{title}
{publish}
{head}
Về bất cứ làng quê nào, ta cũng dễ dàng thấy ngay hình con rồng trên các mái ngói đình chùa miếu mạo, trong các họa tiết trang trí chạm khắc. Rồng chắc chắn là linh vật được mô phỏng nhiều nhất trong bộ tứ linh: long - lân - quy - phụng. Và rồng cũng ẩn hiện nhiều trong các câu chuyện làng quê, với ước vọng cao đẹp của người nông dân thiện lương.
Đoạn sông chảy qua làng Bồ Bản - Ảnh: H.C.D
1. Xin bắt đầu bằng một truyền tụng ở quê tôi, làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Trong áng văn xưa khắc ghi trên tấm bia đá hiện vẫn còn được làng lưu giữ, có câu: "Cá nhảy ba tầng, đường khoa cử sấm ran nơi Vũ cấp". Rất nhiều lần các cụ đã tìm cách giải nghĩa câu văn giàu hình tượng ấy, song cũng chỉ hiểu ý tiền nhân là nói về mảnh đất trù phú vạn vật sinh sôi, học hành đỗ đạt. Mới đây, chúng tôi lật lại các điển tích cổ, mới hay lại liên quan đến... rồng.
Theo tích của người Trung Hoa thì Vũ Môn là tên một khúc núi ở thượng du sông Trường Giang, dưới chân núi có vực sâu, đến mùa thu nước lụt cá đua nhau tới đó nhảy thi, con nào vượt qua được Vũ Môn sẽ hóa rồng. Từ đó mà có tích “cá vượt Vũ Môn” và bên cạnh đó còn có câu “Vũ Môn tam cấp lãng” (Vũ Môn ba tầng). Chiếu theo tích xưa nước Tàu mới hiểu rõ ngụ ý của câu văn bia làng tôi, là cá nhảy qua ba tầng để hóa rồng, người làng học hành dậy tiếng vang đỗ đạt.
Cùng với văn bia, giữa cánh đồng làng nay vẫn còn một hồ nước hình tròn, được gọi là Đìa nghiên, tượng trưng cho dĩa mài mực của sĩ tử ngày xưa. Đìa tuy nông nhưng quanh năm luôn chứa đầy nước soi rõ bóng mây trời. Cái hồ nước lấy làm biểu tượng nghiên mực kiểu ấy rất nhiều làng quê đều có và đôi khi được ví von với con mắt rồng. Cá trong đìa nghiên một ngày sẽ thoát nước hóa rồng, từ một con vật quen thuộc (cá) nhưng lại hóa thân thành một linh vật huyền thoại, cũng chẳng phải chuyện hoang đường mà chỉ là ước mong chính đáng của những con người cần lao chất phác, kỳ vọng vào sự học hành của con em.
2. Khởi đi từ huyền thoại, song tinh thần nhập thế của rồng lại gắn liền với nước. Trong ngũ hành phương Đông, rồng tương ứng với hành thủy. Sự tích nòi giống dân tộc ta từ cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, rồi người cha gốc rồng dẫn theo năm mươi con xuống biển, tức là long ẩn thủy. Trong tứ trạch của kiến trúc thì thanh long nằm ở phía bên trái từ trong nhà nhìn ra, đây cũng là vị trí mà người quê chọn để đào giếng, vì ở đông tứ trạch có rồng tọa, nước ngầm tốt, nơi bắt đầu của long mạch.
Vì chuyện mệnh thủy ấy mà ta gặp sự tích rồng ở rất nhiều những dòng sông. Chẳng hạn ở Quảng Trị, huyền thoại kể rằng con rồng mẹ Long Mẫu từ biển Đông bay về núi tìm nơi sinh nở. Khi ngang qua vùng Vĩnh Linh ngày nay thì chuyển dạ, phải sà xuống nương nhờ đất để sinh, từ đó mà nên dòng sông Sa Lung (hay Sa Long, tức là rồng sa). Sông Sa Lung dài chừng sáu chục cây số chảy qua lau lách bãi bờ rồi hợp lưu vào dòng Bến Hải.
Cũng một câu chuyện tích rồng hóa địa linh mà chúng tôi được nghe khi về làng Bồ Bản, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Làng Bồ Bản nằm bên một con sông nhỏ, theo các cụ trong làng kể thì khi xưa nhánh sông này nằm trong hệ thống sông đào Vĩnh Định, nước trong, cảnh sắc đôi bờ hiền hòa, vua quan thường dong thuyền ra ngự lãm. Một lần, cận thần của vua thấy đất làng Bồ Bản có thế long chầu, hình con rồng đẹp nên... suýt nữa bị sung vào đất triều đình.
Chuyện này được ghi lại trong gia phả họ Lê Đình như sau: "Lê Đình Cữu đậu khoa thi văn hóa năm Canh Thân, giữ chức Chính Cung thuộc nội lệnh Sử Ty Hữu Biên giật nam. Tên Cương Trực, có thờ linh vị tại chùa Trường Khánh (chùa làng Bồ Bản) để ghi công người sáng lập.
Tương truyền rằng, khi ông làm việc trong triều biết được một ông thầy địa lý (người Tàu) có tâu với vua nên chiếm một huyệt đất ở làng Bồ Bản để cho nhà vua. Ngài sợ mất đất của làng và hơn nữa làng chưa có chùa nên đã về sáng lập ngôi chùa này và lấy tên là Trường Khánh Tự".
Đìa Nghiên làng Phúc Lộc - Ảnh: H.C.D
Thế làng hình rồng và một ngôi chùa được dựng nên để trấn giữ đất. Cũng chính từ ngôi chùa trấn yểm “huyệt rồng” ấy, nhiều bảo vật dù thất lạc khắp nơi rồi cũng được trả lại. Sư thầy trụ trì hướng tay về phía pho tượng Quán Thế Âm nhỏ cỡ hai bàn tay, bằng đá màu xám, kể rằng khi xưa có chàng thanh niên làng bên cạnh, một hôm đi chăn bò sang đây thấy hòn non bộ trước sân có pho tượng nhỏ nhỏ kheo khéo, liền thó về.
Chắc cậu chàng không biết tượng Phật mà nghĩ là một món đồ trang trí bonsai nên lấy. Khi đem về cậu ốm một trận thập tử nhất sinh. Tìm mãi không ra bệnh, gia đình liền đi coi tướng số, thầy bói phán rằng cậu có lấy một cái gì đó của nhà chùa, mau đem trả. Gia đình liền đem tượng Phật trả lại cho chùa Bồ Bản và cậu lành bệnh. Đấy là pho tượng Quán Âm thứ nhất được trả lại ngày xưa.
Mới đây, năm 2018, thêm một tượng Quán Thế Âm khác sau nửa thế kỷ, đi nửa vòng trái đất, lại được trả về cho chùa Bồ Bản. Chuyện rằng khoảng năm 1968, khi qua làng Bồ Bản, người lính Mỹ Muller đi vào một ngôi chùa đầu làng có tên hiệu Trường Khánh. Chùa tiêu điều bởi đạn bom, dưới đất có nhiều tượng phật bị đánh rơi ngổn ngang. Nổi bật trong số đó có một tượng Phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy pho tượng cho vào túi mang đi.
Hết chiến tranh, khi về Mỹ, Muller luôn ám ảnh cảnh bom đạn tang thương ở Việt Nam. Nhiều đêm ông nằm mơ thấy mình đi qua những đổ nát hoang tàn khói lửa và hiện lên một ngôi chùa làng, ông thấy chính mình trong giấc mơ đã lấy pho tượng Phật. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, phải trở về Quảng Trị, phải trở về ngôi chùa Trường Khánh làng Bồ Bản để trả lại pho tượng.
Không may, những ám ảnh chiến tranh giày vò đã khiến ông đột quỵ, không thể đi lại được dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Năm 2006, Muller mất, trong giấy tờ để lại, ông có bản di nguyện gửi gắm những người đồng đội nếu có dịp quay về Việt Nam hãy giúp ông trả lại tượng Phật cho chùa Bồ Bản.
Ông Anderson, một người dưới quyền chỉ huy của Muller, đã tiếp quản di nguyện của chiến hữu. Sau rất nhiều trở ngại, cuối cùng, buổi trưa mùa hè năm 2018, cựu binh Mỹ Anderson đã tìm về chùa Bồ Bản để trả lại tượng Phật mà bạn mình đã lấy đi từ 50 năm trước.
Nhưng, trước khi trả pho tượng, người cựu binh Mỹ vẫn cẩn thận nhìn quanh. Rồi trong chốc lát, ông nhìn ra sân chùa thấy một cái giếng và ồ lên: “Đúng cái giếng đào ngày xưa, khi chúng tôi hành quân qua đây đã múc nước lên để uống”. Một cái giếng chùa làng qua nửa thế kỷ vẫn khiến người bên kia bán cầu còn nhớ, âu cũng là chuyện long mạch.
3. Đi qua các làng quê xã Triệu Phước - vùng bãi ngang lân cận biển Cửa Việt, đất đai có phần nhiễm mặn nhưng lại thích hợp với một giống lúa lạ, bóc vỏ trấu hạt gạo màu đỏ sẫm, nên người ta gọi bằng cái tên mĩ miều: gạo huyết rồng. Những năm trở lại đây, gạo huyết rồng Quảng Trị đã có tiếng trên thị trường với hương thơm và nhiều dưỡng chất quý. Chỉ xin mạn đàm thêm rằng hạt gạo mang màu sắc khác lạ ấy có thể đã từng là giống bản địa của vùng này từ xa xưa.
Trong Phủ biên tạp lục, quyển VI - vật sản phong tục, khi nhắc đến các phủ Triệu Phong, nhà bác học Lê Quý Đôn có đề cập một số giống gạo đỏ: "Giống lúa tẻ thì có thứ tên là lúa chiên, hạt gạo to mà đỏ, tháng 11 cấy, tháng 3 gặt; có thứ tên là lúa hẻo, hợp với ruộng cao, có hai hạng đỏ và trắng; có thứ tên là lúa xung, hạt hơi đỏ, hợp với ruộng sâu, đều cấy tháng 11, gặt tháng Tư..., có thứ tên là lúa đốc, hột gạo to mà đỏ, vị đậm, rất thơm". Chỉ một hạt gạo thôi mà cũng mang trong mình cả một lịch sử là thế.
4. Về làng Quảng Lượng, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, chúng tôi lại được biết một chuyện rồng khác, đầy khí phách, đó là một võ đường mang tên Long Phi. Long Phi hiểu đơn giản là chú rồng bay, một cái tên sang trọng, thanh thoát. Trên ngực áo của võ sinh có phù hiệu con rồng màu vàng.
Võ đường Long Phi ở làng Quảng Lượng từng đào luyện nhiều thế hệ môn sinh - Ảnh: H.C.D
Người đưa võ rồng về Quảng Trị là huấn luyện viên Võ Văn Hùng. Thời trẻ ông vào Nam làm ăn, đồng thời theo học môn phái Long Phi. Đầu thập niên chín mươi thế kỷ trước ông lại về quê nhà, hành trang mang theo là những kiến thức, bộ pháp rồi lập nên võ đường. Môn phái võ cổ truyền Thiếu lâm Long Phi có mặt ở Quảng Trị kể từ đấy.
Võ Thiếu lâm nói chung và phái Long Phi nói riêng đều lấy động tác làm nội pháp, lấy sức khỏe làm chí hướng và tôn chỉ là giúp đời. Thế hệ môn sinh đầu tiên khi mở võ đường được đào luyện với tư cách vừa là học trò, vừa tạo ra một đội ngũ huấn luyện viên làm nền tảng cho sự phát triển võ phái về sau.
Thời gian tập luyện ở võ đường là lúc chiều tối nhằm tạo điều kiện cho các môn sinh. Đây là lúc rảnh rỗi của người nhà quê, thầy thì hết buổi làm đồng trở về, trò thì đã tan trường. Bất kể mùa nóng mùa lạnh võ đường vẫn hoạt động, nếu trời mưa thì vào trong nhà học luật, học kiến thức võ thuật.
Chúng tôi từng chứng kiến các môn sinh tập luyện ở võ đường này, chỉ xin kể tên hai bài quyền môn phái liên quan đến rồng: bài luyện đao thì có Hắc long đao, bài đánh côn nhị khúc là Hắc long đột phá lôi trận quyền. Cũng bởi rồng có tính biến hóa linh hoạt nên thường được mang tên các bài quyền binh khí, đòi hỏi võ sinh cẩn trọng khéo léo, công phu tinh xảo. Trong mười bài quyền được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào quy chuẩn cũng có một bài binh khí mang tên Huỳnh long độc kiếm (bài quyền rồng vàng múa một kiếm).
Rong ruổi qua những làng quê, nghe chuyện rồng hóa thân, mới hay xứ sở này từ việc học cho đến cái ăn, từ chuyện văn qua chuyện võ, đều toát lên khí phách cao thượng và hướng thiện.
Hoàng Công Danh
QTO - Hơn 1 tháng nay, bằng nhiều giải pháp thống nhất, đồng bộ của Trung tâm Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, những hình...
QTO - Báo Quảng Trị - Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa phối hợp tổ chức trao tặng 1.500 suất quà tết, mỗi suất 600.000 đồng tiền mặt với tổng trị giá...
QTO - Ngày 7/1/2024, Trần Thị Kiều Anh (sinh năm 2002), quê ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, vinh dự là 1 trong 96 cá nhân được Trung ương Hội Sinh viên...
QTO - Người Việt có mặt trên đất Thái Lan cách đây khoảng 200 năm, từ thời nhà Nguyễn bắt đầu có người Việt di cư sang xứ sở “chùa vàng” sinh sống. Người...
QTO - Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông... Trong một lần chuyện trò với người bạn đến từ miền cực Bắc của Tổ quốc...
QTO - Xông đất (hay còn gọi là đạp đất) là phong tục đã có từ lâu đời của người Việt. Người xưa quan niệm rằng, sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến...
QTO - Ngày 20 tháng Chạp năm Giáp Thân - 2004, cán bộ và các lực lượng công an, quân đội của huyện đảo Cồn Cỏ chuẩn bị bữa cơm tất niên sớm để tiễn chân...
QTO - “Chỉ cần vượt qua quãng đường gần 350 km là chúng ta có thể chạm tay vào... 80 triệu năm trước”- Lời phi lộ rất gợi của anh Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc...
QTO - Dịp Tết là mùa cao điểm của những nhân viên lái tàu. Cùng với những chuyến tàu ngược xuôi Bắc - Nam để kịp đưa người dân về quê đón Tết với gia đình...
QTO - Về nhà, sống trong yêu thương của ba mạ, anh em. Tôi biết ba mạ vẫn thoáng chạnh lòng nhớ quê nhà Quảng Trị, nỗi niềm tha hương đã đọng thành những...
QTO - Anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1992), quê quán ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT...
QTO - Từ đất nước Hà Lan xa xôi, suốt 16 năm nay, ông Hans Victor Selder (hơn 80 tuổi) đã dành tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...