Cập nhật:  GMT+7

Khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư, xử lý như thế nào?

Khu tái định cư xã Linh Trường, huyện Gio Linh phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025), đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có diện tích 3,38 ha, với tổng vốn đầu tư 48 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu xây lắp - thiết bị có mức đầu tư gần 37 tỉ đồng do liên danh Công ty TNHH MTV An Thịnh, Công ty TNHH Nam Bến Hải, Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Hòa Hưng thi công. Vừa qua, Công ty TNHH Nam Bến Hải đã thu mua đất có nguồn gốc khai thác trái phép từ một đơn vị khác để san lấp mặt bằng dự án này.

Khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư, xử lý như thế nào?

Đơn vị thi công đang triển khai thi công Khu tái định cư xã Linh Trường, huyện Gio Linh -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Bị xử phạt 48,5 triệu đồng vì khai thác đất trái phép

Ngày 23/1/2024, ông Nguyễn Vĩnh (sinh năm 1971) ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường thỏa thuận với ông Trần Sỹ Hùng (sinh năm 1983) ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường về việc hạ độ cao tại thửa đất số 103, tờ bản đồ số 48 (thôn Bến Hà, xã Linh Trường) do ông Vĩnh được giao quyền sử dụng.

Sau đó, ông Hùng sử dụng máy múc hạ độ cao thửa đất này và vận chuyển đến đổ làm mặt bằng tại Khu tái định cư xã Linh Trường nằm liền kề. Từ ngày 23 - 29/1/2024, có 8.325 m2 đất tại thửa đất trên bị hạ thấp so với hiện trạng ban đầu. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Vĩnh thừa nhận việc hạ độ cao thửa đất này chưa được cơ quan chức năng cho phép và là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 1/2/2024, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa ký Quyết định số 08/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng đối với ông Nguyễn Vĩnh vì đã có hành vi hủy hoại đất làm biến dạng địa hình với diện tích 8.325 m2 tại thửa đất số 103, tờ bản đồ số 48 (thôn Bến Hà, xã Linh Trường).

Đồng thời, buộc ông Vĩnh khôi phục lại tình trạng của thửa đất như ban đầu. Trường hợp không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Song, sau vài lần gia hạn thì đến ngày 8/3/2024, ông Vĩnh mới chỉ nộp tiền phạt, chứ chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất.

Được biết, trước đó, ngày 22/1/2024, UBND xã Linh Trường có Quyết định số 28/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng một cá nhân (người lái máy múc) vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, hủy hoại đất làm biến dạng địa hình với diện tích 442 m2 tại thửa đất số 103, tờ bản đồ số 48 do ông Vĩnh được giao quyền sử dụng, đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng của đất.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Giám đốc Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Gio Linh Hoàng Chiến Công cho biết, Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường do UBND huyện Gio Linh làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn quản lý dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng TLD. Đơn vị tư vấn giám sát là liên danh Công ty Hà Trí Việt và Công ty An Nguyên.

Vị trí thửa đất của ông Vĩnh nằm sát Khu tái định cư xã Linh Trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, các đơn vị được thuê (tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án) đều không phát hiện, báo cáo UBND huyện cũng như đơn vị đại diện chủ đầu tư những sai phạm liên quan đến đất san lấp tại dự án.

“Giữa chủ đầu tư và các đơn vị được thuê tư vấn giám sát, tư vấn quản lý có lập nhóm zalo để quản lý, trao đổi công việc. Song, huyện không hề nhận được báo cáo của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án về việc sử dụng nguồn đất được khai thác trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư. Sau khi sự việc trên xảy ra, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quản lý và đơn vị thi công phải làm báo cáo rõ ràng và nhận trách nhiệm của mình”, ông Công nói.

Cũng theo ông Công, đối với Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường phải sử dụng nguồn đất san lấp đã được cấp phép nạo vét tại các lòng hồ trên địa bàn hoặc mỏ đất san lấp tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Việc sử dụng nguồn đất trái phép để san lấp nền Khu tái định cư xã Linh Trường xảy ra trên phạm vi thi công của Công ty TNHH Nam Bến Hải.

“Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an vào cuộc điều tra, yêu cầu (nói miệng, không có văn bản) tạm dừng, không đổ thêm đất trong phạm vi đã san lấp bằng đất trái phép để lấy mẫu đi kiểm tra xem có đảm bảo chất lượng hay không. Qua kiểm tra, kết quả xét nghiệm mẫu đất đó đảm bảo chất lượng nên cơ quan công an đã cho tiếp tục thi công cách đây vài ngày”, ông Công cho hay.

Tìm hiểu được biết, khối lượng đất được khai thác trái phép từ thửa đất của ông Vĩnh được vận chuyển vào dự án để san nền khoảng 23.000 m3 .

Khi được hỏi về việc xử lý như thế nào đối với đơn vị thi công cũng như với 23.000 m3 đất nói trên, ông Công cho biết: “Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp này. Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan công an. Đến hiện tại, huyện chưa nghiệm thu bất cứ hạng mục nào liên quan đến Công ty TNHH Nam Bến Hải tại Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường.

Sắp tới, những hạng mục nào không liên quan đến vi phạm thì sẽ nghiệm thu. Còn đối với hạng mục san nền, sẽ tính phần công san nền, lu lèn (chưa tính phần vận chuyển, nguồn gốc đất) hoặc nếu phía ông Vĩnh đã nộp tiền phạt, khôi phục hiện trạng thửa đất và có hóa đơn mua đất từ mỏ đất được cấp phép thì có thể sẽ được hợp thức hóa. Theo tôi nghĩ như thế sẽ hợp tình, hợp lý”.

Huyện có nhiều dự án nhưng không có mỏ đất san lấp

Ông Công thông tin thêm, hiện trên địa bàn huyện Gio Linh có khoảng 20 dự án, công trình do huyện làm chủ đầu tư. Nhu cầu đất san lấp phục vụ các dự án này khoảng 500.000 m3.

Nếu tính toàn huyện thì có hàng chục dự án lớn nhỏ của tỉnh, huyện và các xã nhưng trên địa bàn huyện chưa có mỏ đất san lấp nào. Để có đất san lấp cho các dự án, công trình, các đơn vị thi công phải mua đất nạo vét của các lòng hồ (trên địa bàn huyện) hoặc mỏ đất được cấp phép từ huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh.

“Việc không có mỏ đất san lấp trên địa bàn khiến cho việc thi công các dự án tại huyện Gio Linh gặp rất nhiều khó khăn. Nếu lấy đất nạo vét từ lòng hồ thì khối lượng không đủ vì phụ thuộc vào thời gian nạo vét, chất lượng có thể không đảm bảo. Còn nếu lấy đất từ các mỏ được cấp phép thì khoảng cách quá xa, làm tăng kinh phí thi công các dự án”, ông Công nói.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, quan điểm của huyện là sẽ kiên quyết xử lý sai phạm. Huyện đã tích cực chỉ đạo các đơn vị đôn đốc trường hợp vi phạm hoàn trả mặt bằng, khắc phục lại hiện trạng thửa đất bị khai thác trái phép theo quy định. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp căn cơ về mỏ đất san lấp trên địa bàn để phục vụ tại chỗ các dự án, công trình nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, vừa giảm chi phí thi công các dự án.

Trần Tuyền

Tin liên quan:
  • Khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư, xử lý như thế nào?
    Gỡ vướng cho nguồn cung vật liệu đất san lấp bằng cách nào?

    Năm 2023, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 4,2 triệu m 3 . Khối lượng đất từ các mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp là có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

  • Khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư, xử lý như thế nào?
    Rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm ...

    Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ cho các công trình, dự án, ngày 15/6, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT; Công an tỉnh; Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện Thông báo số 52/TB-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh. Trong đó, cần tập trung phối hợp, rút ngắn thời gian thẩm định và các nội dung liên quan đến hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp.

  • Khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng dự án khu tái định cư, xử lý như thế nào?
    Phải xử lý nghiêm việc khai thác đất trái phép ở xã Triệu Thượng

    Những ngày qua, một số đối tượng lợi dụng việc chính quyền và cơ quan chức năng tập trung phòng, chống dịch bệnh để khai thác đất trái phép, hoạt động này diễn ra ngang nhiên trên vùng gò đồi thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Nghiêm trọng hơn, việc khai thác đất trái phép xảy ra ngay trong khu vực hành lang an toàn lưới điện đường dây 500 kV.


Trần Tuyền

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bể nợ lừa đảo, lộ “tín dụng đen”

Bể nợ lừa đảo, lộ “tín dụng đen”
2024-03-02 05:50:00

QTO - Chỉ một thời gian sau khi “con nợ” bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bản thân mình là bị hại, “chủ nợ” sau đó cũng bị “lộ” hành vi cho...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết