{title}
{publish}
{head}
Ngoài giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, nhiều năm nay, cô Phan Thị Hạnh (sinh năm 1970) còn miệt mài đến các lớp học không bảng đen, phấn trắng để dạy nghề cho người khiếm thị. Với sự tận tụy của mình, cô đã trở thành nguồn sáng, soi đường cho những người một thời chìm trong bóng tối của sự mặc cảm, tự ti và nghèo khó.
Niềm hạnh phúc đặc biệt
Theo dõi hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp dành cho người khiếm thị lần thứ IV, nhiều người chú ý đến người phụ nữ có đôi mắt sáng, nụ cười hiền ngồi trên ghế giám khảo. Mỗi lần thấy các kỹ thuật viên trả lời đúng hay hoàn thành tốt phần thi, nụ cười trên gương mặt cô dường như rạng rỡ hơn. Hỏi mới biết, nữ giám khảo ấy đến từ Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị. Không đơn thuần cầm cân nảy mực tại cuộc thi, cô còn là người truyền nghề tẩm quất, xoa bóp cho người khiếm thị. Phần lớn kỹ thuật viên có mặt tại hội thi lần này là những học viên giỏi giang, chăm chỉ của cô.
Cô Phan Thị Hạnh để lại ấn tượng đẹp với tính cách nhẹ nhàng và nụ cười hiền từ - Ảnh: Q.H
Chuyện trò bên lề cuộc thi, cô Hạnh cho biết, đây là lần thứ ba mình được mời làm giám khảo tại hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp dành cho người khiếm thị. Đối với cô, trải nghiệm này hết sức ý nghĩa. Bởi, thông qua nó, cô thấy sự trưởng thành của những học viên mà mình từng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. “Tôi thường ví những lần chấm thi như thế này là một mùa thu hoạch. Còn gì hạnh phúc hơn khi thấy các học viên do mình dạy đã trở thành những kỹ thuật viên giỏi tay nghề. Niềm vui của người gieo hạt chỉ đơn giản có thế”, cô Hạnh nói.
Tính đến nay, cô Hạnh đã có 6 năm đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp cho cán bộ, hội viên Hội Người mù các cấp trong tỉnh. Trước đó, cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến với những lớp học không bảng đen, phấn trắng này. Theo dòng hoài niệm, cô Hạnh chia sẻ, đầu năm 2018, lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế tỉnh mời cô lên phòng chuyện trò. Qua trao đổi, cô biết thông tin, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị đang rất cần một giảng viên dạy nghề tẩm quất, xoa bóp cho người mù. Bấy giờ, nhiều suy nghĩ xuất hiện trong đầu cô.
Chia sẻ câu chuyện 6 năm về trước, cô Hạnh kể, sau khi nhận lời, bản thân vẫn rất lo. Nhiều năm giảng dạy ở Trường Cao đẳng Y tế tỉnh, cô Hạnh đã quen với công việc thường nhật. Cô không biết mình có đủ kiên trì, sự tỉ mỉ và kỹ năng để dạy những “sinh viên đặc biệt” hay không. Suy nghĩ là thế nhưng cô vẫn đi đến quyết định đồng ý rất nhanh. Bởi, từ trước đến nay, trái tim của nữ giảng viên tâm huyết này vẫn luôn dễ rung cảm trước phận người kém may mắn. Lần này, cô vẫn không thể làm điều gì khác ngoài việc lắng nghe trái tim yêu thương.
Miệt mài dạy nghề
Đến giờ, cô Hạnh vẫn nhớ như in những ngày đầu đứng lớp dạy tẩm quất, xoa bóp cho người khiếm thị. Dù đã chuẩn bị chu đáo nhưng cô vẫn rơi vào cảnh “xoay như chong chóng”. Khác các sinh viên quen thuộc của mình, cô phải cầm tay chỉ việc cho từng học viên khiếm thị. Những kiến thức y khoa được cô nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần để mọi người có thể thấm sâu. Có những ngày trở về nhà, giọng cô khàn đặc.
Cô Phan Thị Hạnh (đứng thứ 2, từ trái sang) trong một lần chấm giải tại hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức - Ảnh: Q.H
Ngày ấy, ngoài tình thương và trách nhiệm, một trong những điều giữ cô lại với lớp học đặc biệt này chính là những lời tâm sự của lãnh đạo Hội Người mù tỉnh. Qua chia sẻ, cô Hạnh được biết, trước đây, cán bộ, hội viên khiếm thị chỉ biết nghề chổi đót, tăm tre, làm hương... Tuy nhiên, những nghề này đang chịu sự cạnh tranh rất lớn, lại cho thu nhập thấp.
Trong khi đó, công việc xoa bóp, bấm huyệt rất phù hợp đối với người khiếm thị. Nhận thức rõ điều đó, Hội Người mù tỉnh từng nhiều lần đề nghị Trung ương Hội hỗ trợ người đứng lớp. Tuy nhiên, phần vì đường sá xa xôi, phần vì số lượng giảng viên còn ít nên việc mở lớp không dễ dàng. Nghề tẩm quất, xoa bóp lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe mọi người nên không thể mời người giảng dạy không có chuyên môn.
Biết mọi người đang cần mình, cô Hạnh tự nhủ phải dành toàn tâm, toàn sức cho lớp học. Cô không ngại đến lớp sớm, trở về nhà muộn hơn để có thêm thời gian chỉ dẫn cho học viên. Phương pháp giảng dạy cũng được cô thay đổi thường xuyên, phù hợp với từng người.
Chuyện dành cả tiếng đồng hồ chỉ để dạy một học viên quen với động tác xoa bóp, ấn huyệt mới trở nên quen thuộc đối với cô. “Vất vả nhưng điều khiến mình cảm thấy vui là phần lớn học viên khiếm thị rất thích học nghề. Ông trời lấy đi đôi mắt nhưng bù lại cho họ đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì ít ai bì được. Mỗi khi học được một điều mới mẻ, ai nấy đều vui như con trẻ nhận quà. Vì thế, lớp học luôn sôi nổi, vui vẻ. Quay đi, quay lại, một mùa hè học xoa bóp bấm huyệt trôi qua rất nhanh chóng”, cô Hạnh chia sẻ.
Sau thành công của năm đầu tiên, cứ mỗi mùa hè, cô Hạnh lại tạm gác những kế hoạch nghỉ ngơi, thư giãn để đến với cán bộ, hội viên khiếm thị. Không chỉ đứng lớp ở trụ sở Hội Người mù tỉnh, cô còn miệt mài đến các địa phương để đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp cho người khiếm thị. Có những hôm mưa to, gió lớn, cô vẫn khoác chiếc áo mưa đi thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh... Cô xác định, mình có thể chờ học viên nhưng không được để ai phải vất vả đợi mình.
Chữa lành những tổn thương
Chuyện trò về những lớp đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp, gương mặt cô Hạnh như sáng bừng. Cô ít nói về những cống hiến của mình. Ngược lại, cô cho rằng bản thân nhận được rất nhiều khi dạy nghề cho người khiếm thị. Một trong những thứ quý giá mà cô nhận được chính là động lực sống. Trước đây, cô Hạnh có một cuộc sống được cho là đáng mơ ước đối với nhiều người. Giông gió bất ngờ ập đến khi chồng cô đột ngột qua đời. Từ đó, cô phải vất vả một mình nuôi con. Mỗi đêm thanh vắng, ôm đứa con say ngủ vào lòng, cô lặng lẽ rơi nước mắt.
Cô Phan Thị Hạnh quan sát, góp ý cho các kỹ thuật viên khiếm thị cách tẩm quất, xoa bóp hiệu quả nhất - Ảnh: Q.H
Từ ngày đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp cho người khiếm thị, cô Hạnh nhận ra, mình còn may mắn hơn so với rất nhiều người. Những nỗi buồn lo trong cuộc sống không còn đủ sức trì kéo cô như trước. Cô mở lòng, chuyện trò với học viên nhiều hơn, luôn nở nụ cười với những người khiếm thị dù biết phần lớn họ không thể mường tượng ra gương mặt của mình. Với những học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô Hạnh luôn nỗ lực tìm cách để động viên, giúp đỡ.
Đào tạo nghề bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương nên cô Hạnh rất vui mừng khi thấy bước tiến của các học viên. Sau khóa đào tạo, phần lớn học viên của cô đều tìm được công việc ổn định trong và ngoài tỉnh.
Một số người đã mở cơ sở tẩm quất, xoa bóp riêng, tạo việc làm cho nhiều cán bộ, hội viên khiếm thị khác. Điều đặc biệt là dù ở đâu, hoàn cảnh thế nào, họ cũng luôn nhớ đến cô Hạnh và nỗ lực vươn lên để không phụ sự kỳ vọng của người giảng viên năm nào. Mỗi lần có dịp hạnh ngộ, cô trò có thể ngồi chuyện trò cả tiếng đồng hồ mà không biết chán.
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Tăng Mùi, hiện nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở tẩm quất, xoa bóp do Tỉnh hội quản lý và 12 cơ sở do hội viên quản lý. Phần lớn kỹ thuật viên làm việc tại các cơ sở đều trưởng thành từ những lớp đào tạo tẩm quất, xoa bóp do các cấp Hội Người mù tổ chức.
Sau khi hoàn thành các lớp đào tạo, 95% cán bộ, hội viên khiếm thị có việc làm ở trong và ngoài tỉnh. “Để có được những con số đáng mừng đó, chúng tôi rất biết ơn sự chung sức của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các giảng viên dạy nghề tẩm quất, xoa bóp. Những giảng viên tâm huyết như cô Hạnh thực sự là ánh sáng cho người khiếm thị”, ông Mùi nói.
Quang Hiệp
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - Thời gian qua, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) sẵn có, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi...
QTO - Theo Tổ chức Y tế thế giới, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Người không hút thuốc lá...
QTO - Trong những năm gần đây, huyện miền núi Hướng Hóa đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông vào hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ...
QTO - Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ) là một giải pháp có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát...
QTO - Bám sát Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...
QTO - Bề dày truyền thống mà Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Gio Hải số 1 (xã Gio Hải, huyện Gio Linh) đạt được trong 50 năm xây dựng và...
QTO - Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp lãnh đạo, sự tin yêu của các thế hệ học...
QTO - Nhắc đến Quảng Trị, hàng triệu trái tim trên đất nước Việt Nam đều nhớ đến lịch sử của ngày hôm qua với những năm tháng chiến tranh khốc liệt, hào...
QTO - Từ ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới, mở...
QTO - Những năm qua, nhờ công tác tuyên truyền vận động của ủy ban MTTQ các cấp, phong trào hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi được người dân huyện...