{title}
{publish}
{head}
Làm ra chiếc chổi với người mắt sáng đã là chuyện không dễ, với người khiếm thị lại khó khăn muôn phần. Thế nhưng bằng nghị lực vươn lên, khát khao muốn khẳng định sự có ích của mình với xã hội, anh Lê Cương (sinh năm 1990), một người khiếm thị hiện đang sống tại thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, đã thành công với mô hình sản xuất chổi đót của riêng mình, tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ trên địa bàn.
Chổi do cơ sở của anh Lê Cương sản xuất luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn - Ảnh: T.P
Học bằng chân, nghe bằng tai...
Từ bé đã nhìn thấy hình ảnh mờ mờ về mọi vật xung quanh nhưng mãi sau này, anh Cương mới hay mình mắc căn bệnh thoái hóa sắc tố võng ngay từ trong bụng mẹ. Càng lớn, bệnh tình càng trở nặng, khiến việc đến trường của chàng trai này gặp không ít khó khăn.
“Thời còn đi học, tôi thường xuyên bị vấp té do không nhìn rõ đường đi nên bạn bè trêu chọc suốt. Lên lớp, dù có xin thầy cô chuyển lên ngồi gần bảng thì khả năng nhìn của tôi vẫn chẳng cải thiện được là bao. Ban đầu tôi nghĩ đơn giản mình bị cận thị thôi nên không mấy bận tâm. Lúc đó chỉ lo vùi đầu vào sách vở với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn, đỡ đần cho ba mẹ già đang ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chắt chiu từng đồng nuôi mình ăn học”, anh Cương bộc bạch.
Đến bây giờ, anh vẫn không sao quên được khoảnh khắc cầm được tờ giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trên tay, hạnh phúc dường như vỡ òa. Đó là kết quả cho mọi sự nỗ lực của anh trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Giữa lúc này, anh Cương vẫn không hay căn bệnh thoái hóa sắc tố võng vẫn đang âm thầm phát triển và phá hủy dần thị lực của mình. Hạnh phúc chưa được bao lâu, cuối năm 2 đại học, anh buộc phải thôi học với lý do: hai mắt bị mù hoàn toàn. Thế là từ một chàng sinh viên điển trai với tương lai rộng mở, anh trở thành một người khiếm thị.
Dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng thứ mà gia đình anh nhận được chỉ là cái lắc đầu của các bác sĩ. Nỗi đau đó lớn đến mức anh tưởng như mình sẽ buông xuôi tất cả. Anh nói: “Còn gì khủng khiếp hơn việc mất đi ánh sáng, tương lai chỉ sau một đêm thức dậy. Nhưng tôi lại nghĩ không lẽ những ngày tháng tới mình sống vô ích, dựa dẫm vào gia đình. Rồi kiến thức mình đã học trong những năm qua không lẽ bỏ đi hết?
Những câu hỏi ấy cứ thôi thúc khiến tôi quyết tâm và lần nữa thi đỗ vào ngành Ngữ văn của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế”. Tại ngôi trường mới, sự quan tâm, yêu thương của thầy cô, bạn bè đã giúp anh tìm lại được sự tự tin của chính mình. Không thể nhìn thế giới qua đôi mắt, anh Cương học bằng chân, nghe bằng tai và nhớ bằng đầu. Cứ thế, chàng sinh viên trẻ năm ấy đã tiếp tục giấc mơ và niềm đam mê văn học còn dang dở.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Cương quay trở về quê hương. Giữa lúc đang học cách vượt qua bóng tối để thích nghi với cuộc sống mới, anh may mắn gặp gỡ với những người đồng cảnh ngộ tại Hội Người mù huyện Triệu Phong. Tại đây, chàng trai trẻ không chỉ được giãi bày mọi nỗi niềm buồn vui trong cuộc sống mà còn được đào tạo nghề làm chổi đót để phát triển kinh tế, tự đứng lên trên đôi chân của mình.
“So với mọi người, tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn vì luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội. Tham gia Hội người mù huyện, tôi có thêm lý do để tự động viên bản thân nỗ lực hơn nữa, không thể trở thành gánh nặng của bất kỳ ai. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, khuyết tật chỉ bất tiện chứ không hề bất hạnh”, anh cho hay.
Mất đi đôi mắt nhưng ông trời lại bù đắp cho anh đôi bàn tay khéo léo, thế nên chỉ sau 3 tháng đào tạo, anh Cương đã làm ra được chiếc chổi đót chắc chắn không thua gì sản phẩm của người sáng mắt. Có được “món nghề trong tay”, năm 2018, anh quyết định mở cơ sở sản xuất chổi đót ngay tại gia đình mình.
Giúp người đồng cảnh ngộ
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất chổi đót của Lê Cương vào ngày cuối tuần, thời điểm mọi người đang hoàn thiện số lượng lớn chổi để kịp “trả đơn” cho khách hàng. Những cuộc trò chuyện, vui đùa giữa những người lao động với nhau khiến không khí làm việc nơi đây trở nên nhộn nhịp, rộn ràng. Việc sản xuất được thực hiện nhịp nhàng theo dây chuyền, từ xé đọt, phân loại tua, buộc lọn chổi, bện lưỡi cho đến gắn tay cầm... thế nên chỉ trung bình sau khoảng 10 phút, một chiếc chổi dày dặn, bền đẹp “ra đời”.
Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh Cương sản xuất trên 7.000 cái chổi, mỗi cái có giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng. Anh Cương vui mừng chia sẻ: “Ban đầu vốn ít nên tôi tự làm số lượng chổi cố định, bỏ mối tại các đại lý hoặc đi bán trực tiếp ở chợ. Để ngày càng cải thiện sản phẩm, tôi chủ động tìm đến những khách hàng dùng chổi của mình để nghe thêm ý kiến đánh giá của họ.
Sau 6 năm hoạt động, cơ sở sản xuất chổi đót của tôi được trong và ngoài xã biết đến nhiều hơn. Tôi thực sự rất vui vì có thể làm được công việc phù hợp với bản thân, tạo ra thu nhập cho chính mình và những người đồng cảnh ngộ”. Làm chổi đót dù có chút vất vả nhưng đây là công việc không đòi hỏi trình độ cao, không tốn quá nhiều sức lao động, thời gian linh động nên ai cũng có thể làm được. Nghề làm chổi đót hiện không còn thịnh hành như trước nhưng với ưu điểm của chổi đót là dễ dàng vệ sinh, bền, giá thành hợp lý, sản phẩm này vẫn được người dân địa phương ưa chuộng, làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó.
Đến nay, không chỉ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, anh Cương còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 4 - 5 lao động tại địa phương, đều là người khuyết tật với mức thù lao từ 7 - 8 triệu đồng/tháng/người. Vốn bị khuyết tật vận động nên lâu nay chị Phan Thị Cúc (sinh năm 1972), hiện đang sống tại Hà My, xã Triệu Long, chỉ quẩn quanh trong góc bếp với suy nghĩ “mình ra ngoài đường chỉ làm vướng chân người khác”.
Nhưng từ ngày đến làm việc tại cơ sở sản xuất chổi đót của anh Cương, cuộc sống của chị đã có nhiều sự thay đổi. “Tôi có thể đi làm, kiếm thêm thu nhập như bao nhiêu người. Quan trọng hơn là tôi vui vì có người hiểu mình, được chia sẻ với các anh chị em không may khuyết tật như mình”, chị Cúc phấn khởi nói.
Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng chị mà còn là cảm nhận chung của tất cả những người đang làm việc tại đây. Khi được hỏi về dự định phát triển cơ sở sản xuất trong thời gian tới, anh Cương cho hay sẽ tận dụng các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok và các kênh thương mại điện tử để đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến các đối tượng khách hàng mới, đẩy mạnh lượng tiêu thụ.
“Ngoài chổi đót, tôi dự tính sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, mạnh dạn nhận các đơn hàng lớn hơn để có được nhóm khách hàng ổn định. Đồng thời làm thêm các loại chổi khác theo nhu cầu của khách hàng. Tôi muốn cơ sở của mình không chỉ tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn mà còn mở rộng ra các đối tượng khác như đoàn viên, thanh niên, người nhàn rỗi... giúp các hộ gia đình cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và giữ nghề truyền thống của địa phương”.
Đánh giá về mô hình của anh Lê Cương, Bí thư Xã đoàn Triệu Long Nguyễn Thị Thu Thảo cho hay: “Đây là một mô hình có tính thiết thực, hiệu quả không chỉ với cá nhân anh Cương mà còn với các lao động trên địa bàn xã. Trong quá trình mở rộng mô hình của mình, chỉ cần anh Cương yêu cầu, Xã đoàn sẽ có sự hỗ trợ kịp thời”.
Trúc Phương
QTO - Đến năm 2025 là chạm dấu mốc 35 năm nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đồng hành với nền nông nghiệp nước nhà trên hành trình đổi mới. Tham khảo nhận định...
QTO - Chăn nuôi theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết bằng hình thức gia công cho các công ty lớn đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp...
QTO - 15 năm, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh ngày càng lan...
QTO - Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài 75 km với ngư trường rộng hơn 9.000 km2 , có trữ lượng hải sản dồi dào và có giá trị kinh tế cao. Vùng ven biển có điều...
QTO - Thời gian qua, một số ngư dân vì lợi ích trước mắt đã bất chấp quy định của pháp luật, sử dụng phương tiện trái phép như thuốc nổ, xung điện để đánh...
QTO - Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh. Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để dập tắt bệnh lây lan...
QTO - Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, cùng với các nội dung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương gắn liền với lợi ích của người dân, thời gian...
QTO - Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chỉ thực hiện tốt khi Nhân dân hiểu, tham gia, đặc biệt là người dân sống gần rừng, do đó cần tăng cường cung...
QTO - Từ vùng đất đồi dốc bỏ hoang, nông dân Hồ Xa Nát, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm...
QTO - Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hướng giải quyết việc làm hiệu quả và giảm nghèo bền vững. Những năm qua thị trấn Cửa...
QTO - Từ nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao trong thời gian qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi,...
QTO - Khi được hỏi về những đóng góp của mình cho sự phát triển của địa phương, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi có dịp...