Sa khoáng titan từ xuất thô đến chế biến sâu
(QT) - Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản titan. Ngành công nghiệp khai khoáng này đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho Nhà nước. Tuy nhiên, thực trạng khai thác titan vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như việc khắc phục ô nhiễm môi trường, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và địa phương thiếu chặt chẽ, đặc biệt là hiệu quả kinh tế chưa cao do xuất khẩu thô. Vì vậy, để hạn chế tác động môi trường và tăng giá trị lợi nhuận thì phải đầu tư chế biến sâu. Quảng Trị là một trong những địa phương đã sớm nhận ra vấn đề này. Thực trạng hoạt động khai thác titan Trước hết phải khẳng định rằng việc quản lý khai thác chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản hiện nay còn nhiều bất cập. Mặc dù Luật Khoáng sản được ban hành từ năm 1996 nhưng có nhiều quy định trong luật chưa phù hợp với thực tế hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Để giải quyết triệt để hơn những kẻ hở trong việc thực thi pháp luật về khoáng sản, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ban hành Luật Khoáng sản mới số 60/2010/QH12 ngày 17/1/2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2011. Trong thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là sa khoáng titan đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn của Chính phủ nhằm hạn chế hiện trạng khai thác ồ ạt và xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.
 |
Chế biến sản phẩm Zircon siêu mịn. |
Tuy nhiên do việc quản lý hoạt động này từ cấp Trung ương đến địa phương có nhiều điểm chưa thống nhất, dẫn đến những tác hại to lớn về đất đai, môi trường và nạn “chảy máu” khoáng sản, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Tuy nhiên Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu về tích lũy vốn là cần thiết nên cần phải dựa vào tài nguyên khoáng sản để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Nhưng với tình trạng khai thác như hiện nay thì nguy cơ thất thoát tài nguyên và cạn kiệt khoáng sản là rất cao. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái luôn đe dọa và các vấn đề xã hội phức tạp luôn nảy sinh. Hiện tại hoạt động khai thác titan chủ yếu là bán quặng thô cho nên giá trị sản phẩm chế biến khoáng sản không cao, khả năng quản lý các nguồn thu ngân sách khó thực hiện. Bên cạnh đó do công nghệ khai thác chưa được quan tâm đúng mức nên không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích và gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Lê Vĩnh Thiều, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị cho biết: “Khai thác khoáng sản titan đòi hỏi tính nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường do tính chất, địa hình phân bổ của loại khoáng sản này phức tạp. Qua thực tế khai thác titan tại một số nơi trên cả nước đã bộc lộ nhiều thách thức đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Mặt khác việc khai thác và chế biến titan những năm gần đây đã tạo ra hậu quả xấu do việc phân chia nhỏ tài nguyên để khai thác, công nghệ lạc hậu, chế biến và bán sản phẩm thô. Hàm lượng quặng thải cao, hàm lượng quặng tinh thấp, phát sinh nhiều loại sản phẩm trung gian đi kèm, hệ số thực thu các nguyên tố có ích còn chưa triệt để và rất thấp...Những tác nhân này đã gây lãng phí tài nguyên và gia tăng ô nhiễm môi trường...”. Rõ ràng, khoáng sản là thứ tài nguyên không thể tái tạo lại cho nên cần phải cân nhắc hết sức thận trọng khi khai thác, đặc biệt là việc đầu tư công nghệ mới để giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng giá trị lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác và chế biến titan hiện nay. Tiềm năng và hoạt động khai thác titan ở Quảng Trị Quảng Trị có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng và phong phú. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 124 điểm mỏ và điểm quặng thuộc các loại khoáng sản kim loại và phi kim loại. Trong đó có nhiều khoáng sản có giá trị như vàng, đồng, titan, đá xây dựng, đá vôi xi măng, cát thủy tinh... Theo Quyết định 104/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025 thì ở tỉnh Quảng Trị, trữ lượng Ilmenit được đánh giá là 1.210.000 tấn, zircon 302.000 tấn, trong đó trữ lượng mỏ C1, C2 là 357.000 tấn Ilmenite + rutil. Khoáng sản titan phân bố dọc bờ biển Vĩnh Thái, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh) và Hải An, Hải Khê (Hải Lăng)...Trên thực tế, hầu hết các diện tích chứa sa khoáng titan đều nằm trong vùng dân cư và rừng phòng hộ nên khả năng thăm dò và khai thác rất hạn chế. Mặt khác, ở một vài địa phương, người dân thiếu sự hợp tác tích cực đối với hoạt động khai thác nên có một số diện tích mỏ đã được cấp phép nhưng vẫn chưa tiến hành khai thác được. Thời gian qua công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản titan nói riêng ở Quảng Trị đã được tăng cường. Theo đó, các đơn vị khai thác đã chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản. Xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư máy móc, thiết bị và thực hiện chế biến tinh; ký quỹ phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác; tuân thủ các cam kết các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, chú trọng đến công tác hoàn thổ sau khai thác, đầu tư các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Vậy nhưng, trên thực tế việc khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của không ít doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân chưa được chú trọng. Công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu nên chưa tạo ra được hiệu quả kinh tế- xã hội tương ứng so với tiềm năng khoáng sản hiện có. Vì vậy, làm thế nào để dung hòa được mục tiêu khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các ngành chức năng và từng doanh nghiệp. Đầu tư công nghệ chế biến hoàn nguyên Ilmenite Căn cứ danh mục các dự án đầu tư chế biến sâu mới (hoặc mở rộng) giai đoạn 2007 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì từ năm 2007-2016, ở tỉnh Quảng Trị được phép quy hoạch xây dựng nhà máy hoàn nguyên Ilmenite công suất tổng cộng 20.000 tấn sản phẩm/năm. Thực hiện quy hoạch này, từ tháng 4/2008, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị xây dựng nhà máy Ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 4.500 tấn/năm trên diện tích 5,3 ha tại KCN Quán Ngang. Đây là nhà máy chế biến Ilmenite hoàn nguyên lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, với mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, được xây dựng theo công nghệ lò liên tục, do đội ngũ chuyên viên, kỹ sư của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị tự nghiên cứu công nghệ và đầu tư xây dựng. Sau khi nhà máy đưa vào hoạt động sẽ làm tăng giá trị thương phẩm của sa khoáng Ilmenite lên 7-8 lần, đạt doanh thu trên 250 tỷ đồng/năm, với mức nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng/năm, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 250 lao động, đưa tổng số lao động của Công ty đạt trên 1.000 người, với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Việc đầu tư các nhà máy chế biến sâu của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị đã thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp khác để sử dụng sản phẩm chế biến sâu từ sa khoáng titan thành các sản phẩm công nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Kim Tín cho biết: “Hiện nay Tập đoàn Kim Tín có 2 nhà máy sản xuất que hàn tại Long An và Hưng Yên. Phối hợp với Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị, Công ty CP Kim Tín Quảng Trị đang xây dựng khu công nghiệp liên hợp để cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy hoàn nguyên và sử dụng sản phẩm của nhà máy hoàn nguyên để làm nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất que hàn tại KCN Quán Ngang với công suất 7.200 tấn que hàn/năm (chưa bao gồm vật liệu thuốc bọc que hàn). Nhà máy này có thị trường tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây. Dự kiến doanh thu của nhà máy trên 200 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách từ 10 - 15 tỷ đồng/năm. Vấn đề quan trọng của sự liên doanh giữa Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị với Tập đoàn Kim Tín là tạo ra dãy chế biến sâu để biến những sản phẩm ti tan thô trở thành những sản phẩm hữu ích cuối cùng phục vụ cho ngành công nghiệp theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ về chế biến khoáng sản tại Việt Nam. Sự thành công của dự án sẽ đem lại sự phát triển của Công ty CP Khoáng sản về doanh thu, mức nộp ngân sách nhà nước và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động; chuyển hướng mạnh mẽ từ một đơn vị khai thác khoáng sản đơn thuần thành một đơn vị công nghiệp chế biến khoáng sản chuyên nghiệp với quy mô và công nghệ cao... Việc đầu tư các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sa khoáng titan của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị là đúng hướng và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành hữu quan cần có những chính sách hỗ trợ và bảo hộ cần thiết về mặt nguyên liệu, quy hoạch phát triển đồng bộ để các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp của tỉnh. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA