{title}
{publish}
{head}
Những ngày qua, thông tin về vụ nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao, xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật để lấy đi của bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hơn 171 tỉ đồng gây chấn động dư luận bởi số tiền bị mất quá lớn, hơn nữa nạn nhân là cán bộ lãnh đạo.
Lừa đảo bằng hình thức sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay. Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet, mạng xã hội, đây là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao hoạt động. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 16 hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng.
Trong các hình thức lừa đảo, thủ đoạn giả danh cán bộ bảo vệ pháp luật đang điều tra vụ án đã biến nhiều người thành nạn nhân, mất hết tài sản. Chỉ tính riêng ở Quảng Trị, thời gian gần đây cũng xảy ra nhiều vụ lừa đảo dạng này. Gần đây là vào chiều 2/4/2024, bà T.T.X. ở thị trấn Cam Lộ đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh huyện Cam Lộ yêu cầu ngân hàng tất toán 3 sổ tiết kiệm, tổng giá trị hơn 80 triệu đồng để chuyển vào tài khoản của một người lạ. Quá trình giải quyết, nhân viên ngân hàng nhận thấy bà X. có những biểu hiện lo lắng, bất an. Tìm hiểu biết được, vào sáng 2/4, bà X. có nhận cuộc gọi video qua mạng xã hội từ một nhóm người mang sắc phục công an, viện kiểm sát. Nhóm này thông báo bà X. liên quan đến một vụ án ma túy lớn, có thể bị bắt tạm giam 90 ngày; đồng thời yêu cầu bà phải rút toàn bộ tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản do chúng cung cấp để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra. Kết quả điều tra bà trong sạch thì số tiền sẽ được trả lại, còn nếu bà X. không thực hiện sẽ bị bắt tạm giam ngay... Nhân viên ngân hàng đã giải thích cho bà X. về chiêu trò lừa đảo này, qua đó kịp ngăn chặn vụ việc.
Cũng với thủ đoạn tương tự, khoảng 9 giờ ngày 3/1/2024, bà N.T.U., trú tại thôn Mỹ Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, cầm sổ tiết kiệm số tiền 436 triệu đồng đến Agribank chi nhánh Cam Lộ làm thủ tục tất toán để chuyển vào tài khoản một người tên là Bùi Đắc Thịnh. Quá trình giải quyết công việc, phía ngân hàng nhận thấy có sự bất thường nên ngăn bà U. dừng giao dịch. Bà U. cho biết, trước đó, bà nhận được cuộc gọi từ một người xưng là cán bộ công an tỉnh, báo rằng các sổ tiết kiệm bà đang gửi tại ngân hàng có hưởng tiền hoa hồng trái quy định pháp luật và sẽ bị điều tra, khởi tố trong thời gian tới. Cách xử lý nhanh gọn là bà U. phải đóng sổ tiết kiệm và chuyển toàn bộ tiền qua tài khoản nói trên để kiểm tra nguồn tiền. Được biết vào ngày 2/1/2024, bà U. đã chuyển 318 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.
Trước đó, ngày 18/9/2023, bà N.T.H, trú ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cũng được nhân viên ngân hàng tư vấn, dừng giao dịch, nếu không thì đã chuyển hơn 47 triệu đồng cho 2 đối tượng tên Tùng và Lâm. Hai đối tượng xưng là cán bộ công an, tòa án và nói bà H. đã hưởng hoa hồng 6 tỉ đồng từ đường dây buôn bán ma túy. Số tiền 47 triệu đồng là tiền án phí phục vụ công tác điều tra. Ngày 27/4/2023, người phụ nữ tên T., trú tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng đến Ngân hàng Agribank chi nhánh thị xã Quảng Trị để rút số tiền hơn 150 triệu đồng trong sổ tiết kiệm để chuyển cho một người xưng là cán bộ viện kiểm sát. Người này thông báo bà T. liên quan đến một vụ án ma túy nên yêu cầu bà chuyển tiền để chứng minh trong sạch. Vụ lừa đảo được ngân hàng giúp ngăn chặn.
Người viết bài này cũng nhiều lần nhận điện thoại với nội dung tương tự như các vụ nêu trên, trong đó có 2 lần “tương kế tựu kế”- vào vai giám đốc doanh nghiệp tư nhân giàu có, rất hoang mang lo lắng khi nghe bị vướng vòng lao lý- nhằm câu dụ đối tượng lừa đảo để tìm hiểu kỹ chiêu thức, thủ đoạn của chúng. Có lần mất đến 2,5 giờ đồng hồ mới kết thúc cuộc “điều tra”. Đó là khi được yêu cầu chụp màn hình điện thoại về số dư tài khoản gửi cho chúng xem thì không được đáp ứng (giả vờ không biết thao tác, dù được đối tượng hướng dẫn rất kỹ). Biết bị “con mồi” lừa lại, nhưng “cán bộ điều tra” vẫn chốt một câu lạnh người trước khi tắt máy: “Chuẩn bị hành lý, ba giờ chiều nay lên xe thùng nhập hộp”!
Phải nói rằng các đối tượng vào vai “cán bộ điều tra” để lừa đảo quá đạt, từ trang phục ngành, ngữ điệu, âm sắc giọng nói, thái độ khi thẩm vấn, đặc biệt tỏ ra có kiến thức nhiều lĩnh vực, nhất là nắm vững các quy định pháp luật, phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ, làm cho nạn nhân có cảm giác như đang đứng trước một cán bộ điều tra của lực lượng công an. Vậy nên, qua quá trình thẩm vấn, nạn nhân dễ bị thao túng tâm lý, tin và làm theo những yêu cầu của đối tượng. Thực tế, việc giả danh cán bộ công an (và các cơ quan tư pháp) điều tra vụ án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu trò được sử dụng nhiều và khá hiệu quả.
Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn này thì mọi người phải nhận biết những dấu hiệu lừa đảo ngay từ ban đầu, đó là: cơ quan chức năng không bao giờ thực hiện thủ tục điều tra một vụ án qua điện thoại mà không trực tiếp gặp người liên quan; khi đối tượng điện thoại video để cho thấy hình ảnh cán bộ mang sắc phục ngành thì thường diễn ra rất nhanh vì sợ phát hiện là giả, bởi khi nhìn vào đôi mắt bị “đơ”, nháy rất cứng. “Cán bộ điều tra” nói nhiều nhưng chốt lại là tiền trong tài khoản của người bị điều tra phải chuyển vào một tài khoản khác do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
Rất dễ nhận biết hành vi lừa đảo, nhưng vì sao con số nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày cho dù thủ đoạn này đã xuất hiện từ nhiều năm trước? Đó là do nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhiều người còn hạn chế, trong lúc đó, đối tượng lừa đảo như đã nói ở trên là quá “siêu”. Vậy cách tốt nhất là tăng cường thông tin về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có thủ đoạn giả danh cán bộ cơ quan chức năng điều tra vụ án để mọi người biết, tránh trở thành nạn nhân của chúng.
Tùng Lâm
QTO - Thời gian qua, nhiều phong trào, đợt cao điểm được phát động, triển khai thực hiện thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức...
QTO - Hiện nay, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm về dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ...
QTO - Gia nhập thị trường là một trong 10 chỉ số thành phần của bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá sự...
QTO - Quảng Trị là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Từ một tỉnh nằm ở tuyến đầu chịu nhiều hậu quả nặng nề sau chiến tranh, điều kiện thiên nhiên...
QTO - Ngay sau khi Cục Đường bộ có quyết định từ 6 giờ ngày 4/4, các loại phương tiện: xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe từ 6 trục trở lên (gồm...
QTO - Du lịch nông thôn là các loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, trong đó du khách được tiếp xúc...
QTO - “Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có trí tuệ, năng động, sáng tạo, am hiểu và tuân thủ pháp luật, làm...
QTO - Ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp (DN) có thành tích nộp thuế xuất sắc năm 2023 với sự...
QTO - Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII). Lần đầu...
QTO - Những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chú trọng...
QTO - Cách đây không lâu, Báo Quảng Trị nhận được thư của ông Đ.H.T. (sinh năm 1978), ở TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đề nghị giúp gỡ một bài báo trên báo...
QTO - Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm về khai thác, sử dụng đất bị phát hiện, xử lý. Dưới đây xin điểm lại một số...