{title}
{publish}
{head}
Sau những cơn lũ, nước vẫn còn dềnh dàng trên vùng đất “Đồng Tháp Mười - Hải Lăng” này. Mặc dù vậy, tranh thủ những ngày nắng đẹp đầu năm mới 2025, tôi đi một vòng quanh huyện. Bức tranh toàn cảnh sau 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng, gương mặt vùng đất lúa phía Nam tỉnh Quảng Trị đã ngày càng nhuận sắc.
Trường Tiểu học và THCS Bùi Dục Tài, huyện Hải Lăng -Ảnh: V.V.H
Nhớ hồi năm 1975, khi còn trai trẻ, tôi được phân công dạy ở vùng biển bãi ngang Hải Khê. Người dân ngày ấy từ khắp nơi sơ tán trở về, tài sản chỉ có đôi triêng gióng trên vai, đời sống hết sức khó khăn. Trường học thì tranh tre, nứa lá tạm thời, học sinh đi chân đất đến lớp. Bây giờ thì cả huyện nói chung, Hải Khê nói riêng, điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nông thôn mới khởi sắc.
Thầy giáo Nguyễn Văn Khương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hải Khê chia sẻ: “Hải Khê bây giờ là “Phố Khê”, đi lên từ số không, thầy Hoa à. Đặc biệt, dân trí được nâng cao và bà con rất quan tâm đến việc học hành của con em”.
Quả thực, Hải Lăng từ lâu đã kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học. Nhiều gia đình quan niệm rất rạch ròi: “ học không chỉ để phụng sự Tổ quốc, học để làm người mà còn học để thoát nghèo”. Ý niệm giàu nghèo vượt ra khỏi sự chú mục vào vật chất thuần túy mà đã được nâng lên đồng thời bằng các hệ giá trị khác nữa.
Dấu son từ quá khứ
40 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi đã trải nghiệm, điền dã thực tế qua 15 xã, 1 thị trấn trên địa bàn và biết đến thời phong kiến, huyện Hải Lăng có nhiều vị khoa bảng, đặc biệt có bốn tiến sĩ thành đạt dùng sở học để giúp nước, giúp đời ở dọc tuyến sông Ô Lâu. Đó là cụ Bùi Dục Tài, người đột phá khai khoa Tiến sĩ đầu tiên năm 1502 của xứ Đàng Trong (thời Vua Lê Hiển Tông), được “Sắc tứ vinh quy”, đề danh ở bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cụ người làng Câu Nhi, xã Hải Tân ( nay là thôn Câu Hà, xã Hải Phong), sau này, tỉnh Quảng Trị đã có quyết định trao giải thưởng danh giá về khuyến học mang tên cụ. Đó là cụ Nguyễn Đức Hoan, quê làng An Thơ, đỗ Tiến sĩ năm 1835, thời Vua Minh Mạng; hai cụ Nguyễn Văn Hiển, quê làng Mỹ Chánh và Nguyễn Đức Tư, quê làng An Thơ đều đỗ Tiến sĩ vào năm 1847, thời Vua Thiệu Trị.
Bây giờ nhất mực đề cao “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, thực tế từ xưa, nhiều thôn, xã ở Hải Lăng đã thể hiện rõ điều đó. Xuôi dòng Ô Lâu, chúng ta bắt gặp bản khắc gỗ viết bằng chữ Hán “Khoán ước Phú Kinh” được thờ ở đình làng, ra đời cách đây 251 năm (soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng 1774) với nhiều nội dung, trong đó ngoài việc khuyến nông và giữ gìn an ninh trật tự, khoán ước đặc biệt chú trọng đến việc khuyến học, khuyến tài “Ai ai cũng phải học, học chữ, học nghề, học đạo lý làm người”, “Việc học của con em trong xã thì từ 15 tuổi trở lên cứ ba năm một kỳ sát hạch. Tùy theo mức độ cao thấp mà đánh giá kết quả. Ví dụ như thuộc đúng kinh truyện một vài thiên, có am hiểu văn nghĩa, thông thạo kinh nghĩa, biết làm văn thể tứ lục, có mức độ khen thưởng, miễn khỏi đi sưu...”.
Nhiều làng xã, họ tộc ở Hải Lăng từ xưa đã lập quỹ khuyến học bằng “học điền”. Như ở làng Cu Hoan đã trích ruộng công điền 9 mẫu 5 sào để khuyến khích trò giỏi, thưởng tiền và ruộng cho những người đỗ đạt qua các kỳ thi (số lượng từ ba sào đến một mẫu) được canh tác để có điều kiện tiếp tục học hành. Làng Câu Nhi cũng vậy, “những ai khai khoa tiến sĩ, bản xã làm lễ tạ tam sinh (lợn, trâu, dê), mừng mười quan tiền và gia thưởng ba sào ruộng”.
Đương đại, tiếp nối truyền thống cha ông, nhiều người với chí tiến thủ vươn lên trong học tập đã trở thành các nhà trí thức, nhà khoa học, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ tiếng tăm, điển hình có nhà báo Phan Quang, nhạc sĩ Trần Hoàn, GS- BS Văn Tần, GS-TS Lê Văn Tự, PGS-TS- TTND Lê Chí Dũng, Thượng tướng Trần Sâm, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn... góp phần làm vẻ vang đất học Hải Lăng.
Đến những “mùa vàng” hôm nay
Từ ngày 1/5/1990, sau khi lập lại huyện Hải Lăng, tôi nhớ thầy Văn Ngọc Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có công lao rất lớn trong việc tham mưu, đề xuất đề án với lãnh đạo huyện “Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục” và nhận được sự đồng thuận. Sau một thời gian ngắn với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” triển khai có hiệu quả, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Lăng đã sớm đi vào củng cố, ổn định và phát triển. Nhiều trường học cao tầng mọc lên đảm bảo mục tiêu kép “dân trí và dân sinh” (vừa làm nơi học tập cho con em, vừa làm nơi trú ngụ của người dân khi bị lũ lụt lớn), đồng thời đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn, tạo hiệu ứng lan tỏa niềm tin trong phụ huynh.
Tôi đã đi qua “xứ 4 Kẻ”, “đất 7 Càng”, ngược nguồn lên xứ Trầm Sơn, Khe Mương, về lại những xã ven sông Nhùng, sông Vĩnh Định, dải chữ Nhất... đâu đâu cũng thấy dấy lên việc học, dấy lên phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục. Kết quả Hải Lăng là điểm sáng trong phong trào này, được NGƯT Trương Sĩ Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thời bấy giờ phát biểu ngợi khen: “Nếu ví Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị là một vườn hoa đẹp thì Giáo dục và Đào tạo Hải Lăng là một trong những bông hoa đẹp nhất”.
Thực tế đã chứng minh trên địa bàn huyện Hải Lăng, trường cao tầng được xây dựng nhiều nhất; huyện được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học - xoá mù chữ sớm nhất vào năm 1992, phổ cập trung học cơ sở năm 1999, năm 2003 đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập mầm non cho các cháu 5 tuổi.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Phụng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết thêm: “Hiện nay, công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở ở Hải Lăng được công nhận ở mức cao nhất. Trường chuẩn quốc gia có 31/39 trường đã và đang đề nghị công nhận, chiếm 79,48%. Về học sinh giỏi trong 18 năm (từ năm học 2006 -2007 đến năm học 2023-2024), Hải Lăng đã đạt thành tích cao, luôn dẫn đầu toàn đoàn trong kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh (có 15 năm đoạt giải Nhất hoặc có kết quả thi cao nhất; 3 năm đoạt giải Nhì (2006-2007, 2007-2008, 2012-2013). Đó là những “con số biết nói” giàu sức thuyết phục về thành tích trong giáo dục và đào tạo nơi huyện lúa Hải Lăng.
Ba trường THPT Hải Lăng, Bùi Dục Tài, Trần Thị Tâm trên địa bàn từ trước đến nay năm nào cũng có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và nhiều em được tuyển thẳng vào đại học. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cũng đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chung ấy.
Công tác khuyến học được huyện hết sức quan tâm, chú trọng củng cố và phát triển cả về tổ chức và quy mô hoạt động. Các hội khuyến học từ huyện đến cơ sở tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả. Nhà giáo Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch Hội Khuyến học- Cựu Giáo chức huyện chia sẻ: “Không chỉ huyện hội có quỹ để thưởng cho học sinh giỏi hằng năm mà các làng xã, họ tộc, cơ quan ...cũng đều xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Điển hình có họ Văn Viết ở xã Hải Phú; họ Nguyễn, họ Phan làng Diên Sanh và nhiều họ tộc khác.
Ông Hoàng Kiều, cháu ngoại làng Thi Ông cũng đã hỗ trợ 1 tỉ đồng để làng làm quỹ khuyến học động viên các cháu ở các cấp học học giỏi qua các năm”. Từ đất học, Hải Lăng là huyện có nhiều quán quân trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” như Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh. Với những thành quả xứng đáng ấy, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Lăng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đất học hôm nay đã bừng sáng, hứa hẹn đổi mới, phát triển và tiến bộ, đáp ứng yêu cầu cuộc sống không ngừng vận động theo hướng tích cực. Dù đã nghỉ hưu hơn mười năm nay nhưng tôi vẫn luôn dõi theo những bước đi đầy tự tin của thế hệ tiếp nối, kế thừa và phát huy tốt các mặt công tác, luôn sáng tạo và có những giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục trên nền hiện thực mới.
Và mừng vui hơn khi sau lũy tre làng, con em Hải Lăng luôn tích cực học hành với khát vọng vươn lên mãnh liệt, tích lũy kiến thức, tri thức để phụng sự quê hương, đất nước sau này.
Võ Văn Hoa
QTO - Dù đang chạy nước rút cho kỳ thi quan trọng sắp đến nhưng em Phạm Lê Thảo Hiền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn dành thời...
QTO - Thời gian qua, nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng, hoạt động chập chờn, đặc biệt là thời điểm có mưa kéo...
QTO - Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề quan trọng được các cấp, ngành hữu quan chú trọng thực hiện kiểm tra, giám sát, nhất là vào dịp tết...
QTO - Trong giai đoạn 2019 - 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước để triển khai có hiệu quả các chương...
QTO - Gần 4 năm dẫn dắt hoạt động của hội, chị Đoàn Thị Lựu (sinh năm 1990), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội (CTĐ,...
QTO - “Một mùa xuân mới lại về. Cách đây 50 năm, mùa xuân năm 1975, với sự tấn công như vũ bão của quân ta, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước...
QTO - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, huyện Đakrông còn đẩy mạnh công tác...
QTO - Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đến thời điểm này tại Quảng Trị, nhờ có sự chủ động lên kế hoạch,...
QTO - Hơn 1 tháng nay, bằng nhiều giải pháp thống nhất, đồng bộ của Trung tâm Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, những hình...
QTO - Báo Quảng Trị - Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa phối hợp tổ chức trao tặng 1.500 suất quà tết, mỗi suất 600.000 đồng tiền mặt với tổng trị giá...