Báo Bild cho hay, phương Tây cũng đưa ra kế hoạch B trong trường hợp Moscow và Kiev không đồng ý nối lại đàm phán. Kế hoạch này là đóng băng cuộc xung đột mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào giữa Nga và Ukraine.
Binh sỹ Ukraine khai hỏa pháo tự hành CAESAR ở miền Đông, ngày 28/12/2022. Ảnh: Getty
Ông Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE), nói với Sputnik: “Trước tiên, thông tin này nên được xem xét trong bối cảnh thời gian cụ thể. Nó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần như ngay lập tức sau khi kết thúc cuộc họp của nhóm Ramstein với quyết định quan trọng là thành lập liên minh phòng không nhằm giúp Ukraine chống lại các mối đe doạ từ tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Đây là một kiểu đề xuất đầu tiên mà trong đó cần phải có các động thái chính trị nhất định để Ukraine sẵn sàng đàm phán”.
Hỗ trợ Ukraine trở nên “đắt đỏ”
Theo ông Evstafiev, cuộc trả lời phỏng vấn của David Arakhamia, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền Ukraine, ở thời điểm này cũng rất đáng chú ý.
Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 25/11, ông Arakhamia, người đứng đầu phái đoàn Ukraine trong các cuộc đàm phán với Nga ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, nói rằng Moscow từng đề xuất chấm dứt chiến sự nếu Kiev cam kết duy trì trung lập và không vào NATO.
Ngoài ra, ông còn bác bỏ câu chuyện của truyền thông phương Tây rằng Nga không muốn đàm phán hòa bình với Ukraine. Ông nói Moscow sẵn sàng đàm phán và họ có thể bắt đầu khi Kiev đã sẵn sàng.
Arakhamia cũng tiết lộ rằng, thời điểm đó, một số đồng minh phương Tây đã khuyên Kiev không chấp nhận thỏa hiệp vì Moscow không đặt ra đảm bảo an ninh thực chất. Sau vòng đàm phán ở Istanbul, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đến thăm Kiev và vận động chính phủ Ukraine tiếp tục chiến đấu.
“Tuy nhiên, sự hỗ trợ dành cho Kiev ngày càng trở nên đắt đỏ/tốn kém về mặt chính trị đối với chính các quốc gia chủ chốt cung cấp viện trợ, trước hết là Đức và Mỹ. Mỹ gần như đã ngừng viện trợ cho Ukraine. Tất nhiên, vẫn sẽ có sự đánh giá lại thông qua Lầu Năm Góc, nhưng người ta sẽ không còn thấy những gói viện trợ lớn nữa. Hỗ trợ từ Liên minh châu Âu sẽ chủ yếu nhằm mục đích duy trì chức năng của hệ thống hành chính công và một số loại hỗ trợ xã hội, nhưng không tập trung nhiều vào hỗ trợ quân sự”, ông Evstafiev nói.
“Điểm thứ hai, có thể thấy rõ từ các tuyên bố của phương Tây, là Kiev hiện đang ở “những phút chót’ có thể đưa ra yêu sách về các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn với Moscow”, giáo sư Nga cho biết thêm.
“Tối hậu thư” của phương Tây
Theo Bild, Mỹ và Đức sẽ cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí hạn chế, đủ để giữ phòng tuyến nhưng không đủ để tiến hành một cuộc tấn công mới. Tờ báo cho rằng điều này sẽ buộc Tổng thống Zelensky phải xem xét về một thỏa thuận hòa bình.
“Kiểu thao túng như vậy có vẻ khá hiệu quả. Ông Zelensky có thể lấy vũ khí ở đâu khác? Vũ khí từ thời Liên Xô còn sót lại trên lãnh thổ Ukraine đã cạn kiệt. Lực lượng vũ trang Ukraine đang ngày phụ thuộc vào vũ khí phương Tây để chiến đấu. Số lượng vũ khí trong nước đang giảm với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong 4-5 tháng qua. Quân đội Ukraine sẽ chỉ có thể chiến đấu bằng vũ khí của phương Tây và nếu không có sự hỗ trợ hậu cần từ NATO, lực lượng thiết giáp của Ukraine sẽ phải ngừng các chiến dịch trong khoảng 4-5 tuần nữa”, ông Evstafiev nhận định.
Tuy nhiên, ông Evstafiev tin rằng phương Tây sẽ không lãng phí thời gian để thuyết phục Tổng thống Ukraine bắt đầu đàm phán. Nhiều khả năng họ sẽ đưa ra tối hậu thư: hoặc ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán với cùng Nga hoặc người kế nhiệm ông sẽ làm như vậy.
Theo giáo sư Evstafiev, ông Zelensky không phải là nhân vật không thể thiếu trong mắt phương Tây. Phương Tây “cần một người sẵn sàng câu giờ để đổi lấy lãnh thổ”. Họ cần ai đó sẽ ổn định hệ thống nhà nước ở Ukraine, thực hiện một số cải cách, giảm bớt áp lực cho người Ukraine.
Về phần Tổng thống Zelensky, sẽ rất khó để ông đảo ngược quan điểm lâu nay về việc đàm phán hòa bình với Nga. Ông Zelensky đã ban hành sắc lệnh coi việc đàm phán với Moscow là bất hợp pháp. Giáo sư Evstafiev cho rằng: “Việc đàm phán là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với ông Zelensky và giới chức cấp cao xung quanh ông”.
Vì sao phương Tây thúc đẩy Ukraine đàm phán?
Theo giáo sư Evstafiev, một số nhà hoạch định chính sách phương Tây coi Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny là Charles de Gaulle* của Ukraine, nhưng vấn đề là ông Zaluzhny khó có thể từ bỏ tham vọng chiếm lại Zaporizhzhia và Kherson. Cả hai khu vực đều bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga hồi tháng 9/2022.
Do những người theo đường lối cứng rắn trong giới lãnh đạo quân sự và dân sự Ukraine vẫn còn mạnh nên phương Tây cũng bị hạn chế với một số lựa chọn. Do đó họ cũng tính tới phương án B – “xung đột đóng băng”.
“Tất cả các cuộc đàm phán chỉ là nỗ lực nhằm tranh thủ thời gian để ổn định tình hình nội bộ trên lãnh thổ hiện do chế độ Kiev kiểm soát. Theo tôi, điều này cần phải được chú ý”, ông Evstafiev nêu ý kiến.
Điều gì đằng sau những nỗ lực của phương Tây nhằm ổn định tình hình bằng mọi giá? Theo học giả Nga, câu trả lời rất rõ ràng: “Điều khiến phương Tây lo ngại nhất thậm chí không phải là thất bại ở mặt trận. Họ lo ngại trước khả năng sụp đổ nhanh chóng và thảm khốc của chính quyền Ukraine. Tôi có thể nói, đó là lý do tại sao họ đang gây áp lực rất lớn để đóng băng tình hình và cố gắng khôi phục phần nào sự ổn định bên trong Ukraine, ở phía sau tiền tuyến”, ông Evstafiev kết luận.
Trong cuộc xung đột vũ trang giữa Pháp và Mặt trận Giải phóng Quốc gia Algeria (1954-1962), Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Charles de Gaulle đã đi đến kết luận rằng việc tiếp tục giữ Algeria, khi đó là thuộc địa của Pháp, sẽ làm cạn kiệt tài nguyên của Pháp và làm suy yếu sức mạnh và vị thế của Pháp ở châu Âu. Ngày 5/7/1962, Algeria giành được độc lập.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo Sputnik