Cập nhật:  GMT+7

Cần chặn đứng thói hung hăng trên đường

Chỉ trong hơn một tuần của tháng cuối năm, hàng loạt vụ hành hung người khác chỉ vì những va chạm, mâu thuẫn nhỏ trên đường xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc. Những dấu hiệu này cho thấy dường như việc kiểm soát cảm xúc để hành xử một cách có văn hóa khi tham gia giao thông đang trở thành một khái niệm xa xỉ. Và cũng đã đến lúc cần những giải pháp cứng rắn, quyết liệt hơn để ngăn chặn hiện tượng này.

Không ai có thể tưởng tượng đến một ngày, việc lưu thông trên đường lại trở nên nguy hiểm đến thế. Đường chật, xe cộ ngày một đông, nhiều tài xế chạy ẩu, thiếu quan sát khiến người đi đường luôn trong trạng thái lo âu vì tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng nỗi lo về tai nạn chưa dứt, thì nỗi lo về việc bị hành hung ngày càng ám ảnh hơn khi những vụ đánh người chỉ vì va chạm, mâu thuẫn nhỏ liên tục xảy ra mà bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân.

Cần chặn đứng thói hung hăng trên đường

Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 9/12 tại TP. Hồ Chí Minh khiến dư luận xôn xao. Camera hành trình của xe ô tô ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ chạy xe máy trên đường thì xảy ra va chạm rất nhẹ với xe máy khác do một người đàn ông trung niên điều khiển. Ngay lập tức, người đàn ông dừng xe, đến gần và dùng tay đánh tới tấp vào mặt, dùng cùi chỏ đánh vào đỉnh đầu người phụ nữ. Không những vậy, khi người phụ nữ ngã xuống, người đàn ông này vẫn lao tới đạp mạnh vào mặt.

Chỉ một ngày sau, tại tuyến đường khác của thành phố này, một tài xế xe buýt chỉ vì thấy một thanh niên đi xe máy phía trước ép xe đã cùng nhân viên lao xuống dùng tuýp sắt hành hung người đi xe máy. Đến ngày 14/12, một người đàn ông ở TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bị hành hung trên đường chở con gái đi học. Người này bị đánh chỉ vì nhắc tài xế xe ô tô dừng đèn đỏ phía trước nhích lên để mình đi qua. Tại Bình Phước, một tài xế xe tải bị người đàn ông đi xe bán tải chặn đầu rồi leo lên cabin liên tục đá, đấm vào đầu, vào người, ngay cả khi trong xe có một phụ nữ và trẻ em. Lý do chỉ vì tài xế xe tải khi lách để vượt lên hơi tạt qua trước đầu xe bán tải.

Không ai biết được mình có thể là người tiếp theo bị hành hung khi tham gia giao thông hay không khi mà ở trên đường nhiều người giữ thói hung hăng, côn đồ đến thế. Đây vốn không phải là chuyện hiếm vì mỗi ngày ở những đô thị như TP. Đông Hà có hàng chục ngàn lượt xe qua lại. Trong khi hệ thống hạ tầng thì nhiều nơi đang khá yếu.

Mạng xã hội tại Quảng Trị cách đây một năm từng xôn xao câu chuyện có thiếu niên nọ đi xe máy điện bị người trung niên nhắc nhở khi vượt đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Huệ - Hùng Vương. Chạy được một đoạn, thiếu niên bị nhắc nhở đã vượt lên tranh cãi với người nhắc mình. Sau đó, xô xát đã xảy ra và thiếu niên này rút dao đâm tử vong người đàn ông trung niên ngay bên đường.

Dù những kẻ giở thói côn đồ trên đường sau đó đã bị bắt, khởi tố nhưng sự hung hăng này khiến xã hội bức xúc hơn cả tai nạn giao thông. Vì tai nạn là điều bị động không ai mong muốn, còn đây là hành vi mà con người chủ động thực hiện.

Giữa đường đông đúc, ai cũng mang tâm lý muốn mình là người đi trước nên việc xảy ra va quẹt là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì có thể giải quyết với nhau bằng lời nói, nhiều người lại mất kiểm soát cảm xúc. Cái kết cho hành động này chưa bao giờ là nhẹ nhàng khi người bị thương nhập viện, người bị pháp luật trừng trị bằng những án tù. Nhưng sự hung hăng, côn đồ khiến người ta không nghĩ đến hậu quả. Những lời hối hận sau đó ở đồn công an thường diễn ra muộn màng.

Khi khắp nơi đang xây dựng lối sống văn hóa, thì sự hung hăng này lại tạo ra cảnh tượng vô văn hóa trên đường và làm mất trật tự công cộng. Hình ảnh này diễn ra trước vô số đôi mắt của người đi đường, nhiều người còn phát lên mạng xã hội để hình ảnh lan tỏa khắp nơi.

Nhìn một cách khách quan, có một số trường hợp lỗi đến từ cả hai bên. Không ít người tham gia giao thông có ý thức kém, luôn chực chờ chen lấn. Nhiều người lao ra đường không thèm quan tâm làn đường có xe đang tới không. Có người lại đi xe kiểu “bố đời” khi lạng lách, đánh võng. Những hành vi này chính là “mồi lửa” dễ dàng dẫn đến bạo lực khi có mâu thuẫn, va quẹt xảy ra.

Nhưng va chạm là điều không ai muốn. Còn hành vi bạo lực lại đến từ thói hung hăng, côn đồ. Không thể lấy chuyện va chạm hay cách đi xe của người khác ra để bào chữa cho việc hành hung. Nhiều người không hiểu hoặc không quan tâm rằng bạo lực trên đường phố là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể dẫn đến án tù hoặc những hậu quả không thể lường hết được. Pháp luật cũng quy định rất rõ hình phạt đối với hành vi này.

Theo đó, hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông sẽ bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị phạt hành chính, đồng thời buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị đánh.

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp nguy hiểm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Để ngăn chặn hiện tượng này, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh và công khai các trường hợp bạo lực, đã đến lúc cần giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cho người điều khiển phương tiện. Các khóa học cấp giấy phép lái xe cần tăng cường thêm những buổi dạy về ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông. Việc cải thiện chất lượng đường, lắp đặt thêm camera giám sát cũng là giải pháp giảm thiểu các xung đột không đáng có.

Mỗi cá nhân cần ý thức được rằng hành vi của mình trên đường không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Sự nhường nhịn, bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau chính là cách để người khác và cả chính mình được an toàn đúng nghĩa. Chỉ lúc đó mới “tận diệt” được thói hung hăng, côn đồ khi tham gia giao thông.

Thiên Phong


Thiên Phong

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đừng làm qua loa, chiếu lệ

Đừng làm qua loa, chiếu lệ
2024-12-14 05:05:00

QTO - Thời gian qua, nhiều phong trào, đợt cao điểm được phát động, triển khai thực hiện thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức...

Tăng trưởng xanh, sự lựa chọn tất yếu

Tăng trưởng xanh, sự lựa chọn tất yếu
2024-12-02 06:30:00

QTO - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu” với sự tham gia của đại diện các bộ,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long