Cập nhật:  GMT+7

Ấn Độ chủ động trước mọi tình huống trong mối quan hệ bất ổn với Pakistan

Ấn Độ đang khẩn trương tập trận phòng thủ toàn quốc giữa nguy cơ xung đột với Pakistan. Động thái này cho thấy cuộc khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan đã vượt ra ngoài căng thẳng ngoại giao, với nguy cơ xung đột quy mô lớn ngày càng hiện rõ.

Tập trận quy mô lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua

Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận phòng thủ dân sự quy mô toàn quốc vào thứ Tư, được xem là lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Động thái này diễn ra sau vụ tấn công khủng bố tại Jammu và Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, làm gia tăng căng thẳng với Pakistan.

Kashmir, vùng tranh chấp lâu năm giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân, lại trở thành điểm nóng sau vụ tấn công nhằm vào du khách cuối tháng trước. Ấn Độ cáo buộc các nhóm vũ trang liên quan đến Pakistan gây ra vụ việc, trong khi Islamabad phủ nhận mọi liên quan.

Bộ Nội vụ Ấn Độ yêu cầu 244 quận trên toàn quốc - chủ yếu nằm gần biên giới, vùng ven biển hoặc khu vực dễ bị tổn thương - tổ chức các cuộc huấn luyện quy mô lớn. Nội dung bao gồm thử còi báo động, diễn tập sơ tán khi mất điện, hướng dẫn phản ứng khẩn cấp và kỹ năng ứng phó khi bị tấn công.

Ấn Độ chủ động trước mọi tình huống trong mối quan hệ bất ổn với Pakistan

Một cuộc diễn tập của quân đội Ấn Độ. Ảnh: Herald Team

Tại Kashmir và các khu vực giáp biên giới, hoạt động huấn luyện đã bắt đầu từ nhiều ngày trước. Hình ảnh ghi lại cho thấy học sinh luyện tập trú ẩn, người dân sửa sang lại các boongke phòng không vốn lâu nay ít được sử dụng. Nhiều người lớn tuổi cho biết họ không chứng kiến cuộc diễn tập quy mô như vậy kể từ cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971.

Theo giới chức, phần lớn các biện pháp của Ấn Độ tính đến thời điểm hiện tại vẫn mang tính phi quân sự, nhưng mức độ căng thẳng đang tăng dần. Trong hơn hai tuần sau vụ tấn công, New Delhi đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Islamabad, đồng thời đình chỉ các tuyến thương mại song phương và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không của nhau.

Gia tăng sức ép bằng đòn gián tiếp vào nguồn nước

Một động thái đáng chú ý là Ấn Độ tạm dừng thực thi một phần hiệp định chia sẻ nguồn nước - thỏa thuận kiểm soát dòng chảy từ các con sông chính mà Pakistan phụ thuộc lớn cho nông nghiệp. Các nhà quan sát cho rằng đây là đòn đánh vào khả năng dự báo và lập kế hoạch của ngành nông nghiệp nước láng giềng, dù chưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến tổng lượng nước.

Hassaan Khan, giảng viên Đại học Tufts, cho biết việc gián đoạn dòng chảy dù ngắn hạn cũng có thể gây xáo trộn lớn cho hoạt động canh tác. Trước kia, Pakistan có thể lập kế hoạch dựa vào nguồn nước ổn định từ thượng nguồn, nhưng nay, những thay đổi thất thường khiến rủi ro trong sản xuất và phân phối nông sản tăng cao.

Những dấu hiệu gần đây cho thấy Ấn Độ đã giảm lưu lượng nước trên sông Chenab, khiến mực nước hạ lưu biến động rõ rệt. Cảnh sát địa phương phải dùng loa phóng thanh cảnh báo người dân rời khỏi lòng sông do nguy cơ nước dâng nhanh. Một số chuyên gia nhận định Ấn Độ đang áp dụng biện pháp kỹ thuật như nạo vét bùn, tích nước tại các đập lớn, khiến dòng chảy bị chậm lại trong vài ngày.

Pakistan bày tỏ lo ngại sâu sắc trước diễn biến này. Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif cảnh báo nếu Ấn Độ xây dựng hạ tầng kiểm soát dòng chảy mà không tuân thủ hiệp định, hành động đó sẽ bị xem là sự khiêu khích nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, nước và lương thực không chỉ là nguồn tài nguyên chiến lược mà còn gắn liền với an ninh con người.

Liên Hợp Quốc kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa

Tại New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì nhiều cuộc họp cấp cao với các lãnh đạo quân đội và cố vấn an ninh nhằm thảo luận các kịch bản ứng phó. Dù chính phủ không trực tiếp nêu tên Pakistan trong thông cáo về cuộc tập trận, bối cảnh chính trị và các dấu hiệu chuẩn bị tại hiện trường cho thấy đây là phản ứng có chủ đích.

Phát biểu gần đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại sâu sắc trước căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm nhất trong nhiều năm. Ông kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và cảnh báo nguy cơ đối đầu quân sự có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổng thư ký nhấn mạnh không thể chấp nhận việc tấn công vào dân thường và những kẻ gây bạo lực cần bị xử lý bằng các biện pháp hợp pháp, minh bạch.

Cả hai bên đều phát đi những tín hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho khả năng đối đầu nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng về nguy cơ xung đột quân sự, nhưng căng thẳng ngoại giao, các biện pháp trả đũa kinh tế và cuộc chiến gián tiếp về tài nguyên đang đẩy khu vực vào trạng thái hết sức mong manh.

Trong bối cảnh đó, cuộc tập trận dân sự không chỉ đơn thuần là bước chuẩn bị kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng rõ rệt, cho thấy Ấn Độ đang chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra trong quan hệ với quốc gia láng giềng đầy bất ổn.

Luật Anh


Luật Anh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long