{title}
{publish}
{head}
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân là một cây phóng sự nổi bật của báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tháng 9/2024, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở lại Quảng Trị với vai trò là người truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm viết phóng sự cho những người làm báo Quảng Trị. Đây là lần thứ 3 trong năm 2024, ông đến Quảng Trị, nơi mà cuộc đời ông có quá nhiều mối lương duyên gắn bó và luôn đau đáu trong tim. Chia sẻ câu chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói rằng, đây cũng là dịp để ông “trải lòng” mình với Quảng Trị.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tháng 9/2024 -Ảnh: THANH TRÚC
Hai tiếng Quảng Trị quen thuộc từ thơ ấu
- Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân! Khi nhắc về Quảng Trị, ông rất nhiều lần bắt đầu câu chuyện về địa danh này từ cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng rực rỡ của ba mình, nhà báo Huỳnh Hùng Lý. Ông có thể chia sẻ sâu sắc hơn với độc giả về hồi ức đẹp đẽ này?
- Ba tôi là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, quê ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là nhà báo cùng thời với thế hệ những “đại thụ” của làng báo chí cách mạng Việt Nam như các nhà báo: Hoàng Tùng, Trần Bạch Đằng, Lưu Quý Kỳ... Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư báo chí của Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân miền Nam, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ bút tờ báo đối ngoại xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam “Miền Nam Việt Nam chiến đấu”, Trưởng Ban Chính trị - Trưởng đại diện Báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam...
Năm 1955, ba tôi đưa vợ từ miền Nam tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ ở Báo Nhân Dân. Năm 1957, ông được Báo Nhân Dân điều động vào Vĩnh Linh để làm nhiệm vụ, trở thành phóng viên thường trú tại khu vực này. Khi đó, tôi chỉ mới lên 2 tuổi, anh tôi còn nhỏ, một mình mẹ đã rất vất vả nuôi hai anh em để ba tôi yên tâm công tác. Ông có nhiệm vụ đưa tin về tình hình chiến sự hai bờ Nam - Bắc, về công cuộc mở đường máu tiếp tế lương thực, đạn dược ra đảo Cồn Cỏ của bà con Vĩnh Linh và cuộc sống của người dân hai bờ giới tuyến... Chặng đường đi giữa Hà Nội - Vĩnh Linh rất xa, nhưng ông chỉ có duy nhất phương tiện là xe đạp để đi.
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955. Ông từng công tác ở các báo: Tuổi Trẻ, Lao động; nguyên Ủy viên Ban chấp hành, Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, giảng viên thỉnh giảng môn phóng sự Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Bồi dưỡng Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam. |
Tôi ấn tượng mãi chi tiết mà ông viết trong một bài báo, đó là có một người dân của Vĩnh Linh rất kỳ công xin những cục gôm (tẩy) cất lại, khi được hỏi để làm gì, người đó nói rằng để sau này khi đất nước thống nhất sẽ dùng nó tẩy đường ranh giới phân tranh hai miền Nam - Bắc hằn trên tấm bản đồ. Để ý quan sát từng sự vật, chi tiết đưa vào bài viết, tạo dấu ấn, đó là những điều mà tôi học được từ cách làm nghề của ba tôi. Cũng trong những năm tháng ba tôi làm báo gắn bó với Vĩnh Linh, Quảng Trị, tôi đã giúp ông vẽ bản đồ minh họa cho các bài báo (tôi khi đó còn là một cậu bé nhưng rất có năng khiếu vẽ). Vì vậy, những địa danh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cồn Cỏ, Cửa Tùng... đã tự nhiên nhập vào tâm trí tôi. Những bài thơ, bài hát về Vĩnh Linh, Quảng Trị mà ba tôi vẫn mở để nghe đi nghe lại, tự khắc cũng đã hằn sâu trong ký ức của tôi, để thấm dần và yêu tha thiết những câu từ khắc khoải. “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về....”. Sau này lớn lên tôi càng hiểu, không phải mỗi người dân Quảng Trị ngóng chờ người thân từ bờ Nam, bờ Bắc, mà chính mẹ và chúng tôi cũng luôn trông ngóng ba trở về bình an sau mỗi chuyến đi về Vĩnh Linh làm nhiệm vụ.
Một sự gắn kết nữa với Quảng Trị là ba tôi may mắn được tác nghiệp tại 3 sự kiện lớn của đất nước là Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp định Pa-ri, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ông cũng có mặt tại trụ sở Khu di tích trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Cam Lộ trong những lần đại sứ các nước đến trình quốc thư...Có một sự trùng hợp thú vị là năm xưa, ba tôi được đón và viết bài về Chủ tịch Fidel sang thăm Quảng Trị, sau này tôi cũng được vinh dự được đón và viết bài về Chủ tịch Fidel ở Củ Chi.
- Thưa nhà báo, như ông chia sẻ, hai tiếng Quảng Trị lúc bấy giờ tuy chưa gặp mà như thân thuộc tự bao giờ. Khi lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Trị, cảm xúc của ông ra sao?
-Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi được cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng bố trí xe đưa trở về miền Nam. Háo hức lắm, bởi vì tôi lớn lên ở đất Bắc, miền Nam tôi biết chỉ từ đọc được thông tin trên các bài báo, từ những câu chuyện kể của ba tôi sau những chuyến công tác Vĩnh Linh, từ nỗi đau đáu nhớ quê hương của ba mẹ tôi, những người con miền Nam ra Bắc tập kết rồi biền biệt 20 năm chưa có dịp trở về. Ròng rã nhiều ngày trên hành trình dài, khi đặt chân đến đất Vĩnh Linh, chạm vào cây cầu Hiền Lương lịch sử, trong tôi trào dâng một cảm xúc mãnh liệt. Chúng tôi đã chạm vào miền Nam đây sao, cây cầu là ranh giới của chia cắt đôi miền, dấu vết của chiến tranh để lại trên “da thịt” của quê hương với chi chít hố bom hai bên đường, trên đồng ruộng, làng mạc...Bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương chúng tôi vẫn hoài nghe ca sĩ Tân Nhân hát, chợt ngân lên trong lòng, như hòa vào dòng cảm xúc dạt dào khi chúng tôi dừng xe, đi bộ qua cây cầu để cảm nhận gần hơn, thật hơn giá trị thiêng liêng của hai tiếng hòa bình.
Ngang qua thị xã Đông Hà, 3 cái xác xe tăng vẫn còn nằm bên đường, nhưng tiếng cười nói lao xao của con người, tiếng chào mời từ các mẹ, các chị ở hàng quán ven đường, những chiếc xe 67 máy nổ giòn bình bịch đi trên đường nhắc tôi về thực tại của một thị xã kiên cường bận rộn với công cuộc tái thiết quê hương khi bước ra cuộc chiến. Đúng là cảm giác này, chạm chân vào Quảng Trị như chạm vào hòa bình, miền Nam bắt đầu từ đây chứ đâu xa. Cả anh lái xe đưa chúng tôi về cũng là người miền Nam, cũng xúc động rưng rưng khi đường về nhà mỗi lúc một gần hơn. Trong cuộc đời làm báo, tôi có từng có 3 - 4 lần thăm lại Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hoặc có lần, tôi đi cùng một đoàn vận động viên tuyển thủ bóng bàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng đi Vĩnh Linh để thi đấu cho hai chiến tuyến cùng xem...
Kỷ niệm vun đắp sâu hơn tình cảm với Quảng Trị
- Như nhà báo chia sẻ, rằng ông đã nhiều lần trăn trở, tại sao có những vùng đất dù chẳng phải máu thịt nhưng mình vẫn phải nghĩ, phải đau đáu về nó rất nhiều, đó là Quảng Trị. Rồi khi xâu chuỗi lại những câu chuyện gắn bó từ quá khứ đến hiện tại, khi có cơ hội đến nhiều hơn với Quảng Trị, ông đã tự tìm được cho mình câu trả lời. Vậy, ông có thể chia sẻ thêm về điều này không?
- Năm 2001, với vai trò là đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có dịp theo đoàn đến giao lưu, làm việc với HĐND tỉnh Quảng Trị. Lần đó, chúng tôi được đưa đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Vì thói quen nghề nghiệp, tôi đã khai thác nhiều thông tin để viết bài. Có một điều bất ngờ là người quản trang lúc đó tên Tăng, khi nghe mọi người giới thiệu tôi là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đồng thời là đại biểu HĐND, rất mừng rỡ. Người này nói rằng, tưởng ai xa lạ chứ anh đã đọc rất nhiều và rất thích các bài báo của tôi. Chuyến đi ấy, tôi viết bài “Trường Sơn lặng lẽ nơi này”, trong cái tiêu đề, tôi không nhắc đến hai từ “nghĩa trang” nhưng bạn đọc cũng hiểu lối ẩn dụ “lặng lẽ nơi này” để chỉ một nơi linh thiêng mà các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ.
Năm 2024, tôi may mắn được đi Quảng Trị 3 lần. Lần thứ nhất là vào dịp Báo Thanh niên phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Ngày hội đạp xe Vì hòa bình, vào cuối tháng 6. Lần thứ hai là dịp Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” vào giữa tháng 8. Và giữa tháng 9, tôi lại có cơ hội về Quảng Trị để chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề báo, viết phóng sự cho những đồng nghiệp làm báo ở Quảng Trị. Bản thân tôi thấy mình may mắn vì được trở về Quảng Trị đúng vào những dịp có ý nghĩa rất đặc biệt.
-Những lần có thời gian để ở lâu hơn khi đến Quảng Trị như ông chia sẻ, cảm nhận về vùng đất này trong ông hẳn đã khác xưa rất nhiều?
-Có nhiều thời gian để ở lâu hơn khi đến Quảng Trị, đi thăm thú các vùng đất như Khe Sanh, Hướng Hóa, Gio Linh, Đông Hà, Vĩnh Linh... tôi thấy nơi đây có quá nhiều cảnh đẹp, tiềm năng để thu hút du khách, con người Quảng Trị chân chất, hiền lành, mến khách và khí phách. Đi qua những miền quê, phố xá và những vùng quê xanh tươi, trù phú, tôi không còn thấy dấu vết của chiến tranh hiện diện nơi này. Chính quyền, người dân đã “dọn dẹp” lại vết tích chiến tranh của quá khứ để hướng đến tương lai tươi đẹp, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tôi có nhiều bạn bè, học trò là người Quảng Trị. Một số bạn bè của tôi đã chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Có một điều đặc biệt là sau này, nhiều lần quay lại Quảng Trị, tôi nhận thấy đâu đâu cũng hiện hữu biểu tượng hòa bình trên mảnh đất này. Đó là biểu tượng chim bồ câu, là những chương trình nghệ thuật, chính luận về khát vọng hòa bình. Chính vì nguồn cảm hứng này mà tôi đã viết nhiều bài thơ về Quảng Trị, như một câu trả lời cho câu hỏi vì sao nặng nợ với mảnh đất này đến vậy. ...
Có nơi nào nhiều hình ảnh chim câu
Khắp cánh đồng mênh mông, trên phố phường tấp nập
Tuổi hai mươi mắt bồ câu xinh đẹp
Em lớn lên trên Quảng Trị anh hùng
Hãy bay cao với khát vọng hòa bình ...
(Trích trong bài thơ Cánh chim câu trên bầu trời Quảng Trị)
- Xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về câu chuyện thú vị này!
Thanh Trúc (thực hiện)
QTO - Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận...
QTO - Dù mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung và suy tim bẩm sinh nhưng nhiều năm qua, một mình chị Lê Thị Thừa (51 tuổi), ở thôn Kinh Duy, xã Hải...
QTO - Tại nhiều tuyến đường ở thành phố Đông Hà, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ, buôn bán diễn ra khá phổ biến, gây mất trật tự an...
QTO - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, được ví như “điểm tựa”, “phao cứu sinh” của người...
QTO - Từ đầu năm học 2024 - 2025, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã tăng cường vận động các nhà tài trợ, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp,...
QTO - Tại kỳ họp báo của Chính phủ tháng 9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo chương trình giáo...
NDO - Dự án “Mỗi người, một mảnh ghép” sẽ sử dụng hình ảnh do độc giả gửi để ghép thành một bức ảnh lớn về Cột cờ Hà Nội.
QTO - Hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với...
QTO - Thời gian qua, TP. Đông Hà triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giảm sinh gắn với nâng cao chất lượng dân số. Nhờ huy động sự vào...
QTO - Háo hức, mong đợi là tâm lý chung của 31 phạm nhân ở Trại giam Nghĩa An thuộc Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) có tên trong...
QTO - Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa triển khai nhiều cách làm hay, thiết thực, phù hợp nhằm huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ các điều kiện...
QTO - Nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua, năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Linh tiếp tục giữ vững là 1 trong 3 đơn vị...