{title}
{publish}
{head}
Chiến dịch K8 đưa hàng vạn học sinh Vĩnh Linh, các vùng Gio Linh, Cam Lộ đang sơ tán tại Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc cách đây gần 60 năm về trước được nhắc đến như một cuộc trường chinh lịch sử. Đặc biệt, đối với các thế hệ cựu học sinh K8, khoảng thời gian ấy đến nay vẫn in hằn trong ký ức, như mới diễn ra ngày hôm qua.
Những người có hai quê
Trên hành trình tìm kiếm những nhân vật từng là cựu học sinh tham gia Chiến dịch K8 năm nào, chúng tôi được gặp ông Trần Xuân Trường (sinh năm 1954), nguyên Đại tá, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Linh, hiện đang sống tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.
Ông Trường vui mừng khi xem lại những bức ảnh về Chiến dịch K8 được lưu tại phòng truyền thống Trường THPT Vĩnh Linh - Ảnh: T.P
Ở tuổi 70, ông vẫn giữ được sự minh mẫn và nhanh nhẹn đáng ngưỡng mộ. Trong ngôi nhà của mình, ông Trường dành vị trí trang trọng nhất để treo huân chương, kỷ niệm chương, bằng khen cùng những kỷ vật được ông xem như “báu vật”. Bên tách trà ấm nóng, ông hồi tưởng lại cuộc “vạn lý trường chinh” có một không hai trong lịch sử mà chính bản thân ông đã tham gia.
“Năm 1965, khu vực Vĩnh Linh bị đánh phá ác liệt lắm. Từ những làng quê yên bình, trù phú bỗng chốc bị phá hủy hoang tàn bởi chiến tranh. Thời điểm ấy, để có thể bảo vệ thế hệ trẻ cho quê hương Vĩnh Linh, Trung ương Đảng đã quyết định thực hiện Chiến dịch K8 đưa hơn 3 vạn thiếu nhi Vĩnh Linh từ 7 đến 15 tuổi ra các tỉnh miền Bắc.
Tôi là con cả trong một gia đình có 6 anh chị em và được sơ tán ra huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để tiếp tục hoàn thành chương trình học lớp 7. 3 người em của tôi được sơ tán ra tỉnh Thanh Hóa; 2 em nhỏ theo mẹ đến huyện Nghĩa Bình, tỉnh Nghệ An”, ông Trường xúc động nhớ lại.
Cũng giống như ông Trường, vợ chồng ông Trần Lâm Viên (sinh năm 1950) và bà Trần Thị Hoài Mễ (sinh năm 1951), hiện đang sống tại TP. Đông Hà cũng là những cựu học sinh K8. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Linh, trong ký ức của ông bà, những năm tháng chiến tranh ác liệt từ mấy chục năm trước như vừa mới diễn ra hôm qua. “Khắp nơi, đâu đâu cũng là bom đạn. Giai đoạn năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền Nam. Khu vực Vĩnh Linh khi ấy trở thành một trong những nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”.
Để tồn tại, quân và dân Vĩnh Linh đã đào hàng trăm địa đạo xuyên sâu vào lòng đất và hàng trăm km giao thông hào liên thôn, liên xã để đi làm, né tránh đạn bom”, ông Viên nhớ lại. Tham gia Chiến dịch K8, cả ông Viên và bà Mễ đều có nhiệm vụ dẫn các em nhỏ tuổi ra các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Nam Định để sơ tán rồi sau đó mới quay lại Tân Kỳ (Nghệ An) để hoàn thành chương trình học văn hóa.
Được biết, Chiến dịch K8 được chia thành nhiều đợt, diễn ra trong gần 2 năm từ tháng 8/1966 đến cuối năm 1967. Lúc bấy giờ, ông Trường lẫn vợ chồng bà Mễ cùng hơn 3 vạn học sinh Vĩnh Linh và các vùng Gio Linh, Cam Lộ đang sơ tán tại Vĩnh Linh được đưa ra các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... để học tập.
Ông Trường mô tả, hành trang trên vai khi ấy chỉ có vỏn vẹn túi vải đựng gạo rang, ống tre đựng nước uống, thế mà ông cùng các bạn, các em đã phải đi bộ hàng chục cây số, lúc lại chen trên phà, trên thuyền, nhồi nhét trên những chuyến ô tô dằn xóc, đội mưa rét để ra Bắc. Mỗi giây phút trên chuyến hành trình bi tráng ấy, mọi người luôn phải đối mặt với cái chết từ bom đạn giặc. Còn theo bà Mễ, nhằm tránh địch phát hiện, các em học sinh và thầy cô phải đi đêm, ngày nghỉ, luồn lách dưới những tán rừng, trèo đèo lội suối bất kể ngày đêm. Trên chặng đường thiên lý, nhiều em học sinh, người hộ tống và giáo viên hy sinh vì bom đạn của quân thù.
Dù phải xa gia đình khi còn rất nhỏ, song may mắn là chính trong cuộc trường chinh lịch sử ấy, tại những miền quê họ sống và đi qua, những học sinh K8 đã nhận được sự bảo bọc, chở che và tình thương yêu sâu sắc của đồng bào. Cũng vì thế, những mảnh đất ấy đã trở thành quê hương thứ 2 trong trái tim của các thế hệ học sinh K8. “Những năm tháng ấy tuy khổ cực mà hạnh phúc, bởi chúng tôi không còn phải nghe tiếng đạn bom mỗi ngày. Nếu không có các gia đình thứ hai cưu mang, có lẽ đã không có chúng tôi bây giờ”, ông Viên nói.
Trở về bảo vệ, xây dựng quê hương
Dẫn chúng tôi đến thăm phòng truyền thống của Trường THPT Vĩnh Linh, ông Trường không khỏi xúc động khi cầm trên tay lá đơn xin nhập ngũ của mình cùng nhiều cựu học sinh K8 khác. Ngày 31/3/1971, ông viết đơn bằng máu xin nhập ngũ để quay về Quảng Trị giải phóng quê hương sau khi hoàn thành chương trình học hệ 10 tại Tân Kỳ. Cùng thời điểm đó, rất nhiều lá đơn tình nguyện nhập ngũ của các thế hệ học sinh K8 cũng được gửi đi.
Ngày 15/4/1972, ông Trường nhập ngũ và được đưa vào Ban B thuộc Ban Thống nhất Trung ương để đào tạo chương trình sơ cấp về quản lý chính quyền cơ sở, nội dung chương trình thời gian huấn luyện do khung cán bộ của Ban B phụ trách. Sau 3 tháng khẩn trương huấn luyện, ông được bổ sung cho Tiểu đoàn bộ đội địa phương K14, đây là đơn vị đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ đầu chiến dịch.
Hiện nay, những cựu học sinh K8 như ông Viên, bà Mễ vẫn tiếp tục giáo dục con cái nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương - Ảnh: T.P
Dù chỉ là chàng trai tân binh song ông Trường đã nhanh chóng thích ứng với chiến trường ác liệt, thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, bản lĩnh, bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin. Trải qua những ngày tháng chiến đấu ác liệt, ông Trường cùng đồng đội đã bằng mọi giá bảo vệ từng tấc đất của quê hương, thực hiện thành công ước nguyện “trả thù cho người cha kính yêu và bà con cô bác đã ngã xuống do bị giặc Mỹ sát hại” được ông viết trong đơn xin nhập ngũ năm nào. Có thể nói, sự gan dạ, bản lĩnh của các thế hệ học sinh Vĩnh Linh đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương đất nước.
“Vừa bước vào chiến trường, các chiến sĩ an ninh giải phóng chúng tôi đã nhanh chóng hòa nhập cùng lực lượng kỳ cựu của Ty An ninh Quảng Trị tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cơ quan Tỉnh ủy, UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị. Đồng thời vô hiệu hóa các tổ chức, đối tượng phản cách mạng trong vùng giải phóng. Nhiều năm đã trôi qua nhưng khi nhớ về những ký ức đó, tôi vẫn không khỏi xúc động, tự hào”, bà Mễ chia sẻ.
Sau khi Quảng Trị được giải phóng, những cựu học sinh K8 như ông Trường, bà Mễ tiếp tục được cử đi bổ túc hoặc đào tạo để đáp ứng với các yêu cầu nhiệm vụ công tác mới. Còn các thế hệ học sinh K8 khác trở về quê hương vào năm 1973, khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng tiếp tục học tập, phục vụ chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam và xây dựng, tái thiết quê hương.
Thị trấn Hồ Xá nhìn từ trên cao - Ảnh: K.S
Kết thúc chương trình học tại Tân Kỳ, năm 1969, ông Viên thi đỗ vào khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp và tiếp tục sự nghiệp học tập với mong ước sau này sẽ quay trở về góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương. Còn bà Mễ được đưa về Ban B để đào tạo, huấn luyện, bổ sung cho Ty An ninh Quảng Trị.
Từng đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt nên hơn ai hết, các thế hệ học sinh K8 thấm thía giá trị cuộc sống. Sau này, hầu hết thế hệ học sinh K8 năm xưa đều là đảng viên, trở thành lực lượng nòng cốt ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực trong và ngoài tỉnh. Sống trong hòa bình, họ vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương; giáo dục con cháu nối tiếp truyền thống đoàn kết, anh dũng kiên cường, cần cù, sáng tạo của các thế hệ đi trước.
Đó chính là cách thể hiện lòng biết ơn với Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về một chủ trương đúng đắn để phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Linh vào thời điểm cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh hủy diệt cũng như tri ân của những người con đối với quê hương thứ hai của mình.
Trúc Phương
QTO - Công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH),...
QTO - Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quảcác mục tiêu, nhiệm vụ,...
QTO - Trong ký ức của người dân Vĩnh Linh hôm nay, K8 là một cụm từ thiêng liêng mà khi nhắc đến ai cũng trào dâng niềm xúc động, bồi hồi với những kỷ niệm...
QTO - Xác định chỉnh trang đô thị là yêu cầu quan trọng để xây dựng thành phố văn minh, ngày càng phát triển, Đông Hà đang triển khai nhiều giải pháp đồng...
QTO - Nằm ở miền Tây huyện Vĩnh Linh, thị trấn Bến Quan từ một nông trường quân đội vừa phòng thủ chiến đấu, vừa sản xuất, đến nay đã mang vóc dáng của một...
QTO - Những năm qua, huyện Vĩnh Linh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân...
QTO - Đến giờ, trong nhiều ngôi nhà ở huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong, câu chuyện về kế hoạch 15, gọi tắt là K15 vẫn được các cụ ông, cụ bà kể cho con cháu....
QTO - Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển bền vững, huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân...
QTO - Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình...
QTO - Hút thuốc lá là một thói quen xấu, có hại đối với sức khỏe không chỉ người hút mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của...
QTO - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Hướng Hóa không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đạt được nhiều kết quả đáng...
QTO - Được đào tạo bài bản, ra trường với nhiều cơ hội rộng mở, thế nhưng bác sĩ Nguyễn Trọng Hiệp (sinh năm 1993), một người con xứ Huế lại quyết định...