Cập nhật: Thứ 5, 13/04/2023 | 06:58 GMT+7

Cuộc phản công mùa xuân của Ukraine có thể đặt Mỹ và NATO vào thế nguy hiểm

VOV.VN - Với sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh, Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc phản công lớn vào cuối mùa xuân khi mặt đất trở nên cứng hơn. Hiện tại, hầu hết phương tiện quân sự không thể hoạt động trên những cánh đồng rộng lớn hoặc các con đường đất do có nhiều bùn lầy.

Theo các tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, Ukraine đã tập hợp 12 lữ đoàn cho kế hoạch phản công. 9 trong số 12 lữ đoàn này được trang bị thiết giáp, pháo binh của Mỹ và châu Âu. 3 lữ đoàn còn lại sử dụng vũ khí, trang thiết bị cũ có nguồn gốc từ Liên Xô và một số loại đã được Ukraine nâng cấp.

Cuộc phản công mùa xuân của Ukraine có thể đặt Mỹ và NATO vào thế nguy hiểmLực lượng Ukraine từ Bakhmut đến Kostyantynivka thuộc tỉnh Donetsk hôm 29/5. Ảnh: Reuters

Thông thường, mỗi lữ đoàn có thể có từ 3.000 đến 5.000 binh sỹ. Ukraine đang lên kế hoạch triển khai 60.000 binh sỹ cho cuộc phản công, tập trung vào nỗ lực phá vỡ sự kiểm soát của Nga đối với các cảng ở Biển Đen. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các lực lượng nước này có thể cùng lúc tiến hành các cuộc tấn công vào Crimea và Sevastopol.

Tài liệu mật cho biết, phần lớn kế hoạch phản công mà Ukraine sắp tiến hành nhận được sự ủng hộ đáng kể của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland – người theo đuổi lập trường cực kỳ cứng rắn với Nga. Theo lập luận của bà Victoria Nuland, Ukraine cần phải giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea và để làm điều đó, họ phải đạt được ưu thế tuyệt đối trước Nga, nghĩa là lấy lại từng mét vuông lãnh thổ đã mất. Tổng thống Zelensky dường như cũng đồng ý với quan điểm này.

Triển vọng không mấy lạc quan đối với cuộc phản công của Ukraine

Kiev đang kỳ vọng tạo ra bước đột phá lớn từ cuộc phản công, nhưng một số tài liệu mật tiết lộ, triển vọng thành công khá ảm đạm. Dù Mỹ và phương Tây cam kết tăng cường viện trợ quân sự, giới quan sát cho rằng, cuộc phản công của Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn.

Trước hết, 9 lữ đoàn mới thành lập của Ukraine trang bị vũ khí phương Tây đang có ít thiết giáp hơn so với cam kết mà NATO đưa ra. Chưa kể, việc vận hành nhiều loại vũ khí và phương tiện khác nhau không dễ dàng và công việc sửa chữa trên trường rất phức tạp do thiếu thiết bị thay thế. Mỹ và châu Âu đã thành lập một số trạm sửa chữa ở Ba Lan và Romania nhưng chúng lại nằm cách xa khu vực xung đột.

Tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho biết thêm, Ukraine đang cạn kiệt hệ thống phòng không do sử dụng với tần suất lớn hoặc bị Nga phá hủy. Ngay cả các tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine cũng không sẵn có trừ khi chúng được cung cấp thêm từ các kho dự trữ của Mỹ hoặc châu Âu. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ có lợi thế trên không và trong bất cứ cuộc giao tranh nào, họ sẽ tận dụng lợi thế này để đối phó với Ukraine.

Việc thiếu đạn dược cũng là một vấn đề lớn khiến Ukraine khó thành công trong cuộc phản công. Xét về đạn dược cho các hệ thống pháo, Mỹ đã cung cấp số lượng lớn đạn nổ mạnh 155mm để Ukraine sử dụng cho các hệ thống pháo mà nước này tiếp nhận từ phương Tây, chẳng hạn như lựu pháo M-777 có tầm bắn 21km. Tính đến thời điểm hiện tại Ukraine đã bắn gần 1 triệu quả đạn 155mm. Với tốc độ tiêu thụ đạn pháo lớn như vậy, không rõ Kiev có thể duy trì cuộc phản công được lâu.

Mỹ và châu Âu đã cung cấp cho Ukraine khoảng 300 khẩu pháo kéo và pháo tự hành. Ukraine cũng có lựu pháo D-30 cỡ nòng 122mm từ thời Liên Xô nhưng các hệ thống pháo này đang hao hụt dần do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa và pháo binh của Nga. Trong khi đó, Moscow có khoảng 6.000 hệ thống pháo và tên lửa ở Ukraine. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). HIMARS sử dụng tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS), có tầm bắn từ 15 đến 70km, mỗi tên lửa có giá khoảng 160.000 USD. Ukraine được cho là đã bắn hơn 9.600 tên lửa loại này. Theo Lầu Năm Góc, tên lửa dành cho hệ thống HIMARS hiện không còn nằm trong kế hoạch tiếp tế. Trong khi đó, Nga tuyên bố đã tìm ra nhiều cách thức hiệu quả để bắn hạ HIMARS.

Kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, Ukraine đã mất khá nhiều đơn vị tinh nhuệ. Giới quan sát cho rằng, các lữ đoàn mới thành lập của nước này có thể sẽ không tập hợp được binh sỹ tinh nhuệ hoặc có kinh nghiệm chiến đấu tốt với số lượng cần thiết. Nhưng Kiev đang nỗ lực chứng minh khả năng khôi phục lực lượng và thay đổi chiến thuật, đặc biệt sau khi đưa về nước các đơn vị thiết giáp được Mỹ và NATO đào tạo.

Tuy vậy, việc triển khai phần lớn lực lượng tại Bakhmut (ước tính vào khoảng 10.000 đến 15.000 binh sỹ) và ở các nơi khác như (Avdiivka, Vuhledar ...) đang khiến Ukraine đứng trước hai lựa chọn khó khăn, đó là có nên giải vây cho các lực lượng này trước khi Nga giành quyền kiểm soát toàn bộ Bakhmut hay tiến hành cuộc tấn công vào cuối mùa xuân và để họ cố thủ trong các vị trí của mình.

Theo giới phân tích, Nga đang đạt được những bước tiến ổn định trong các trận đánh tại Bakhmut và Avdiivka. Nếu Moscow phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine tại Donbass và tiến về phía Tây, họ sẽ không phải đối mặt với rào cản lớn. Kịch bản này sẽ buộc Ukraine phải phân chia các lữ đoàn phản công thay vì tập hợp lại, hoặc phải tìm cách ngăn Nga tiếp cận sông Dnieper và đe dọa tấn công Kiev. Tóm lại, bức tranh toàn cảnh về cuộc phản công của Ukraine không có nhiều triển vọng. Để thành công, Ukraine cần đợi cho đến khi Mỹ và NATO có thể cung cấp tất cả các thiết bị hạng nặng và đạn dược cần thiết, nhưng quá trình này dự kiến mất nhiều năm.

Mỹ và NATO có thể rơi vào tình thế nguy hiểm

Theo tài liệu mật của Mỹ, cuộc phản công vào cuối mùa xuân của Ukraine có thể đặt Mỹ, NATO vào tình thế nguy hiểm

Thứ nhất, kho dự trữ vũ khí, đạn dược của NATO đang dần cạn kiệt. Ngay cả các chính trị gia châu Âu ủng hộ Ukraine cũng bắt đầu mất dần kiên nhẫn. Bên cạnh đó, vụ phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream cũng gây rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Đức – hai nước đầu tàu của liên minh.

Thứ hai, NATO sẽ gặp nhiều khó khăn khi bảo vệ đường biên giới dài tới 2.600km với Nga, sau khi Phần Lan gia nhập liên minh, nếu giao tranh xảy ra bên ngoài biên giới Ukraine. Một số nước thành viên NATO có quân đội khá mạnh, nhưng một số nước khác lại có quân đội nhỏ và thiếu vũ khí.

Chưa kể sự chia rẽ trong NATO liên quan đến cuộc xung đột Ukraine rất lớn. Chẳng hạn Hungary không ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Kể từ khi tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ, ngày càng có nhiều hoài nghi về khả năng chiến đấu của Ukraine trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Thứ 3, khác với Mỹ và NATO tăng cường sản xuất vũ khí theo từng giai đoạn, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang đẩy mạnh sản xuất đạn dược và vũ khí trên cơ sở xung đột toàn diện. Nga đã hoặc đang tìm cách bổ sung nhân lực và các lực lượng của nước này cũng chiến đấu hiệu quả hơn. Nếu Nga chiếm ưu thế trên chiến trường, Ukraine nhiều khả năng sẽ mất đòn bẩy trong các cuộc đàm phán và sự hỗ trợ của Mỹ cùng các thành viên khác trong NATO sẽ được ví như “muối bỏ bể”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)


Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

20°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 16°C - 21°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long