{title}
{publish}
{head}
Đã có không biết bao nhiêu mùa xuân của đất trời đi qua trong vô hồi vô hạn của tháng năm và thời gian từ khi có đất, có nước, nhưng ký ức về “mùa xuân đầu tiên” của một vùng đất, của một đời người lại thường rất đằm sâu, luôn là dấu ấn đậm nét, không thể phai mờ. “Mùa xuân đầu tiên” của lòng người không hẳn được tính từ đêm trừ tịch, đến mồng Một, mồng Hai, mồng Ba gắn với mỹ tục tết cha, tết mẹ, tết thầy, mà có khi, đó là thời khắc một vùng đất và hàng triệu lòng người bước sang một cuộc sống mới, niềm tin mới, thách thức mới, hy vọng mới.
Tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam sông Bến Hải - Ảnh: Đ.T
Trong lịch sử đất nước, Quảng Trị từng là vùng đất phên dậu, nơi diễn ra nhiều cuộc đối đầu lịch sử, nơi thấu tận tâm can nỗi đau chia cắt và niềm hạnh phúc tột cùng trong ngày đoàn tụ, thống nhất; nơi từng sum họp một nhà với các tỉnh láng giềng, rồi lại trở về với tên gọi chính mình với nhiều lo toan, nhiều nỗ lực. Trong mỗi một giai đoạn có tính chất như một chỉ dấu đặc biệt của sự phát triển đó, đều có thể gọi là những “mùa xuân đầu tiên” ấm áp...
Là con dân Gio Linh, Quảng Trị, chắc hẳn không ai là không biết đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về quê hương mình thời hậu chiến: ...
Trèo lên Dốc Miếu lặng nhìn Quán Ngang/Bời bời cỏ lút đồng hoang/Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn...
Nhưng quả thực, khung cảnh hoang tàn đó chỉ tồn tại đâu chừng vài ba tháng sau ngày quê hương ngưng tiếng súng. Biên niên sử của đất này có ghi, ngày 2/4/1972, quê hương Gio Linh sạch bóng quân thù thì ngay vụ 10 năm 1972, toàn huyện Gio Linh đã khai hoang phục hóa được 730 mẫu đất.
Đến vụ đông xuân năm 1972-1973, đã mở rộng thêm 2.200 mẫu đất nữa đưa vào sản xuất. Trong điều kiện thiếu sức kéo và công cụ sản xuất, lại phải đề phòng bom mìn còn sót lại nên nhiều sào ruộng, người dân phải đầu tư hơn 40 công mới hoàn thành khâu khai hoang, phục hóa. Nghề đánh cá, làm muối, trồng cây gây rừng, giao thông, bưu điện, thủy lợi, văn hóa, giáo dục...được từng bước phục hồi, phát triển.
Tháng 3/1973, nhà báo Phan Quang trong bút ký “Từ Cửa Việt đến Khe Sanh” viết ngay sau những ngày đầu quê hương vừa mới ngưng tiếng súng, có ghi lại một chi tiết thật gợi: “Mùa hạn năm nay, chính quyền cách mạng đưa máy bơm và cử công nhân về giúp nông dân chống hạn, thửa ruộng nào khô là thửa đó được tưới nếu còn nguồn nước.
Nét mới ấy của cuộc sống đã gây xúc động cho biết bao nông dân trên mảnh đất Quảng Trị bị tàn phá dữ dội này”. Tiếp đó, ngày 2/9/1973, đồng chí Lê San, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh đã cắt nhát cỏ đầu tiên mở màn cho chiến dịch khai hoang phục hóa ở cánh đồng Bắc Dốc Miếu, khai sinh ra vựa lúa lớn bậc nhất huyện Gio Linh lúc bấy giờ.
Tháng 3/1973, nhà báo Phan Quang trong bút ký “Từ Cửa Việt đến Khe Sanh” viết ngay sau những ngày đầu quê hương vừa mới ngưng tiếng súng, có ghi lại một chi tiết thật gợi: “Mùa hạn năm nay, chính quyền cách mạng đưa máy bơm và cử công nhân về giúp nông dân chống hạn, thửa ruộng nào khô là thửa đó được tưới nếu còn nguồn nước. Nét mới ấy của cuộc sống đã gây xúc động cho biết bao nông dân trên mảnh đất Quảng Trị bị tàn phá dữ dội này”. |
Theo thời gian và bằng sự nỗ lực vượt bậc của người dân Gio Linh, dưới chân Dốc Miếu, mùa vàng tiếp nối mùa vàng. Nơi đứng chân của “con mắt thần điện tử” Mắc Namara năm xưa, bát ngát cao su đang khép tán, nhẫn nại dâng tặng cho đời nguồn “vàng trắng” quý giá. Đổ dốc về hướng Nam, thị trấn Gio Linh đã mang sắc diện mới. Hình hài phố xá bám chặt mạch sống từ lòng đất đỏ.
Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh có dịp đi qua Gio Linh từ những năm tháng “băng bó vết thương xây lại cuộc đời” đó đã bật lên cảm xúc: Những luống cao su mọc thẳng hàng/Chạy dài tít tắp rộng không gian/Tiêu xanh xây tháp trong vườn biếc/Khoai sắn tươi non trải nắng vàng. (Màu xanh Dốc Miếu).
Tôi gọi năm tháng đó là những “mùa xuân đầu tiên” của thời kỳ hồi sinh, phát triển nơi mảnh đất phía Nam đầu cầu Hiền Lương kiên cường, bất khuất, son sắt, thủy chung.
Đối với Đông Hà, những “mùa xuân đầu tiên” có lẽ bắt đầu từ những cột mốc thời gian có sức biểu cảm lớn: Ngày 14/2/1973, cầu Đông Hà thông xe vào lúc 9 giờ đêm; ngày 12/3/1973, cảng Đông Hà bắt đầu hoạt động; ngày 24/3/1973, chợ Đông Hà họp phiên đầu tiên. Thật khó hình dung rằng, thành quả chủ yếu của ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 1973 là đã trồng 8 vạn cây tre và chỉ tiêu phấn đấu là trồng gần nửa triệu cây tre trong năm 1974.
Theo ghi nhận của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút ký “Đông Hà-con người và thời gian” thì chỉ hai năm sau ngày hòa bình, bóng tre đã định hình lại các thôn ấp, viền xanh những khu vườn, vẻ đẹp nhân văn tươi mát lại hiện bóng trong cuộc sống dường như đã nối liền mạch vào tương lai.
Và cũng bởi mang trọn sắc xuân đó đi suốt cuộc hành trình hướng tới mục tiêu đạt đô thị loại II, thành phố nơi đầu cầu xuyên Á này đã giữ mãi sức sống thanh xuân trong sứ mệnh cao cả của một đô thị trung tâm tỉnh lỵ: Chưa ai chào hỏi đã cười/Đông Hà thiếu nữ như tôi bây giờ... (Đông Hà thiếu nữ- Lê Thị Mây)
Trong ký ức của ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 6/6/1973, có một sự kiện làm nức lòng Nhân dân cả nước, nhất là Nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị, đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức lễ mít tinh ra mắt (sau bốn năm thành lập, ngày 6/6/1969) tại thủ phủ, đặt ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, nay là thị trấn Cam Lộ.
Ông Lê Hữu Thăng kể lại: “Chúng tôi huy động Nhân dân suốt đêm đi mít tinh chào mừng, ước tính có gần cả vạn dân. Thật ra chúng tôi lúc đó chỉ biết huy động Nhân dân đi dự mít tinh chứ không biết nội dung bởi phải bảo đảm bí mật. Hơn nữa vì địch đóng quân tại thị xã Quảng Trị chỉ cách nơi mít tinh chưa đầy 10 km (tính đường chim bay).
Tuy nguy hiểm vậy nhưng Nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi, mang cơm vắt, nước uống và đi suốt đêm, đến khoảng 5 giờ sáng mới đến điểm tập kết. Biết Lễ ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mọi người càng hồ hởi, phấn khởi. Kết thúc mít tinh muôn người như một đồng thanh hô to khẩu hiệu: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muôn năm”, “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”...
Đây cũng là lần đầu tiên Nhân dân được tận mắt thấy Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cùng các thành viên Chính phủ.
Làng bên sông Hiếu - Ảnh: Đ.T
Mãi sau này khi có dịp, tôi đã hỏi các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, rằng vì sao khi địch lấn chiếm, ta phải sơ tán dân ra vùng giải phóng Gio Linh, Cam Lộ? Nếu để dân ở lại, ta trở vào hoạt động có phải dễ dàng hơn không? Các đồng chí ấy trả lời: vì dân Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà... đã bị địch lùa chạy vào phía Nam gần hết. Là vùng giải phóng có chính quyền thì phải có dân, xa hơn nữa là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ được đặt tại Cam Lộ mà không có dân thì không có lợi về mặt ngoại giao...
Ngày 6/6/2023, lễ kỷ niệm tròn 50 năm ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ đã được tổ chức trọng thể chính tại nơi được xem là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Và những cột mốc lịch sử trên đất Cam Lộ sẽ tiếp tục được tạo lập mới bằng quyết tâm mới, tư duy mới, tầm nhìn mới với việc phấn đấu để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Một “mùa xuân đầu tiên” nữa sẽ đến sớm với vùng đất “miền sương ngọt” trĩu nặng ân tình...
Tùy bút: Đào Tâm Thanh
QTO - Sinh ra, lớn lên giữa bộn bề vất vả, lo toan nhưng Nguyễn Thị Ngọc Huệ (sinh năm 1997) chưa bao giờ để những nhịp đập yêu thương dừng lại trong trái...
QTO - Sau một thời gian chuyển vào sinh sống ở khu dân cư Cuôi mới nằm ở khu vực trung tâm xã, hàng chục hộ gia đình ở các thôn, bản thường đối mặt với lũ...
QTO - Bằng sự cầu tiến, kiên định trên hành trình theo đuổi đam mê, Hoàng Hữu Hải (sinh năm 1994), ở thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, là một người...
QTO - Từ năm 1972 đến 1973, Khu vực Vĩnh Linh đã cưu mang 4 vạn người dân của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng ra sơ tán. Chương trình đưa người dân từ 2...
QTO - Tạo ra một đôi găng tay điện tử kết nối với chiếc điện thoại thông minh, em Trần Ngọc Long, lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã chuyển đổi...
QTO - Ngày nay, người ta đến một quán cà phê không đơn giản chỉ để gọi một thức uống, một tách cà phê mà còn để trải nghiệm những điều thú vị hơn. Tại...
QTO - Ở tuổi 32, anh Hoàng Ngọc Long, hiện đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã có gần 16 năm gắn bó với đàn bầu. Xem loại nhạc cụ truyền...
QTO - Cách đây hơn 10 năm, trong chuyến đi tác nghiệp, trên đường từ Lào sang Thái Lan, chúng tôi bất ngờ khi mà người hướng dẫn viên, phiên dịch của đoàn...
QTO - Huyện Đạ Tẻh cách TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khoảng 180 km về phía Nam. Đây là nơi sinh sống của những người con từ mảnh đất nắng gió Quảng Trị vào...
QTO - Từ ngày xa xưa, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị luôn gắn với phương thức sản xuất nương rẫy. Ngày nay, được...
QTO - Có lẽ trong ký ức tuổi thơ yên đằm của anh Văn Ngọc Quyết (30 tuổi) ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, là tháng ngày theo cha rong ruổi...
QTO - Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng, quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Đà Lạt đang lưu giữ hơn 2.000 biệt thự cổ, ẩn mình...