Về phía ta: Ngày 4-5-1954, theo lời mời của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã đến Geneva để bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4-5-1954, địch bàn cách mở “con đường máu” tháo chạy

Hội nghị Geneva bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao

Đêm 4-5-1954, trên cánh đồng phía Tây, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt một đại đội gồm lính lê dương và lính Morocco, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Lilie, tấm bình phong cuối cùng che chở cho Sở chỉ huy De Castries ở hướng này. Buổi sáng, địch phản kích định chiếm lại nhưng thất bại.

Lực lượng quân Pháp lúc này ở Điện Biên Phủ còn khoảng 5.385 quân chiến đấu và 1.282 thương binh. Nếu so với sau đợt tiến công thứ 2 thì quân địch đông hơn do đã được tăng cường. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy 1km2.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4-5-1954, địch bàn cách mở “con đường máu” tháo chạy

Một góc tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đường hầm với chiều dài 49m. Chiều và đêm 4-5-1954, khối thuốc nổ gần 1.000kg được đặt vào cuối đường hầm an toàn. Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã họp bàn nhận định về hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công thứ 3 và quyết định nhanh chóng chuyển sang tổng công kích trên toàn mặt trận giành thắng lợi cho chiến dịch.

Về phía địch: Ngày 4-5, Cogny điện cho De Castries, thông báo một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của Tổng chỉ huy: "Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) được trao quyền lựa chọn cách thức và thời gian tùy theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh".

Cogny chỉ thị cho De Castries phải phá hủy các xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô tuyến điện. Nhưng vẫn không quên nhấn mạnh: "Cho tới khi có lệnh mới, Chỉ huy trưởng GONO phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ, không được có tư tưởng rút lui, phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị thực hiện với sự thận trọng tối đa”. Cogny vốn cho rằng tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ chỉ dẫn tới sự hy sinh vô ích.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4-5-1954, địch bàn cách mở “con đường máu” tháo chạy

Những chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Trong ngày, dưới trời mưa tầm tã, De Castries họp các sĩ quan cao cấp của Mường Thanh phổ biến kế hoạch Albatros. Có mặt Langlais, Lemeunier, Bigeard, Vadot và Seguin Pazzis. Chiến hào của đối phương đã bao vây rất chặt, không còn kẽ hở. Tuy nhiên, mọi người thống nhất phải chia làm ba cánh khi rút chạy. Cánh thứ nhất, gồm toàn bộ quân dù do Bigeard chỉ huy. Cánh thứ hai, gồm toàn bộ quân lê dương và Bắc Phi do Lemeunier và Vadot chỉ huy. Cánh thứ ba, gồm toàn bộ quân ở Hồng Cúm do Langlais chỉ huy. Có ba đường rút lui: Đường thứ nhất qua bản Keo Lom, đường thứ hai theo thung lũng Nậm Nưa, đường thứ ba theo hướng Nậm Hợp. Con đường chạy về phía Nam - Đông Nam dường như có vẻ ít nguy hiểm hơn và mọi người phải rút thăm. Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào 20 giờ ngày 7-5-1954. Theo nhà báo Giuyn Roa: "Ở Điện Biên Phủ, người ta gọi cuộc hành binh này là mở con đường máu”.

THÀNH VINH (lược trích)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ - nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.