Chặt đứt đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia do nữ quái cầm đầu
(QT) - Vào thời gian giữa tháng 5/2014, Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị nắm được nguồn tin quan trọng: Có một đối tượng là nữ giới tên Hải quê ở Tương Dương, Nghệ An thường xuyên vào khu vực Tà Rụt cung cấp hê rô in cho các con nghiện trên địa bàn và các đối tượng tham gia khai thác vàng trái phép tại khu vực Tà Rụt, A Vao, huyện Đakrông. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đường dây và chân dung do nữ quái này cầm đầu đã dần lộ rõ. Đối tượng tên là Lô Thị Hải, sinh năm 1974, dân tộc Thái, trú ở bản Lửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Hải là đối tượng môi giới lao động phổ thông, chuyên cung cấp cửu vạn cho các chủ “bưởng” khai thác vàng trái phép trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam; đồng thời cung cấp ma túy cho chủ “bưởng” và các tụ điểm trong khu vực bãi vàng. Cũng cần nói thêm rằng, bản Lửa là “vùng rốn” ma túy của Nghệ An. Đây là bản của người dân tộc Thái sinh sống và có phần lớn người dân ở đây tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy. Qua điều tra, xác minh, được biết chồng của Hải hiện đang hành nghề khai thác vàng trái phép ở Lào. Tại nhà Hải đang cất giấu 4 khẩu súng tự chế.
.jpg) |
Đối tượng Lô Thị Hải (phải) và Lô Thị Trang bị bắt giữ |
Những người được Hải thu nạp để hành nghề khai thác vàng trái phép là các thanh niên ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng thời, qua các đối tượng này, Hải đã tuồn ma túy vào bán lẻ tại các bãi vàng. Hải thường xuyên đến các bãi vàng ở Tà Rụt, A Vao, huyện Đakrông để cung cấp ma túy cho các đối tượng tên L., H. Có lúc Hải ngược lên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa móc nối với các đối tượng HT., HK. ở bản Ka Túp, Ka Tăng, là nhưng thanh niên bản địa thông thuộc địa hình làm nhiệm vụ dẫn đường sang Lào cung cấp cho các đối tượng nghiện người Lào và một số đối tượng người Việt Nam hành nghề buôn bán lẻ ma túy tại bãi vàng Vilabuly, tỉnh Savannakhet (Lào). Hải thường bán cho mỗi đầu mối với số lượng từ 1 đến 1,5 “cây” (trung bình mỗi “cây” từ 1.200 đến 1.500 tép). Hải thường xuyên mua bán theo kiểu hai chiều, như lấy tiền sau khi bán hê rô in mua lại ma túy tổng hợp hiệu WY để đưa về Việt Nam bán kiếm lời. Thủ đoạn của Hải là giả dạng hành khách đi thăm thân với tư trang gọn, nhẹ và cất giấu ma túy trong hành lý cá nhân để dễ bề vận chuyển. Để giữ tuyệt đối bí mật, Hải thường thực hiện mua bán ma túy một mình. Mỗi chuyến thực hiện trao đổi, mua bán ma túy của Hải chỉ kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Những ngày cuối năm 2013, bên cạnh Hải xuất hiện thêm một “trợ thủ” đắc lực đó là cháu gái gọi Hải bằng cô ruột là Lô Thị Trang, sinh năm 1994 đi theo để phụ giúp công việc vận chuyển, buôn bán ma túy; đồng thời kiêm luôn công việc sẵn sàng đáp ứng “vui vẻ tới Z” khi các con nghiện tại các bãi vàng có nhu cầu. Vì vậy đường dây của Hải ngày càng được các chủ bưởng vàng tin dùng. Ngày 27/5/2014, trinh sát tiếp tục nhận được nguồn tin: Tại địa bàn khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa có một nhóm đối tượng người Lào tên Dun Quang ở bản Huội Loa, Savannakhet, móc nối với các đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Ka Tăng, Ka Túp thông thạo địa hình, lợi dụng đêm tối sử dụng xe mô tô hai bánh lén lút qua lại hai bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ, số lượng mỗi lần vận chuyển từ 100 đến 500 viên ma túy tổng hợp và đối tượng đứng ra nhận hàng chính là Hải. Sau một thời gian điều tra, xác minh đã có đầy đủ cơ sở kết luận về hoạt động của đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, để đấu tranh, làm rõ đường dây này, tháng 6/2014, Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị báo cáo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức kết hợp cùng Đội 5, Cục chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Đội Phòng chống ma túy Hải quan Quảng Trị xác lập chuyên án mang bí số 660-L. Ban chuyên án đã chỉ đạo lực lượng trinh sát chủ động nắm chắc diễn biến hoạt động của các đối tượng, sử dụng các biện pháp trinh sát kỹ thuật, trinh sát ngoại tuyến để giám sát, theo dõi hoạt động của từng đối tượng; sử dụng cơ sở mật ngoại tuyến thường xuyên quan sát, theo dõi, phát hiện những động thái bất thường ở khu vực đối tượng chuyên án sinh sống; hoạt động, tạo lý do ngụy trang khéo léo để bám sát mọi di biến động của các đối tượng, kịp thời báo cáo về Ban chuyên án để theo dõi chỉ đạo. Ngày 30/7/2014, trinh sát ngoại tuyến báo cáo về Ban chuyên án: “Cáo” đã rời hang. Từ đây, nhất cử, nhất động của đối tượng Lô Thị Hải đã bị các trinh sát theo dõi sát sao. Sau khi cùng với người cháu gái lên xe từ Tương Dương về thành phố Vinh, ngày 31/7, Hải bắt xe khách tuyến Bắc- Nam để vào Quảng Trị. Khi vào Quảng Trị, Hải lưu trú tại Đông Hà và thay đổi chỗ ở 2 lần trong ngày để tránh bị theo dõi. Sáng 1/8/2014, Hải tiếp tục bắt xe lên thị trấn Lao Bảo và ăn cơm trưa tại quán cơm K.A, sau đó xin chủ quán nghỉ trưa. Tại đây, Hải một lần nữa thay đổi trang phục, đồng thời đem số ma túy được ngụy trang trong các chiếc bánh gai chia thành các cục nhỏ lẻ để dễ bề cất giấu trong người và túi xách cá nhân. Đầu giờ chiều ngày 1/8, Hải rời quán cơm K.A, bắt xe thồ chạy lòng vòng nhiều lần quanh thị trấn Lao Bảo để thăm dò có “đuôi” bám theo không, sau đó cả hai cô cháu vào khách sạn Bảo Sơn, thuê phòng 109 và yên tâm nằm đợi khách đến nhận hàng. Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 1/8/2014, Ban chuyên án nhận định sau chuyến hành trình dài hàng trăm ki-lô-mét và thực hiện các tình huống “cắt đuôi”, có thể lúc này hai đối tượng đã mệt mỏi và dễ sinh tâm lý chủ quan, vì vậy các trinh sát phải tiếp cận phòng 109 một cách nhanh và bí mật. Khi hai đối tượng đang mơ màng sau hơn 1 ngày đêm vất vả thì các trinh sát xuất hiện và yêu cầu kiểm tra hành chính, đồng thời phong tỏa các khu vực đề phòng đối tượng tiêu hủy tang vật như cửa sổ, nhà vệ sinh. Lúc đối diện với lực lượng chức năng, đối tượng Trang lộ chút lo sợ, bối rối; riêng đối tượng Lô Thị Hải vẫn giữ được nét mặt bình tĩnh một cách khó tin. Ả không hề phản ứng khi trinh sát khóa chiếc còng số 8 vào tay. Các trinh sát đã lấy từ túi quần của đối tượng Hải một cục khá lớn màu trắng. Và biết không thể che giấu nên khi trinh sát hỏi ma túy còn cất giấu ở đâu, Hải lấy thêm một cục khác từ trong chiếc áo ngực đang mặc. Hải khai nhận các cục màu trắng trên là hê rô in, có số lượng khoảng 1.500 tép mua của một đối tượng tại Tương Dương, Nghệ An vào ngày 31/7/2014. Thượng tá Nguyễn Thuận Hóa, Trưởng Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, cho biết: “So với hàng chục chuyên án mà đơn vị đã đấu tranh thì đây là chuyên án phức tạp vì địa bàn xa, rộng và điều kiện mở rộng chuyên án khó. Đối tượng trong đường dây có nhiều năm buôn bán ma túy nên rất xảo quyệt, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn vận chuyển nên lực lượng chức năng khó bắt được quả tang. Ngoài ra, thắng lợi của chuyên án 660- L mang ý nghĩa kép, vì không chỉ đã triệt phá được đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia mà còn chặt đứt được đường dây chuyên cung cấp đối tượng hành nghề khai thác vàng trái phép đang diễn ra nhức nhối tại A Vao, Tà Rụt của huyện Đakrông, trả lại sự bình yên của một vùng biên giới”. Bài, ảnh: PHAN PHƯỚC TRUNG