
{title}
{publish}
{head}
Những cuộc ly hôn diễn ra trong lặng lẽ. Với những người trẻ, việc đưa ra quyết định đó không phải là điều dễ dàng, cũng giống như khi một trong hai người lựa chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Chỉ có điều, khi giấc mơ “đổi đời” chưa kịp trở thành hiện thực, thì hạnh phúc gia đình đã không còn.
Minh họa: LÊ DUY
Anh là người chủ động nộp đơn ra tòa án để xin ly hôn, trong khi người vợ đang XKLĐ ở nước ngoài. Ngày gặp tôi, anh bảo rằng, không thể chấp nhận cuộc hôn nhân này nữa. Những tưởng vợ đi XKLĐ là để mưu cầu cho cuộc sống sung túc, đầy đủ, nào ngờ...
Thời điểm quyết định cho vợ XKLĐ, anh cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng rồi, tính đi tính lại, hai vợ chồng trẻ, không nghề nghiệp ổn định, chẳng lẽ cứ bám vào vài sào ruộng ở quê mãi. Ở xung quanh, nhiều đôi vợ chồng trẻ khác cũng lựa chọn con đường XKLĐ để mong thay đổi số phận. Có nhà chồng đi, có nhà vợ đi, có khi cả 2 vợ chồng cùng đi. Mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng, chịu khó vài năm thôi là vợ chồng có chút lưng vốn để tính đường làm ăn.
Vợ chồng anh cũng đã cẩn thận bàn bạc với bố mẹ hai bên và ai cũng đồng ý. Vợ anh có người chị họ đã sang Đức làm ăn mấy năm nay nên quyết định sang đó làm việc, anh cũng phần nào yên tâm. Dù sao, ở nơi đất khách quê người, lạ nước lạ cái, không có chồng con, người thân bên cạnh thì đã có chị em bao bọc lẫn nhau.
Đêm trước ngày vợ chồng chia tay, anh chị gần như thức trắng đêm. Bao nhiêu suy nghĩ, lo lắng, dự cảm và hy vọng cứ dồn nén. Lúc đó, vợ anh cứ ôm lấy con nhỏ đang nằm ngủ, trằn trọc mãi.
Thế nhưng cuộc đời luôn có những điều chẳng nằm trong tính toán của mình. Thời gian đầu người vợ sống và làm việc ở nước ngoài, họ vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên nhau. Vợ anh cũng đều đặn gửi tiền về. Thôi thì, “đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”. Thế nhưng, càng về sau, những cuộc điện thoại thưa dần. Hỏi thì vợ anh nói công việc bận rộn, không có thời gian để nói chuyện.
Hễ có dịp liên lạc nói chuyện, hai bên lại kiếm cớ gây sự. Mâu thuẫn cứ như vậy, kéo dài đến gần 2 năm giữa những ồn ào, điều tiếng và nghi ngờ. Vấn đề giờ đây không chỉ là khoảng cách địa lý nữa. Buồn chán, anh cũng gửi con nhỏ lại cho ông bà vào miền Nam kiếm việc làm. Cuối cùng, chuyện gì đến phải đến.
Phiên tòa xét xử ly hôn hôm đó, 2 bên đương sự cũng vắng mặt. Duy chỉ bố đẻ của người chồng có mặt. Đó là một người đàn ông tóc đã bạc trắng. Lần đầu đến dự phiên tòa, ông có chút rụt rè. Ông bảo, ông định không đến phiên tòa này, nhưng vì Hội đồng xét xử cần cung cấp một số thủ tục còn thiếu, nên ông buộc phải đến.
Ông cứ trăn trở, phân vân và lấn cấn, cứ như trách nhiệm với con cái không hoàn thành. Bởi, hơn 10 năm trước, ông từng là chủ hôn cho con và giờ đây, cũng chính ông phải thực hiện các thủ tục để con ly hôn. Lúc các con yêu nhau, rồi quyết định đến với nhau và cả khi quyết định XKLĐ, ông đã tin vào sự lựa chọn của con trai, nhưng đến chuyện này, ông khó lòng chấp nhận.
Ông kể, ông không biết nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn của 2 vợ chồng. Ông chỉ biết, sau một thời gian, con trai mình XKLĐ, hai vợ chồng vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Nhưng mấy năm gần đây, những cuộc điện thoại thưa dần.
Khi biết vợ chồng con có ý định ly hôn, ông đã nhiều lần nói chuyện phải trái, thiệt hơn để các con hàn gắn tình cảm, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, họ vẫn kiên quyết ly hôn và đường ai người nấy đi. Con cái đã trưởng thành, có cuộc sống gia đình riêng, người làm cha như ông cũng chỉ khuyên bảo, chứ không thể làm gì được.
“Đây đâu phải lần đầu chúng xa nhau. Trước đó, hai vợ chồng đã có 5 năm cách biệt, chứ đâu phải ít ỏi gì. Tất cả cũng chỉ vì cuộc sống khó khăn, vất vả, mà vợ chồng phải ly tán, tìm kiếm kế mưu sinh nơi xa xứ. Nhưng nay nhà cao cửa rộng, có của ăn của để thì hạnh phúc không còn. Ngôi nhà hai tầng vừa mới xây xong chưa bao lâu. Ông chỉ thương 2 đứa cháu nhỏ...”. Nói rồi, ông đưa ánh mắt trầm ngâm nhìn ra xa.
Một vị thẩm phán của Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, hầu hết các vụ xét xử ly hôn vắng mặt đương sự đều có người vợ hoặc chồng đang XKLĐ ở nước ngoài, với nhiều uẩn khúc khó nói. Chẳng có lý do, hoàn cảnh nào giống nhau. Đó là khoảng cách, tình cảm không còn, “thay lòng, đổi dạ”, thiếu sự tin tưởng, rồi cả những điều tiếng, dư luận.
Đáng nói, những vụ án ly hôn vắng mặt hai bên đương sự ngày càng nhiều hơn, nhất là với những gia đình trẻ. Dường như, trước lúc quyết định gửi đơn ra tòa, họ không chút thiết tha với cuộc sống hôn nhân của mình nữa và quyết tâm chấm dứt. Vậy nên, việc có mặt hay không có mặt tại phiên tòa đều không cần thiết, đằng nào cũng đường ai nấy đi.
Không biết trước khi lựa chọn con đường XKLĐ, những đôi vợ chồng trẻ có trang bị cho mình bản lĩnh để vượt qua cám dỗ bên ngoài, những thay đổi và cả những phút giây yếu lòng của bản thân hay không?
Dương Công Hợp
QTO - Sáng 27/7, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát...
QTO - Ông Văn Tiến Lực, 39 tuổi, ở khu phố Vĩnh Phước, phường Nam Đông Hà là người đã tự nguyện làm đơn xin hiến 272m2 đất để thực hiện dự án...
QTO - Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng các phương tiện vận tải hành khách đi qua các tuyến quốc lộ tại khu...
QTO - Chiều 25/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết, liên quan đến phản ánh của Báo Quảng Trị (nay là Báo và phát thanh, truyền...
QTO - Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của ông Dương Trung Kiên (SN 1940) ở thôn 4, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (cũ), nay...
QTO - UBND tỉnh vừa có Công văn số 161/UBND-NC gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép tiếp nhận 12 đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về...
QTO - Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) sau khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ngay từ đầu tháng 7/2025, Phòng...