{title}
{publish}
{head}
Bưu điện văn hóa xã là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khai thác và quản lý. Ngoài việc cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu, bưu điện văn hóa xã còn là nơi triển khai các chương trình, đề án, dự án đưa thông tin, truyền thông về nông thôn, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân.
Người dân đến đọc sách, báo, truy cập internet miễn phí tại Bưu điện văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: T.T
Năm 2023, Bưu điện văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông là 1 trong 8 điểm bưu điện văn hóa xã được đầu tư thí điểm từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bưu điện được trang cấp 1 bộ máy tính, 2 tủ sách báo, 1 bộ bàn ghế để người dân đến đọc sách, báo tại chỗ. Mở cửa từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần, Bưu điện văn hóa xã Tà Rụt là nơi để người dân tiếp cận, sử dụng các tiện ích.
Đặc biệt vào các ngày chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong khi chờ đến lượt nhận tiền, người dân có nhiều thời gian hơn để đọc sách, báo, truy cập internet miễn phí. Với em Hồ Văn Quách, ở thôn Tà Rụt 1, điểm bưu điện văn hóa xã là nơi giúp em có thể truy cập internet miễn phí để tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học và ôn thi cuối cấp.
Em Quách cho biết: “Học sinh ở vùng sâu, vùng xa như chúng em không có điều kiện mua máy tính nên việc tìm kiếm thông tin, tài liệu trên internet để bổ sung thêm kiến thức cho việc học ngoài sách giáo khoa gặp nhiều khó khăn. May mắn là nhờ có địa điểm truy cập internet miễn phí của bưu điện văn hóa xã nên em đã có điều kiện tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc ôn thi”.
Anh Hồ Văn Nớc, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Tà Rụt cho biết thêm, sau khi được đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị máy tính có kết nối internet, điểm bưu điện văn hóa xã có điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Hiện nay có các đầu báo tại điểm bưu điện văn hóa xã được người dân quan tâm đọc nhiều như báo Quảng Trị, báo Nông thôn ngày nay, báo Dân tộc và Phát triển... Đặc biệt người dân địa phương rất quan tâm đọc báo Quảng Trị vì giúp họ nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, các chủ trương, chính sách dành cho người dân, nhất là các chương trình dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài 4 điểm bưu điện văn hóa xã được lựa chọn đầu tư thí điểm từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Đakrông hiện vẫn còn 6 điểm bưu điện văn hóa xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn cần được đầu tư về cơ sở vật chất.
Phó Giám đốc Bưu điện huyện Đakrông Nguyễn Đức Hội cho biết: “Từ hiệu quả của các điểm bưu điện văn hóa xã được đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ tốt hơn nhu cầu được cung cấp thông tin của người dân, đặc biệt hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như cấp đổi hộ chiếu, giấy phép lái xe một cách thuận tiện, chúng tôi mong muốn các điểm bưu điện văn hóa xã còn lại của địa phương có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn”.
Bưu điện tỉnh có 8 điểm bưu điện văn hóa xã tại các xã Tà Rụt, A Ngo, Hướng Hiệp, Mò Ó (huyện Đakrông), Hướng Phùng, xã Lìa, Hướng Tân, A Dơi (huyện Hướng Hóa) được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư thí điểm từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp các dịch vụ thông tin công cộng phục vụ Nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, giúp Nhân dân ở khu vực này có điều kiện tiếp cận các thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và các thông tin thiết yếu khác. Dự án đã hỗ trợ đầu tư hệ thống bàn ghế, máy tính có kết nối internet, tủ trưng bày, ấn phẩm báo chí.
Tại các điểm phục vụ đã được dán pa nô, áp phích để quảng cáo, giới thiệu cho người dân biết đến dịch vụ. Bưu điện tỉnh cũng đã thực hiện giới thiệu và tuyên truyền đến người dân trong các kỳ chi trả lương hưu (tại các kỳ chi trả có trên 500 người/tháng đến tại các điểm bưu điện văn hóa xã). Trong các đợt ra quân giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, nhân viên bưu điện cũng đã tuyên truyền cho người dân biết để đọc báo, truy cập internet miễn phí tại các điểm bưu điện văn hóa xã.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Thị Hà Nhung chia sẻ: “Từ kết quả mang lại tại 8 điểm được đầu tư thí điểm từ dự án, chúng tôi mong muốn mô hình được nhân rộng đến các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn còn lại của các huyện Hướng Hóa, Đakrông và xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh nhằm phục vụ người dân có điều kiện tiếp cận các thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở những khu vực này”.
Toàn tỉnh hiện có 213 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó 89 bưu cục cấp 1, 2, 3 và điểm phục vụ, khách hàng lớn, 114/125 xã, phường có điểm bưu điện văn hóa xã. Đến nay, 113/125 xã, phường, thị trấn và 9/10 huyện, thị xã, thành phố có báo đến trong ngày (trừ huyện đảo Cồn Cỏ).
Căn cứ Thông tư số 28/2015/TT-BTTTT ngày 2/10/2015 Quy định danh mục vùng có điều kiện địa lý đặc biệt áp dụng tần suất thu gom và phát đặc thù trong cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, tỉnh Quảng Trị có 23 xã có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn.
Với những kết quả ban đầu thí điểm 8 điểm bưu điện văn hóa xã từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, việc triển khai nhân rộng đối với các xã còn lại trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
Thanh Trúc
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - 70 năm trước, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Nghị định số 68/Z.Y.C/NĐ/3A ngày 4/8/1955 thành lập Bệnh viện khu vực (BVKV) Vĩnh Linh. Kể từ khi thành lập đến...
QTO - Ở tuổi 64, bà Lê Thị Thúy, trú tại thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, vẫn chưa có một ngày hạnh phúc.
QTO - Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Biết rõ điều đó, ngày càng nhiều phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh với mong muốn đây sẽ là ngôn...
QTO - Với số lượng người dùng tăng nhanh, mạng xã hội đang trở thành kênh thông tin quan trọng phục vụ đời sống con người nói riêng và sự phát triển xã hội...
QTO - Lao động tự do hầu hết đều “4 không”: không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có bảo hộ lao động và không được trang bị...
QTO - Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho bà con trong tỉnh, thời gian qua, các thầy thuốc trẻ Quảng Trị còn hướng trái tim yêu thương đến người dân nước bạn...
QTO - Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN). Việc sử dụng các loại...
QTO - Theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với...
QTO - Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phòng Giao...
QTO - Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc là mô hình đột phá mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị hướng đến xây dựng trong...