Cập nhật:  GMT+7

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Nên chọn phương án 15,5 triệu đồng và áp dụng ngay?

Về Dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với hai phương án, các chuyên gia cho rằng việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là việc làm cấp thiết, không chỉ cần đủ mạnh mà còn phải đủ nhanh để thực sự hỗ trợ người dân.

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Nên chọn phương án 15,5 triệu đồng và áp dụng ngay?

Ở đô thị lớn, mức chi bình thường của một gia có 4 người (hai vợ chồng, hai con) vào khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng - Ảnh: Vietnam+

Các chuyên gia cho rằng việc tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là việc làm cấp thiết. Việc điều chỉnh không chỉ cần đủ mạnh mà còn phải đủ nhanh để thực sự hỗ trợ người dân.

Những ngày qua, thông tin Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đây là một trong những chính sách thuế có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng nhất đến đời sống của hàng triệu người làm công ăn lương trên cả nước. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, vốn đã được giữ nguyên ở mức 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc từ năm 2020, được xem là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt đã tăng vọt.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án để các bộ, ngành, địa phương và người dân đóng góp ý kiến trước ngày 1/8. Sự khác biệt giữa hai phương án không chỉ nằm ở con số, mà còn phản ánh hai cách tiếp cận khác nhau trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính với người dân.

Chọn kịch bản: An toàn hay đột phá?

Cơ quan soạn thảo đã tính toán và đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh một cách khoa học, dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Phương án 1 sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Phương án này được xem là cách tiếp cận thận trọng, bám sát quy định tại Khoản 1, Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Theo đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất.

Căn cứ vào số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê, CPI lũy kế từ thời điểm tháng 7/2020 (khi mức giảm trừ 11 triệu đồng có hiệu lực) đến hết tháng 5/2024 đã tăng 13,34%. Dự báo cho cả năm 2024 và 2025, CPI sẽ tiếp tục tăng, đưa mức tăng lũy kế từ năm 2020 đến hết năm 2025 dự kiến đạt khoảng 21,24%. Con số này đã vượt ngưỡng 20% theo quy định của luật.

Dựa trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ mới như sau, đối với người nộp thuế sẽ tăng từ 11 triệu đồng/tháng lên 13,3 triệu đồng/tháng (tương đương 159,6 triệu đồng/năm). Đối với mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng (tương đương 63,6 triệu đồng/năm).

Phương án này đảm bảo tính pháp lý, có cơ sở rõ ràng và phản ánh sự bù đắp cho mức độ trượt giá của đồng tiền, giúp thu nhập thực của người dân không bị bào mòn bởi lạm phát.

Phương án 2, điều chỉnh theo tăng trưởng thu nhập và GDP và đây là một bước tiến lớn. Khác với cách tiếp cận truyền thống, phương án 2 được đánh giá là một bước đi “đột phá” và tiếp cận thực tiễn hơn khi thể hiện rõ nét sự chia sẻ thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước với người dân. Thay vì chỉ bù đắp lạm phát, phương án này gắn mức giảm trừ với tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng trưởng GDP.

Dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế và dự báo tốc độ tăng thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người giai đoạn 2020-2025 (ước tính khoảng 40 - 42%), Bộ Tài chính đề xuất một mức tăng đáng kể hơn nhiều, người nộp thuế có thu nhập từ mức 11 triệu đồng/tháng lên 15,5 triệu đồng/tháng (tương đương 186 triệu đồng/năm). Mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng (tương đương 74,4 triệu đồng/năm).

Như vậy, phương án này mang lại lợi ích lớn hơn cho người lao động, giúp họ giữ lại một phần thu nhập đáng kể hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống, thay vì chỉ “đuổi kịp” mức tăng của giá cả.

Theo đó, đa số ý kiến đều nghiêng về phương án 2 đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng ngay trong năm 2025.

Trao đổi với VietnamPlus, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đưa ra quan điểm mạnh mẽ và dứt khoát. Ông cho rằng phương án 2 là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện tại.

Luật sư Đức phân tích trong hai phương án đề xuất của Bộ Tài chính thì nên chọn phương án hai. Cụ thể là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng để đảm bảo đời sống cho người làm công ăn lương và gia đình của họ.

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Nên chọn phương án 15,5 triệu đồng và áp dụng ngay?

Luật sư Trương Thanh Đức đặc biệt nhấn mạnh về thời điểm áp dụng.

Theo ông Đức, mức tăng lên 13,3 triệu đồng theo phương án 1 tuy có cơ sở pháp lý nhưng chưa thực sự phản ánh đúng gánh nặng chi phí mà người dân (đặc biệt là tại các đô thị lớn) đang phải đối mặt. Các chi phí cho con cái ăn học, chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thuê nhà... đã tăng vượt xa mức tăng của CPI. Do đó, một mức điều chỉnh mạnh mẽ hơn như phương án 2 sẽ có ý nghĩa thực tiễn hơn.

Quan trọng hơn, Luật sư Trương Thanh Đức đặc biệt nhấn mạnh về thời điểm áp dụng. Ông cho rằng không có lý do gì để trì hoãn việc thực thi một chính sách có lợi cho người dân. Theo ông, những quy định nào có lợi cho người dân là cần áp dụng ngay. Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cần được thực hiện ngay cho kỳ tính thuế năm 2025. Tính đến thời điểm tháng Mười, Nghị quyết được thông qua sẽ còn 6 - 7 tháng mới đến kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2025, do vậy việc áp dụng luôn là hợp lý, không nên kéo dài đến kỳ tính thuế năm 2026.

Luật sư Đức cũng chỉ ra rằng việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới chỉ là một giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông nhấn mạnh việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới này chỉ là tạm thời vì sau đó khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì vẫn phải quay lại bản chất của cơ sở giảm trừ gia cảnh, do đó cần có các quy định phù hợp theo khu vực, vùng, miền và cho phép khấu trừ các chi phí thiết yếu trong đời sống của người dân, nhất là chi phí cho y tế và giáo dục.

Cải cách toàn diện

Dù các phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh được hoan nghênh, vẫn có những ý kiến cho rằng mức điều chỉnh này, kể cả ở phương án cao nhất vẫn chưa thực sự theo kịp thực tế chi tiêu của người dân.

Bà Phạm Tuyết, Giám đốc Công ty Tư vấn Giải Pháp Kế toán Việt Nam, đã đưa ra một góc nhìn thực tế và thẳng thắn. Bà ghi nhận mặt tích cực của chính sách đối với người nộp thuế, việc tăng mức giảm trừ chắc chắn sẽ giúp làm giảm nghĩa vụ thuế, qua đó hỗ trợ trực tiếp cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong thời buổi lạm phát và giá cả tăng cao như hiện nay.”

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra những hạn chế cần được nhìn nhận về mặt vĩ mô, việc này sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn. Nhưng quan trọng hơn, ở góc độ vi mô của từng gia đình, mức giảm trừ này vẫn còn khoảng cách khá xa so với chi phí thực tế. Hiện tại, ở các khu vực thành thị (như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh), mức chi bình thường của một gia có 4 người (hai vợ chồng, hai con) vào khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng phương án 2, tổng mức giảm trừ cho gia đình rõ ràng là chưa bù đắp hết chi phí thực tế.

Từ đó, bà Tuyết đưa ra đề xuất mang tính xây dựng và cho rằng thay vì điều chỉnh một cách cứng nhắc sau mỗi 4-5 năm, cần có một cơ chế linh hoạt hơn.

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Nên chọn phương án 15,5 triệu đồng và áp dụng ngay?

Hoạt động du lịch cũng đang trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân - Ảnh: Vietnam+

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này không phải là một động thái đơn lẻ, mà nằm trong những cải cách tổng thể về chính sách thuế thu nhập cá nhân lớn. Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Hà Nội đã có những chia sẻ về ý nghĩa và tác động của những thay đổi này.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bà Yến cho rằng đây là một bước đi có ý nghĩa đa chiều. Bà giải thích việc Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu nhập tính thuế từ 11 triệu lên 13,3-15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu lên 5,3-6,2 triệu đồng/tháng có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, nó giúp chính sách thuế phù hợp hơn với tình hình kinh tế-xã hội, khi giá cả sinh hoạt và chi phí nuôi dưỡng gia đình ngày càng tăng. Thứ hai, việc điều chỉnh nhằm bảo vệ thu nhập thực tế của người lao động, đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình-thấp, giúp họ giữ lại nhiều hơn tiền lương để trang trải cuộc sống. Thứ ba, khi người dân có thêm thu nhập khả dụng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, điều này thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người lao động, tạo sự đồng thuận xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đối mặt với lạm phát.

Bên cạnh việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, bà Yến cho rằng dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân có những đề xuất cải cách quan trọng khác, theo đó đã rút gọn biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 bậc xuống còn 5 bậc.

Hiện nay, biểu thuế 7 bậc với khoảng cách giữa các bậc khá ngắn khiến nhiều người lao động cảm thấy bất hợp lý khi chỉ tăng lương một chút đã phải ‘nhảy bậc’ thuế, chịu thuế suất cao hơn đáng kể. Việc rút gọn còn 5 bậc sẽ mang lại nhiều lợi ích. Bên cạnh đó, nó giúp việc tính toán thuế trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn cho cả người nộp thuế và kế toán, giảm sai sót. Quan trọng hơn, việc làm này đã tạo ra một biểu thuế công bằng, hợp lý hơn, hạn chế tình trạng ‘nhảy bậc’ đột ngột.

“Điều này cũng khuyến khích người lao động nỗ lực tăng thu nhập mà không còn tâm lý e ngại bị ‘nhảy thuế’ quá cao. Đối với cơ quan quản lý, biểu thuế đơn giản cũng giúp việc kiểm soát, quyết toán trở nên thuận lợi hơn,” bà Yến chia sẻ.

Nhìn rộng hơn, bà Yến cho rằng đợt sửa đổi, bổ sung Luật lần này hướng đến một mục tiêu lớn là hiện đại hóa và minh bạch hóa công tác quản lý thuế, ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi trốn thuế.

“Những cải cách này không chỉ dừng ở con số. Dự thảo hướng tới việc chuẩn hóa và số hóa toàn bộ quy trình quản lý thuế thu nhập cá nhân. Việc khai, nộp, quyết toán sẽ được tích hợp trên nền tảng điện tử, giúp hạn chế sai sót và hành vi cố tình khai thiếu. Các thủ tục hành chính rườm rà cũng sẽ được cắt giảm, ví dụ như đề xuất cho phép cá nhân có thu nhập từ một nguồn duy nhất và đã khấu trừ đủ thuế thì không cần phải quyết toán. Hơn nữa, việc tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu thuế với ngân hàng, đơn vị chi trả thu nhập, bảo hiểm xã hội sẽ giúp tăng tính minh bạch, theo dõi thu nhập thực tế của cá nhân và ngăn chặn trốn thuế hiệu quả hơn,” bà Yến phân tích.

Theo Vietnam+


Theo Vietnam+

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ 1/1/2026

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ 1/1/2026
2025-07-18 15:24:00

Bộ Nội vụ đang soạn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, đề xuất điều chỉnh mức lương...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long