{title}
{publish}
{head}
Lễ mít tinh phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã năm 2024 được tỉnh tổ chức vào ngày 24/3. Đây là hoạt động tuyên truyền và giới thiệu chủ đề, thông điệp Ngày Động, Thực vật hoang dã thế giới, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Liên quan đến nội dung này, Báo Quảng Trị phỏng vấn bà NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh (VFBC).
-Thưa bà, Quảng Trị là một trong những vùng được các nhà khoa học và tổ chức quốc tế đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Bà có thể đánh giá khái quát về sự đa dạng sinh học này trên địa bàn tỉnh?
- Hệ động, thực vật ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng với hơn 110 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương....
Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung xây dựng, lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 3 Khu bảo tồn thiên nhiên, gồm: Đakrông, Bắc Hướng Hóa, biển đảo Cồn Cỏ; 2 khu rừng bảo vệ cảnh quan: Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và Rú Lịnh; 1 hành lang đa dạng sinh học kết nối 2 khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa.
- Tỉnh luôn xác định bảo tồn động vật hoang dã là công việc rất quan trọng. Vậy công tác này thời gian qua đạt được những kết quả gì, thưa bà?
- Để đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực này, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, giải pháp chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã cho mọi tầng lớp nhân dân. Vận động người dân tham gia tố cáo, tố giác các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển sản phẩm động, thực vật hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm; đồng thời ký cam kết với các nhà hàng, quán ăn không tiêu thụ động vật hoang dã đúng quy định của nhà nước.
Các cơ sở nuôi, trồng các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thì phải có đăng ký giấy phép theo đúng quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐCP ngày 22/1/2019 của Chính phủ. Các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng được giao. Triển khai thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững; tăng cường công tác điều tra cơ bản về đa dạng sinh học và xây dựng các kế hoạch bảo tồn. Hệ thống hóa và chuẩn hóa hoạt động tuần tra, giám sát đa dạng sinh học, diễn biến tài nguyên rừng.
Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tự nguyện tham gia tháo gỡ bẫy động vật hoang dã và nộp lại cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông -Ảnh: TÚ LINH
Nâng cao đời sống cho người dân sống tại vùng đệm các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, những người dân sống gần rừng; hỗ trợ tăng thu nhập thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, thân thiện với môi trường và liên kết doanh nghiệp với người sản xuất nhằm tăng giá trị chuỗi sản phẩm nông-lâm nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng, hải quan và các lực lượng chức năng khác trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật trong bảo vệ động, thực vật hoang dã, chủ động tham gia vào công tác phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm. Phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định và nghiêm minh đối với các vụ việc vi phạm.
Tỉnh phối hợp với Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án VFBC do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã và đang triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, áp dụng công nghệ trong công tác tuần tra và bảo vệ rừng đến tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa, thành lập các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng; đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã...
Nhìn chung trong thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp quý hiếm nên tình hình nuôi nhốt, săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.
-Mặc dù vậy, động vật hoang dã trên địa bàn vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn. Theo bà đó là những nguy cơ gì?
-Các nguy cơ đó là áp lực của gia tăng dân số đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Sự thay đổi phương thức sử dụng đất, biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã.
Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã tuy được hạn chế nhưng hoạt động này ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp, gây ra mối đe dọa lớn đến động, thực vật hoang dã trên địa bàn.
-Một trong những nguy cơ đe dọa lớn nhất đối với động vật hoang dã đó là nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã lớn. Để ngăn chặn động vật hoang dã đến các nhà hàng, quán nhậu, chúng ta cần triển khai những biện pháp nào?
-Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) thực hiện năm 2021 trên cả nước cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn, bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng. Những phát hiện quan trọng này đòi hỏi cần có những chương trình hành động, việc làm cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành, địa phương để giảm tiêu thụ động vật hoang dã. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành vi buôn bán động vật hoang dã và sử dụng thịt thú rừng.
Vì vậy, thông điệp của chiến dịch năm nay là “Con người có cặp, thú rừng có đôi. Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”. Thông qua buổi lễ, chúng tôi mong muốn có sự chung tay của cộng đồng và các cấp, ngành liên quan cùng đồng hành bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái tốt hơn bằng những hành động cụ thể, làm điều thiện với thiên nhiên, xây dựng lối sống có trách nhiệm hơn. Chiến dịch lần này tập trung nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng và cộng đồng về vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với thiên nhiên, con người và tiến tới ngừng tiêu thụ thịt thú rừng.
Để đạt được mục đích, chúng tôi tập trung vào các can thiệp sau: Hợp tác với cơ quan truyền thông và những người có ảnh hưởng xã hội để quảng bá, kêu gọi sự ủng hộ của công chúng với chiến dịch; lên tiếng phản đối hành vi tiêu thụ động vật hoang dã, báo cáo tới đường dây nóng khi có nghi ngờ về tiêu thụ động vật hoang dã.
Truyền thông và thực hiện ký cam kết cho các cơ sở nuôi, các nhà hàng, quán ăn không mua, bán, giết mổ, kinh doanh trái phép động vật hoang dã. Tích cực hợp tác liên ngành như kiểm lâm, tòa án, viện kiểm sát và khối kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm ngăn chặn nguy cơ cũng như kịp thời xử lý các vụ vi phạm liên quan tới săn, bẫy và tiêu thụ động vật hoang dã qua kênh nhà hàng, quán nhậu. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng sống ở vùng đệm của các khu bảo tồn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã và tố giác các hành vi săn, bẫy, tiêu thụ động vật hoang dã đến chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm.
Bên cạnh đó, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đa dạng sinh học, đẩy mạnh việc lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình hoạch định chính sách vĩ mô và đề án kỹ thuật.
-Xin cảm ơn bà!
Tú Linh(thực hiện)
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - Thực hiện chi trả an sinh xã hội (ASXH) bằng hình thức không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành...
QTO - Thị xã Quảng Trị từ xa xưa là dinh lỵ của tỉnh Quảng Trị, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước, đặc biệt là cuộc...
QTO - Giờ Trái đất là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng...
QTO - Dòng họ Hồ ở thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh là một trong những dòng họ có bề dày lịch sử hơn 550 năm. Thời gian qua, mặc dù cuộc sống còn...
QTO - Tính đến tháng 2/2024, toàn tỉnh có 11.359 đoàn viên, thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc...
QTO - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương huyện Triệu Phong đã gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn...
QTO - Gần một năm nay, hai em Hồ Anh Tân và Hồ Văn Phát, dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 2A6 điểm trường khu vực lẻ Pa Nho, Khối 6, thị trấn Khe Sanh thuộc...
QTO - Trong 2 ngày 20-21/3, Cục Thống kê tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo...
QTO - Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn huyện Hải Lăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện...
QTO - Ma túy ngày càng len lỏi sâu vào các bản làng, nơi nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy của người dân còn hạn chế. Số người đồng bào dân tộc...