, Cam Lộ từng là nơi 2 lần được chọn làm “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc, từ Tân Sở, vùng Cùa đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Liên quan đến Sơn phòng Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ), xin nhắc đến một nhân vật là Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, sử học trước đây xem ông là một kẻ bán nước, thật là nỗi oan cho ông. Đọc lại những bài thơ của ông mới thấy tấm lòng yêu nước của vị đại thần.
Thứ nhất, việc ông ở lại Huế sau ngày kinh đô Huế bị thất thủ (1885) “nhằm điều đình với Pháp” thật ra là một quyết định hy sinh vì đại cuộc để Tôn Thất Thuyết, Vua Hàm Nghi và triều thần có thời gian ra Tân Sở, dù ông biết rằng ông sẽ rơi vào một hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng.
Thứ hai, căn cứ Tân Sở là do ông chọn địa điểm vì có thời gian 5 năm liền phụ trách Nha sơn phòng Cam Lộ. Và ông đã nghiên cứu rất kỹ vùng đất bán sơn địa ấy sẽ là nơi lý tưởng phù hợp để xây dựng một căn cứ chống giặc. Rõ ràng trong suy nghĩ tính toán từ trước, Nguyễn Văn Tường đã chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc kháng chiến lâu dài để chống giặc. Căn cứ Tân Sở được xây dựng từ năm 1883 đến đầu năm 1885 mới hoàn thành...
Lịch sử bao giờ cũng công bằng, đã nhìn đúng tấm lòng của một vị quan trung trinh với đất nước. Một nhân vật mà từ trong tăm tối của quá khứ, lịch sử Nguyễn Văn Tường đã được đưa ra ánh sáng, được khôi phục lại giá trị chân chính, tỏa sáng và được hậu thế tôn vinh. Chuyện giải oan cho ngài Phụ chính đã có quá nhiều công trình nghiên cứu, xin không bàn nữa...
Sau này, tôi sẽ còn trở lại Cam Lộ để cảm nhận thêm trầm tích miền đất của tâm thức vọng tưởng. Và có một điều tôi chưa cắt nghĩa được, không biết trong đêm ngủ lại ở chợ Phiên, nhà bác học Lê Quý Đôn đã trải qua những nỗi trầm tư và cảm thức về vùng đất Cam Lộ như thế nào mà ông đã dành khá nhiều lời để nhận chân giá trị của một “miền sương ngọt” phía Tây tỉnh Quảng Trị.
Hồ Sĩ Bình
QTO - Hơn 1 tháng nay, bằng nhiều giải pháp thống nhất, đồng bộ của Trung tâm Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, những hình...
QTO - Báo Quảng Trị - Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa phối hợp tổ chức trao tặng 1.500 suất quà tết, mỗi suất 600.000 đồng tiền mặt với tổng trị giá...
QTO - Chúng ta từng ca ngợi đại thắng mùa Xuân 1975 như một chiến công hiển hách nhất trong thế kỷ 20, nhưng phải đến tháng 4/1976, với quốc dân đồng bào...
QTO - Không hiểu vì sao mà tên chợ, đi từ Bắc vào Nam, tôi thường thấy phần lớn chỉ có một chữ, ví như chợ Cầu, chợ Bầu, chợ Bạn, chợ Rồng, chợ Sàng, chợ...
QTO - Ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có một vùng đất mang tên Vĩnh Linh. Dân Quảng Trị đã đem cả một “miền đất lửa” vào đây từ hơn 50 năm trước. Ở đây,...
QTO - Là “bức bình phong” chở che dân làng trước thiên tai khắc nghiệt, tạo không gian và cảnh quan xanh mát, nên bao đời nay, những cánh rừng phi lao ven...
QTO - Ở nơi nào đó trên xứ sở Hàn Quốc, chắc có những người mẹ hằng đau đáu đứt ruột về những đứa con của mình đã chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Chết...
QTO - Về bất cứ làng quê nào, ta cũng dễ dàng thấy ngay hình con rồng trên các mái ngói đình chùa miếu mạo, trong các họa tiết trang trí chạm khắc. Rồng...
QTO - Ngày 7/1/2024, Trần Thị Kiều Anh (sinh năm 2002), quê ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, vinh dự là 1 trong 96 cá nhân được Trung ương Hội Sinh viên...
QTO - Người Việt có mặt trên đất Thái Lan cách đây khoảng 200 năm, từ thời nhà Nguyễn bắt đầu có người Việt di cư sang xứ sở “chùa vàng” sinh sống. Người...
QTO - Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông... Trong một lần chuyện trò với người bạn đến từ miền cực Bắc của Tổ quốc...
QTO - Xông đất (hay còn gọi là đạp đất) là phong tục đã có từ lâu đời của người Việt. Người xưa quan niệm rằng, sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến...