Cập nhật:  GMT+7

Giá thu mua cà phê ở Hướng Hóa thấp do đâu?

Đây là câu hỏi chưa thể trả lời rõ ràng, chính xác, bởi bên bán nghi ngờ bị ép giá, còn bên mua khẳng định không có chuyện đó. Tiếp nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng về tình trạng giá cà phê Arabica ở Hướng Hóa giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với cà phê cùng loại tại các tỉnh lân cận, phóng viên Báo Quảng Trị đã trực tiếp gặp các hộ trồng cà phê, doanh nghiệp thu mua và chính quyền để làm rõ hơn về vấn đề này.

Người dân nghi ngờ có sự “bắt tay” để ép giá mua

Anh Nguyễn Văn Thãnh (sinh năm 1990), sống tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng có trồng 3 ha cà phê tại thôn Hướng Hải và thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đến thời điểm hiện tại, anh đã thu hoạch được 22 tấn cà phê, dự kiến còn 3 tấn cà phê đang chờ thu hoạch.

Trao đổi với phóng viên, anh Thãnh cho biết sự lên xuống thất thường của giá cà phê năm nay khiến người nông dân đứng ngồi không yên.

Giá thu mua cà phê ở Hướng Hóa thấp do đâu?

Anh Thãnh vẫn còn 3 tấn cà phê chín trên cây chưa thu hoạch - Ảnh: T.P

Cụ thể, từ đầu vụ đến nay, giá cà phê tươi có lúc tăng lên 10.000 đồng/kg, cao nhất là 10.500 đồng/kg, nhưng chỉ giữ được khoảng 2 – 3 ngày thì lại “rớt” giá xuống chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. Cập nhật đến tối ngày 10/12, giá cà phê tươi đạt 9.000 đồng/kg.

“So với mọi năm, chất lượng cà phê năm nay rất tốt, trái chín đều, đẹp, ít hư hại, sâu bệnh. Chính vì thế, chúng tôi tin tưởng, mong chờ vào một vụ mùa bội thu. Ai ngờ giá cả cứ lên xuống thất thường, thu hoạch thì không bán được giá mà để chín trên cây cũng chẳng đành.

Lúc trước tham gia các cuộc họp với doanh nghiệp, chúng tôi được giải thích do cà phê thu hái bị thấm nước, lẫn bùn đất, có nhiều quả xanh nên giá giảm nhưng đến khi trời nắng, giá vẫn không có sự thay đổi.

Tại sao trong khi giá cà phê tại các tỉnh phía bắc, phía nam ổn định với giá bán 13.000 – 14.000 đồng/kg thì giá cà phê tại đây lại bị đẩy xuống thấp như vậy?”, anh Thãnh thắc mắc.

Gia đình ông Lê Đức Tùng trú tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết gia đình mình đã gắn bó với cây cà phê từ nhiều năm nay. Hiện ông có khoảng 1 ha cà phê nhưng chỉ mới tiến hành thu hoạch được khoảng 80% vì sự bấp bênh của giá cà phê.

Ông Tùng bày tỏ sự nghi ngờ phải chăng có sự “bắt tay” giữa các đơn vị thu mua, nhà máy để ép giá mua cà phê.

“Chúng tôi rất phấn khởi khi theo dõi giá cà phê Arabica trong nước hay trên thế giới có xu hướng tăng, nhưng tại Hướng Hóa, giá cà phê được các doanh nghiệp, nhà máy thu mua với giá rất thấp. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, chắc vài năm nữa, trên địa bàn xã sẽ chẳng còn ai dám trồng cây cà phê”, ông Tùng cho hay.

Không thể tiếp tục thu hoạch cà phê vì giá quá thấp không phải là tình cảnh của riêng gia đình ông Tùng hay anh Thãnh mà là chung của nhiều hộ dân tại xã Hướng Phùng. Cà phê rớt giá liên tục khiến một số người chán nản, bỏ mặc trái chín khô trên cây.

Doanh nghiệp không ép giá !

Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Lê Kim Phước, người phụ trách thị trường Công ty cà phê Vương Thái. Trao đổi với phóng viên, anh cho hay, cà phê năm nay so với mọi năm đạt chất lượng tốt hơn.

Giá thu mua cà phê ở Hướng Hóa thấp do đâu?

Bãi phơi cà phê tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến chi nhánh Quảng Trị (ảnh chụp sáng 11/12/2023) - Ảnh: T.P

Tuy nhiên, cà phê rớt giá “thê thảm” như vậy nguyên nhân một phần do việc thu hái không đạt, tỉ lệ quả xanh cao, lẫn tạp chất đến 15%. Theo anh Phước, cà phê Arabica ở Sơn La, Lâm Đồng hay thậm chí ở Lào được thu mua với giá cao vì đạt chất lượng tốt, cà phê đạt độ chín đến 90%, hầu như không lẫn tạp chất.

Trong khi đó, tại xã Hướng Phùng hiện có 1.500 hộ trồng cà phê thì có đến 400 hộ với diện tích trồng cà phê trung bình 1,7 ha/hộ chỉ có mặt tại địa bàn vào mùa thu hoạch.

“Người trồng cà phê không đợi quả chín mà đã vội thu hoạch để còn về xuôi trồng lúa thì lấy đâu ra chất lượng. Điều này không chỉ làm giá cà phê bị đẩy xuống thấp, thiệt thòi cho những người tâm huyết với cây cà phê mà còn làm mất dần đi thương hiệu cà phê Hướng Hóa.

Chúng tôi là những người làm ăn kinh doanh, việc gì có lợi, chúng tôi nhất định sẽ làm. Vì thế không lý nào lại đi ép giá để người nông dân thua lỗ rồi bỏ trồng cà phê. Không ai trồng cà phê nữa, người thua thiệt lớn nhất chính là doanh nghiệp chúng tôi”, anh Phước nói.

Anh tiết lộ thêm, hiện nay doanh nghiệp thu mua cà phê về vẫn chưa thể bán được, do đó với chất lượng cà phê như hiện nay, việc thu mua càng cao khiến doanh nghiệp càng chịu lỗ lớn. “Muốn làm sạch hạt cà phê cần phải có sự vào cuộc của chính quyền, nghiêm cấm thu hái cà phê xanh, cà phê kém chất lượng”, anh Phước đề xuất.

Anh Đinh Văn Tiến, Trưởng chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến cho biết, với mục tiêu đưa cà phê Việt đến với những thị trường khó tính nhất trên thế giới, công ty luôn trăn trở, mong muốn tìm kiếm cà phê đầu vào thực sự chất lượng, để không làm mất đi thương hiệu.

Tuy nhiên do cách thu hoạch của người dân tại Quảng Trị khiến hạt cà phê không đạt yêu cầu. Do đó, nhà máy được đầu tư xây dựng 40 - 50 tỉ đồng với công suất hoạt động tối đa đạt 200 tấn quả tươi/ngày đêm nhưng giờ chỉ có thể hoạt động “cầm chừng” vì không có đủ nguyên liệu sản xuất.

Anh Tiến cho biết, công ty vẫn đồng ý thu mua cà phê của người dân với giá cao nhưng phải đảm bảo chất lượng, hạt chín đạt trên 95%. Nhưng tiếc là hiện nay trung bình bị lẫn hơn 10% tạp chất trong cà phê tươi.

Theo anh Tiến, nếu cà phê chất lượng như ở các tỉnh khác được thu mua với giá 13.000 – 14.000 đồng/kg thì giá thu mua cà phê tại đây vẫn chưa phải là quá thấp. Được biết, dù là một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu nhưng đến nay Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tiến vẫn chưa ký được hợp đồng.

Chỉ đạo xử lý của chính quyền

Tại xã Hướng Phùng hiện có 2.000 ha cây cà phê, chiếm gần một nửa diện tích cây cà phê trên toàn huyện. Sản lượng trung bình hàng năm dao động từ 10.000 - 12.000 tấn. Có khoảng hơn 30 công ty, hợp tác xã và đại lý thu mua, chế biến, sản xuất cà phê.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết, ngay từ đầu niên vụ, UBND xã đã tổ chức hội nghị đầu bờ với sự tham gia của Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa, các doanh nghiệp và người dân trồng cà phê.

Thời gian gần đây, trước tình hình giá cà phê thay đổi liên tục, địa phương đã tổ chức các buổi làm việc với sự có mặt của các hộ dân trồng cà phê và doanh nghiệp để tìm ra nguyên nhân. Một số nguyên nhân được nêu ra như: người dân gặp khó khăn về nguồn vốn tái canh; thời tiết mưa lớn kéo dài, tâm lý thu hoạch vội của một số hộ “chân đồng chân đồi”... “Cà phê hiện vẫn đang được phân loại và thu mua theo chất lượng gồm: cà phê xô; cà phê chín trên 85% và cà phê chín trên 95%.

Địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong thu hoạch cà phê đảm bảo chất lượng. Đồng thời duy trì việc tuần tra của công an xã nhằm tránh tình trạng trộm cắp cà phê; khuyến nghị các cơ sở thu mua, kinh doanh cà phê có niêm yết giá hằng ngày để người dân tiện theo dõi và yên tâm sản xuất”, ông Dương nói.

Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng giá cà phê giảm mạnh, phóng viên trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận. Theo đó, đây không phải là lần đầu người dân thể hiện thái độ bức xúc như thế. UBND huyện Hướng Hóa đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua cà phê ở địa bàn huyện.

“Để xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh chất lượng và duy trì vùng nguyên liệu, giá cả cần phải ổn định. UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra việc thu mua ở các nhà máy, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết không thu mua cà phê kém chất lượng và giá thu mua phải niêm yết công khai”, ông Thuận khẳng định.

Mới đây, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi niên vụ 2023. Yêu cầu Tổ công tác liên ngành kiểm tra chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi; tăng cường tổ chức kiểm tra chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát chất lượng thu hoạch, thu mua và chế biến cà phê quả tươi, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp thu hoạch, thu mua cà phê không đảm bảo chất lượng.

Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị tuyên truyền và hướng dẫn người dân thu hoạch cà phê đúng kỹ thuật, đảm bảo tỉ lệ quả chín, không ngâm nước, để trộn lẫn cành, lá, đất, cát khi cân bán.

Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở thu mua cà phê quả tươi tuyên truyền, giải thích về mức giá thu mua hằng ngày, lý do tăng, giảm giá mua.

Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn công khai, niêm yết giá thu mua từng ngày để tránh việc ép giá trong thu mua cà phê quả tươi của người dân.

Trúc Phương

Tin liên quan:
  • Giá thu mua cà phê ở Hướng Hóa thấp do đâu?
    Hướng Hóa: 30 hộ dân ngừng thu hoạch cà phê, chính quyền họp khẩn với doanh ...

    Thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa cho biết, trước những phản ánh của người dân về việc các doanh nghiệp trên địa bàn huyện liên tục tự ý thay đổi giá thu mua cà phê, trong khi giá cả chung không biến động, địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan lập tổ công tác giám sát việc thu mua cà phê, đồng thời yêu cầu các đơn vị thu mua phải niêm yết giá công khai.

  • Giá thu mua cà phê ở Hướng Hóa thấp do đâu?
    Hướng Hóa rà soát, thu hồi cây cà phê giống kém chất lượng

    Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2023, huyện Hướng Hóa cấp 332.000 cây cà phê giống cho nông dân trong huyện theo chương trình tái canh cà phê. Sau khi nhận giống, nhiều nông dân phản ánh giống cây kém chất lượng, không đảm bảo khi trồng trên thực địa. Trong ngày 10 và 11/10, lực lượng chức năng đã rà soát, thu hồi hàng chục nghìn cây cà phê giống kém chất lượng.


Trúc Phương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long