Cập nhật:  GMT+7

An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu

Làng An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nằm bên bờ sông Hiếu ăm ắp phù sa, xanh mát những hàng cây, thửa ruộng. Làng vừa “cận thị” vừa “cận giang” và tiếp giáp với những trục đường giao thông quan trọng. Đây là vùng đất bán sơn địa rất có điều kiện để phát triển kinh tế. Từ chợ Phiên Cam Lộ qua cầu Đuồi chưa tới 1 km là thấy cổng làng. Những năm gần đây làng An Mỹ vươn lên mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, du nhập thêm nghề mới, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất gò đồi, phát triển các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp có giá trị cao.

An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu

Cổng chào làng An Mỹ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ -Ảnh: N.B

Chuyển đổi cơ cấu cây trồngchìa khóa mở ra no ấm

Cho mãi tới năm 2000 đời sống của người dân thôn An Mỹ nhìn chung vẫn còn khó khăn. Hồi đó mỗi lần có dịp đến thôn An Mỹ, chúng tôi thấy nhiều thửa đất còn bỏ hoang. Về mùa hè, những cơn nắng gay gắt làm cho nhiều thửa đất như bị nung lên khô hạn. Một phần cũng do tập quán sản xuất cũ, người dân tập trung vào việc trồng hoa màu và các loại đậu, bắp, khoai, sắn sản lượng không cao; diện tích trồng lúa chưa tới 20 ha, phụ thuộc vào thời tiết, không ít gia đình hằng năm thiếu lương thực.

Sau này, thôn đã thực hiện rất hiệu quả chủ trương của huyện, của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có việc khai phá đất đồi, đất hoang hóa đưa vào trồng cây cao su. Chủ trương này đã mở ra một trang mới tươi sáng, làm thay đổi cuộc sống của người dân. Trồng cây cao su đòi hỏi đầu tư khá lớn, thời gian từ lúc trồng đến khai thác kéo dài lên tới 5-7 năm.

Là cây trồng mới đối với người dân ở đây nhưng bà con vẫn hăm hở bắt tay vào trồng cao su với niềm hy vọng lớn lao là cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay. Diện tích trồng cao su không ngừng mở rộng từ vài chục héc ta nay lên tới 135 ha đã đi vào khai thác.

Trưởng thôn An Mỹ Hồ Quang Thái (36 tuổi) cho biết: “Ở đây gia đình làm ít cũng được 0,5 ha; nhà trồng nhiều 4-5 ha; số gia đình trồng cao su chiếm khoảng 80%”. Tuy giá cả có lúc lên xuống thất thường nhưng loại cây “vàng trắng” này đã thực sự mang lại sự đổi đời cho bao phận người dân nghèo. Nếu như trước đây trồng lúa và hoa màu hằng năm không đủ ăn thì nay hầu như gia đình nào có cao su thì cũng có được khoản thu nhập ổn định.

Một lão nông trên 70 tuổi nói rằng: “Tất cả như một giấc mơ, bởi trước đây có ai nghĩ rằng mỗi buổi sáng ngủ dậy gia đình mình có hàng trăm ngàn đồng”. Hiện nay, trong thời điểm cây cao su đi vào khai thác, nhiều gia đình trong thôn hằng ngày có được vài trăm ngàn đến hơn 2 triệu đồng tùy vào diện tích cao su nhiều hay ít. Ở An Mỹ ai có sức lao động, cần cù, chăm chỉ thì người đó có điều kiện để vươn lên khá giả.

Cùng với cao su, bà con cũng tích cực trồng rừng, với diện tích khoảng 100 ha. Sau thời gian trồng 5 năm thì khai thác, mỗi héc ta cũng thu được hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra trong thôn có 37 hộ khai thác nhựa thông, mỗi ngày cũng thu được hơn 500.000 đồng. Không dừng lại ở đó, người dân An Mỹ còn chịu khó học hỏi, phát triển nhiều ngành nghề khác, trong đó có nghề ươm giống cây lâm nghiệp, mang lại thu nhập cao. Hiện có 30 hộ chuyên ươm cây trồng, mỗi năm cung cấp 500 vạn giống cây các loại ra thị trường, thu về hàng tỉ đồng; đặc biệt là nghề này góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở trong và ngoài địa phương.

Một số gia đình hằng ngày thuê 2-3 lao động, lúc cao điểm có 5-6 lao động đến làm việc, trong những ngày mùa vụ có từ 50-60 người làm việc cho các vườn ươm cây giống. Người làm thường xuyên được trả 200.000 đồng/ ngày; nếu lao động thời vụ thì được trả cao hơn. Một thực tế là ở thôn An Mỹ thường xuyên thiếu lao động, phải thuê người nơi khác tới làm. Ở đây hầu như không có người nhàn rỗi. Đến An Mỹ tôi thấy một số người tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng tham gia phát triển kinh tế cùng với gia đình để có thu nhập ổn định.

Những năm gần đây khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình cũng mở mang thêm các ngành nghề dịch vụ buôn bán, hàng ăn, giải khát, mở tiệm may gia công... Nhờ đó thu nhập của người dân tăng lên, hiện tại đạt 81,2 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 213 hộ thì có tới 60-70% hộ thu nhập ở mức khá giàu, chỉ có 4 gia đình xếp loại hộ nghèo, đây là những gia đình không có sức lao động, đau ốm, bệnh tật, được hưởng trợ cấp xã hội.

Nếu so với các vùng quê chuyên canh cây lúa, mỗi năm làm 2 vụ nhưng chỉ đủ ăn, gia đình nào làm được vài mẫu ruộng mỗi vụ mới kiếm được tiền lãi 15-20 triệu đồng thì ở An Mỹ mỗi lao động hằng năm thu được vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Người lao động được chia phúc lợi hàng chục triệu đồng

Cách đây không lâu, một người bà con quê ở An Mỹ nói với tôi: “Ở thôn An Mỹ những người lao động từ 18 tuổi trở lên được thôn chia cho 20 triệu đồng từ nguồn bán cây lâm nghiệp”. Tôi không dám tin đó là sự thật, vì số tiền ấy quá nhiều, làm sao có được?

Đem những băn khoăn này hỏi ông Hoàng Kim Minh, Trưởng làng An Mỹ (khác với trưởng thôn; trưởng làng thuần túy lo việc tâm linh, đôn đốc thực hiện hương ước, quy ước), ông Minh xác nhận việc chia tiền phúc lợi là có. Theo ông Minh vừa rồi làng quyết định bán, thanh lý 60 ha cây thông, bán được 10 tỉ đồng, trích lại 1 tỉ đồng để xây dựng công trình phúc lợi, còn 9 tỉ đồng chia cho những người lao động từ 18 tuổi trở lên. Theo 3 mức (tùy theo đóng góp của từng người). Ví dụ lao động xếp loại 1 được chia hơn 20 triệu đồng/ người; loại 2 là 13 triệu đồng; loại 3 là 9 triệu đồng.

Từ khoản chia này mà một số gia đình được nhận khoản tiền lên tới hơn 100 triệu đồng. Ông Minh nói thêm, không chỉ người dân trong thôn mà một số người dân khác đến đây cư trú ( như công nhân) cũng được thôn chia cho mỗi người vài triệu đồng. Đây quả thật là một khoản phúc lợi khá lớn mà người dân An Mỹ được hưởng.

Bà con rất phấn khởi, qua đó càng thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình cảm đối với quê hương. Vừa rồi làng cũng đầu tư xây dựng đình làng hết 800 triệu đồng. Kinh phí xây dựng thì lớn nhưng người dân không phải đóng, mà số tiền ấy trích nguồn quỹ phúc lợi của thôn. Trước đó, trung tâm học tập cộng đồng cũng được xây dựng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà về văn hóa - xã hội cũng có những chuyển biến. Nhiều gia đình đầu tư cho con cái học tập đến nơi đến chốn. Các cháu trong độ tuổi được học hết bậc trung học phổ thông, hằng năm nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, ra trường làm việc ở các cơ quan của huyện, tỉnh, tham gia đóng góp cho sự phát triển xã hội. An Mỹ cũng là một trong những địa phương ở Cam Lộ đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, người dân đã bỏ bớt những thủ tục rườm rà, tốn kém, thực hiện nếp sống văn minh, đơn giản, tiết kiệm.

Các tổ chức đoàn thể ở đây cũng hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của địa phương, nguồn kinh phí cho hoạt động khá dồi dào. Thôn cũng đầu tư xây dựng các sân chơi nhằm thúc đẩy hoạt động thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi. Đường thôn ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, cuộc sống bình yên.

Với nhiều nỗ lực cố gắng, thôn An Mỹ đã được UBND huyện Cam Lộ công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. An Mỹ đang từng bước xây dựng và hiện thực hóa về một “miền quê đáng sống”.

Hoàng Nam Bằng

Tin liên quan:
  • An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu
    Làng đỏ bên sông Hiền

    Làng Xuân Hòa, xã Trung Hải nằm về phía bắc của huyện Gio Linh. Vùng đất này gắn liền với câu chuyện của lịch sử với những tên gọi như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vỹ tuyến 17 với nỗi đau chia cắt hai miền Bắc Nam. Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hy sinh mất mát, người dân Xuân Hòa một lòng đi theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân Xuân Hòa đồng lòng, đồng sức để xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

  • An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu
    Xứ Cùa, vùng quê khởi sắc

    Xứ Cùa là tên gọi chung của vùng đất gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ. Vùng đất ba dan màu mỡ này là xứ sở của những rừng cao su xanh ngát, của tiêu nồng, chè thơm... Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là cái nôi của phong trào Cần Vương, là “kinh đô kháng chiến” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964 . Trải qua biết bao mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến ...

  • An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu
    Làng hoa An Lạc khoe sắc đón xuân

    Thêm một mùa hoa Tết đã đến với người trồng hoa ở An Lạc, thêm một vụ hoa hứa hẹn mang đến niềm vui được mùa, được giá làm vơi bớt những vất vả, lo toan của người nông dân để vững tin vươn tới một cuộc sống ngày càng đủ đầy, khấm khá hơn.


Hoàng Nam Bằng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Vươn lên vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Vươn lên vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
2024-10-30 05:50:00

QTO - Nhắc tới huyện miền núi Đakrông, trước đây, mọi người thường nghĩ đến một vùng đất nghèo khó, lạc hậu. Để thay đổi góc nhìn ấy, thời gian qua, cán...

Khởi sắc ở một xã vùng biên giới

Khởi sắc ở một xã vùng biên giới
2023-12-01 05:10:00

QTO - Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự nỗ...

Festival tôm Cà Mau 2023

Festival tôm Cà Mau 2023
2023-11-30 16:49:00

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 (gọi tắt là Festival Tôm) là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm, có quy mô cấp khu...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết