
{title}
{publish}
{head}
(QT) - Vào một ngày giữa tháng 4/2019, vượt dãy Trường Sơn ngược ra phía Bắc, tôi đã đi trên con đường gần 25 năm trước từng đặt chân để trở lại Cù Bai. Con đường như dải lụa mềm đi qua sườn núi, những vườn cà phê tươi tốt, những bản làng giàu đẹp. Qua Sen Bụt rồi đến đèo Sa Mù, núi tiếp núi, rừng tiếp rừng hùng vĩ, điệp trùng. Những ngày trời quang mây tạnh, từ độ cao hơn 1.000 m đỉnh Sa Mù có thể nhìn thấy xã Hướng Việt, Hướng Lập thấp thoáng sau làn mây trắng. Bao nhiêu kỉ niệm về một miền quê xa xôi mà tôi từng đến như ùa về trong kí ức…
![]() |
Chiến sĩ Biên phòng Đồn Cù Bai tuần tra bảo vệ biên giới |
Đường đến Cù Bai gần 25 năm trước
Ngày ấy, tôi vinh dự được theo đoàn công tác của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê đến làm việc tại Đồn Biên phòng Cù Bai. Xuất phát từ thị xã Đông Hà lúc 7 giờ sáng, đoàn công tác lên Hướng Hóa thẳng hướng Cù Bai. Trên 2 chiếc xe GAZ - 66, chúng tôi lắc lư suốt chặng đường dài. Thuở đó, mặt đường rất xấu, là những gì còn lại sau chiến tranh. Chiếc xe GAZ chồm qua những tảng đá, những rãnh nước xói sâu, lắm lúc lùi lại lấy đà rồi leo lên. Đường hẹp lại quanh co, một bên là vực thẳm sâu hàng trăm mét, chỉ nhìn xuống đã thấy chóng mặt. Mặc dù sở hữu khả năng việt dã tuyệt vời của chiếc xe GAZ - 66 và không xa lạ với con đường này nhưng người chiến sĩ lái xe vẫn thận trọng từng mét. Lắm lúc xe chồm lên rồi nghiêng ngã khiến chúng tôi không khỏi lo âu.
Xế chiều, đến thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, chiếc xe chở đoàn công tác gặp một barie làm bằng cây tre chắn ngang đường. Đó là trạm gác của một cửa khẩu phụ giữa ta và Lào. Anh chiến sĩ Biên phòng xuống xe trao đổi với người gác chắn, chiếc barie được kéo lên, đoàn công tác tiếp tục hành trình. Trong chiến tranh, đường Trường Sơn nhánh tây được mở trên đất của hai nước, trở thành con đường chung đi đánh Mỹ. Một cảm giác mới mẻ, lạ lùng xuất hiện trong tôi khi được đặt chân lên một vùng xa xôi trên biên giới bạn Lào. Đi được khoảng 20 km, đến thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt gặp một barie khác, đoàn công tác trở lại đất Việt Nam.
Đường quanh co hiểm trở lại xa xôi, trời đang nắng bất chợt lại đổ mưa khiến chuyến đi vô cùng vất vả. Đến gần 5 giờ chiều đoàn mới đến Đồn Biên phòng Cù Bai. Lúc bấy giờ con sông Sê-păng-hiêng đang trong mùa nước cạn, tuy vậy nó vẫn đủ sức gây khó khăn cho đoàn công tác. Đại tướng Đoàn Khuê cùng đoàn công tác, đội văn nghệ xung kích Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và cánh phóng viên lội thêm mấy trăm mét qua các bãi cạn mới đến cổng đồn. Thời tiết ở đây thật khắc nghiệt, chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau với những trận mưa rừng dai dẳng. Trong những năm chiến tranh, Đồn Biên phòng Cù Bai nhiều lần bị biệt lập trong mùa nước lũ… Mệt lả vì đường xa nhưng ai cũng phấn chấn hẳn lên vì đã đến với một đơn vị Biên phòng xa xôi nhất tỉnh Quảng Trị.
![]() |
Chiến sĩ đồn Cù Bai giúp dân gặt lúa |
Màn đêm miền sơn cước buông xuống khá nhanh. Đêm ấy, một chương trình giao lưu nghệ thuật của Đội văn nghệ xung kích Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức phục vụ nhân dân. Có thể nói, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, đây là một sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn của người dân trong vùng… Chừng 22 giờ 30 phút, chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc, để lại niềm hân hoan trong lòng nhân dân. Ánh đèn từ chiếc máy phát điện tắt nhường lại bóng tối mênh mông vốn có của núi rừng. Ngoài ánh trăng thượng tuần và những ngôi sao đầu mùa hạ treo trên đỉnh Cà Tam, cả núi rừng biên cương chìm vào đêm tối tĩnh lặng, mênh mông…
Cù Bai đổi mới
Sau chuyến công tác đặc biệt của Đại tướng Đoàn Khuê, mấy năm sau một con đường mới được Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (đơn vị kinh tế quốc phòng) thi công nối thị trấn Khe Sanh với Cù Bai. Có được con đường mới, rộng rãi và khang trang này nhờ công lớn của Đại tướng Đoàn Khuê, người con của quê hương Quảng Trị. Từ khi được mở, thêm nhiều bản làng mới được hình thành, các tiểu vùng kinh tế phát triển dọc theo tuyến đường. Đặc biệt, với địa hình khá cao, khí hậu mát mẻ thích hợp cho các loại cây trồng ôn đới, cận nhiệt đới như hoa lan, hoa li, tuy líp… Giờ đây, từ thành phố Đông Hà, khoảng 3 giờ đi ô tô là có thể đến Cù Bai. Chiếc cầu bê tông cốt thép nối đôi bờ sông Sê-păng-hiêng, cảnh xắn quần lội qua sông để đến cổng đồn chỉ còn trong kí ức. Và cũng từ đây, mỗi sự phát triển đi lên của vùng Tây Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị đều gắn với con đường này.
Nếu như gần 25 năm trước thung lũng Cù Bai là rừng thiêng nước độc, đồi núi vẫn còn màu xanh nguyên thủy của những cánh rừng già với những con đường mòn luồn qua các sườn núi cánh rừng để vào các thôn bản, thì ngày nay nhiều tuyến đường mới liên thôn được Đoàn kinh tế quốc phòng 337 xây dựng. Từ các đồn, trạm Biên phòng, cán bộ, chiến sĩ đến với thôn Sê Pu, Tà Păng, Cù Bai dễ dàng. Chỉ mất mươi phút đi xe là có thể đến nơi cần đến. Hai bên đường những ngôi nhà mới vừa được xây xong, những bản làng đẹp đẽ hơn. Năm 2004, đường dây hạ thế đưa ánh sáng văn minh đến từng bản, từng nhà. Ngoài việc sử dụng điện cho sinh hoạt, nhiều gia đình còn dùng điện cho sản xuất. Đêm đêm, vùng biên giới xa xôi chan hòa ánh điện, bóng đêm không còn thống trị như 25 năm trước, trong chuyến đi đầu tiên mà tôi từng chứng kiến. Đó là những đêm dài bập bùng ánh lửa lồ ô in trên vách nứa, không đủ sức xua tan giá lạnh của miền sơn cước...
Trở lại Cù Bai năm nay đúng vào mùa gặt mới. Hơn 70 ha lúa của xã Hướng Lập chín vàng như một bức gấm thêu ngút tầm mắt. Nhìn thấy cánh đồng đã toát lên sự no ấm nơi mảnh đất biên cương một thời đói khổ. Chị Hồ Thị Vai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hướng Lập, cho biết: “Năm nay thời tiết khá thuận lợi, xã chúng tôi lại được mùa, năng suất ước đạt 50 tạ/ ha. Hiện nay, chúng tôi động viên bà con thu hoạch nhanh đề phòng mưa dông, lốc xoáy”. Cánh đồng lúa trước mắt đang chín rộ cần nhiều nhân lực thu gom để tránh lũ đầu mùa. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai chia nhau về các thôn bản để giúp dân. Đâu đâu cùng thấy màu xanh áo lính nhấp nhô trên màu vàng của biển lúa. Các anh bộ đội cùng bà con gặt hái. Nhóm này tuốt lúa, nhóm kia phơi phong. Dưới tán cây bên đường, chiếc máy tuốt lúa thủ công ù ù quay không ngừng nghỉ. Một cảnh tượng nhộn nhịp, đẹp mắt thấm đẫm tình quân dân đang hiển hiện trước ống kính của chúng tôi. Dù cơn gió Lào mang hơi nóng đầu mùa thổi tới nhưng không ảnh hưởng đến không khí lao động khẩn trương của quân và dân nơi đây...Một điều rất khác so với dưới xuôi là đang cao điểm mùa gặt nhưng nước từ hệ thống thủy lợi vẫn tràn đầy. Dòng nước mát từ hệ thống tự chảy đủ sức cấp nước cho cánh đồng không cần phải tiết kiệm như dưới xuôi. Vì vậy lúa lúc nào cũng tốt tươi, mùa tiếp mùa thắng lợi.
![]() |
Mùa vàng nơi biên giới |
Đóng quân nơi biên giới xa xôi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội của các xã vùng núi còn nhiều khó khăn, đối diện phía bên kia biên giới là hai cụm bản La Cồ và Cheng Túp của nước bạn Lào cũng nhiều thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai nhận thức rằng: Muốn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới thì phải giúp dân phát triển kinh tế văn hóa. Dân được ấm no, hạnh phúc sẽ giúp bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ nhận thức đó, đơn vị đã giúp hai xã Hướng Lập và Hướng Việt xây dựng nông thôn mới; tham mưu và hỗ trợ cho hai xã triển khai chăn nuôi bò tập trung, trồng cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, trồng thí điểm gần 1.000 gốc chuối mật mốc. Đến nay các mô hình trồng trọt chăn nuôi đem lại hiệu quả.
Giờ đây, đến Cù Bai không chỉ là màu xanh trùng điệp của núi rừng mà còn có màu vàng của những cánh đồng lúa chín, màu xanh của những nương ngô dọc các triền suối, ven sông. Từng đàn bò, dê ung dung gặm cỏ lưng chừng núi. Người dân quen dần phương thức sản xuất tập trung, nông sản trở thành hàng hóa nên đã thu hút được các thương lái thu mua tận thôn bản. Người dân các xã miền núi thật sự ấm no, hạnh phúc.
|
Cùng với việc giúp dân phát triển kinh tế, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai cùng các xã thực hiện tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc”, “Khu dân cư an toàn”. Phát động phong trào “Thôn, bản không có ma túy, tội phạm” được 14 thôn, bản kí kết tham gia. Đơn vị kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và một phần tự đóng góp xây dựng được 7 nhà “Nghĩa tình biên giới”, sửa chữa cụm trường bán trú Tà Păng gần 400 triệu đồng, hỗ trợ đồ dùng học tập cho các trường mầm non Hướng Việt, Hướng Lập. Thực hiện tốt các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Tay kéo Biên phòng” “Tiết học biên giới”. Khám và chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người. Xây dựng mối quan hệ phối hợp bảo vệ an ninh biên giới với Trạm Công an La Cồ (Lào) chặt chẽ. Từ những việc làm tốt đẹp, thắm đượm tình quân dân ấy, người dân tin tưởng, góp phần cùng bộ đội bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.
Với tôi, sau gần 25 năm trở lại, không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi diệu kì từ mảnh đất gian khó năm nào. Duy có một điều không bao giờ thay đổi là tình quân dân vẫn như dòng Sê-păng-hiêng trong xanh chảy mãi, đem phù sa bồi đắp cho đôi bờ. Nền Biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân nơi đây luôn vững vàng như đỉnh núi Cà Tam...Đất Cù Bai, nơi biên cương hiểm trở, xa xôi năm nào nay trở thành miền quê giàu đẹp, thái bình.
Văn Cần
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21/7/1954, đế quốc Mỹ đã dựng chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước hiệp định và rắp tâm xâm lược nước ...
Chẳng hiểu sao, cứ mỗi lần ngược đường lên núi, tôi lại có những cảm xúc khác lạ. Có lẽ, đây là lúc đứng trước khung cảnh núi non, đèo dốc vòng vèo nối nhau ...
Nguyên là cán bộ xã và hiện tại là người có uy tín của thôn, ông Hồ Văn Tỉu - 68 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng - ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, ...
Hơn 20 năm trước, khi nghe tin có một đàn cò hàng vạn con cứ đêm đêm lại về trú ngụ trong vườn nhà của một lão nông ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh ...
Từ thuở lập bản, lập làng, giống lúa nếp than (đệp cù cha) đã theo bước chân thiên di bất định của đồng bào Pa Kô lang bạt khắp các cánh rừng Trường Sơn để ươm ...
Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng công an nhân dân vũ trang giới tuyến năm xưa, ngày nay các đồn biên phòng Hướng Lập và Cửa Tùng không ngừng xây ...
Xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa là vùng biên giới với hơn 85% dân số là người dân tộc Vân Kiều sinh sống, điều kiện KT-XH nhiều khó khăn. Vì thế, việc đến trường ...
Đêm buông xuống, núi rừng biên cương tĩnh lặng, chìm trong màn sương. Đang miên man thả ký ức về một thời xa xăm, tôi bỗng nghe tiếng kẻng vang lên. Giờ báo ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...
(QT) - Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Trị chính thức được lập lại, Đông Hà được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ. Từ một thị xã nhỏ, không mấy phát triển, bây giờ lại phải lớn...
(QT) - Ngày 1/7/1989, ghi dấu mốc thời gian tỉnh Quảng Trị được lập lại trong niềm hân hoan đón đợi của mọi người; em Nguyễn Xuân Hà, trú tại phường 1, TP. Đông Hà cũng cất...
(QT) - 44 năm trôi qua sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân Quảng Trị vẫn đối mặt với một cuộc chiến có thể kéo dài tận 300 năm. Để không còn tiếng bom, có những...
(QT) - Ở độ tuổi 20 nhiều người vẫn thường ví von là “tuổi ăn tuổi chơi”, thế nhưng chàng trai ấy đã trở thành một người thợ thuyền, thợ mộc thạo nghề bậc nhất ở miền biển bãi...
(QT) - Dưới cái nắng hừng hực với nhiệt độ ngoài trời lúc cao nhất lên tới 40o C nhưng những người phụ nữ hành nghề bốc vác vật liệu xây dựng vẫn kiên trì, miệt mài khuân vác...
(QT) - Bằng một niềm đam mê đặc biệt với môn ảo thuật cùng khát vọng theo đuổi nghề đến cùng, Lê Tuấn Anh ở phường 5, thành phố Đông Hà đã sớm khẳng định được tài năng, tên...