{title}
{publish}
{head}
“Mấy năm gần đây, xã Linh Trường có bước đổi thay tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ từ xã đến các thôn. Họ chính là những người miệt mài chuyển tải, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước rồi cùng người dân triển khai thực hiện. Anh cũng nên gặp chị Hồ Thị Duyên để biết thêm...”, Bí thư Đảng ủy xã Linh Trường Nguyễn Ngọc Trung nói. Từ lời gợi mở này, tôi tìm gặp chị Hồ Thị Duyên, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh.
“Nhà mình làm trước để bà con làm theo”
Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa bàn xã Linh Trường dài khoảng 3,9 km. Để có 329.000 m2 mặt bằng phục vụ thi công dự án, toàn xã có 129 trường hợp phải di dời nhà cửa, mồ mả, ảnh hưởng đến đất vườn, đất sản xuất. Trong đó, thôn Bến Hà có 31 hộ bị ảnh hưởng, là một trong những thôn có số hộ bị tác động bởi dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ lớn nhất của xã Linh Trường.
Những ngày đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), từ chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện, đơn vị quản lý dự án, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể xã Linh Trường vào cuộc chủ động, tích cực.
Chị Hồ Thị Duyên hỏi thăm tiến độ xây dựng nhà của anh Hồ Văn Bình ở Khu tái định cư xã Linh Trường - Ảnh: H.N
Mặc dù vậy, cũng như nhiều địa phương khác, Linh Trường gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn do những hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất phục vụ thi công hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ; một số hộ đòi hỏi mức bồi thường cao hơn nhiều so với quy định, cùng với đó là phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số...
“Xác định rõ vai trò, vị trí của mình, Ban Công tác mặt trận thôn Bến Hà đã tích cực phối hợp với cấp ủy, ban cán sự và các đoàn thể thôn vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển hệ thống đường cao tốc, đồng thuận với pháp luật, chính sách về GPMB, bồi thường, hỗ trợ. Nghe thì đơn giản nhưng để thực hiện hiệu quả việc này trên thực tế gặp không ít trở ngại...”, chị Hồ Thị Duyên chia sẻ.
Là trưởng ban công tác mặt trận thôn, phải làm gì để bà con tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin vào cán bộ xã, thôn? Đây là điều chị Hồ Thị Duyên luôn trăn trở để tìm cách làm phù hợp, hiệu quả và rồi chị đúc kết: Muốn làm tốt công tác GPMB thì nhà mình làm trước để bà con làm theo. Nghĩ là làm. Người mà chị Duyên “nhắm” đến là anh Hồ Ngọc Quế, anh ruột chồng của chị Duyên. Hộ anh Quế có khoảng 3 sào đất trồng cao su trong diện thu hồi để phục vụ thi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.
Khi nghe chị Duyên cùng những người trong gia đình thuyết phục, anh Quế lập tức đồng ý với phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng sớm cho đơn vị thi công. Việc anh Quế nhanh chóng bàn giao đất canh tác gần như đã trở thành “cú hích” thúc đẩy nhiều hộ dân ở Bến Hà đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Như gia đình anh Hồ Văn Bình có căn nhà rộng 170 m2 cùng đất vườn khoảng 1.900 m2 trong diện thu hồi đất, khi được cán bộ xã, mặt trận và các đoàn thể thôn tuyên truyền, vận động, anh Bình đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Hôm chúng tôi cùng chị Duyên đến thăm nơi ở mới của anh Bình ở Khu tái định cư xã Linh Trường đã thấy căn nhà rộng rãi, kiên cố của anh đang được gấp rút thi công hoàn thiện.
“Đất đai cha ông để lại bây chừ rời bỏ đến ở nơi khác cũng suy nghĩ, đắn đo dữ lắm nhưng khi nghe cán bộ huyện, xã rồi chị Duyên nói về lợi ích của đường cao tốc, chính sách GPMB cùng mức bồi thường của nhà nước thỏa đáng nên gia đình tui cũng nhiều nhà khác trong thôn đồng ý giao đất để đường được thi công nhanh”, anh Bình nói.
Với người Vân Kiều, “rừng ma”, nơi chôn cất người chết là địa điểm rất quan trọng, linh thiêng không ai dám đụng đến bởi những hình phạt... Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn thôn Bến Hà ảnh hưởng đến một khu “rừng ma” chôn cất 13 người thân của 8 dòng họ. Để những gia đình có người thân yên nghỉ ở đây đồng thuận di dời toàn bộ mồ mả, chị Duyên cùng cán bộ xã, thôn đến từng nhà trao đổi, phân tích.
“Việc di dời mồ mả ra khỏi “rừng ma” để lấy đất làm đường cao tốc là câu chuyện không dễ thuyết phục bà con. Có trường hợp, khi chúng tôi đến, chủ nhà nói thẳng: Nói chuyện chi cũng được nhưng chuyện đụng đến “rừng ma” thì thôi. Một, hai lần chưa được thì phải tìm đến nhà thêm mấy lần nữa để nói cho đến khi bà con ưng cái bụng”, chị Duyên chia sẻ.
Với ông Hồ Văn Quân (áo xanh), chị Hồ Thị Duyên là người thân trong gia đình - Ảnh: H.N
Như ông Hồ Văn Quân (sinh năm 1958), những ngày đầu nghe cán bộ đến nói chuyện di dời mộ con gái ra khỏi “rừng ma”, ông lắc đầu quầy quậy bởi việc này ông chưa thấy ai làm bao giờ... Thế rồi tâm sức của cán bộ cũng được đền đáp khi ông Quân không chỉ đồng ý mà còn vận động thêm 6 người trong dòng họ cùng thực hiện di dời mồ mả người thân ra khỏi nơi linh thiêng này.
- Sao lúc đầu ông không đồng ý nhưng sau đó lại là người đi đầu trong việc đưa mồ mả ra khỏi “rừng ma”?
- Vì việc chung mà những cán bộ như chị Duyên tìm đến nhà mấy lần nói chuyện, phân tích lẽ thiệt hơn nên miềng cũng phải suy nghĩ lại. Phong tục thì phải giữ nhưng một khi việc ni cản trở tiến độ làm đường cao tốc của nhà nước thì không nên. Khu “rừng ma” chừ là nền đường cao tốc, bà con ai cũng phấn khởi, không còn băn khoăn chuyện mồ mả tổ tiên, con cháu - ông Quân khẳng khái.
Đến thời điểm này, 100% hộ dân ở thôn Bến Hà bị ảnh hưởng GPMB phục vụ thi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đã bàn giao mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công.
Góp sức để quê hương ngày càng phát triển
Sinh năm 1988, khoảng năm 2008, Hồ Thị Duyên rời quê hương Bến Hà ra Đại học Sư phạm Vinh theo học khoa Ngữ Văn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Duyên trở về quê rồi lập gia đình... Đầu năm 2018, Duyên bắt đầu tham gia công tác hội phụ nữ thôn rồi làm Phó Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bến Hà.
Trong thời gian này, với sự hiểu biết, năng động của mình, Duyên đã góp phần quan trọng đưa công tác hội và phong trào phụ nữ của thôn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; hoạt động xây dựng đời sống văn hóa mới, thúc đẩy bình đẳng giới. Từ năm 2020, Hồ Thị Duyên đảm nhận cương vị Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Bến Hà...
Bến Hà có 151 hộ, khoảng 600 nhân khẩu, trên 95% dân số của thôn là người Vân Kiều. Mấy năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây có bước đổi thay tích cực. Nói đâu xa, cũng với diện tích canh tác trên 500 ha như trước đây nhưng đến nay, người dân Bến Hà đã có 9 ha đất trồng lúa, 510 ha đất trồng keo, tràm, cao su..., không có đất bỏ trống, hoang hóa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ phát triển mạnh mẽ.
Điều này đã mang lại kết quả tích cực là toàn thôn hiện chỉ còn 29 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo, trong đó có nhiều hộ ốm đau, mất sức lao động; đến cuối năm 2023, Bến Hà có 139 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; kết cấu hạ tầng nông thôn mới được quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Có được kết quả này, bà con đã thay đổi tư duy, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; luôn đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sinh hoạt và trong xây dựng môi trường sống văn minh, văn hóa, an toàn.
Lý giải về bước bứt phá đi lên của địa phương, Bí thư Chi bộ thôn Bến Hà Hồ Văn Thơ cho rằng, điểm mấu chốt là cấp ủy đảng, ban cán sự, mặt trận và các đoàn thể thôn xem mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là sự đồng thuận, chung tay thực hiện và sự hài lòng của người dân.
“Với vai trò là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, chị Hồ Thị Duyên không chỉ gương mẫu đi đầu trong sản xuất, sinh hoạt, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc mà còn là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chị Duyên cũng là người sáng tạo, năng động trong tổ chức các phong trào, cuộc vận động của mặt trận, của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong sinh hoạt đảng, đồng chí Duyên là đảng viên gương mẫu, phát huy tốt tinh thần tự phê bình và phê bình, luôn có những ý kiến xác đáng, góp phần giúp cấp ủy đưa ra các chủ trương lãnh đạo sát đúng tình hình mọi mặt của thôn”, ông Thơ chia sẻ.
Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa bàn thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh đang được gấp rút thi công - Ảnh: H.N
Theo chị Duyên, công việc của cán bộ mặt trận cơ sở rất đa dạng, muốn thực hiện tốt cần nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tâm tư, nguyện vọng của người dân rồi các phong trào, cuộc vận động hay một công việc cụ thể phải xác định bước đi, cách làm phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức.
“Đơn cử, như trong năm 2024, Bến Hà đặt ra chỉ tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Để tạo sự đồng thuận trong dân, chúng tôi tổ chức các cuộc họp để thông tin rõ ràng về các hạng mục, bàn thảo các phương án huy động kinh phí, nhân công, cách thức xây dựng và quản lý. Khi có được sự thống nhất cao trong dân mới bắt tay thực hiện.
Do vậy hạng mục được triển khai đúng với mục tiêu, yêu cầu đề ra, bà con rất phấn khởi và tin tưởng vào cấp ủy, ban cán sự và mặt trận thôn. Rồi vấn đề giúp hộ nghèo thoát nghèo, thôn coi trọng việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo, những vấn đề hộ nghèo đang cần giải quyết để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi đặt ra yêu cầu đầu tiên, cơ bản nhất là phải quan tâm hỗ trợ sinh kế vì chỉ khi người nghèo có việc làm ổn định, có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh thì việc thoát nghèo mới nhanh, bền vững”, chị Duyên bộc bạch.
Với những cống hiến, thành tích đạt được, năm 2022, chị Hồ Thị Duyên được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác; năm 2023 được Chủ tịch UBND huyện Gio Linh tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2023. Năm 2022, Ban Công tác mặt trận thôn Bến Hà được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Chia sẻ về những việc làm của mình, chị Duyên nói: “Với tôi, niềm vui trong cuộc sống chính là làm được những việc đơn giản nhưng có ích, góp phần mang lại điều tốt đẹp cho bà con dân bản, xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, văn minh”.
Huy Nam
QTO - Trước đây, một bộ phận phụ nữ huyện Gio Linh quan niệm: “Giàu nghèo có số, cố cũng không xong”. Từ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Hội LHPN...
Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiếp sức đến trường năm 2024
QTO - Trước những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, manh động của tội phạm ma túy trên địa bàn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã triển khai...
QTO - Nước Đức là thị trường lao động tiềm năng mà huyện Gio Linh đang quan tâm để mở rộng ngoài các thị trường truyền thống. Từ năm 2023 đến nay, nhiều...
QTO - Những năm gần đây, tình hình nhiễm ký sinh trùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là liên quan đến các vật nuôi như chó, mèo có chiều hướng gia...
QTO - Từng bước khẳng định đơn vị đi đầu về chăm sóc sức khỏe nhãn khoa
QTO - Nhiều người dân trong một xóm nhỏ của thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, nhiều năm nay phải vật lộn trong khốn khổ với căn bệnh suy thận...
QTO - Trước nhu cầu không ngừng đảm bảo và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ dạy học, việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đã thu hút...
QTO - Ở tuổi 18, em HOÀNG HÀ LINH, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vừa ghi tên mình vào cuốn sách “Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc...
QTO - Ngay lần đầu gặp mặt, nữ Bí thư Xã đoàn Hồ Thị Kim Cúc đã để lại ấn tượng với chúng tôi bởi duyên ăn nói của một cô gái Vân Kiều, giọng nhỏ nhẹ nhưng...
QTO - Năm 2024, kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Nhớ lại những năm tháng anh dũng chiến đấu cũng như cống hiến xây dựng quê hương giữa thời bình,...
QTO - Chiến dịch K8 đưa hàng vạn học sinh Vĩnh Linh, các vùng Gio Linh, Cam Lộ đang sơ tán tại Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc cách đây gần 60 năm về trước...