Cập nhật:  GMT+7

Cần ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ

Thời gian qua, một số ngư dân vì lợi ích trước mắt đã bất chấp quy định của pháp luật, sử dụng phương tiện trái phép như thuốc nổ, xung điện để đánh bắt thủy, hải sản, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân tại các xã bãi ngang trong tỉnh. Mặc dù người dân rất bức xúc, đã nhiều lần trình báo cơ quan chức năng nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý.

Cần ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ

Một chiếc tàu cá mang biển số tỉnh Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện neo đậu gần bờ biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt

Chúng tôi gặp ngư dân Lê Văn Thiếm (49 tuổi) ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh vào một ngày giữa tháng 8. Gia đình anh Thiếm có 1 chiếc thuyền nan nhỏ, công suất 10 CV, hành nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. “Thuyền tôi có 2 lao động. Từ đầu tháng 3 - 7 âm lịch, chúng tôi đánh bắt mực lá bằng lừ. Từ tháng 7 - 3 âm lịch năm sau, chúng tôi thả lưới rê đánh bắt cá chim, cá trích và giã ruốc... Nhiều năm trước, chúng tôi đánh bắt thủy sản khá thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây thì không còn như vậy nữa”, anh Thiếm mở đầu câu chuyện.

Anh Thiếm kể, thời điểm từ tháng 3 âm lịch hằng năm, nhiều tàu cá có số đăng ký tỉnh Quảng Ngãi đến vùng biển gần bờ xã Vĩnh Thái để đánh bắt thủy sản bằng hình thức xung điện. Những tàu này thường neo đậu cách bờ khoảng một vài hải lý. Khi màn đêm buông xuống là lúc các tàu cá này hoạt động.

“Những tàu này dùng xung điện để đánh bắt nên các loại thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị chết. Đến sáng, họ đem cá vào bán cho các thương lái địa phương. Trên tàu họ không có bất kỳ ngư lưới cụ gì nhưng tôm cá lại rất nhiều”, anh Thiếm kể.

Anh Thiếm còn cho hay, có một vài chiếc thuyền của ngư dân xã Kim Thạch hành nghề đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ trên vùng biển Vĩnh Thái. Những chiếc thuyền này đánh bắt cách bờ khoảng 1 hải lý. Sau những tiếng nổ là hàng ngàn con cá lớn nhỏ chết tức tưởi, nổi trắng bụng trên mặt nước biển mênh mông.

“Gần bờ biển Vĩnh Thái có rạn san hô, là nơi cư ngụ, sinh sản của nhiều loại thủy sản. Trước đây, ngư dân Vĩnh Thái đánh bắt được rất nhiều loại tôm hùm, mực lá, cá mú, cá khoang cổ cỡ lớn, giá trị kinh tế cao. Nhưng những năm gần đây thì không có nữa, đến cả những loại tôm, cá nhỏ cũng ít dần”, anh Thiếm bức xúc nói.

Trưởng thôn Đông Luật Hồ Sỹ Dưỡng cho biết, ông và nhiều ngư dân trong thôn nhìn thấy tàu ngoại tỉnh đánh bắt thủy sản trái phép bằng xung điện nhưng “lực bất tòng tâm”.

“Tôi thấy những chiếc tàu Quảng Ngãi kích điện bắt cá vào khoảng 1 - 2 giờ sáng. Điện quanh tàu họ sáng choang, một vài người đàn ông lặn xuống biển, mang theo súng bắn điện. Những lúc đó, tôi dùng điện thoại gọi cho chính quyền và tổ an ninh nhưng không được, đành bất lực đứng nhìn. Nếu như lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp với ngư dân thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thuyền để ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản tận diệt này”, ông Dưỡng nói.

Cách đó vài cây số là nhà của ngư dân Nguyễn Hữu Sự (40 tuổi) ở thôn Tân Mạch. Nhà anh Sự có chiếc thuyền nan công suất 12 CV, hành nghề câu mực ống, câu cá rạn, giã ruốc. Theo anh Sự, vài năm gần đây, trên vùng biển xã Vĩnh Thái thường xuyên có 2 - 3 chiếc tàu cá biển số tỉnh Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện vào ban đêm.

“Tôi chuyên câu cá ở rạn san hô. Trước đây, vùng biển Vĩnh Thái có nhiều cá mú, cá khoang cổ, mực lá kích thước lớn. Tuy nhiên, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây không có nữa. Vì vậy, nhiều ngư dân trong thôn bỏ dần nghề câu vì lỗ tiền dầu”, anh Sự cho hay.

Trưởng thôn Tân Mạch Ngô Tất Hữu cho biết, khoảng 10 năm nay, nhiều chiếc tàu mang biển số tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đến đánh bắt thủy sản ở vùng biển gần bờ Vĩnh Thái bằng hình thức xung điện.

“Những năm gần đây, sản lượng đánh bắt thủy sản của toàn thôn giảm hẳn so với trước. Các loại cá sinh sống ở rạn san hô như: mú, khoang cổ và mực ống, mực lá cũng giảm hẳn. Nếu không kịp thời xử lý, đời sống của ngư dân Vĩnh Thái và con cháu chúng tôi sau này sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên”, ông Hữu nói.

Ngư dân bị mất ngư lưới cụ

Ngư dân xã Vĩnh Thái cũng bày tỏ bức xúc trước thực trạng những chiếc tàu cá biển số tỉnh Khánh Hòa hành nghề lưới vây ở vùng biển gần bờ làm hư hỏng và mất ngư lưới cụ của họ. Ngư dân Lê Văn Thiếm kể, nguồn thu nhập chính của gia đình anh dựa vào nghề thả lừ bắt mực lá. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều chiếc tàu cá của tỉnh Khánh Hòa hành nghề lưới vây đã làm đứt lưới, mất lừ của anh. “Tôi đã bị mất 12 cái lừ, 1 đường dây và 2 cái neo, thiệt hại trên 5 triệu đồng. Giờ làm lại thì mất khá nhiều thời gian và công sức”, anh Thiếm nói.

Theo Trưởng thôn Đông Luật Hồ Sỹ Dưỡng, mỗi khi tàu cá tỉnh Khánh Hòa thả lưới vây rồi kéo đi là lừ của ngư dân Vĩnh Thái bị cuốn theo. Toàn thôn có 10 chủ thuyền bị mất lừ đánh bắt mực vì những chiếc tàu này. Người nhiều bị mất 20 cái lừ, người ít mất 10 cái. Tình trạng này đã diễn ra từ khoảng 5 năm nay.

Tại thôn Tân Mạch cũng tương tự. Trưởng thôn Tân Mạch Nguyễn Tất Hữu chia sẻ: “Từ tháng 3 - 6 năm nay, tôi bị mất 100 cái lừ, chưa kể dây và neo, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Em con chú của tôi là Nguyễn Tất Việt bị mất 200 cái lừ, thiệt hại trên 50 triệu đồng. Những chiếc tàu hành nghề lưới vây tỉnh Khánh Hòa đáng lẽ phải hành nghề ở ngư trường khơi vì chiều dài lớn, công suất mạnh. Họ đánh bắt ở vùng biển gần bờ là trái phép”.

Cần có biện pháp xử lý kịp thời

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho hay, toàn xã hiện có khoảng 200 chiếc thuyền với tổng công suất trên 3.000 CV. Ngư dân trong xã chủ yếu hành nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, như: câu rạn, thả lưới rê, giã ruốc, lặn bắt tôm hùm và ốc...

Những năm gần đây, nhiều tàu ngoại tỉnh và một số thuyền trong tỉnh đánh bắt thủy sản tận diệt bằng xung điện, thuốc nổ đã làm suy giảm hệ sinh thái biển và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của ngư dân trong xã. Theo ông Trường, việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác thủy sản trái phép kể trên còn gặp nhiều khó khăn do khả năng của địa phương có hạn và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị Phan Hữu Thặng cho biết, theo quy định, tàu cá đánh bắt thủy sản bằng lưới vây chủ yếu hoạt động ở vùng biển lộng và khơi, tùy theo chiều dài của thân tàu. Đối với đánh bắt thủy sản bằng xung điện, đây là hành vi trái phép.

Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý gặp một số khó khăn vì những tàu cá này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra thì sẽ nhanh chóng bỏ chạy. Riêng hành vi sử dụng thuốc nổ để đánh bắt thủy sản, cần phải có bằng chứng, tang vật cụ thể thì cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý. Trong thực tế, khi nghe tiếng nổ, tàu tuần tra của cơ quan chức năng ra đến nơi thì tàu của ngư dân đã đi nơi khác và tẩu tán tang chứng vật chứng.

Được biết, thời gian qua mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai một số biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ, giã cào nhưng kết quả mang lại chưa cao. Ngư dân xã Vĩnh Thái mong muốn chính quyền các cấp và các cơ quan, lực lượng hữu trách tích cực phối hợp, thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên biển để ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản trái phép. Từ đó, giúp ngư dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Trần Tuyền

Tin liên quan:
  • Cần ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ
    Nỗi lo mang tên “tàu giã cào”

    Việc tàu giã cào có công suất lớn từ các địa phương đến vùng biển Quảng Trị để khai thác hải sản gần bờ, không chỉ làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị cạn kiệt, mà còn gây thiệt hại, hư hỏng ngư lưới cụ, tài sản của ngư dân vùng biển bãi ngang. Thuyền viên trên một số tàu giã cào “che biển kiểm soát” còn đe dọa đánh đập, phá hoại tài sản của ngư dân nếu không tránh xa khu vực tàu giã cào đang hành nghề. Nhiều ngư dân chỉ biết bất lực khi ngư lưới cụ bị tàu giã cào cuốn theo rồi khuất bóng giữa đại dương mênh mông.

  • Cần ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ
    Ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt, tận diệt

    Ngày 6/9, UBND tỉnh có văn bản về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp và ngư cụ, nghề khai thác có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản.


Trần Tuyền

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hướng Hóa chủ động ứng phó với thiên tai

Hướng Hóa chủ động ứng phó với thiên tai
2024-09-12 05:30:00

QTO - Địa bàn huyện Hướng Hóa có đặc thù lượng mưa hằng năm lớn, tập trung cùng thời điểm, kết hợp với địa hình đồi núi dốc, chia cắt theo 2 sườn Đông và...

Biến đồi hoang thành nơi có của ăn của để

Biến đồi hoang thành nơi có của ăn của để
2024-09-04 05:10:00

QTO - Từ vùng đất đồi dốc bỏ hoang, nông dân Hồ Xa Nát, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm...

Những “cầu nối” nơi bản làng vùng cao

Những “cầu nối” nơi bản làng vùng cao
2024-09-01 06:45:00

QTO - Khi được hỏi về những đóng góp của mình cho sự phát triển của địa phương, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi có dịp...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết