{title}
{publish}
{head}
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với tên hoạt động bí mật là “Sao Đỏ” nổi tiếng, thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối. Đó là con người khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, rất mực thương yêu đồng chí, đồng bào.
Đồng chí “Sao Đỏ” - “Anh Cả”
Là đoàn viên thanh niên cứu quốc rồi chuyển sang thanh niên lao động, qua các đợt học tập do Trung ương Đoàn tổ chức, nhất là qua học tập cuốn Đảng, tôi đã ít nhiều biết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Song mãi đến tháng 7/1960, tôi mới có vinh dự được gặp và nghe đồng chí nói chuyện. Hồi đó, tôi là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một hôm, Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng gọi tôi cùng 2 đồng chí khác lên thông báo quyết định cho nghỉ một tuần, bàn giao công việc để đi nhận công tác đặc biệt. Hết thời gian nghỉ phép, tôi đến địa điểm tập kết. Sau 2 ngày ổn định tổ chức và học nội quy, mọi người mới vỡ lẽ là mình được triệu tập đi phục vụ Đại hội III của Đảng. Sau đó, tất cả được chuyển về trường tuyên huấn Trung ương để học tập chính trị, xác định thái độ phục vụ và bắt tay vào việc.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực -Ảnh: TL
Một trong những báo cáo viên gây ấn tượng mạnh đối với tôi lúc đó là đồng chí “Sao đỏ” Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên bang Xô Viết. Với giọng trầm và ấm, đồng chí giới thiệu về thành tựu mọi mặt của Liên Xô vĩ đại, về kinh nghiệm tổ chức các kỳ đại hội Đảng của bạn cũng như cách tiếp đón khách quốc tế và một số thủ tục, nghi lễ ngoại giao. Giờ giải lao, đồng chí xuống trò chuyện với anh em và khi biết tôi là người Hải Dương, đồng chí nhận ngay là “đồng hương quê ta”.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, song buổi gặp gỡ đầu tiên đó đã in đậm trong trái tim tôi về một người cộng sản lớp tiền bối, một cán bộ cao cấp của Đảng, tuổi đời hơn cả tuổi người sinh thành ra tôi, thế nhưng khi tiếp xúc với cấp dưới, nhất là với lớp trẻ chúng tôi, đồng chí không một lần tỏ ra là bậc cha chú, càng không thể hiện là người có quyền lực.
Học tập chính trị xong, tôi được Ban tổ chức đại hội phân công cùng anh Đậu Ngọc Xuân và anh Trịnh Ngọc Thái phụ trách khối phiên dịch đại hội. Do tôi nhỏ tuổi hơn nên các anh phân công lo khâu hậu cần. Vì lo hậu cần nên thường họp với tiểu ban vật chất đại hội và vì vậy có nhiều dịp tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người phụ trách tài chính của Đảng và từng giữ chức “Tổng trưởng tài chính của Tổng bộ Việt Minh”.
Vào đầu những năm 70, tôi được Trung ương điều động lên làm Thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt. Qua những câu chuyện mà đồng chí Hoàng Quốc Việt và các đồng chí từng sát cánh chiến đấu cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại, và đặc biệt qua nhiều lần được trực tiếp làm việc với đồng chí “Sao Đỏ”, tôi dần dần hiểu rõ hơn về “Anh Cả” - cách xưng hô mà các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng thường dùng để biểu thị sự kính trọng đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân
Theo lý lịch tự khai khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II tại Hải Dương năm 1960, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh tháng 4/1904 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Đoàn Tùng (nay là xã Thanh Tùng) huyện Thanh Miện, Hải Dương. Năm 1921, khi 17 tuổi, ông rời gia đình xuống Hải Phòng làm thuê, bắt đầu cuộc sống tự lập. Lúc đầu, ông làm phụ bếp cho một gia đình quan chức người Pháp, sau sang làm công cho gia đình người Ấn Độ.
Cuộc đời làm thuê đầy cơ cực, với biết bao khó khăn, vất vả, tủi nhục, song với ý chí vươn lên và nghị lực phi thường, ông đã trích một phần tiền công để thuê thầy dạy văn hóa và tiếng Pháp. Ngày làm, đêm học. Khi đã đọc thông, viết thạo và nói tiếng Pháp lưu loát, ông làm đơn xin việc ở nhà máy sửa chữa tàu biển Hải Phòng. Mùa thu năm 1925, ông làm phụ bếp trên tàu Căng-Tông của Pháp chạy đường Hải Phòng - HongKong. Sau đó chuyển sang làm công trên một chuyến tàu của Pháp ở Sa Điện - Quảng Châu, Trung Quốc. Chính tại nơi đây ông đã gặp Nguyễn Ái Quốc và hoạt động dưới sự hướng dẫn của Người.
Đầu năm 1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên của người Việt Nam ở Trung Quốc, bắt đầu một cuộc đời hoạt động của một nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Năm 1928, Nguyễn Lương Bằng được phái về nước. Lúc đầu đồng chí hoạt động ở Hải Phòng, sau đó được điều động vào Sài Gòn.
Qua 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân Pháp, đồng chí đã 3 lần bị bắt tù, trong đó có 2 lần vượt ngục thành công. Tháng 10/1943 là lần vượt ngục cuối cùng. Sau lần vượt ngục này, đồng chí được chỉ định tham gia Trung ương phụ trách tài chính, binh vận và mặt trận. Đồng chí là một trong các nhà lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Việt Minh, là Tổng trưởng tài chính của Tổng bộ Việt Minh, rồi Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh. Năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được Đại hội quốc dân Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc và Ủy ban cử đồng chí làm Ủy viên Thường trực do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Với những trọng trách trên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Tổng bộ Việt Minh ra sức xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập hợp, tổ chức Nhân dân vùng lên đấu tranh, đẩy tới cao trào cứu nước, giành độc lập dân tộc. Với tư cách Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công và là một trong những thành viên sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng các đồng chí Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận thay mặt chính quyền cách mạng tiếp nhận ấn kiếm của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến ở nước ta.
Một sự kiện lịch sử in đậm dấu ấn Nguyễn Lương Bằng là ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đại diện Tổng bộ Việt Minh đọc bài diễn văn quan trọng, nêu bật vai trò, sứ mệnh lịch sử vẻ vang của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và thay mặt Việt Minh ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào: “Đoàn kết phấn đấu, củng cố nền độc lập, vì quyền độc lập của chúng ta còn mong manh. Để bảo vệ vững chắc nền độc lập, Việt Minh tha thiết kêu gọi đồng bào “Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức, người có tài giúp tài trí. Tất cả phải góp vào một hòn đá, một viên gạch, đặng xây dựng lâu đài độc lập dân tộc Việt Nam”. Diễn văn của Việt Minh trong ngày lễ độc lập chính là Chương trình hành động cô đọng, súc tích, nói lên những quan điểm, chủ trương cơ bản của Mặt trận Việt Minh sau khi giành được chính quyền.
Một hành động cao đẹp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ là ngày 28/8/1945, Ủy ban Giải phóng dân tộc đổi thành Chính phủ cách mạng lâm thời. Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đồng chí xin rút khỏi Ủy viên Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức rút khỏi Chính phủ cách mạng lâm thời, để nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước lúc đó còn ở ngoài Mặt trận Việt Minh. Đánh giá về nghĩa cử cao đẹp này của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với tên hoạt động bí mật là “Sao Đỏ” nổi tiếng, là đồng chí lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối. Đó là con người khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, rất mực thương yêu đồng chí, đồng bào. Cái tên “Anh Cả” mà đồng chí, đồng đội thường gọi anh với tất cả sự kính trọng và yêu thương đã nói lên phẩm chất cao đẹp của anh. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Túc
QTO - Từ ngày thành lập đến nay, dù ở thời điểm nào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng cũng luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách...
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội.
QTO - Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp
VOV.VN - Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi sát sao tình hình ngoài chiến trường và cổ vũ, khích lệ...
QTO - Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo động lực để Đông Hà phát triển nhanh, bền vững
QTO - Ngày 27/3/2024, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã họp kỳ thứ 31, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy...
QTO - Trong thời gian 4 ngày, đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị đã đến thăm và làm việc tại 4 tỉnh Sekong, Salavan, Champasak và Savannakhet. Tại tỉnh...
QTO - Cách đây 89 năm, vào ngày 28/3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng, Đảng ta đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng...
(Tin Tức) - Ngày 28/3/1954, sau khi kết thúc Hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đợt 2 (diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Mệnh lệnh số 83 ML/B1...
QTO - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (có hiệu lực từ 1/7/2023) đã điều chỉnh việc thực hiện dân chủ không chỉ ở xã, phường, thị trấn mà ở cả cơ...
QTO - Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cùng với các lực lượng giữ vững an ninh chính...
QTO - Những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan...