Cập nhật:  GMT+7

Một hộ dân bị chính quyền yêu cầu trả lại đất sau 34 năm sử dụng

Đó là trường hợp của gia đình ông Trần Dũng và bà Nguyễn Thị Dung, ở thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh. Không đồng ý với yêu cầu của chính quyền, gia đình ông Dũng đã gửi đơn đến Báo Quảng Trị với mong muốn được làm sáng tỏ sự việc.

Một hộ dân bị chính quyền yêu cầu trả lại đất sau 34 năm sử dụng

Ông Trần Dũng bên thửa đất mình khai hoang, đang canh tác nhưng chính quyền yêu cầu tự thu dọn tài sản, trả lại đất - Ảnh: LÊ MINH

Khai hoang, sử dụng đất 34 năm không có tranh chấp

Kể về mảnh đất của gia đình mình, ông Trần Dũng cho biết: Năm 1990, ông Dũng lập gia đình và ra ở riêng. Vì hoàn cảnh gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, gia đình đã khai hoang một thửa đất có mặt tiền giáp với Tỉnh lộ 74, có diện tích 531 m2 , chiều ngang thửa đất khoảng 27 m, chiều sâu thửa đất gần 20 m, thuộc thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh. Lý do ông Dũng khai hoang thửa đất kể trên là vì xung quanh khu vực này đều là đất của nông trường canh tác cây cao su, riêng phần đất đó chủ yếu là đá cuội, đá hộc cỡ to, không canh tác được, để hoang lâu ngày.

Theo ông Dũng, thời điểm đó, khai hoang thửa đất rất nguy hiểm bởi ngoài đá còn có cả bom đạn sót lại sau chiến tranh. Trong thời gian này, nghề chẻ đá đang tạo thu nhập cho người dân địa phương. Tận dụng nguyên liệu đá thu được, ông Dũng chẻ ra để bán, kiếm thêm thu nhập.

Từ đó, ông Dũng theo nghề chẻ đá với nguồn nguyên liệu chính khai thác được tại thửa đất do gia đình khai hoang. Sau này, những hòn đá to, gia đình ông Dũng phải thuê phương tiện cơ giới đào bới. Sau khi khai thác hết đá cuội trên thửa đất, gia đình ông Dũng sử dụng thửa đất để trồng tràm, bơ, các loại cây hoa màu, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc.

Quá trình khai hoang, sử dụng đất của gia đình Dũng ổn định, liên tục, không có tranh chấp, không bị chính quyền, cơ quan, tổ chức ngăn cản, lập biên bản, xử phạt vi phạm về đất đai. Nhiều người dân sinh sống, công tác tại địa phương đều xác nhận thửa đất kể trên do gia đình ông Dũng khai hoang, sử dụng từ năm 1990.

Những người xác nhận thửa đất cho gia đình ông Dũng bằng văn bản gồm các ông: Lê Đức Hùng, Dương Bá Quy, Nguyễn Viết Hảo, Nguyễn Văn Thông, trong đó, ông Hùng và ông Quy nguyên là Đội trưởng Đội sản xuất 60, thuộc Nông trường 74.

Bàn giao đất cho địa phương quản lý khi hộ dân đang sử dụng

Ông Dũng cho biết, từ cuối năm 2023, UBND xã Gio Sơn đã cử cán bộ về gia đình vận động, yêu cầu gia đình thu dọn tài sản, trả lại thửa đất để chính quyền xây dựng các công trình công cộng mà không áp dụng các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo ông Dũng, UBND xã đã nhiều lần đến gia đình ông vận động gia đình tự thu dọn tài sản, trả lại đất. Sau nhiều lần gia đình không đồng ý thì đưa ra phương án nếu gia đình trả lại đất, không bồi thường, sẽ được chính quyền cho mượn 1.500 m2 đất nông nghiệp ở vị trí khác để canh tác, thời gian cho mượn là 5 năm. Ông Dũng cho rằng như vậy là quá vô lý, không minh bạch và ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình nên không đồng ý.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Đỗ An Chung cho biết, thửa đất gia đình ông Dũng đang canh tác trước đây là đất trồng cao su của Công ty Cao su Quảng Trị (nay là Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị - sau đây gọi tắt là Công ty Cao su Quảng Trị) sử dụng từ năm 1986. Thời điểm đó, Công ty Cao su Quảng Trị không sử dụng phần đất này và dành để làm hành lang lô cây và hành lang đường 74. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã sử dụng để canh tác.

Đến năm 2014, UBND huyện Gio Linh hoán đổi đất với Công ty Cao su Quảng Trị và năm 2018 Công ty Cao su Quảng Trị tiến hành thanh lý vườn cây. Ngày 25/2/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 386 thu hồi một phần diện tích đất đã cho Công ty Cao su Quảng Trị thuê tại các xã Gio Sơn và các xã miền Tây huyện Gio Linh để giao địa phương quản lý, sử dụng. Quá trình đo đạc thửa đất, gia đình ông Dũng nằm trong thửa số đất số 1167, tờ bản đồ số 12, có diện tích 2,7 ha, tại xã Gio Sơn, huyện Gio Linh.

Ông Đỗ An Chung cho rằng, năm 2020, thửa đất số 1167 được UBND xã Gio Sơn đưa vào kế hoạch sử dụng đất để xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng thôn Nam Đông, Khu văn hóa, thể thao xã Gio Sơn và trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Gio Sơn. Sau khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất, chính quyền vẫn tạo điều kiện để các hộ dân tiếp tục canh tác, chờ quy hoạch và khi được bố trí nguồn lực xây dựng sẽ thu hồi để triển khai xây dựng các công trình.

Lý giải về việc thu hồi đất của hộ dân nhưng không thực hiện các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Đỗ An Chung khẳng định: “vì trước đây gia đình đã tự nguyện cam kết trả lại đất”. Tuy nhiên, phía gia đình ông Dũng cho rằng “gia đình cam kết bàn giao thửa đất với điều kiện phải có sự thỏa thuận giữa chính quyền và gia đình chứ không phải cam kết bàn giao mà không được bồi thường, giải phóng mặt bằng”.

Tiếp cận với bản cam kết, phóng viên nhận thấy biên bản có tiêu đề “Biên bản xác định diện tích và bàn giao”; nội dung, chữ viết trong biên bản do công chức địa chính xã Gio Sơn Lê Văn Sáng soạn thảo với nội dung ghi nhận diện tích gia đình đang canh tác, thống nhất ranh giới và cam kết trả lại đất cho UBND xã.

Điều đáng nói là biên bản không thể hiện cơ quan làm biên bản (trong trường hợp này phải là UBND xã Gio Sơn); người lập biên bản cũng không ghi rõ chức vụ mà chỉ ghi người lập biên bản là Lê Văn Sáng. Về nội dung cam kết của ông Dũng cũng thể hiện: “... khi bàn giao, mọi vướng mắc trên thửa đất ủy ban cùng gia đình thống nhất giải quyết”.

Ngoài ra, UBND xã Gio Sơn cũng cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ như giấy mời gia đình làm việc để trống nhiều thông tin; biên bản làm việc giữa chính quyền xã Gio Sơn và hộ dân bao gồm Chủ tịch UBND xã Gio Sơn, Thường trực HĐND xã, MTTQ Việt Nam xã, Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn và gia đình ông Dũng nhưng các thành viên tham gia đều không ký vào biên bản.

Thu hồi đất phải đúng quy định pháp luật

Từ diễn biến sự việc cho thấy, gia đình ông Trần Dũng khai hoang, sử dụng đất, ổn định, liên tục, cải tạo, phục hóa đất đai, làm tăng giá trị của đất, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai và không bị chính quyền, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.

Mặc dù gia đình ông Dũng khai hoang trên phần diện tích đã được giao cho Công ty Cao su Quảng Trị quản lý, nhưng đơn vị này đã không sử dụng, quản lý phần đất kể trên trong một thời gian dài kể từ khi được giao đến nay và cũng không có ý kiến gì với gia đình ông Dũng về việc sử dụng đất. Mặt khác, gia đình ông Dũng sử dụng từ năm 1990 nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất cho Công ty Cao su Quảng Trị được tiến hành sau năm 2000.

Hiện nay, thửa đất kể trên đã được Công ty Cao su Quảng Trị bàn giao cho địa phương quản lý. Thực tế diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời qua, nhiều diện tích đất được giao cho các nông, lâm trường sử dụng nhưng bỏ hoang, người dân tự ý sử dụng. Và sau khi cổ phần hóa, các nông, lâm trường đã giao nhiều diện tích đất cho địa phương quản lý, trong đó có những diện tích người dân đã sử dụng.

Giải quyết vấn đề này, các địa phương trong tỉnh đã công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thửa đất kể trên vẫn chưa được quy hoạch vào mục đích sử dụng khác. Như vậy, theo Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 138, 139 Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), gia đình ông Dũng đủ điều kiện để được xem xét công nhận quyền sử dụng đất.

Việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương là cần thiết, phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp thửa đất kể trên được cơ quan chức năng quy hoạch, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng thì phải thực hiện các quy định pháp luật về thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Lúc này việc thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với thửa đất gia đình ông Dũng xảy ra 2 trường hợp, nếu đủ điều kiện được công nhận thì được bồi thường, hỗ trợ như đã có giấy CNQSD đất; trường hợp không đủ điều kiện được công nhận thì được hỗ trợ theo các quy định pháp luật về bồi thường hỗ trợ, đặc biệt là Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh.

Các hoạt động thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng về đất và tài sản trên đất không thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã mà thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện, trong trường hợp này thẩm quyền thuộc UBND huyện Gio Linh.

Chính vì vậy, UBND xã Gio Sơn cần thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai đúng quy định, thẩm quyền. Hộ gia đình ông Trần Dũng cần phối hợp với chính quyền trong thực hiện các kiến nghị.

Trong quá trình giải quyết kiến nghị, giữa hộ dân và chính quyền có thỏa thuận khác phù hợp pháp luật, cần tích cực thực hiện nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và người dân để sớm chấm dứt kiến nghị, ổn định tình hình.

Lê Minh

Tin liên quan:
  • Một hộ dân bị chính quyền yêu cầu trả lại đất sau 34 năm sử dụng
    Trở lại bài báo: “Định cư 30 năm, 4 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận ...

    Các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất cho 4 hộ dân ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba đã có hiệu lực pháp luật gần 2 năm. Tuy nhiên, đến nay 4 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất theo quyết định giải quyết khiếu nại.

  • Một hộ dân bị chính quyền yêu cầu trả lại đất sau 34 năm sử dụng
    Hồi âm bài báo “Định cư 30 năm, 4 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận ...

    Ngày 1/8/2023, đại diện 4 hộ gia đình ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là giấy CNQSD đất) do UBND huyện Hải Lăng cấp sau 4 năm kiến nghị, khiếu nại.

  • Một hộ dân bị chính quyền yêu cầu trả lại đất sau 34 năm sử dụng
    Định cư 30 năm, 4 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Nhiều năm qua, 4 hộ dân ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng liên tục có kiến nghị gửi các cấp chính quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất mà họ đã làm nhà ở, sinh sống ổn định từ 30 năm trước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại nêu ra nhiều lý do để không thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân như đất quy hoạch giao thông, đất có tranh chấp...


Lê Minh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết