Cập nhật:  GMT+7

Ký ức một thời K8

Trong ký ức của người dân Vĩnh Linh hôm nay, K8 là một cụm từ thiêng liêng mà khi nhắc đến ai cũng trào dâng niềm xúc động, bồi hồi với những kỷ niệm không thể nào quên. Bước vào năm 1967, tình hình chiến sự ở Vĩnh Linh ngày càng ác liệt. Để ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào miền Nam, đế quốc Mỹ đã dùng đủ các loại máy bay, kể cả pháo đài bay chiến lược B52, các loại pháo từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, từ các tàu chiến ở ngoài biển ngày đêm trút bom đạn xuống Vĩnh Linh.

Ký ức một thời K8

Đón học sinh K8 ngày trở về (Ảnh tư liệu).

Mọi hoạt động của người dân ở đây đều được chuyển xuống lòng đất. Các lớp học phải chia nhỏ thành nhiều nhóm, học nhiều ca để tránh thương vong. Nhưng do mật độ bom đạn quá dày đặc nên nhiều thầy giáo, học sinh đã bị giết hại.

Trước tình hình ấy, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bác Hồ, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn, từ tháng 8/1967, kế hoạch K8 đã được thực hiện. K8 là kế hoạch sơ tán hơn 3 vạn học sinh, con em Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình nhằm giảm mật độ người ở vùng chiến sự ác liệt, tránh thương vong trước sự đánh phá có tính hủy diệt của kẻ thù, vừa để những người bám trụ ở lại yên tâm chiến đấu. Ra các tỉnh phía Bắc các em sẽ tiếp tục được học tập, rèn luyện chờ đến ngày hòa bình thống nhất trở về xây dựng lại quê hương.

Đến cuối tháng 10/1967, những chuyến cuối cùng đưa học sinh K8 ra Bắc đã lên đường. Mặc dù đã được xây dựng kế hoạch, phương án đưa đón rất tỉ mỉ, khoa học nhưng vẫn có 59 học sinh, 6 giáo viên và cán bộ đã bị bom Mỹ giết hại dọc đường. Do đường tắc vì địch đánh phá ác liệt, vừa đi vừa tránh trú nên gần hết học kỳ I năm học 1967-1968 chúng tôi mới ra đến Thái Bình.

Chúng tôi được phát áo quần, cặp sách mới và được bố mẹ nuôi đưa đến trường. Ngày đầu tiên đến lớp học trong khung cảnh hòa bình, có thầy, có bạn mới, thấy hồi hộp và cảm động làm sao. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất đối với lứa tuổi học sinh K8 chúng tôi là được đón cái Tết đầu tiên nơi miền quê sơ tán.

Chiều 30 Tết năm ấy, tất cả học sinh K8 được tập trung về trụ sở xã để nghe cán bộ cấp trên thông tin tình hình ở quê hương và đón thư chúc tết của Khu ủy-UBHC khu vực Vĩnh Linh gửi ra. Chúng tôi biết ở quê hương lúc này bố mẹ, cô chú bộ đội, dân quân đang ngày đêm bám trụ chiến đấu và phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam. Quân và dân ta đang thắng lớn và hứa hẹn những chiến công vang dội hơn nữa.

Bức thư được gửi ra từ quê hương Vĩnh Linh, động viên, nhắc nhở chúng tôi phải học tập, rèn luyện tốt hơn nữa để xứng đáng với quê hương tuyến đầu Tổ quốc. Cô giáo phụ trách K8 bắt nhịp cho tất cả chúng tôi cùng hát bài “Bài ca Vĩnh Linh” càng làm cho chúng tôi trào dâng niềm tự hào và thương nhớ quê hương.

Đêm giao thừa năm ấy, giữa lòng hậu phương miền Bắc, trong không khí ấm cúng của gia đình bố mẹ nuôi, tôi đã nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác tặng thơ xuân cho đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! toàn thắng ắt về ta”.

Thơ xuân của Bác Hồ là tiếng kèn xung trận, chính lúc này đây đồng bào và chiến sĩ miền Nam, bà con cô bác tôi ở Vĩnh Linh đang vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân như triều dâng thác đổ. Ở hậu phương lớn, nơi vùng quê sơ tán của tôi mọi người vui xuân trong khí thế náo nức, khẩn trương, tất cả đều hướng về tiền tuyến. Tết năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi được ăn bánh chưng, xôi gấc, thịt nấu đông, được nhận tiền lì xì, chúc Tết cả bố mẹ nuôi, hưởng hương vị Tết miền Bắc trong rực rỡ màu hoa đào nở rộ.

Bước sang năm 1968, đồng bào và chiến sĩ miền Nam đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy và đánh lớn thắng to. Bị thua đau kẻ thù lại càng điên cuồng trút bom đạn xuống mảnh đất Vĩnh Linh nhằm chặt đứt mọi chi viện cho chiến trường. Tôi còn nhớ, một buổi chiều đi học về, bác cán bộ bưu điện đưa cho chúng tôi mấy bức thư lấm lem bùn đất, nét chữ trên phong bì bị nhòe ướt.

Chúng tôi nhận ra ngay đây là những bức thư gửi ra từ Vĩnh Linh tuyến lửa. Hai anh em ruột Trần Đức Kiệm và Trần Đức Liêm chụm đầu vào nhau đọc chung bức thư nhà rồi bỗng nhiên cả hai cùng òa lên khóc nức nở. Tất cả nhóm học sinh K8 chúng tôi cùng xúm lại ôm lấy bạn rồi cùng khóc. Thì ra bức thư viết, ngày 26/11/1967 trong một trận đánh trả máy bay địch ném bom xuống bến phà Phúc Lâm, khẩu đội 12,7 ly của thôn đã bị trúng bom. Khẩu đội 7 người thì 6 người đã anh dũng hy sinh. Trong đó có khẩu đội trưởng Trần Đức Tu và chiến sĩ Trần Đức Quang (là cha và chú ruột của Kiệm và Liêm).

Trong xa cách nhớ nhung, trong đau thương mất mát, thế hệ học sinh K8 Vĩnh Linh chúng tôi càng yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng thi đua học tập tốt để xứng đáng với quê hương. Những năm được học tập ở miền quê sơ tán, học sinh K8 Vĩnh Linh đều có kết quả học tập tốt, nhiều người là học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh và toàn miền Bắc. Học sinh K8 còn viết đơn bằng máu, xung phong tòng quân, trở về quê hương trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc trên chiến trường Quảng Trị.

Hơn ba vạn chồi non học sinh K8 Vĩnh Linh ngày ấy đã trở thành lực lượng hùng hậu trở về xây dựng lại quê hương trong ngày hòa bình thống nhất.

Nguyễn Hoài Chung

Tin liên quan:
  • Ký ức một thời K8
    K8 - ký ức không phai

    Sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, sông Bến Hải của Quảng Trị trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất. Trước tình hình này, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán học sinh Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc với chiến dịch K8 để các em có điều kiện học tập sau này trở về xây dựng quê hương...

  • Ký ức một thời K8
    Lắng sâu ký ức từ K8

    Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ những năm giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước ngày càng diễn ra ác liệt và lan rộng, nhất là ở các vùng quê hai bên vĩ tuyến 17 như các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định triển khai chiến dịch K8 để đưa hơn 3 vạn thiếu nhi dưới 15 tuổi ở vùng này ra các tỉnh miền Bắc ăn học. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những học sinh trưởng thành từ K8 trên đất Bắc lúc nào cũng thao thức nhớ về những ngày tháng gian khó trên mảnh đất mà mình luôn xem như quê hương thứ hai.


Nguyễn Hoài Chung

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp

Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
2024-12-14 06:00:00

QTO - Thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân của ngành y tế, đến nay khoảng 97% chất thải y tế được xử lý tại bệnh viện, 100% các...

Nghĩa tình K15

Nghĩa tình K15
2024-08-21 14:01:00

QTO - Đến giờ, trong nhiều ngôi nhà ở huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong, câu chuyện về kế hoạch 15, gọi tắt là K15 vẫn được các cụ ông, cụ bà kể cho con cháu....

Những “Nhà giáo Ưu tú” vùng khó

Những “Nhà giáo Ưu tú” vùng khó
2024-08-21 05:40:00

QTO - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Hướng Hóa không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đạt được nhiều kết quả đáng...

Gắn bó với y tế tuyến huyện

Gắn bó với y tế tuyến huyện
2024-08-21 05:10:00

QTO - Được đào tạo bài bản, ra trường với nhiều cơ hội rộng mở, thế nhưng bác sĩ Nguyễn Trọng Hiệp (sinh năm 1993), một người con xứ Huế lại quyết định...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long