Cập nhật:  GMT+7

Khủng hoảng Biển Đỏ: Kinh tế châu Âu lại thiệt hại nặng, Mỹ “quan sát từ xa”

(CLO) Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thuyền trên Biển Đỏ khiến châu Âu một lần nữa lại nằm ở tuyến đầu trong việc chịu hậu quả từ những căng thẳng địa chính trị ở những khu vực khác nhau trên thế giới.

Châu Âu lĩnh đủ tác động từ các cuộc xung đột

Lần thứ hai trong ba năm, một cuộc xung đột ở khu vực láng giềng của châu Âu đang đe dọa làm suy yếu nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn, trong khi một nước Mỹ hùng mạnh hơn đang theo dõi tình hình từ một khoảng cách an toàn hơn.

Khủng hoảng Biển Đỏ: Kinh tế châu Âu lại thiệt hại nặng, Mỹ “quan sát từ xa”

Các tàu đi qua Biển Đỏ vận chuyển khoảng 40% hàng hóa được giao dịch giữa châu Âu và châu Á. Ảnh: GI

Lần này, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ đã thuyết phục nhiều hãng vận tải lựa chọn hành trình an toàn hơn nhưng dài hơn và đắt tiền hơn quanh châu Phi qua Mũi Hảo Vọng.

Những chuyến đi vòng này đang làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và khiến các nhà bán lẻ lo lắng về việc hết hàng. Một số nhà máy đã tạm dừng hoạt động do thiếu các bộ phận cần thiết. Nếu mối đe dọa vẫn tiếp diễn, các nhà kinh tế cho rằng sẽ làm gia tăng lạm phát trở lại ở châu Âu.

Ana Boata, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz Trade, cho biết: “Đây rõ ràng là một trong những rủi ro lớn đối với tăng trưởng và rủi ro đối với lạm phát. Chúng ta có thể nói về nguy cơ suy thoái”.

Sự bùng nổ địa chính trị mới nhất có thể củng cố sự bất cân xứng ngày càng tăng giữa châu Âu và Mỹ. Là một nhà sản xuất năng lượng lớn, Mỹ đã nổi lên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra.

Dù một số hàng nhập khẩu của Mỹ đi qua Kênh đào Suez nhưng thị phần của chúng tương đối nhỏ và Thái Bình Dương cung cấp một tuyến đường thay thế cho hàng hóa ra khỏi châu Á. Nên những rắc rối ở Biển Đỏ sẽ ít ảnh hưởng đến Mỹ hơn nhiều so với châu Âu.

Sau đại dịch toàn cầu và cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu trong 8 thập kỷ, sự leo thang của những điểm nóng mới, bắt đầu bằng cuộc tấn công vào Israel của Hamas vào đầu tháng 10, là một lời nhắc nhở rằng triển vọng của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được định hình bởi các diễn biến ngoài tầm với của các nhà hoạch định chính sách kinh tế.

Đối với châu Âu, tác động của cuộc khủng hoảng phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ và thời gian gián đoạn. Các nhà kinh tế tại Allianz Trade tính toán rằng việc tăng gấp đôi chi phí vận chuyển kéo dài hơn ba tháng có thể đẩy tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro lên 3/4 điểm phần trăm và làm giảm tăng trưởng kinh tế gần 1 điểm phần trăm. Với nền kinh tế khu vực đồng euro vốn đã suy yếu, điều đó có thể đẩy khu vực này vào tình trạng thu hẹp trong năm 2024.

Paolo Gentiloni, quan chức kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu, nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng tình hình ở Biển Đỏ “cần được theo dõi rất chặt chẽ” vì nó có thể khiến giá năng lượng và lạm phát tăng trở lại.

Ảnh hưởng tức thì với cựu lục địa

Các tàu đi qua Biển Đỏ vận chuyển khoảng 40% hàng hóa được trao đổi giữa châu Âu và châu Á. Dù Houthi tuyên bố nhắm mục tiêu vào các tàu của Israel hoặc những tàu đi đến các cảng của nước này nhưng trên thực tế, các cuộc tấn công của họ vẫn gây nguy hiểm cho hầu hết các tàu đi qua Biển Đỏ. Điều đó đã thúc đẩy nhiều nhà khai thác chuyển hướng giao thông quanh Mũi Hảo Vọng.

Tuần trước, Tesla cho biết sự chậm trễ trong việc giao linh kiện do việc định tuyến lại tàu sẽ buộc hãng phải đình chỉ sản xuất tại nhà máy lớn duy nhất ở châu Âu, nhà máy GigaBerlin ở ngoại ô Berlin. Volvo, nhà sản xuất ô tô Thụy Điển, cho biết hộp số cần thiết để chế tạo xe đốt trong thông thường tại một nhà máy ở Bỉ đã bị trì hoãn, buộc công ty phải ngừng sản xuất trong ba ngày.

Khủng hoảng Biển Đỏ: Kinh tế châu Âu lại thiệt hại nặng, Mỹ “quan sát từ xa”

Một tàu hàng đi từ Singapore tới Rotterdam (Hà Lan) qua Mũi Hảo Vọng (đường màu vàng) sẽ lâu hơn 9 ngày và dài hơn 3 nghìn hải lý so với qua Biển Đỏ (đường màu đỏ). Đồ họa: Wall Street Journal

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu tính theo doanh số bán hàng, cho biết các nhà máy của họ không bị ảnh hưởng nhưng họ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình bằng cách liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp. Volkswagen cho biết họ đang định tuyến lại các lô hàng, điều này gây ra một số chậm trễ.

Oxford Economics ước tính rằng một con tàu di chuyển với tốc độ 16,5 hải lý/giờ từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Hà Lan qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez sẽ mất khoảng 25 ngày rưỡi để hoàn thành hành trình. Nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 34 ngày nếu hành trình chuyển hướng quanh Mũi Hảo Vọng.

Thời gian di chuyển thêm làm giảm sức tải hàng năm của mỗi tàu và có thể tác động dây chuyền đến chi phí vận chuyển hàng hóa trên các tuyến khác, bao gồm cả các tuyến giữa châu Á và Mỹ. Theo Chỉ số Freightos Baltic, chi phí trung bình để vận chuyển hàng hóa trong một container đi khắp toàn cầu đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ ngày 22/12/2023 đến ngày 12/1/2024.

Thời gian đó có thể còn kéo dài hơn nữa nếu các tàu chuyển hướng phải chờ tiếp thêm nhiên liệu để hoàn thành hành trình ngoài kế hoạch tại các cảng châu Phi quá tải, trong đó Durban của Nam Phi là cảng lớn nhất.

“Bài test” cho sức chống chọi của nền kinh tế

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ cũng sẽ cho thấy sức chống chọi, như quan sát của nhiều chuyên gia hiện nay là tốt hơn, của nền kinh tế châu Âu với những biến động địa chính trị.

Có một số lý do khiến tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế châu Âu có thể ít nghiêm trọng hơn so với các đợt tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trước đây. Thứ nhất, các doanh nghiệp đã trải qua một số lần gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm gần đây và tin rằng họ đã chuẩn bị tốt hơn.

Hiện tại, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng ở quy mô khiêm tốn so với tình trạng tắc nghẽn phổ biến hơn vào năm 2020 và 2021 tại Biển Đỏ, đồng thời tác động kinh tế của chúng có thể sẽ nhỏ hơn tương ứng. Các doanh nghiệp cũng đã rút ra bài học từ sự gián đoạn trong đại dịch COVID-19 và có lượng hàng tồn kho lớn hơn so với thời điểm đó.

Jesper Brodin - Giám đốc điều hành tập đoàn nội thất hàng đầu Thụy Điển, IKEA cho biết xung đột ở Biển Đỏ đã kéo dài các tuyến vận chuyển của họ thêm khoảng 10 ngày hoặc lâu hơn song khách hàng của họ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ: “Sự khác biệt lớn vào lúc này là chúng tôi đã hồi phục sau đại dịch. Vì vậy, điều đó có nghĩa là hàng tồn kho trong kho của chúng tôi đang ở trạng thái tốt”.

Nhà bán lẻ giảm giá Pepco cho biết xung đột ở Biển Đỏ hiện tại chỉ ảnh hưởng hạn chế đến nguồn cung sản phẩm, nhưng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong những tháng tới nếu tình trạng này tiếp tục. Nhà bán lẻ giảm giá này cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc tấn công của Houthi vào tàu đã dẫn đến giá cước vận chuyển giao ngay cao hơn và thời gian vận chuyển container bị chậm trễ.

Stellantis, nhà sản xuất xe Fiat, Peugeot và Jeep của Pháp-Mỹ-Ý cho biết họ đang bù đắp cho sự chậm trễ của các tàu được định tuyến lại “bằng cách sử dụng một số giải pháp vận tải hàng không hạn chế”, đồng thời nói thêm rằng sự chậm trễ “hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cho đến nay”.

Ngoài sự chuẩn bị tốt hơn, môi trường kinh tế cũng khác so với thời kỳ đại dịch. Cuộc khủng hoảng hiện nay mang tính cục bộ, khiến các nhà cung cấp có nhiều lựa chọn thay thế hơn và nhiều doanh nghiệp hiện nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn hơn so với trước khi đại dịch xảy ra. Và, nhu cầu tiêu dùng yếu ở châu Âu cũng góp phần giảm bớt ảnh hưởng.

Nguyễn Khánh


Nguyễn Khánh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chảo lửa Trung Đông nóng rực

Chảo lửa Trung Đông nóng rực
2024-01-19 06:53:00

(NLĐ) - Pakistan hôm 18-1 thông báo đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào nơi ẩn náu của phiến quân ly khai tại tỉnh Sistan và Baluchestan ở phía Đông Nam Iran.

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long