{title}
{publish}
{head}
Đối với trẻ vùng cao, năm học đầu đời có ý nghĩa rất quan trọng. Hiểu rõ điều đó, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ HMF, Trường Tiểu học và THCS A Xing, huyện Hướng Hóa đã tìm kiếm, lựa chọn giáo viên trợ giảng giúp các em nhỏ vượt qua mọi rào cản, đặc biệt là về ngôn ngữ.
Cô Hồ Thị Lịch giúp học sinh nâng cao kỹ năng đọc, viết tiếng Việt -Ảnh: T.L
Chuẩn bị hành trang cho trẻ
Đang trong mùa hè nhưng tiếng ê a con trẻ vẫn rộn ràng ở một số phòng học tại Trường Tiểu học và THCS A Xing. Hỏi mới biết, lớp học sôi nổi kia là của các em nhỏ chuẩn bị bước vào lớp 1. Dưới bàn tay cô giáo, các em người Vân Kiều, Pa Kô được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để ít tháng nữa tự tin bước vào ngôi trường, cấp học mới. Qua kiểm tra, cô giáo sẽ phân loại và dành nhiều thời gian hơn cho các em chưa sành tiếng Việt.
Gần 30 năm công tác ở miền núi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing Nguyễn Mai Trọng thấu hiểu những khó khăn của nhiệm vụ “trồng người” nơi vùng cao, biên giới. Trong đó, việc vận động và “giữ chân” học sinh lớp 1 luôn là thử thách lớn. Có trường hợp giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Thế nhưng, được ít bữa, chỗ ngồi của học sinh lại trống. Khi hỏi chuyện, phụ huynh thật thà trả lời rằng: “Mình và con mình đều yêu cái chữ. Nhưng, cái chữ không yêu con mình. Chuẩn bị đến trường mà nó nói tiếng Kinh còn chưa sõi”.
Từ những câu chuyện như thế, thầy Nguyễn Mai Trọng biết việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao, đặc biệt là các em chuẩn bị vào lớp 1 có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, thầy Trọng và các giáo viên khác trong trường thường dồn nhiều tâm huyết cho lứa học sinh này. Điều đáng nói là dẫu rất nỗ lực nhưng đôi khi, giáo viên người Kinh và học sinh Vân Kiều, Pa Kô vẫn “gặp khó” vì rào cản ngôn ngữ. Chính điều này đã phần nào tạo ra khoảng cách. “Trước tình hình ấy, chúng tôi luôn mong muốn có thêm những giáo viên trợ giảng người Vân Kiều, Pa Kô để hỗ trợ trẻ vượt qua rào cản ban đầu, tự tin bước vào năm học, cấp học mới. Họ sẽ là những người bạn đồng hành của các giáo viên chủ nhiệm lớp 1”, thầy Trọng nói.
Trong một lần đón tiếp khách, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing Nguyễn Mai Trọng biết đến Quỹ HMF và những hoạt động hỗ trợ người dân dọc tuyến biên giới Việt - Lào thúc đẩy giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội. Lắng nghe chia sẻ của thầy, đại diện quỹ ngay lập tức đồng ý giúp đỡ. Rất nhanh sau đó, nhà trường và Quỹ HMF nhanh chóng tìm kiếm, tuyển chọn 3 bạn trẻ người Vân Kiều, Pa Kô làm nhiệm vụ trợ giảng. “Sự hỗ trợ của Quỹ HMF không chỉ giúp nhà trường, học sinh mà còn mang lại niềm vui cho giáo viên trợ giảng. Các bạn trẻ được chọn đều ở gần trường, đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đang chờ việc làm. Việc đứng lớp giúp họ làm quen với môi trường sư phạm, có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cả thu nhập”, thầy Trọng cho biết.
Lớp học có hai cô giáo
Trường Tiểu học và THCS A Xing có 22 lớp với hơn 600 học sinh. Khoảng 90% học sinh trong trường là người Vân Kiều, Pa Kô. Trung bình mỗi năm, nhà trường đón từ 80 - 90 học sinh bước vào lớp 1. Đi đâu, các em út của trường cũng tự hào khoe với mọi người về việc lớp mình có 2 giáo viên. Các cô luôn phối hợp nhịp nhàng, giúp mọi khó khăn, vướng mắc của học sinh sớm được giải quyết.
Ở trường Tiểu học và THCS A Xing, cô Hồ Thị Lịch (sinh năm 1992), giáo viên trợ giảng được nhiều học sinh yêu mến. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình đông con ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa, những nỗi lo luôn đeo bám cô Lịch. Vượt qua mọi khó khăn, cô đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Tuy nhiên, cơ hội việc làm vẫn chưa mỉm cười với cô Lịch. Trong tháng ngày chờ đợi, cô Lịch rất mừng khi được Quỹ HMF cùng lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS A Xing mời làm giáo viên trợ giảng. “Em rất vui mừng vì ước mơ được cống hiến cho ngành giáo dục của quê nhà đã trở thành hiện thực. Niềm vui càng nhân lên khi em được tiếp xúc, hỗ trợ học sinh nhỏ tuổi ở ngay chính bản làng mình và vùng lân cận”, cô Lịch bộc bạch.
Cũng như bao thầy cô khác, hằng ngày, cô Hồ Thị Lịch và các giáo viên trợ giảng khác đều đặn lên lớp. Ngoài công việc theo lịch trình, mỗi khi giáo viên chủ nhiệm hay học sinh lớp 1 cần hỗ trợ, các cô ngay lập tức có mặt. Đặc biệt, đối với các em chậm trong việc sử dụng tiếng Việt, các cô được ví là “vị cứu tinh”. Có những ngày, cô Lịch và các giáo viên trợ giảng khác còn về tận nhà để kèm cặp, hướng dẫn thêm cho học sinh chậm tiến. Sự tâm huyết ấy đã góp phần giúp các em nhỏ nghe, nói, viết tiếng Việt tiến bộ lên từng ngày.
Vào dịp hè, vai trò trợ giảng của cô Hồ Thị Lịch và 2 đồng nghiệp có sự thay đổi. Lúc này, các cô là những người đứng lớp chính, giúp trẻ vừa rời mái trường mầm non có nền tảng tốt để bước vào lớp 1. Không chỉ nét chữ, con số, cô Lịch và đồng nghiệp còn giúp học sinh nói tiếng Việt tốt hơn; dạy đạo đức, lễ nghĩa; quán triệt những nội quy trường học; hướng dẫn tư thế ngồi học, cầm bút... Ít ai biết, trước đó, họ đã về từng bản làng, gõ cửa từng nhà để vận động phụ huynh cho con em tới trường sớm. Thuyết phục lần đầu chưa thành, các cô không ngại tìm gặp thêm lần nữa. Có trường hợp phụ huynh bận việc, các cô tình nguyện nhận luôn việc đưa đón học sinh.
Những đóng góp của các giáo viên trợ giảng sớm mang về kết quả đáng mừng. Từ năm 2022 đến nay, chất lượng học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học và THCS A Xing ngày càng nâng lên. Khả năng nghe nói, đọc viết của các em nhỏ được cải thiện đáng kể. Từ đây, các học sinh càng thêm mạnh dạn, tự tin. Nhận thấy tín hiệu vui từ mô hình do Quỹ HMF phối hợp với Trường Tiểu học và THCS A Xing triển khai, nhiều phụ huynh đã tìm đến, gửi gắm sau khi con em mình hoàn thành cấp học mầm non. Sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường, giáo viên cũng ngày càng khăng khít. Đó là niềm vui, động lực để Quỹ HMF, Trường Tiểu học và THCS Axing cùng giáo viên trợ giảng thêm quyết tâm trên con đường nâng bước trẻ vùng cao đến với con chữ.
Tây Long
QTO - Hơn 1 tháng nay, bằng nhiều giải pháp thống nhất, đồng bộ của Trung tâm Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, những hình...
QTO - Báo Quảng Trị - Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa phối hợp tổ chức trao tặng 1.500 suất quà tết, mỗi suất 600.000 đồng tiền mặt với tổng trị giá...
QTO - Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh...
QTO - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về...
QTO - Đã thành thông lệ từ 13 năm qua, cứ vào tháng 7 hằng năm, Chương trình Nghĩa tình tháng 7 lại được Báo Kinh tế và Đô thị - Báo Quảng Trị tổ chức. Năm...
QTO - Trong xu thế tất yếu của sự phát triển, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị với nỗ lực đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã và đang...
QTO - Năm nay, vợ chồng ông Hoàng Kim Dàn, trú tại Khu phố 6, phường Đông Giang, TP. Đông Hà đều đã ngoài 80 tuổi. Ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi nhưng...
QTO - Sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng, anh Trần Hữu Dũng (sinh năm 1974), hiện đang sống tại thôn Nam Cường, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đang...
QTO - Nhắc tới chợ, người ta thường nghĩ đến cảnh ồn ào, chen lấn. Trái ngược không khí có phần xô bồ ấy, phiên chợ do cô Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, giáo viên...
QTO - Tuy mới ra đời nhưng Khe Sanh coffee tour là sản phẩm du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Tín hiệu vui ấy kết tinh từ sự cống hiến...
QTO - Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Trị nỗ lực thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số...
QTO - Những năm qua, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đông Hà...