Cập nhật: Thứ 7, 25/06/2022 | 05:55 GMT+7

Châu Âu "ngấm đòn" trước con bài năng lượng của Nga

VOV.VN - Việc Đức chính thức rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt tự nhiên cho thấy Châu Âu có vẻ thực sự đã “ngấm đòn” trước con bài năng lượng của Nga.

Hôm qua (23/6), Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã kích hoạt giai đoạn 2 của chương trình khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn. Bước đi này tiến gần hơn tới việc phân bổ nguồn cung cho ngành công nghiệp. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố “Kể từ bây giờ, khí đốt đang thiếu hụt ở Đức”. Mặc dù hy vọng việc phân bổ hạn ngạch khí đốt không xảy ra, nhưng ông cũng không thể loại trừ điều đó.

Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ

"Chúng tôi đang có sự thiếu hụt về nguồn cung. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải tuyên bố kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Tôi phải nói điều này cho dù cho đến lúc này nguồn cung vẫn được đảm bảo. Chúng ta không nên bị ru ngủ vì sự đảm bảo này và chúng ta cần phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất", ông Robert Habeck nói.

Theo ông Habeck, các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức 58%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, con số dự kiến sẽ đạt mục tiêu dự trữ đến 90% vào tháng 12 sẽ khó có thể thực hiện được. Bộ trưởng Habeck kêu gọi tất cả người tiêu dùng – từ các ngành công nghiệp, các tổ chức công đến các hộ gia đình giảm mức tiêu thụ nhiên liệu càng nhiều càng tốt "để nước Đức có thể vượt qua mùa Đông".

"Kịch bản tồi tệ chắc chắn sẽ không xảy ra, bằng bất kỳ giá nào. Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi kêu gọi mọi người hãy giảm sử dụng khí đốt để dành nó cho mùa đông sắp tới. Có thể mọi người vẫn nghĩ rằng sau đại dịch, cần phải xả hơi và không muốn phải đối mặt với những điều tồi tệ, nhưng sự thật là mùa đông sẽ tới. Người tiêu dùng có thể thấy giá khí đốt sẽ tăng lên nhưng đó là chúng ta đang chịu một cú sốc từ bên ngoài", quan chức này nêu rõ.

Cú sốc bên ngoài mà Bộ trưởng Kinh tế Đức nhắc tới chính là việc tuần trước, công ty khí đốt Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoài ra, các dòng năng lượng từ Nga đến toàn Châu Âu cũng đã bị gián đoạn.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột, Liên minh Châu Âu nhập khẩu 40% khí đốt của Nga và riêng tại Đức, tỷ lệ này lên tới 55%. Tuy nhiên, sau xung đột, giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu hiện đã tăng khoảng 60% kể tháng 3 năm nay, giao dịch quanh mức 140 USD/ mỗi megawatt giờ (MWh). Gía năng lượng tăng đã đẩy lạm phát cao ở mức chóng mặt và khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đau đầu tìm cách ngăn chặn kinh tế khu vực này rơi vào đình trệ.

Trước Đức, một loạt các nước Italy, Thụy Sĩ, Đan Mạch đã bắt đầu kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng phó khủng hoảng khí đốt. Châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung qua đường ống từ các nhà sản xuất như Na Uy và Azerbaijan, nhưng hầu hết đã không còn khả năng mở rộng công suất.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo, Đức có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và trải qua giai đoạn thiếu hụt năng lượng kéo dài, có thể 3 đến 4 năm, thậm chí là 5 năm tới. Nếu Đức, một quốc gia đầu tàu của Liên minh Châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng thì hiệu ứng domino đối với toàn bộ khu vực là khó tránh khỏi trong khi mùa Đông - nỗi đáng sợ nhất của Châu Âu lại đang đến gần./.

Châu Anh/VOV1 (Tổng hợp)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Các nước BRICS ủng hộ đàm phán giữa Nga và Ukraine

Các nước BRICS ủng hộ đàm phán giữa Nga và Ukraine
00:03 24/06/2022

VOV.VN - Ngày 23/6, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14, các thành viên BRICS đã thảo luận về tình hình nhân đạo ở Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Thời tiết

18°C - 23°C
Nhiều mây, không mưa
  • 17°C - 23°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 23°C
    Có mây, có mưa rào
POWERED BY
Việt Long