{title}
{publish}
{head}
Sinh ra, lớn lên giữa bộn bề vất vả, lo toan nhưng Nguyễn Thị Ngọc Huệ (sinh năm 1997) chưa bao giờ để những nhịp đập yêu thương dừng lại trong trái tim mình. Cùng nhiều việc làm ý nghĩa, Ngọc Huệ đã mở lớp học mang tên “Cầu vồng” để giúp đời, giúp người bằng con chữ.
Lớp học “Cầu vòng”
Hơn một tháng nay, căn nhà nhỏ ở kiệt 174, đường Lê Duẩn, TP. Đông Hà của gia đình Ngọc Huệ hầu như hôm nào cũng rộn rã tiếng nói cười trẻ thơ. Nghe tin Huệ mở lớp học không thu phí mang tên “Cầu vồng”, khá nhiều phụ huynh đưa con em đến đây. Bên cạnh con chữ, ai cũng mong con em mình học được điều hay từ cô gái có trái tim nhân ái. Hiểu kỳ vọng của phụ huynh, Huệ luôn dành hết tâm sức cho công việc thiện nguyện này.
Các em nhỏ rất vui khi đến với lớp học mang tên “Cầu vồng” do Ngọc Huệ trực tiếp đứng lớp - Ảnh: Q.H
Trò chuyện với nụ cười trên môi, Ngọc Huệ cho biết, việc mở lớp học mang tên “Cầu vồng” là một trong những cách để cô tri ân cuộc đời. Thực ra, cuộc đời không mấy ưu ái với Huệ. Thế nhưng, nó giúp Huệ mạnh mẽ hơn. Dẫu có chuyện gì xảy ra, cô vẫn biết tự nhủ lòng: “Tất cả sẽ ổn thôi”. Sau đó, Huệ lại vững vàng hơn và tìm ra cách để giúp mọi việc nhanh chóng đâu vào đấy. Tuổi thơ Ngọc Huệ là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Ba mất sớm, một mình mẹ Huệ phải vất vả lo cho 6 người con. Là con gái út, dù được mẹ và các anh chị chở che nhưng cô vẫn sớm hiểu thế nào là thiệt thòi, vất vả.
Những khó khăn mà cuộc sống đặt ra khiến Ngọc Huệ nghĩ nhiều đến tương lai. Huệ cũng sớm hiểu giá trị của con chữ để rồi chăm chỉ lao vào học hành. Nhờ thế, cô đã thành công bước vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. 3 năm sau, Huệ trở thành sinh viên Đại học Sư phạm Huế như nguyện ước. Trong quãng thời gian là học sinh, sinh viên, cô sở hữu nhiều thành tích học tập ấn tượng mà không phải ai cũng có được.
Sau khi tốt nghiệp đại học, những cánh cửa việc làm mở ra đối với Ngọc Huệ. Mọi thứ sẽ rất thuận lợi nếu Huệ nắm bắt một cơ hội để rồi sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, cô lại nghĩ mình cần học tập, trải nghiệm nhiều hơn. Sau 16 năm đèn sách, lần này, người thầy mà Huệ chọn là cuộc sống. Cô xin mẹ có một năm rời vòng tay gia đình để được sống chan hòa giữa những người nông dân và thiên nhiên. Đây cũng chính là quãng thời gian giúp Huệ nhận ra nhiều giá trị lớn lao khác của cuộc sống.
Làm việc thiện không điều kiện
Trong thời gian Ngọc Huệ tìm và chọn lối đi riêng, bạn bè cô dần có công việc, chồng con, nhà cửa ổn định. Thấy Huệ vẫn miệt mài trải nghiệm, kiếm sống và làm việc thiện, một số người nóng ruột thay cho cô. Chuyện trò với mẹ của Huệ, họ mới biết, cô đã lên kế hoạch cho tương lai của mình. Mẹ tôn trọng quyết định của Huệ và luôn tin cô sẽ ổn dẫu bất cứ chuyện gì xảy ra.
Nuôi con khôn lớn, mẹ hiểu cá tính của Ngọc Huệ. Thực ra, khác với vẻ ngoài nhu mì, yếu đuối bên ngoài, Huệ là một cô gái mạnh mẽ. Cô không ngại đối diện với khó khăn và luôn biết cách vượt qua. Thứ làm dung hòa Huệ chính là trái tim yêu thương. Từ khi còn là học sinh, cô đã thích tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Thấy Huệ miệt mài với hoạt động, phong trào, phần lớn mọi người không biết có thời điểm bản thân gia đình cô cũng cần giúp đỡ. Vậy mà, chưa bao giờ, Huệ để sự thiếu thốn làm ảnh hưởng đến những việc làm tốt đẹp của mình. Không dư dả tiền bạc, cô giúp đời, giúp người bằng tâm sức, trí tuệ...
Ngọc Huệ (thứ 2, từ phải sang) mang sách đến tặng các em nhỏ vùng cao - Ảnh: Q.H
Đến nay, dù cuộc sống đang còn nhiều lo toan nhưng Ngọc Huệ vẫn chuyên tâm làm việc thiện. Phần lớn các hoạt động của Huệ diễn ra một cách thầm lặng, hướng về hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nhiều năm nay, Huệ trở thành “nhịp cầu đồ cũ”, đưa áo quần, đồ chơi, sách vở đã qua sử dụng... từ miền xuôi lên miền ngược. Mỗi khi hay tin ai đó gặp hoạn nạn, cô lại bỏ số tiền mình vất vả kiếm được hoặc vận động các nhà hảo tâm để giúp đỡ. “Em không biết đến lúc nào mình giàu có, đủ đầy. Em cũng không thể chờ đến lúc đó mới bắt tay làm việc thiện. Trái tim em không cho phép như vậy”, Huệ nói.
Trong tháng ngày thầm lặng làm việc thiện, Ngọc Huệ vẫn luôn đau đáu mong muốn mở một lớp học miễn phí để truyền đạt những gì mình được học cho các em nhỏ. Trước đây, Huệ từng kiếm sống bằng việc dạy thêm. Cô cũng có thời gian đứng lớp dạy chữ cho các em nhỏ nghèo khó. Qua những trải nghiệm ấy và với tấm bằng tốt nghiệp sư phạm loại giỏi, Huệ tin, mình có thể làm việc thiện bằng con chữ. Từ đây, ý tưởng về lớp học mang tên “Cầu vồng” hiện rõ trong tâm trí và nhanh chóng được Huệ hiện thực hóa.
Cho đi bằng con chữ
Chuyện trò về cái tên lớp học, Ngọc Huệ cho biết, với cô, mỗi người đều có một sắc màu riêng. Tuy nhiên, nếu đứng độc lập, họ khó tỏa sáng một cách rực rỡ, tươi đẹp nhất. Chỉ khi đứng cạnh nhau, mọi người mới tìm thấy vẻ đẹp ẩn sâu nhất của mình. “Nếu dùng tri thức để kết nối mỗi người, đặc biệt là các em nhỏ lại, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tỏa sáng, rực rỡ như chiếc cầu vồng”, Huệ nói một cách đầy hình ảnh.
Mang suy nghĩ ấy, Ngọc Huệ mở cửa lớp học cho tất cả em nhỏ bất kể giàu nghèo. Với Huệ, học tập là nhu cầu đáng tôn trọng và cần được tạo điều kiện. Tháng 6/2023, lớp học “Cầu vồng” diễn ra tại địa điểm mà Huệ thuê để kinh doanh ở đường Quốc lộ 9, TP. Đông Hà. Điều khiến cô rất bất ngờ là nghe tin về lớp học, các em nhỏ đăng ký khá đông. Vì số lượng vượt quá dự kiến nên Huệ rất lo lắng về cơ sở vật chất. Biết chuyện, người thân, bạn bè của cô liền chung tay hỗ trợ. Nhờ thế, Huệ và các em nhỏ đã bước vào mùa học đầu tiên một cách thành công.
Ngọc Huệ (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các em nhỏ hiếu học - Ảnh: Q.H
Dù lớp học không tính phí nhưng Ngọc Huệ luôn nỗ lực dành tất cả những gì tốt nhất có thể cho các em nhỏ. Huệ kiểm tra đầu vào từng học sinh để biết từng em mạnh ở lĩnh vực nào, còn thiếu, hổng ở đâu... Trên cơ sở đó, cô lựa chọn cách định hướng, hỗ trợ học tập cụ thể cho mỗi thành viên trong lớp. Ngoài những kiến thức sách vở, Huệ dành nhiều thời gian để ươm mầm tình yêu sách trong các em nhỏ. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cũng luôn được cô quan tâm. Có lẽ nhờ thế mà lớp học “Cầu vồng” luôn vui tươi, sôi nổi. Có những ngày mưa lớn, các em nhỏ vẫn nài nỉ ba mẹ chở đến lớp.
Năm nay, ngoài các gương mặt mới, một số em nhỏ gắn bó với Huệ trong mùa hè trước lại tiếp tục trở lại với lớp học “Cầu vồng”. Đợt này, lớp học được tổ chức ngay tại nhà Huệ nên không gian cho cô và trò học tập, trải nghiệm rộng rãi, thoải mái hơn. Huệ cũng có nhiều thời gian hơn để chuyện trò, tìm hiểu hoàn cảnh từng thành viên trong lớp. Vừa qua, hay tin ba một học sinh trong lớp bị tai nạn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Huệ đến tận bệnh viện để chung tay giúp đỡ.
Nói về dự định thời gian tới, Ngọc Huệ cho biết, cô sẽ giữ mãi nhịp đập thiện nguyện trong trái tim mình. Không chỉ trong mùa hè, bất cứ khi nào các em nhỏ nào cần, Huệ cũng sẽ sẵn lòng hỗ trợ. Từ sâu thẳm, cô mong muốn được nối nhịp cầu vồng bằng tri thức và tâm thiện. Đó là hai thứ mà Huệ “giàu có” nhất trong thời điểm này.
Quang Hiệp
QTO - Đâu đó trong các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đông Hà, có những người phụ nữ suốt mười mấy năm qua vẫn mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm được...
QTO - Bằng nhiệt huyết và sức sáng tạo của một người trẻ, Phạm Khánh Linh (sinh năm 1995), ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, đã bền bỉ theo đuổi và thành công...
QTO - Sau một thời gian chuyển vào sinh sống ở khu dân cư Cuôi mới nằm ở khu vực trung tâm xã, hàng chục hộ gia đình ở các thôn, bản thường đối mặt với lũ...
QTO - Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17, qua địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh rồi đổ ra Biển Đông ở Cửa Tùng....
QTO - Từ một vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, huyện Vĩnh Linh hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của...
QTO - Nguyên là cán bộ xã và hiện tại là người có uy tín của thôn, ông Hồ Văn Tỉu - 68 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng - ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện...
QTO - Từ 6 quốc gia Đông Nam Á, 17 gương mặt ưu tú đã được lựa chọn tham gia Young Mind Camp (Hội trại Trí tuệ trẻ), tổ chức ở Thái Lan. Là đại diện duy...
QTO - Hai họa sĩ ký họa tài năng thuộc hai thế hệ khác nhau cùng tạo nên một triển lãm tranh giàu cảm xúc mang tên “Hồi sinh”. Đến với triển lãm này, công...
QTO - Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca Hòa bình” trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 vừa diễn ra tối 13/7 tại Công viên Fidel, TP. Đông...
QTO - Chiếc xe đạp, một phương tiện khá dễ mua đối với không ít người nhưng lại là ước mơ mà nhiều học sinh nghèo ở Quảng Trị khó với tới. Biết điều đó,...
QTO - Kaleum (tỉnh SeKong) là mỏ than lộ thiên lớn nhất nước bạn Lào với trữ lượng khoảng 800 triệu tấn. Lào đã cho khai thác mỏ than này hàng triệu tấn...
QTO - Quảng Trị, một ngày đầu tháng 9, mùa khai trường. Bên dòng sông Thạch Hãn, có một ngôi trường, Trường Bồ Đề - không bao giờ còn nghe tiếng trống....