Cập nhật:  GMT+7

Khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp

(ND) - Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu đã tạm thời lắng dịu trong năm 2018, ít nhất về mặt số lượng, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp khi số người chết tăng cao, do người di cư chọn di chuyển bằng các tuyến đường nguy hiểm. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa thể thống nhất được một giải pháp vẹn toàn.

Khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp

Người di cư trên tàu cứu hộ tại An-mê-ri-a (Tây Ban Nha). Ảnh ELPAIS.COM

Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới công bố số liệu thống kê cho thấy, số người di cư tới châu Âu bằng đường biển trong năm 2018 giảm rõ rệt, còn hơn 113 nghìn người, so với hơn 168 nghìn người năm 2017 và hơn 359 nghìn người năm 2016. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến phức tạp khi người di cư liên tục chuyển tuyến đường di chuyển, bất chấp nguy hiểm để đến “miền đất hứa”.

Cơ quan bảo vệ biên giới EU (Frontex) cảnh báo, Tây Ban Nha đang thế chỗ I-ta-li-a trở thành “điểm đến” chính tại châu Âu của người di cư bất hợp pháp. Sự thay đổi này xuất phát từ việc Chính phủ I-ta-li-a kiên quyết “cài then đóng cửa” nhiều cảng biển để ngăn chặn dòng người di cư vào nước này, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Theo Frontex, trong năm 2018, số người di cư tới I-ta-li-a giảm tới 80%, còn khoảng 23 nghìn người, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Trong khi đó, số người di cư tới Tây Ban Nha lại tăng gấp hai lần, lên 57 nghìn người, khiến tuyến đường từ Ma-rốc tới bán đảo I-bê-ri-a trở nên nhộn nhịp nhất châu Âu. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cảnh báo: Tình hình đáng báo động về người di cư châu Phi bỏ mạng trên hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha, tăng gần gấp ba lần trong năm 2018 so với năm 2017.

Trong khi đó, giới chức Anh cũng đang đau đầu trước tình trạng gia tăng nhanh số lượng người di cư bằng xuồng từ Pháp qua eo biển Măng-sơ tới Anh, bất chấp nguy hiểm tính mạng trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Pháp, 504 người đã tìm cách vượt eo biển Măng-sơ để tới Anh trong năm 2018. Thực trạng gia tăng dòng người xin tị nạn đã gióng lên hồi chuông báo động tại “xứ sở sương mù” và gây áp lực lớn đối với chính phủ của Thủ tướng T.Mây trong việc phải đưa ra biện pháp ứng phó vấn đề này. Trước tình trạng này, Pháp và Anh đang ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuần tra bờ biển và tăng cường giám sát tại các cảng để ngăn chặn sự phát triển của các mạng lưới buôn người mới có thể thu hút người di cư trái phép trở lại bờ biển của cả hai quốc gia. Mới đây, Bộ Nội vụ Anh đã yêu cầu quân đội quốc gia triển khai tàu thuyền tới eo biển Măng-sơ nhằm ngăn chặn tình trạng người di cư vượt biên.

EU cũng đang đối mặt thách thức bảo đảm an toàn cho người di cư, trong bối cảnh con đường vượt Ðịa Trung Hải vào châu Âu đã trở thành “con đường chết chóc”. Theo số liệu thống kê mới nhất của IOM, mặc dù dòng người di cư giảm mạnh nhưng số người thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Ðịa Trung Hải trong năm 2018 tăng lên đến hơn 2.200 người, mức cao nhất trên toàn thế giới. Ngoài ra, các thách thức về bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và giải quyết vấn đề nảy sinh với những người di cư cũng là bài toán khó chưa tìm được lời giải, nhất là khi chủ nghĩa dân túy đang gia tăng tại châu Âu và ngày càng có nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư. Việc lựa chọn một chính sách vừa hiệu quả, vừa đáp ứng vấn đề nhân đạo vẫn là một câu hỏi để ngỏ cho EU.

Không chỉ trong năm 2018 mà nhiều năm qua, EU đã không ngần ngại huy động thêm lực lượng, chi những khoản tiền lớn, từ củng cố biên giới ngoại khối đến tài trợ kinh tế cho các nước liên quan để đổi lại sự hợp tác ngăn dòng người di cư bất hợp pháp. Nhiều chiến dịch truy quét các tổ chức buôn người, hoạt động tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường biển của châu Âu liên tục được triển khai. Gần đây nhất, các nước EU đã nhất trí gia hạn chiến dịch Sofia của lực lượng hải quân EU trên Ðịa Trung Hải, nhằm đối phó nạn buôn người di cư trên vùng biển này. Tuy nhiên, những giải pháp được đưa ra dù khá “hao tiền tốn của”, nhưng phần nhiều mang tính tình thế chứ chưa thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng. Bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho bài toán khó này dự báo sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa các nước EU nói chung và trong từng nước thành viên nói riêng.

Thủ tướng Ðức A.Méc-ken khẳng định, việc giải quyết những bất đồng về vấn đề người di cư bất hợp pháp được xem là phép thử mang tính quyết định đối với tương lai và sự gắn kết của EU. Thật vậy, trong năm 2019, để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, EU cần nhiều hơn sự chung tay chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên.

Hiếu Thiện



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết