Cập nhật: Chủ nhật, 01/10/2017 | 05:27 GMT+7

Hòa hoãn Mỹ - Nga là bắt buộc

QĐND - Trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí National Interest, tác giả Katrina vanden Heuvel cho rằng, sự hòa hoãn giữa Mỹ và Nga là một vấn đề bắt buộc hiện nay.

Theo bài viết, mối quan hệ Mỹ-Nga đang trong tình trạng “nguy hiểm”. Những tia hy vọng mong manh từ “cuộc gặp thượng đỉnh” bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã vụt tắt. Một lý do phải kể đến là thông tin sốt dẻo liên quan tới cáo buộc ban vận động tranh cử của ông Donald Trump cấu kết với phía Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Theo đó, con trai cả của ông chủ Nhà Trắng là Donald Trump Jr đã công khai loạt thư điện tử (email) thể hiện sự ủng hộ các nỗ lực của Nga nhằm hậu thuẫn chiến dịch tranh cử Tổng thống của người cha, đồng thời thừa nhận muốn được phía Moskva cung cấp “thông tin cấp rất cao và nhạy cảm” có thể “buộc tội” đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử vào năm 2016.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua. Ảnh: Getty Images

Tác giả Katrina vanden Heuvel dẫn lời ông William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, mô tả quan hệ Mỹ-Nga hiện nay “tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh”. “Thay vì một “mối quan hệ tuyệt vời” có phần cường điệu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mong đợi với Nga hay mối quan hệ “cơ bản là đối đầu” mà Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Barack Obama xem là tất yếu, cần phải suy nghĩ rõ ràng xem làm thế nào để tái lập quan hệ hòa hoãn khả thi giữa hai cường quốc hạt nhân”-tác giả Katrina vanden Heuvel viết.

Theo tác giả Katrina vanden Heuvel, cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga hiện nay được thể hiện qua những cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm ở 3 “mặt trận”. “Mặt trận” thứ nhất là tại Syria và thứ hai là ở Ukraine. Một “mặt trận” khác đó là trên bầu trời ở vùng Biển Baltic, tại khu vực biên giới phía Tây của Nga với việc 300.000 binh lính NATO luôn ở trong tình trạng báo động cao cũng như cả Nga và NATO đều tăng cường triển khai quân và tập trận tại đây.

Tác giả Katrina vanden Heuvel cho biết, căng thẳng leo thang thể hiện Washington và Moskva có cách nhìn hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Tại Mỹ, Moskva bị “lên án” vì cuộc chiến Gruzia, cuộc khủng hoảng Ukraine, sự ủng hộ dành cho chính quyền Damascus của Tổng thống Syria Bashar al-assad, và cáo buộc can thiệp bầu cử. Tại Nga, Washington bị xem là kẻ xâm lược, tự coi mình là bá chủ thế giới. “Khi Tổng thống Bill Clinton đi ngược lại những cam kết và bắt đầu mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía biên giới với Nga, George F.Kennan, “cha đẻ” của chính sách ngăn chặn, đã cảnh báo về “một sai lầm bi kịch”. Việc mở rộng NATO khiến người Nga tin rằng phương Tây xem họ là kẻ thù vĩnh viễn”-tác giả Katrina vanden Heuvel viết.

Theo bài viết, cách nhìn trái ngược của Washington và Moskva dành cho nhau có “vài phần sự thật”. Tổng thống Vladimir Putin muốn tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga trên sân khấu chính trị quốc tế và thách thức “ảo tưởng đơn cực” của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại tự xem mình là “người phán xử toàn cầu”, “quốc gia không thể thiếu” và bác bỏ tầm ảnh hưởng chính đáng của bất kỳ quốc gia nào khác. “Lầu Năm Góc xem Nga là đối thủ chính. Mỹ đã khuyến khích “các cuộc cách mạng màu” tại Gruzia và đảo chính tại Ukraine”-tác giả Katrina vanden Heuvel nhấn mạnh.

Đối đầu nhau là vậy, thế nhưng theo tác giả, hai cường quốc sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới đang rất cần một mối quan hệ hợp tác. “Một sự hòa hoãn đòi hỏi những nỗ lực kiên quyết nhằm tìm ra các lĩnh vực đồng thuận cũng như giải quyết các mâu thuẫn thay vì sẵn sàng đóng băng quan hệ, tăng cường trừng phạt hay đẩy mạnh phô trương quân sự”-tác giả Katrina vanden Heuvel khẳng định.

Theo tác giả Katrina vanden Heuvel, ưu tiên đầu tiên mà Washington cần làm là cùng với Moskva nỗ lực cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và ngăn chặn lực lượng khủng bố tiếp cận các nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân. Hai bên nên hợp tác với nhau như đã từng làm trong các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) và Iran, nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, cả Mỹ và Nga đều chia sẻ quan tâm về mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al Qaeda và “chân rết” của chúng. “Tại Syria, hợp tác Mỹ-Nga có lẽ là cách duy nhất để đem lại ổn định cho quốc gia Trung Đông này, từ đó cuối cùng sẽ giúp Syria khôi phục sau cuộc chiến tranh đẫm máu. Hai bên có thể cùng hợp tác bảo đảm lệnh ngừng bắn giúp người dân Syria được “ngơi nghỉ” sau 6 năm chiến tranh đẫm máu và giảm dòng người tị nạn đang đổ về châu Âu”-tác giả Katrina vanden Heuvel đề xuất.

Bài viết cho rằng, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Nga đáng lẽ có thể hợp tác xây dựng và tăng cường hòa bình ở châu Âu. Thế nhưng Mỹ lại chủ trương mở rộng NATO theo hướng sát sườn Nga. “Mặc dù sự mở rộng này hầu như sẽ không thể đảo ngược nhưng Mỹ và Nga có thể đảo ngược việc tăng cường binh lính và giảm các cuộc tập trận ở khu vực hai bên đường biên giới của Nga mà không cần thỏa thuận chính thức nào. Nga và Mỹ có thể hợp tác xúc tiến việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk II nhằm chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraine. Tái lập quan hệ hòa hoãn Mỹ-Nga đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì cũng như can đảm thực sự”-tác giả Katrina vanden Heuvel khẳng định.

HOÀNG VŨ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe giải tán Hạ viện

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe giải tán Hạ viện
11:55 28/09/2017

(QĐND) - Sáng 28-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức giải tán Hạ viện, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử sớm ở xứ sở "Mặt trời mọc" được ấn định vào ngày 22-10...

Thời tiết

24°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 31°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long