Cập nhật: Thứ 6, 21/08/2015 | 08:25 GMT+7

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập

(QT) - Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cũng như làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, giáo dục định hướng giúp cho nhiều lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp cho nhiều lao động địa phương có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 4.080 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc là 248 người, Nhật Bản 163 người, Đài Loan 327 người, Malaysia 117 người, thị trường khác 73 người, số còn lại làm việc ở Lào. Trong đó, riêng huyện Đakrông, thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ - TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 đã có gần 350 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Đạt được những kết quả này, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động về hiệu quả của XKLĐ; thực hiện các chính sách hỗ trợ về định hướng, đào tạo nghề, vốn vay ưu đãi, thủ tục xuất cảnh; mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực này đến tuyển chọn lao động trên địa bàn; triển khai các giải pháp nhằm hạ thấp tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng... Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy rằng, công tác XKLĐ trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về trình độ, tay nghề, ý thức làm việc và tuân thủ pháp luật nước sở tại của người lao động; số lao động ra nước ngoài làm việc còn thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh. Một số doanh nghiệp XKLĐ trong thực hiện giáo dục định hướng, thông tin về hợp đồng cho người lao động vẫn chưa rõ ràng, chưa thực hiện đầy đủ quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, có một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác XKLĐ dẫn đến chưa quan tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Công tác quản lý nhà nước về XKLĐ chưa đồng bộ, chặt chẽ; việc phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp còn thiếu thường xuyên, nhất là công tác tìm kiếm thị trường lao động phù hợp, hỗ trợ người lao động về thông tin thị trường lao động cũng như chưa kịp thời giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện các chính sách XKLĐ... Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, các ngành chức năng, các địa phương và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với lao động thuộc huyện Đakrông theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Thủ tướng Chính phủ để nhân dân, người lao động biết và chủ động tham gia. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong công tác XKLĐ thông qua việc xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giao chỉ tiêu XKLĐ cho từng xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp phải thực hiện; phân công cán bộ phụ trách, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ này để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và điều kiện tốt nhất cho người lao động thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp XKLĐ. Kiểm tra, lựa chọn những doanh nghiệp XKLĐ có đầy đủ điều kiện pháp lý, có uy tín và năng lực hoạt động, thị trường xuất khẩu phong phú, ổn định để tuyển lao động địa phương đi làm việc cũng như thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp này để các ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong công tác XKLĐ. Ngân hàng Chính sách xã hội và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ trong việc hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn đi XKLĐ thuận lợi, kịp thời. Các cơ quan báo chí tích cực thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách về XKLĐ, những cách làm hay, điển hình tiêu biểu trong lĩnh vực này để giúp nhân dân, người lao động địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ lợi ích, ý nghĩa của XKLĐ. Quyết định số 71/2009/QĐ - TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách cơ bản để hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020, vì vậy, UBND huyện Đakrông cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, chính sách liên quan; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo XKLĐ huyện và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm và XKLĐ từ huyện đến các xã, thị trấn. Khẩn trương phối hợp với ngành chức năng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được giới thiệu bởi Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác XKLĐ theo Quyết định số 71/2009/QĐ - TTg. Để công tác XKLĐ của địa phương đạt được những kết quả cao hơn, góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động thì vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp được tuyển dụng lao động trên địa bàn là rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động XKLĐ, các doanh nghiệp này cần chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi XKLĐ; thông tin đầy đủ về tiêu chuẩn, ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài; tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng và đưa lao động xuất cảnh đúng thời hạn cũng như bảo đảm đầy đủ chế độ, quyền lợi của người lao động theo hợp đồng đã ký. Có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho chính quyền các địa phương về tình hình lao động địa phương ở nước ngoài. HUY NAM



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mái tóc trao đi, yêu thương ở lại

Mái tóc trao đi, yêu thương ở lại
22:35 14/07/2025

QTO - Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, đôi khi chỉ một hành động nhỏ bé, xuất phát từ trái tim nhân ái cũng đủ sức tạo nên những điều phi thường. Ở...

Thời tiết

28°C - 33°C
Có mây, không mưa
  • 25°C - 34°C
    Có mây, không mưa
  • 28°C - 34°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long