{title}
{publish}
{head}
Sau thắng lợi vang dội của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc, tháng 11/1968, Khu ủy Trị - Thiên Huế họp nhằm quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “Bàn về chủ trương củng cố và phát triển thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân - hè 1968” tại Trại sản xuất Tu Pông (Hướng Hoá). Hội nghị chủ trương phải ra sức vận động quần chúng, phát huy cao độ truyền thống yêu nước của Nhân dân các dân tộc, làm cho Nhân dân các dân tộc gắn bó sâu sắc với cách mạng và nỗ lực góp phần khắc phục khó khăn về hậu cần, đưa các lực lượng vũ trang cách mạng trở về chiến trường tiến công địch, khôi phục lại thế “ba vùng” trước hết là vùng rừng núi, giáp ranh. Trên cơ sở đó, khôi phục lại phong trào “vừa chiến đấu vừa xây dựng”.
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến công nổi dậy giải phóng Quảng Trị
Ngày 24/1/1969, địch huy động 7.000 quân, bao gồm Trung đoàn 9 (thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ) và 5 tiểu đoàn (thuộc Sư đoàn 1 ngụy), có không quân, pháo binh yểm trợ, mở cuộc hành quân mang tên “Cái hẻm Đi Uây” đánh vào vùng núi Cô Ca Va - vùng căn cứ cách mạng của ta. Sau 18 ngày chiến đấu liên tục, quân và dân ta ở mặt trận Cô Ca Va đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắn rơi 49 máy bay các loại, phá hỏng 6 khẩu pháo, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ, buộc địch phải rút khỏi Cô Ca Va.
Phối hợp với mặt trận Cô Ca Va, ngày 23/2/1969, bộ đội địa phương khu vực Quảng Trị tập kích căn cứ Làng Hạ, diệt trên 100 tên địch, phá hủy 75 nhà bạt. Cũng tại Làng Hạ, ngày 9/3, bộ đội địa phương và du kích diệt gọn một trung đội địch và ngày 11/3, tiêu diệt một đại đội, bắn rơi 12 máy bay địch.
Ở mặt trận Đường 9, quân và dân mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị tiến công toàn diện cả về quân sự, chính trị, binh vận.
Ở Gio - Cam, từ 15/2 đến 15/3/1969, bộ đội địa phương các huyện phối hợp với du kích các xã chống càn, Nhân dân nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, diệt gần 700 tên Mỹ - ngụy, bắn rơi 5 máy bay, bắn chìm 4 tàu chiến, phá hủy 47 xe quân sự. Chiến công xuất sắc của bộ đội ta ở Cô Ca Va, Làng Hạ, Gio - Cam, buộc địch phải co cụm lại để đối phó. Thừa thắng, quân và dân ta ở Bắc Quảng Trị đã tổ chức đánh địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tây Tân Lâm, diệt 335 tên, phá hủy 15 xe bọc thép, bắn rơi một máy bay.
Ở Triệu - Hải, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Mặt trận 7, Huyện ủy Triệu Phong mở hội nghị cán bộ, bàn cách bám trụ chiến đấu, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ cốt cán ở các xã, nghiên cứu diệt ác, trừ gian, chống âm mưu “bình định” của địch, đồng thời đưa một số cán bộ, chiến sĩ sức khoẻ kém lên miền Tây Trị - Thiên điều dưỡng, học tập chính trị để trở lại địa bàn hoạt động.
Ở Hải Lăng, cơ quan Huyện ủy bám trụ tại vùng giáp ranh. Trong hoàn cảnh bị địch đánh phá, hủy diệt, cán bộ, chiến sĩ vẫn nêu cao quyết tâm bám địa bàn xây dựng căn cứ, từng bước tổ chức lại lực lượng, trở về đồng bằng bám dân hoạt động.
Song song với phong trào đấu tranh quân sự, phong trào đấu tranh chính trị cũng phát triển mạnh ở nông thôn đồng bằng. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 1969, toàn tỉnh có 97 cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, bằng nhiều hình thức phong phú.
Ngày 2/9/1969, được tin Bác Hồ kính yêu từ trần, toàn thể đồng bào Quảng Trị, từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng giải phóng đến thị xã, thị trấn vùng địch chiếm đóng, ai ai cũng vô cùng thương tiếc, xúc động, tổ chức lễ tang Bác bằng nhiều hình thức. Biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra.
Tháng 11/1970, Tổng thống Mỹ Níchxơn quyết định mở ba cuộc hành quân lớn đánh ra Đường 9 - Nam Lào, Đông - Bắc Campuchia và Ngã ba biên giới - vùng giải phóng của ba nước Đông Dương, trong đó lấy cuộc hành quân “Lam Sơn 719” làm trung tâm.
Ngay khi cuộc hành quân của địch mới bắt đầu triển khai, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thống nhất với Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào quyết định mở chiến dịch phản công lớn đánh bại cuộc hành quân của địch và chỉ thị cho Quân ủy Trung ương “nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược”.
Sau 42 ngày đêm chiến đấu kiên cường, liên tục (từ ngày 8/2 đến ngày 23/3/1971), ta và bạn Lào đã giành thắng lợi hoàn toàn, đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy ở Đường 9 - Nam Lào. Ta đã tiêu diệt và bắt sống 21.102 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn tinh nhuệ quân ngụy Sài Gòn, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, phá hủy 1.130 xe cơ giới, 112 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, bắn chìm và bắn cháy 43 tàu, xà lan, thu hơn 3.000 súng các loại.
Hàng ngàn xe tăng, máy bay, pháo cối của Mỹ - ngụy bị hư hỏng đưa về bỏ la liệt ở Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thành phố Huế. Trong số lính ngụy chết, bị thương có một số quê ở Quảng Trị, nên đã làm cho hàng ngàn gia đình có chồng, con, em đi lính cho Mỹ - ngụy vô cùng lo sợ, hoảng hốt. Đồng bào rủ nhau kéo đến căn cứ địch, quận lỵ, tỉnh lỵ ngụy quyền Sài Gòn đấu tranh đòi xác người thân bị chết trận.
Tháng 8/1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên.
Ngày 19/3/1972, Thường vụ Tỉnh ủy mở Hội nghị tiếp thu và bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên năm 1972. Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Quân sự Quảng Trị quyết định tổ chức lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương tỉnh chia làm hai cánh: Cánh Bắc gồm hai huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà do đồng chí Nguyễn Sanh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Lê Mạnh Thoa, Tỉnh đội trưởng, phụ trách. Cánh Nam gồm hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Lương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách.
Từ ngày 30/3 đến ngày 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị đã quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo - Khe Sanh đến Cửa Việt.
Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng, đánh dấu một cột mốc vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của tỉnh nhà. Xã luận báo “Quảng Trị giải phóng” có đoạn: “Quê hương được giải phóng, mỗi người dân Quảng Trị chúng ta ngày nay mới thật hiểu hết giá trị chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chúng ta đã phải trải qua chiến đấu bao nhiêu năm trời, người này ngã xuống, người khác tiếp theo mới giành lại được. Chúng ta thắng là nhờ sức mạnh của toàn dân, nhờ tinh thần chiến đấu kiên cường của quân giải phóng. Có sự đồng tâm hiệp lực mới quật ngã được quân thù hung bạo”.
Ngày 12/5/1972, căn cứ Nghị quyết của Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị đã ra Thông cáo về 10 chính sách đối với vùng giải phóng.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và được sự đồng ý của cấp trên, ngày 5/6/1972, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị được thành lập. Ngày 13/6/1972, sau khi được Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện trợ, Tổng thống ngụy Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” lấy tên là “Lam Sơn 72”.
Từ ngày 28/6-16/9/1972, quân và dân ta anh dũng, kiên cường chiến đấu chống chiến dịch “Tái chiếm Quảng Trị” của Mỹ - ngụy tại Thành Cổ Quảng Trị. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ kéo dài 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa. Địch đã huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những binh chủng trang bị tối tân nhất lại được quân Mỹ giúp sức tối đa về hỏa lực, khối lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Tinh thần chiến đấu quả cảm vô song của quân và dân ta tại Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta trên bàn hội nghị ở Pa-ri; tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển hẳn sang thế trận mới, tiếp tục đánh địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng.
Thắng lợi ở mặt trận Quảng Trị trong năm 1972 đã góp phần thực hiện hiệu quả quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Cùng với thắng lợi của cả nước, nổi bật vào cuối năm 1972 là quân và dân Hà Nội đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn có lợi cho cách mạng Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Quảng Trị đấu tranh chống địch lấn chiếm, xây dựng và củng cố vùng giải phóng
Hiệp định Pa- ri được ký kết là kết quả của tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, bền bỉ của Nhân dân hai miền đất nước dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được đế quốc Mỹ viện trợ, ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục gây chiến.
Mục tiêu trước mắt của Mỹ - ngụy là chiếm vùng giải phóng và “bình định” vùng chiếm đóng, tiêu diệt lực lượng ta, đẩy lực lượng ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ vùng giải phóng; tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng trong vùng địch tạm chiếm và không ngừng xây dựng vùng giải phóng phát triển về mọi mặt.
Ngày 6/5/1973, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị vui mừng tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ. Việc xây dựng trụ sở của Chính phủ được tiến hành khẩn trương và đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam 6/6 (1969 - 1973).
Tại trụ sở Chính phủ, từ ngày 2 đến ngày 5/6/1973, đã diễn ra trọng thể lễ trình Quốc thư của đại sứ 9 nước đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, gồm: Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Lào, Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan, Hung ga ri, An giê ri.
Sáu tháng cuối năm 1973 và năm 1974, nhiều vị đại sứ đã đến trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để trình Quốc thư lên Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. 45 đoàn khách quốc tế, 109 đoàn khách Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, báo chí trong và ngoài nước đã đến thăm Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và vùng giải phóng Quảng Trị, đặc biệt là Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Phi đen Catxtrô dẫn đầu (tháng 9/1973) và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Tổng Bí thư Gioócgiơ Mácse dẫn đầu (ngày 14/11/973).
Sau 2 năm nỗ lực dựng xây, bộ mặt của vùng giải phóng Quảng Trị đã đổi mới, sẵn sàng chi viện sức người, sức của để góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp tục giải phóng phần đất, phần dân còn lại, góp phần thống nhất đất nước
Bộ Chính trị họp từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Lúc này chúng ta có thời cơ...
Đây là thời cơ thuận lợi để Nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục... thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”.
Đối với Trị - Thiên Huế, Thường trực Quân ủy Trung ương họp, quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên Huế và chỉ định đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy Trị - Thiên Huế làm Bí thư Đảng ủy để lãnh đạo thống nhất hiệp đồng tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương trên chiến trường.
Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, biện pháp đã xác định, công tác triển khai chiến dịch xuân - hè 1975 được cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang Quảng Trị tiến hành hết sức khẩn trương.
Nhận được mệnh lệnh của cấp trên, sáng ngày 17/3, Thường trực Đảng ủy vùng tạm bị chiếm và đồng chí Lê Hành họp, nhận định địch có thể rút lui và báo cáo ngay với Quân khu. Đêm 17/3/1975, Ban Chỉ huy Quân sự Quảng Trị thống nhất kế hoạch tiến công và phân công mỗi người một hướng trực tiếp chỉ huy các đơn vị đánh địch.
Đúng 18 giờ 30 phút ngày 19/3/1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, cờ cách mạng tung bay trên cột cờ thị xã Quảng Trị, báo hiệu sự thất bại cay đắng của Mỹ - ngụy trên tuyến phòng thủ “địa đầu” của chúng ở miền Nam.
Ngày 20/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện biểu dương thành tích giải phóng thị xã Quảng Trị và phần đất còn lại của tỉnh Quảng Trị; đồng thời, ra lệnh cho bộ đội tham gia chiến dịch tiếp tục tiến công địch.
Những ngày cuối tháng 3 và tháng 4/1975, tỉnh Quảng Trị đã tập trung sức lực tham gia phục vụ chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần tích cực cùng với toàn miền và cả nước quét sạch dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thu Hà - Châu Minh
Bài 10: Quảng Trị trong thời kỳ hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989)
QTO - Để tất cả đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) trong tỉnh có điều kiện vui xuân, đón Tết đủ đầy, vui tươi, thời gian qua, các cấp công đoàn trên...
QTO - Thị xã Quảng Trị quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
QTO - Năm 2024, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, tình hình thế giới, trong nước đã có sự ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện các...
QTO - Năm 2018, Ban Thường vụ (BTV) Thị ủy Quảng Trị đăng ký với BTV Tỉnh ủy và triển khai thí điểm hợp nhất Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận thành Ban Tuyên...
QTO - Những năm qua, Huyện ủy Gio Linh đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức ký cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các địa phương, cơ...
QTO - Ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh được giải phóng. Ngày 2/9/1954, gần 3 vạn đồng bào, chiến sĩ huyện Vĩnh...
VOV.VN - Tổng Bí thư nhận định, các tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IX không chỉ phong phú về nội dung mà còn thể hiện sự đầu tư công phu, sáng...
QTO - Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị và cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm...
QTO - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (1959), phong trào cách mạng ở Quảng Trị có bước phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết Trung ương 15 đã thổi bùng ngọn...
QTO - Năm 2024, theo sát hành trình đi lên của quê hương, đất nước, Báo Quảng Trị tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, qua đó chuyển tải...
QTO - Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2026; là năm...
QTO - Tháng 5/1931, ở huyện Vĩnh Linh có 3 chi bộ đảng được thành lập với 21 đảng viên. Đây là nền tảng cho sự trưởng thành của Đảng bộ huyện Vĩnh Linh về...