{title}
{publish}
{head}
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, những người vợ, người mẹ, người con vẫn đau đáu nỗi mong mỏi tìm được các thông tin của người thân đã hy sinh tuổi xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng với các lực lượng chuyên trách, cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực trong công tác giải mã, khôi phục thông tin của các di vật liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập, góp phần tìm ra danh tính để liệt sĩ sớm trở về cùng gia đình và đồng đội.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh khôi phục các di vật liệt sĩ -Ảnh: D.T
Những ngày đầu tháng 4/2024, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh nhận được công văn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị tiến hành khôi phục thông tin trên di vật là một ví cá nhân của liệt sĩ vừa được Đội quy tập 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập tại địa bàn thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng.
Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã phân công các giám định viên nhiều kinh nghiệm khẩn trương thực hiện nhiệm vụ.
Quá trình kiểm tra, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự thấy bên trong chiếc ví có 1 mảnh giấy chứa nhiều mảnh kim loại và 1 bức ảnh nhỏ. Để đưa ra được kết quả nhanh và chính xác nhất, giúp đơn vị quy tập có thông tin tìm kiếm thân nhân liệt sĩ, các giám định viên được giao nhiệm vụ đã tranh thủ làm thêm giờ, xuyên cả buổi trưa và đến tối muộn.
“Việc phục hồi hết sức khó khăn bởi ảnh bị chôn cất dưới lòng đất trong thời gian dài nên đã bị mờ, nhòe, giấy bị mục nát đòi hỏi quá trình giám định các di vật phải thật sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Bằng việc sử dụng các thiết bị máy móc chuyên dụng, lồng ghép các chi tiết trên từng bức ảnh kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi đã hoàn thành hình ảnh một cách chi tiết, sắc nét nhất, phục vụ việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ”, Trung úy Nguyễn Văn Phong, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự chia sẻ.
Chỉ sau 2 ngày khi nhận được yêu cầu giám định, cán bộ phòng đã phục hồi được bức ảnh chân dung của liệt sĩ. Từ bức ảnh chân dung được phục hồi, lực lượng chức năng đã phát thông tin tìm kiếm kèm theo bức ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội với mong muốn sớm tìm được thông tin liên quan đến thân nhân liệt sĩ.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn giám định kỹ thuật hình sự phục vụ công tác điều tra của lực lượng điều tra các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, những năm qua, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh luôn thực hiện có hiệu quả công tác giám định, kiểm tra, khôi phục, giải mã những thông tin trên các di vật liệt sĩ sau khi được phát hiện, quy tập theo yêu cầu của lực lượng chức năng.
Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện trách nhiệm, sự biết ơn của thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Trị đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời thể hiện tình cảm và nguyện vọng tha thiết của thân nhân liệt sĩ cũng như đồng bào cả nước.
Thượng úy Nguyễn Hữu Quốc, giám định viên tài liệu Phòng Kỹ thuật hình sự đã nhiều lần được giao nhiệm vụ khôi phục di vật liệt sĩ theo đề nghị của các đơn vị quy tập. Với anh, đó là nhiệm vụ thiêng liêng và vô cùng tự hào nên anh luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất có thể. Mỗi lần được cầm trên tay một di vật nhỏ, là chiếc ví, chiếc lược, tấm ảnh, mảnh giấy hay mảnh áo mưa được buộc kín trong lọ penixilin... anh luôn xúc động.
Anh Quốc nhớ như in khi kể lại quá trình được phân công thực hiện nhiệm vụ khôi phục di vật liệt sĩ theo yêu cầu của đội quy tập, Sư đoàn 968 sau khi tìm kiếm, quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ tại khu vực Động Toàn, thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ vào tháng 12/2023. “Khi nhận di vật từ đội quy tập, tôi và đồng đội khẩn trương thực hiện các bước xử lý mẫu vật, làm sạch đất cát, bụi bẩn bên ngoài, tiến hành mở các lớp bao gói bên ngoài và nắp lọ penixilin.
Vì các mảnh ni lông thường được cuộn tròn để có thể đặt vào trong lọ nên phải tiến hành hong khô trong môi trường nhiệt độ phòng và chọn thời điểm thích hợp mới bóc tách rồi làm phẳng tương đối. Sau đó, chúng tôi tiến hành cho mảnh ni lông vào máy giám định tài liệu để khôi phục các ký tự. Các thao tác thực hiện với mẫu vật phải hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra để kịp thời bóc tách khi thích hợp”.
Và rồi cảm xúc vỡ oà khi từng chữ viết, chữ số, từng địa danh hiện lên: Lê Sỹ Hùng, sinh năm 1951, Văn Phú, Quảng Thọ, Quảng Xương, Thanh Hóa và Lê Hải Lục, sinh năm 1949, Xuân Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý giá đó chính là manh mối để đưa các liệt sĩ về với quê mẹ, với người thân sau hơn 40 năm nằm trong lòng đất Quảng Trị.
“Các di vật do được chôn cất dưới lòng đất trong thời gian dài, tiếp xúc với nước, không khí nên bị oxy hóa bề mặt kim loại; một số di vật như giấy viết, vở, ảnh... hầu hết bị phai mực, mờ nhòe, giấy bị mục nát.
Tuy nhiên, các giám định viên trong đơn vị bằng kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của thiết bị, hóa chất chuyên dụng và máy móc hiện đại đã khôi phục được hàng trăm di vật, tìm lại thông tin cho nhiều liệt sĩ”, Thượng tá Trần Đức Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, chia sẻ.
Mới đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã gửi thư cảm ơn tới Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Trong bức thư có đoạn: “Nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh về việc giám định, phân tích, khôi phục lại các thông tin trong di vật của liệt sĩ mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhiều lần tìm và liên hệ được với thân nhân liệt sĩ để bàn giao, tiễn đưa các liệt sĩ về truy điệu, an táng.
Đây là một việc làm mang ý nghĩa chính trị sâu sắc và rất có ý nghĩa đối với thân nhân gia đình các liệt sĩ”. Đó là nguồn động viên để cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Diệu Thúy
QTO - Nhằm phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em và triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Hội Liên hiệp Phụ nữ...
QTO - Thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân của ngành y tế, đến nay khoảng 97% chất thải y tế được xử lý tại bệnh viện, 100% các...
QTO - Hằng năm, đến ngày 8/2 âm lịch, người dân Xóm Cháy, làng Cu Hoan, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, lại thức dậy từ sáng sớm nấu các món ngon nhất đưa ra...
QTO - Chưa bao giờ, cụm từ “chữa lành” (healing) lại trở nên phổ biến đến thế. Từ ti vi, mạng xã hội cho đến trong đời sống, đâu đâu người ta cũng nói về...
QTO - Được thành lập từ năm 2016, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Hải Lăng không ngừng đổi mới phương thức tuyển...
QTO - Đakrông là huyện miền núi có trên 80% người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cấp...
QTO - Có dịp đến xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi cảm nhận rõ sự ủng hộ của đồng bào Vân Kiều nơi đây trong xây dựng nông thôn mới và các dự án lớn...
QTO - Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đề xuất tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) về việc học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động...
QTO - Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần người cao tuổi (NTC) trên địa bàn huyện Gio Linh ngày càng được nâng cao. Có được những kết quả đó là nhờ sự...
QTO - Ngày nay, hiếm nghệ nhân người dân tộc thiểu số nào vừa có khả năng sử dụng được nhiều loại nhạc cụ vừa chế tác nhạc cụ, hát dân ca và đan lát truyền...
QTO - Thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài đến địa bàn tỉnh Quảng Trị và lợi dụng tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, thật thà, cả...
QTO - Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất...