Cập nhật: Thứ 5, 17/07/2014 | 00:09 GMT+7

Lập nghiệp trên đất quê hương

(QT) - Vùng đất màu rộng trên 5 ha ở thôn Xóm Bợc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) được quy hoạch chuyển sang đất trồng cây hồ tiêu và giao cho Đoàn Thanh niên xã quản lý. Sau 3 năm triển khai, một vùng chuyên canh cây hồ tiêu đã bắt đầu hình thành mà chủ nhân là những thanh niên trẻ giàu ý chí và nghị lực. Công trình tập thể Nằm ngay trên trục đường chính dẫn từ thôn Xóm Bợc về trung tâm xã Vĩnh Thạch, những vườn tiêu trồng mới đang vươn dậy mầm xanh tốt bám quanh những cây mớc được trồng thành từng hàng dài, thẳng tắp. Giữa ngày hè nắng đổ lửa, vườn tiêu vẫn xanh mơn mởn cho thấy sự chăm bón kỹ càng của bàn tay con người. 21 vườn tiêu được trồng liền vùng, liền thửa mà chủ nhân là những thanh niên thế hệ 8X, 9X của thôn Xóm Bợc. Họ tích cực phát huy vai trò trách nhiệm tạo nên một công trình tập thể sinh động của tuổi trẻ Vĩnh Thạch. Sau khi có định hướng quy hoạch phát triển vùng chuyên canh trồng cây hồ tiêu của UBND xã Vĩnh Thạch, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia và đứng ra tín chấp cho một số thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để trồng tiêu. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để những thanh niên đầu tư phát triển vùng trồng tiêu chuyên canh được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất tiêu sạch của dự án ROP. Mỗi hộ thanh niên trồng tiêu ở vùng chuyên canh ngoài việc tự huy động nguồn vốn đầu tư trồng mới còn tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt đường dây điện, máy bơm nước, đường ống dẫn nước bơm từ khe giếng Kẹm về tưới tiêu. Nhờ hệ thống dẫn tưới và nguồn nước đảm bảo cùng việc áp dụng đúng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình trồng tiêu nên đến thời điểm này dù nắng hạn xảy ra gay gắt nhưng những vườn tiêu trồng mới ở đây vẫn xanh tốt.

Vườn tiêu chuyên canh, công trình tập thể của tuổi trẻ Vĩnh Thạch

Chia sẻ kinh nghiệm để có 400 gốc tiêu phát triển đồng đều dù không xuống giống một lần, anh Nguyễn Quang Hùng, một trong những người tiên phong trồng tiêu trên vùng đất này cho biết: “Do chi phí đầu tư ban đầu để trồng tiêu khá cao, trung bình để trồng 1 gốc tiêu tốn gần 200 ngàn đồng, trong đó tiền mua choái tiêu 120 ngàn đồng/cây; 5 hom tiêu giống giá 50 ngàn đồng; phân bón 10 ngàn đồng/gốc... Với chi phí trên, để trồng mới 400 gốc tiêu cần gần 100 triệu đồng, đó là nguồn vốn lớn đối với những thanh niên mới ra lập nghiệp như chúng tôi. Vì vậy, tôi cũng như nhiều anh em trong chi đoàn nghĩ ra cách chia nhỏ diện tích, mỗi năm trồng một ít vừa đỡ chi phí ban đầu đồng thời đến vụ trồng tiêu năm sau thì vườn tiêu trước tròn một năm, độ cao khoảng 1,2 - 1,5 m chúng tôi cắt ngang gốc, cách mặt đất khoảng 40 cm; lấy phần ngọn làm giống; phần gốc tiêu sẽ tự đâm thêm cành tạo tán; cây tiêu sẽ phát triển nhánh đồng đều từ gốc lên ngọn và chỉ 1 năm sau lại đạt được độ cao ban đầu. Đến vụ trồng mới chúng tôi lại cắt ngang gốc như trước, phần để trồng mới, phần bán tiêu giống cũng thu lại được một khoản kinh phí để bù đắp cho việc đầu tư trồng mới. Sau 2 - 3 lần cắt ngang gốc thì dừng lại, chăm bón bình thường năm sau là bắt đầu thu hoạch bói”. Khuyến khích thanh niên xây dựng quê hương Một thực tế đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn là lực lượng lao động ngày càng bị già hóa do thế hệ trẻ theo con đường học vấn; làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động. Vì vậy, mô hình trồng tiêu tập thể của Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Thạch được xem là định hướng đúng trong việc thu hút lực lượng lao động trẻ ở lại lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương. Trong số những thanh niên tham gia trồng tiêu ở đây có một số người từng đi làm ăn xa nhưng vì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống nơi đất khách quê người nên họ trở về quê sinh sống. Anh Nguyễn Mạnh Hà, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Xóm Bợc là một trường hợp như thế. Năm 2007, anh Hà từng vào Đắk Lắk làm thuê cho các chủ rẫy cao su, cà phê. Đến năm 2010, gia đình báo tin ở quê chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai cho thanh niên trồng tiêu chuyên canh, anh Hà quyết định trở về và nộp đơn xin được ra lập nghiệp ở vùng trồng tiêu. Theo anh Hà thì vùng đất đỏ Vĩnh Thạch rất phù hợp trồng tiêu, giống tiêu Vĩnh Linh (trong đó có xã Vĩnh Thạch) được các vùng trồng tiêu khác ưa chuộng, nhất là người trồng tiêu ở Tây Nguyên. Vì vậy, sau một thời gian làm thuê cho rẫy ở đây, anh Hà đã dành dụm được một số vốn nên khi nghe tin chính quyền tạo điều kiện cho thanh niên trồng tiêu lập nghiệp anh đã chớp lấy cơ hội trở về. Hiện anh Hà đang sở hữu trên 350 gốc tiêu, tuy chưa bước vào thời gian thu hoạch nhưng anh tin tưởng cuộc sống của anh sau này sẽ khá hơn so với đi làm thuê nơi đất khách quê người vì anh đã có một tài sản riêng và làm chủ được công việc mình đang làm. Chính tâm lý được trao quyền làm chủ đã giúp những thanh niên mới ra lập nghiệp ở vùng trồng tiêu chuyên canh xã Vĩnh Thạch tự tin, hăng hái đầu tư, chăm sóc những vườn tiêu trồng mới. Anh Nguyễn Như Anh, Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Thạch khẳng định: “Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Thạch, tuổi trẻ được xem là lực lượng xung kích, vì vậy chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niên, giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Hiện khu vực trồng tiêu chuyên canh của xã mới đưa vào sử dụng được 3 ha nên chúng tôi đang tích cực vận động để đoàn viên thanh niên phủ kín toàn bộ diện tích vào mùa trồng tiêu tới”. Bài, ảnh: GIA BẢO



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khát vọng làm giàu trên quê hương mới
21:35 15/03/2023

Gần 20 năm trôi qua kể từ ngày rời tỉnh Hải Dương lên chọn thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa làm nơi định cư, gia đình chị Bùi Thị Hương đã khai thác ...

Góp thêm màu xanh cho quê hương
22:40 28/02/2024

Từ sự tuyên truyền, vận động của các cấp bộ đoàn, thời gian qua, tuổi trẻ Quảng Trị đã tích cực vào cuộc, thực hiện chỉ tiêu hằng năm là mỗi đoàn viên, thanh ...

Hiến đất xây dựng quê hương
23:36 24/10/2022

Huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM các địa phương trên địa bàn ...

Từ phụ xe trở thành chủ doanh nghiệp

Từ phụ xe trở thành chủ doanh nghiệp
18:19 15/07/2014

(QT) - Sau nhiều năm bôn ba, bươn chải làm việc ở nhiều nơi, giờ đây, anh Dương Văn Lương (39 tuổi) ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã trở thành...

Xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Kim

Xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Kim
18:17 15/07/2014

(QT) - Với một hướng đi riêng, nhiều cách làm hay trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến thời điểm này, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh,...

Làm tốt cả nghề thời vụ

Làm tốt cả nghề thời vụ
18:17 15/07/2014

(QT) - Nhiều năm về trước, ngoài việc làm ruộng, làm vườn, nuôi trồng một số loại cây trồng, vật nuôi không mấy hiệu quả, phần lớn người dân ở Tân Xuân (Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng...

Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ trồng sen

Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ trồng sen
18:15 15/07/2014

(QT) - Xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị) là địa phương có khá nhiều diện tích hồ đầm và ruộng sâu, những năm qua, để phá thế độc canh cây lúa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn...

Làm giàu từ tiềm năng, thế mạnh quê hương

Làm giàu từ tiềm năng, thế mạnh quê hương
23:37 14/07/2014

(QT) - Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu xanh tốt, anh Lê Văn Vương, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hiền (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tâm sự, những thành công đạt được trong phát triển kinh tế...

POWERED BY
Việt Long