Cập nhật:  GMT+7

Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số

Tính đến tháng 2/2024, toàn tỉnh có 11.359 đoàn viên, thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đây là lực lượng chính để dựng xây bản làng ấm no và góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Để ngăn ma túy hủy hoại thanh niên DTTS, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn cần đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tập hợp và thu hút đông đủ đoàn viên, thanh niên tham gia.

Hướng đến nhóm nguy cơ cao

Tội phạm về ma túy người DTTS chủ yếu tập trung vào các đối tượng nghiện hút, không có việc làm ổn định, chơi bời lêu lỏng... Tuy nhiên, trong nhiều hoạt động tuyên truyền về ma túy ở địa phương, họ hầu như không có mặt. Trao đổi với chúng tôi, nhiều bí thư xã đoàn đã thừa nhận thực tế này.

“Nhiều thanh niên địa phương làm việc thời vụ tại Lào, qua lại biên giới thường xuyên nên ít khi ở nhà. Cũng có trường hợp ở nhà nhưng không muốn tham gia. Đông đủ nhất trong các buổi tuyên truyền, tập huấn nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng trên địa bàn vẫn là học sinh, phụ nữ và người già”, Bí thư Xã đoàn Thanh Hồ Văn Phiết cho hay.

Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số

Một vụ án về ma túy được xét xử lưu động tại huyện Hướng Hóa -Ảnh: L.T

Xã Đakrông, huyện Đakrông là một trong những địa bàn phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới. Tại đây cũng diễn ra tình trạng tương tự các xã miền núi khác, đó là lực lượng thanh niên tham gia các buổi tuyên truyền còn ít, nhất là các đối tượng nghi vấn sử dụng hoặc đang sử dụng ma túy thường tìm mọi cách để trốn tránh.

“Thời gian tới, Xã đoàn phối hợp với Công an xã và các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các đối tượng nghi vấn sử dụng, đang sử dụng ma túy, thành lập các nhóm để phân công quản lý từng đối tượng và định kỳ hằng tháng có báo cáo. Đồng thời, chúng tôi đề nghị Công an xã từ 1 - 2 tháng cần tiến hành test ma túy đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao”, Bí thư Xã đoàn Đakrông Hồ Văn Nhực cho biết.

Về vấn đề này, anh Hồ Văn Viên, Bí thư Xã đoàn Thuận chia sẻ thêm: “Tuyên truyền mang tính chất tự nguyện nên dù biết nhiều thanh niên không có mặt, chúng tôi cũng không thể bắt buộc họ tham gia. Để tập hợp lực lượng đông đủ hơn cần có sự phối hợp giữa chính quyền, công an và tổ chức đoàn”.

Nhận xét về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Hoài Ly cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các tổ chức cơ sở đoàn chú trọng, nhất là hướng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Gần đây, vào tháng 10/2023, Huyện đoàn phối hợp với Công an tỉnh triệu tập những đối tượng nằm trong diện theo dõi (cùng người thân của họ) ở 3 xã Xy, Lìa và A Dơi (12-16 hộ gia đình/xã) để trao đổi, nắm bắt tình hình và yêu cầu các gia đình ký cam kết quản lý con em không vi phạm pháp luật nói chung, ma túy nói riêng. “Tuy nhiên, do đặc thù của huyện miền núi nên việc tập hợp lực lượng đoàn viên, thanh niên đông đủ trong các hoạt động của đoàn gặp khó khăn nhất định”, chị Hoài Ly cho biết.

Trước thực tế trên, thời gian tới, công tác tuyên truyền của đoàn cần phải hướng đến đầy đủ đối tượng hơn; nội dung tuyên truyền cần phải cụ thể như quy đổi số lượng ma túy trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép tương đương với mức hình phạt do pháp luật quy định... nhằm tác động sâu đến nhận thức của người dân.

Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng cần đổi mới hình thức để nâng cao chất lượng tuyên truyền về phòng chống ma túy - Ảnh: L.T

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Thiết Hùng cho rằng, nội dung, hình thức tuyên truyền cần nghiên cứu phù hợp với trình độ, lứa tuổi, tập quán của người DTTS. “Bên cạnh phương pháp tuyên truyền miệng cần xây dựng các pano, áp phích với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu; đặt ở các tuyến đường giao thông trọng điểm, trường học, nhà văn hóa... Như vậy, người dân sẽ dễ nắm bắt hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Tận dụng lợi thế của mạng xã hội

Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Nguyễn Lương Chính cho rằng, mạng xã hội ngày càng phổ biến, vì thế cần tận dụng sự lan truyền rộng rãi của nó để truyền thông trên mặt trận phòng, chống ma túy. Những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao sa vào tệ nạn ma túy thường rất ít khi ở nhà, người thân cũng khó quản lý, kiểm soát. Do đó, việc tuyên truyền theo hình thức truyền thống sẽ gặp khó khăn. “Việc tận dụng tối đa những tính năng của mạng xã hội như: zalo, facebook... sẽ tiếp cận rộng rãi các đối tượng hơn”, ông Chính nói.

Chia sẻ về quan điểm trên, anh Hồ Văn Phiết đưa ra con số: xã Thanh có 644 đoàn viên, thanh niên. Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã chủ yếu bỏ học từ lớp 9, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, đa số đều có và sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. “Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội là mục tiêu chúng tôi hướng tới”, anh Phiết khẳng định.

Thực tế trong những năm qua, lực lượng công an đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về tác hại và cách phòng, chống ma túy. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Công an tỉnh đã đăng tải 195 bài viết trên các nền tảng xã hội. Làm thế nào để những nội dung hữu ích này đến với tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên DTTS?

Tăng cường tương tác, tăng cường kết nối và chia sẻ để lan tỏa thông tin là cách lan tỏa nhanh nhất nội dung trên. Trách nhiệm này thuộc về tổ chức cơ sở đoàn địa bàn các xã miền núi. Các tổ chức cơ sở đoàn cần quán triệt, vận động đoàn viên, thanh niên địa phương tích cực tham gia tương tác, chia sẻ cho bạn bè, người thân để đưa nội dung tuyên truyền đến với mọi người, mọi nhà.

Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số

Một tác phẩm tuyên truyền về phòng chống ma túy của Đoàn thanh niên xã Tân Thành- Ảnh: L.T

Là người con của dân tộc Pa Kô, lâu nay Hồ Pu Tông Ngởi ở xã A Xing, huyện Hướng Hóa được biết đến là một thanh niên nặng lòng với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Thông qua các bộ phim ngắn, Hồ Pu Tông Ngởi đã gửi gắm rất nhiều thông điệp, trong đó có nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Anh chia sẻ: “Theo quan sát của mình, hình thức tuyên truyền theo kiểu “nóinghe” không phát huy hiệu quả, thanh niên trong các bản làng không thích tham gia”. Cũng theo Hồ Pu Tông Ngởi, người DTTS rất thích sinh hoạt cộng đồng, tập thể. Vì thế, thông qua sân chơi này để lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy như: xây dựng tiểu phẩm, trò chơi dân gian, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao có nội dung liên quan sẽ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia hơn. “Mình đang ấp ủ xây dựng các bộ phim ngắn về phòng, chống ma túy để mang đến chiếu ở các bản làng xa xôi, nơi đời sống tinh thần lẫn vật chất của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để làm được những bộ phim này cần có sự hỗ trợ về nguồn tư liệu cũng như kinh phí”, anh Ngởi trăn trở.

Cần nhiều hơn tiếng nói người trong cuộc

Vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Tấn Hải (sinh năm 1982), thôn Bích La Trung, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, xuất hiện nhiều trong các diễn đàn, hội thi, hội nghị tập huấn về phòng, chống ma túy ở huyện miền núi Hướng Hóa. Anh được xem là một “tuyên truyền viên” tích cực về phòng, chống ma túy ở địa phương.

Nhìn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của anh Hải hiện nay, ít ai biết anh từng “thân tàn ma dại” vì nghiện ma túy suốt 10 năm. “Ngày đó, người dân cả xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo đều nhìn thấy hình ảnh rách rưới, vật vờ của tôi giữa đường. Thời điểm nghiện nặng, tôi thường xuất hiện ảo giác tìm kiếm, nhặt vật liệu sắt mang về rèn gươm, dao đem bán sẽ có nhiều tiền. Ma túy đã lấy đi của tôi những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời”, anh Hải không ngại chia sẻ điều này với mọi người.

Tỉnh đoàn sẽ nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hay các cuộc thi tìm hiểu, sân chơi rung chuông vàng, phiên tòa giả định... Rà soát, đánh giá để kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, ma túy nói riêng trên địa bàn các xã miền núi, từ đó nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả. Xây dựng các bộ infographic, video, clip... để đăng tải, chia sẻ trên fanpage của các cấp bộ đoàn. Phát triển mô hình cảm hóa thanh niên chậm tiến “4 cặp 1” (1 cán bộ đoàn cấp xã, 1 cán bộ chi đoàn thôn, bản, khu phố, 1 công an xã, 1 cán bộ hoặc hội viên cựu chiến binh cùng tham gia kèm cặp, hỗ trợ 1 thanh niên chậm tiến). Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến hỗ trợ giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên vùng DTTS, nhất là các đối tượng sau cai nghiện, thanh niên mãn hạn tù để giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

TRƯỞNG BAN XÂY DỰNG ĐOÀN, TỈNH ĐOÀN NGUYỄN THỊ LUYẾN

Tại các diễn đàn, điều đầu tiên anh Hải chia sẻ, đó là nói không với ma túy đồng nghĩa nói không với chữ “thử cho biết”. Thử một lần là dính mãi mãi. Là người trong cuộc, anh Hải biết rõ ban đầu, đa phần thanh thiếu niên sử dụng ma túy đều theo trào lưu, do bạn bè rủ rê dẫn đến ham chơi, lười lao động, có lối sống buông thả, sa ngã vào con đường tệ nạn rồi dẫn đến phạm tội. Bản thân anh Hải trong thời gian 1 năm qua Lào làm thợ nề, nghe theo lời bạn bè hút thử cho biết rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.

Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số

Lấy câu chuyện cai nghiện của bản thân, anh Nguyễn Tấn Hải mong muốn mọi người hãy tránh xa ma túy -Ảnh: L.T

Điều thứ hai anh Hải chia sẻ đó là phải quyết tâm cai nghiện ma túy, như vậy mới không lún sâu vào con đường phạm tội vì nhiều thanh niên bị lệ thuộc vào ma túy, dẫn đến phạm các tội về vận chuyển, mua bán hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy. “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ được đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 ở huyện Cam Lộ. 20 ngày đầu tiên, tôi sống cách ly trong phòng với cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Khoảng 3 - 4 tháng sau khi vào trại, tôi bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. 18 tháng sau, tôi được trở về với gia đình”, anh Hải chia sẻ.

Tất nhiên, vượt qua được các mốc thời gian đó cần có bản lĩnh và sự quyết tâm. Khi trở về, anh Hải may mắn nhận được sự quan tâm của gia đình và chính quyền địa phương. “Đoàn thanh niên xã đã đứng ra kêu gọi một số tổ chức hỗ trợ con giống, kỹ thuật để anh Hải triển khai mô hình chăn nuôi thỏ. Nhờ đó, anh nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thỏ, gà... để đảm bảo cuộc sống gia đình”, chị Hoài Ly cho biết.

Từ câu chuyện của anh Hải, một người thân trong gia đình bị nghiện ma túy lâu năm đã lấy đó làm động lực cai nghiện thành công; nhiều gia đình có con em nghiện ma túy đã liên lạc nhờ anh hướng dẫn cách cai nghiện. Trong cuộc chiến đầy cam go với ma túy ở các xã miền núi, vùng DTTS rất cần tiếng nói của những người trong cuộc như anh Nguyễn Tấn Hải.

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương

Tin liên quan:
  • Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số
    Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 2: Hành vi phạm tội đơn giản nhưng ...

    Ma túy ngày càng len lỏi sâu vào các bản làng, nơi nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy của người dân còn hạn chế. Số người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phạm tội về ma túy tăng nhanh, tạo nên sự lo lắng, bất an cho các gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương trên tuyến biên giới. Hầu hết các vụ án ma túy do người DTTS thực hiện đều có hành vi giản đơn nhưng tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

  • Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 3: Đừng để ma túy hủy hoại thanh niên dân tộc thiểu số
    Ngăn “cơn lốc” ma túy cuốn qua bản làng. Bài 1: Ám ảnh những bản án tử hình

    Một thôn có 3 người bị tuyên án tử hình về ma túy; một gia đình có 2 người nhận án tử về tội danh trên... những câu chuyện này không còn là chuyện hiếm ở những bản làng vùng cao Hướng Hóa. Ma túy tràn qua bản làng như một cơn lốc, nhanh và để lại hậu quả khôn lường khiến khi nó qua đi, ai nấy đều bàng hoàng. Nỗi lo ma túy có thể ập vào nhà mình lúc nào không hay cứ thế lan dài trong những ngôi nhà nhỏ nơi vùng cao biên giới còn lắm khó khăn.


Lâm Thanh - Phan Hoài Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hai học sinh thay nhau cõng bạn đến trường

Hai học sinh thay nhau cõng bạn đến trường
2024-03-21 05:00:00

QTO - Gần một năm nay, hai em Hồ Anh Tân và Hồ Văn Phát, dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 2A6 điểm trường khu vực lẻ Pa Nho, Khối 6, thị trấn Khe Sanh thuộc...

Nguyễn Sỹ Nhật Tân - Bí thư chi đoàn giỏi

Nguyễn Sỹ Nhật Tân - Bí thư chi đoàn giỏi
2024-03-20 05:00:00

QTO - Là một cán bộ đoàn trách nhiệm, nhiệt huyết, nhất là trong các hoạt động thể thao, những năm qua, anh Nguyễn Sỹ Nhật Tân (sinh năm 1987), Phó Bí thư...

Trao cho em thơ nụ cười

Trao cho em thơ nụ cười
2024-03-19 06:42:00

QTO - Với tinh thần “Vì đàn em thân yêu”, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Những công...

Một cán bộ công đoàn tiêu biểu

Một cán bộ công đoàn tiêu biểu
2024-03-18 05:45:00

QTO - Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, cô giáo Lê Thị Sương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết