Cập nhật:  GMT+7

Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ

Cách đây mấy chục năm, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô của nhiều bản làng nằm dọc theo dòng sông Sê Pôn cứ ký thác cuộc sống khó nghèo của mình vào những cánh rừng thường xanh. Để rồi khi những cánh rừng ấy cứ rời xa dần bản làng thì họ mới chợt nhận ra sự quý giá của rừng. Người Vân Kiều, Pa Kô ở các xã Thuận, Thanh, Hướng Lộc, Lìa, A Dơi (huyện Hướng Hóa)... vội vàng đi tìm nhiều loài cây gỗ quý như giáng hương (người Vân Kiều thường gọi là “xa rưi”, còn người Pa Kô gọi “trưi”), huê, trắc... còn sót lại về trồng xung quanh nhà, trên nương rẫy.

Nghìn vàng” không bán

Gia tài mà người chồng quá cố để lại cho bà Hồ Thị Bút ở Bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, là 6 cây giáng hương cổ thụ có tuổi đời trên 30 năm. Mỗi cây cao hàng chục mét vươn tán lá xanh tỏa bóng che chắn căn nhà sàn bạc phếch qua mấy mùa mưa rừng, nắng núi của bà Bút.

Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ

Những cây giáng hương cổ thụ của bà Hồ Thị Bút - Ảnh: S.H

Gần chục năm qua, nhiều người đến hỏi mua 6 cây giáng hương cổ thụ nhưng chỉ nhận được từ bà cái lắc đầu dứt khoát. Hắt ánh nhìn xa xăm về phía từng khoảng đồi nhấp nhô được phủ xanh bởi cà phê, cao su, sắn, chuối cùng nhiều loại cây trồng khác, bà Bút nói rằng, nơi ấy ngày xưa từng là những cánh rừng già với vô số loài gỗ quý, đặc biệt là giáng hương, trắc, muồng đen... Giáng hương hiện diện trong “rừng ma”, trên nương rẫy, trong vườn nhà.

Nhưng rồi, cuộc sống quay quắt trong đói nghèo lạc hậu đã dẫn dắt bước chân của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vào những cánh rừng để chặt cây làm nhà sàn, phát rừng làm nương rẫy qua mấy mùa du canh.

Những cánh rừng thường xanh cũng vì vậy mà lùi xa dần bản làng. Như dự cảm được sự thưa vắng của những cánh rừng trong tương lại không xa, cách đây hơn 30 năm, chồng bà Bút cũng như nhiều người dân Bản 7, xã Thuận đã vào rừng tìm chọn cây giáng hương cao ngang đầu người để đào bới mang về trồng xung quanh nhà, trên nương rẫy.

Bây giờ, chồng của bà đã về với “Giàng”, chỉ còn 6 cây giáng hương cổ thụ vẫn ở lại tiếp tục tỏa bóng chở che, làm bạn với bà khi tuổi đã xế chiều.

Ngôi nhà của già làng Ăm Moan (78 tuổi) ở bản A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, nằm yên bình dưới tán cây giáng hương cổ thụ.

Thấy khách đến thăm nhà có vẻ quan tâm đến loài giáng hương cổ thụ, già làng Ăm Moan nở nụ cười thân thiện rồi tự hào khoe với khách, rằng bao bọc xung quanh ngôi nhà sàn của già làng Ăm Moan là hàng chục cây giáng hương cổ thụ. Ngoài ra, già còn sở hữu vườn gỗ trắc với diện tích hơn 2 ha.

Lý do già làng Ăm Moan sở hữu vườn cây giáng hương cổ thụ cũng đơn giản là cách đây khoảng 30 năm (năm 1994), cứ mỗi lần lên nương, lên rẫy hoặc vào rừng, già bắt gặp cây giáng hương mọc hoang thì đào về trồng xung quanh vườn nhà để làm choái trồng cây hồ tiêu.

Dần dà theo thời gian, cây hồ tiêu không sống được, không bám được thân ngọn lên cây giáng hương để cho những mùa hồ tiêu sai trái, trĩu hạt, nên chỉ còn lại vườn cây giáng hương bám rễ sâu bền vào lòng đất.

Và những cây giáng hương ấy được già Ăm Moan chăm sóc cho đến tận bây giờ. Nhiều năm qua, đã có hàng chục người ghé đến nhà già làng Ăm Moan để ngỏ ý muốn mua vườn cây giáng hương cổ thụ, trắc... với giá hàng chục triệu đồng/ cây nhưng già dứt khoát không bán.

“Bán một vài cây giáng hương cổ thụ, trắc lấy tiền có thể cải thiện được phần nào cuộc sống vốn nghèo khó của gia đình tôi. Nhưng rồi, cứ mỗi lần có người đến hỏi mua, tôi dẫn khách ra vườn xem giáng hương cổ thụ, tự nhiên trong lòng lại day dứt, tiếc nuối. Thế là tôi quyết định không bán trước sự ngỡ ngàng của khách hỏi mua cây. Tiếc lắm chứ. Ngày xưa, bỏ công sức đào bới mang về trồng xung quanh nhà ngoài việc làm choái tiêu, thì cũng là cách để mang rừng về gần nhà, để gìn giữ những loài cây gỗ quý cho con cháu mai sau”, già làng Ăm Moan chia sẻ.

Hồi ấy, xung quanh bản A Quan là những cánh rừng thưa nhưng không hiếm nhiều loài gỗ quý. Người dân bản A Quan cũng như các bản làng của đồng bào dân tộc Pa Kô khi muốn làm nhà cửa cũng như các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt của gia đình chỉ cần mang búa, rựa ra rừng đốn hạ vài cây giáng hương là có thể làm được nhà cửa, vật dụng.

Còn muốn làm “đung pựt” to lớn thì phải đốn hạ khoảng 10 - 15 cây giáng hương cổ thụ mới đủ. Tiếng Pa Kô “đung pựt” có nghĩa là nhà to, nhà chung. Người miền xuôi thì gọi là nhà dài truyền thống. “Đung pựt” là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Pa Kô. Đó là chuyện của hàng chục năm về trước.

Còn bây giờ, ở nhiều bản làng của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa vẫn còn rất nhiều cây giáng hương cổ thụ, đặc biệt là trong các khu “rừng ma”, trên nương rẫy và xung quanh vườn của người dân. Người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa đều có chung quyết tâm gìn giữ, trao truyền những cây giáng hương cổ thụ, trắc... lại cho con cháu mai sau.

Gìn giữ cho mai sau

Gắn bó gần trọn vẹn đời người với công tác bảo vệ rừng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực Lao Bảo (Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa) Nguyễn Minh Hiền cho biết, đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô khi thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ rừng phải linh hoạt, mềm dẻo thì mới mang lại hiệu quả trong thực tế.

Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ

Giáng hương cổ thụ được người dân trồng trong vườn nhà - Ảnh: S.H

Lực lượng kiểm lâm phải đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu là muốn khai thác cây giáng hương cổ thụ trong vườn nhà thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không được tự ý chặt hạ. Nếu tự ý khai thác loài cây quý hiếm này khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý thì sẽ vi phạm pháp luật.

Rồi tuyệt đối không được khai thác cây giáng hương cổ thụ cũng như các loài cây rừng khác trong rừng tự nhiên, “rừng ma”... Bởi giáng hương thuộc nhóm gỗ IIA quý hiếm, cấm khai thác. Cứ phải tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm đất” mới mang lại hiệu quả trong thực tế.

Kết quả, hơn 1.000 ha rừng tự nhiên ở 7 xã vùng Lìa luôn được lực lượng kiểm lâm cùng với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô bảo vệ nghiêm ngặt trong những năm gần đây. Nhất là các khu “rừng ma” như “rừng ma” thôn Tăng Quan 1, Kỳ Tăng (xã Lìa); thôn Xa Doan (xã A Dơi) và thôn Úp Ly (xã Thuận)... với nhiều loài gỗ quý như giáng hương cổ thụ, trắc, muồng đen có cây to đến 3 người ôm, cao hàng chục mét.

Mướt mồ hôi với chặng đường mòn xuyên qua rừng cây chỉ vừa người đi, cứ dài dằng dặc băng qua khe, suối rồi leo ngược lên ngọn đồi, tôi cùng anh Hồ Văn Còm (47 tuổi) ở thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, mới đặt chân đến khu vực nương rẫy có hơn 60 cây giáng hương cổ thụ mọc tự nhiên.

Anh Còm nói rằng: “Ở đâu không biết, chứ riêng ở các xã vùng Lìa khoảng tháng 10 hằng năm, cây giáng hương cổ thụ bắt đầu nở hoa vàng li ti, hương thơm thoang thoảng tỏa khắp bản làng, rừng núi. Giáng hương cổ thụ ở các xã vùng Lìa thuộc loài quả to, cây càng nhiều năm tuổi thì gỗ càng đỏ và bền chắc. Hiện tại, có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa sở hữu ít nhất là vài cây, còn nhiều nhất 30 - 40 cây giáng hương cổ thụ nên nhiều người thường ví von là lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ khi đặt chân đến miền đất này”.

Sỹ Hoàng

Tin liên quan:
  • Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ
    Hàng cây xà cừ cổ thụ của làng Đại An Khê

    Tự bao đời nay, người dân làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, luôn tự hào vì làng mình có hàng cây xà cừ cổ thụ hàng chục năm tuổi rất đẹp và thơ mộng. Mặc dù không cần quảng bá, cũng chưa được nhắc tên trong bản đồ du lịch nhưng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh trên dặm đường thiên lý mỗi khi đi qua địa phận Hải Lăng đều tìm đến địa điểm này để chiêm ngắm, chụp ảnh lưu niệm.

  • Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ
    Cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông

    Trên địa bàn huyện Đakrông hiện có khoảng trên 50 ha chuối lùn bản địa, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương.


Sỹ Hoàng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giữ thói quen đi chợ truyền thống

Giữ thói quen đi chợ truyền thống
2024-09-28 06:00:00

QTO - Giữa cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh việc mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều người, trong đó có một bộ phận người trẻ vẫn giữ...

Thu nhập cao với nghề nuôi chim yến

Thu nhập cao với nghề nuôi chim yến
2024-05-30 05:00:00

QTO - Sau 10 năm quyết định rẽ lối khởi nghiệp với nghề nuôi chim yến, đến nay vợ chồng anh Phan Văn Thư và chị Phan Thị Thanh Huyền ở Khu phố 2, Phường 2,...

Trồng thành công nấm dược liệu linh chi đỏ

Trồng thành công nấm dược liệu linh chi đỏ
2024-05-29 06:33:00

QTO - Nấm dược liệu linh chi đỏ là loại đối tượng trồng chưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ một số mô hình thử nghiệm trồng quy mô tập...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết