Cập nhật:  GMT+7

60 năm - Một cung đường đánh thức biên ải Hà Giang

Những ngày đầu xuân này, cung đường du xuân từ thành phố Hà Giang vào Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc nhộn nhịp người xe giữa muôn hồng ngàn tía của hoa khoe sắc. Nhưng ít ai biết, con đường đẹp ấn tượng bởi sự hùng vĩ ấy được hoàn thành vào một ngày tháng Ba, cách đây đúng 60 năm tròn với tên gọi “Con đường Hạnh Phúc”. Dấu mốc ấy còn ghi trên tấm bia đá dựng ở cuối cung đường: “Ngày khởi công: 10/9/1959, ngày hoàn thành: 10/3/1965”.

60 năm - Một cung đường đánh thức biên ải Hà Giang

Cung đường Hạnh Phúc hôm nay đi qua những thung lũng đẹp và hùng vĩ hút hồn du khách -Ảnh: L.Đ.D

Những con đường trên đất nước hình chữ S này có con đường nào mà không ấn tượng, không mang vác tầm vóc lịch sử và trả giá bằng máu xương nhiều thế hệ? Tuy nhiên, với chúng tôi, cung đường Hạnh Phúc xuyên qua cao nguyên đá Hà Giang luôn là cung đường ấn tượng nhất. Ấn tượng bởi cảnh quan, bởi thiên nhiên kỳ diệu, ấn tượng bởi sự hy sinh của những người mở đường. Bây giờ mở đường có nhiều phương tiện thiết bị hiện đại mà đã khó khăn như thế, huống hồ hơn nửa thế kỷ trước, chỉ có thi công bằng thủ công.

Chân trần chí thép

Một cung đường dài 185 km, thi công mất 6 năm ròng rã trên đá tai mèo và khí hậu khắc nghiệt, 14 thanh niên xung phong (TNXP) đã nằm lại trên chập chùng đá xám, đổi lại là cuộc đời mới của người dân bốn huyện: Quản Bạ,Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Giờ đây chỉ cần vào YouTube và gõ từ khóa “cung đường Hạnh Phúc Hà Giang” sẽ có hàng ngàn clip quay cảnh thiên nhiên hùng vĩ của con đường này. Nhưng làm sao những thước phim hôm nay có thể diễn tả được điều gì đã xảy ra mỗi ngày với những TNXP tình nguyện lên Hà Giang làm đường ngày ấy. Tôi nhìn những tư liệu đánh máy trên giấy ố mờ và nhói lòng theo từng con số trong bản báo cáo hơn 60 năm trước:

“Ăn: thì có thiếu, đói vì mỗi ngày 7 lạng (lương thực) ở nơi khí hậu lạnh, làm việc nặng tiêu hóa nhanh, anh em kêu ca phàn nàn nhiều, xin đề nghị cung cấp thêm cho một lạng nữa là 8 lạng một ngày hoặc ngô xay hoặc sắn cũng được, cung cấp có thể cho 30% là độn thì tốt và không nên cung cấp nhiều gạo nếp, ăn được ít, không no.

Mặc: Hiện nay lao động trên công trường là rất nặng, 1 năm chỉ may được một bộ, chưa hết năm thì đã rách, xin yêu cầu xét cung cấp bán cho thêm mỗi công nhân sản xuất 4 thước nữa (vải xanh hoặc nâu, chủ yếu là vải xanh) để anh chị em mặc mới đảm bảo sản xuất.

60 năm - Một cung đường đánh thức biên ải Hà Giang

Tấm bia ghi các số liệu để hoàn thành cung đường Hạnh Phúc-Ảnh: L.Đ.D

Động viên giải trí: Suốt từ tháng 10/1962 tới nay không có một tối xi-nê (chiếu phim) hoặc văn công nào. Xin đề nghị nên đặc biệt quan tâm đến công trường, mỗi tháng nên có 1 lượt xem phim...

Chúng tôi xin báo cáo, rất tin tưởng và tha thiết đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh chỉ thị cho các ngành hữu quan có trách nhiệm tích cực thì mới xong, hoàn thành được nhiệm vụ tốt đẹp”.

(Trích báo cáo của Ty Giao thông vận tải Hà Giang với Ủy ban hành chính tỉnh, đề ngày 19/3/1963).

Giờ đây nhìn trên bản đồ có thể thấy cung đường như một vòng tay bao bọc biên ải Hà Giang. Giai đoạn đầu chỉ mở tới Đồng Văn, được khánh thành thông tuyến năm 1963, còn để nối thông Đồng Văn sang Mèo Vạc phải thi công thêm 20 km và mất thêm hai năm nữa. Thử thách lớn nhất khi mở thêm 20 km này là phải thông được tuyến qua Mã Pì Lèng, con đèo nguy hiểm nhất trên tuyến. Ban chỉ huy công trường đã thành lập một đội cảm tử gọi là đội Cơ Dũng với 17 người ban đầu, sau tăng lên 30 người. Sẽ rất thiếu sót nếu nhắc về con đường Hạnh Phúc mà thiếu đi đội Cơ Dũng.

Từ tháng 9/1963, những TNXP của đội Cơ Dũng phải treo mình trên cheo leo vách đá, rồi dùng búa và xà beng mở một con đường rộng 0,4 m vừa đủ để đặt bàn chân lên đó, có chỗ đặt chân rồi mới tính đến chuyện đục lỗ tra thuốc nổ đặt mìn phá đá.

Ngày nào cũng như ngày nào, họ phải treo mình suốt 11 tháng trời ròng rã trên vách đá Mã Pì Lèng như thế. Hôm chúng tôi gặp ông Nguyễn Mạnh Thùy, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, ông Thùy kể: Khi thành lập đội Cơ Dũng, ban chỉ huy công trường đã đóng 11 cái... quan tài giấu ở cách quãng đường đang mở chừng 2 cây số phòng khi hữu sự sẽ kịp lo cho anh em. Mỗi ngày trước khi leo lên vách núi, anh em đều đứng tuyên thệ.

Dù biết hy sinh là chuyện gang tấc nhưng ban chỉ huy công trường cũng tìm mọi cách để có thể đảm bảo an toàn cho anh em trong khả năng có thể. Hơn hai tấn dây thừng được bao phủ như mạng nhện trên vách đá, dây này níu dây kia, nhỡ anh em sa chân có nơi bám víu. Dụng cụ là chiếc búa và mũi đục, một sợi dây bảo hộ níu mình vào đá. Từ sáng sớm đến tối mịt, đục khoét cho được một lỗ sâu để nhồi thuốc nổ và đặt kíp, sau đó kích nổ. Mười một cái quan tài gỗ tạp đóng “dự phòng” cho anh em đội cảm tử mở đường công vụ qua đỉnh Mã Pí Lèng may mắn suốt cả năm không phải dùng đến, vậy mà khi con đường chỉ còn một tuần nữa thông tuyến thì tai nạn xảy ra.

Máu tuổi thanh xuân làm nên cung đường mùa xuân

Ngày 4/3/1965, chừng một tuần nữa sẽ thông xe toàn tuyến, chuẩn bị khánh thành thì anh Đào Ngọc Phẩm ở Đại đội 4 TNXP Thái Nguyên hy sinh khi đi kiểm tra lại đoạn 56-57 ( gọi như thế căn cứ trên độ cao của vách đá). Lúc này, thấy một tảng đá có nguy cơ rơi xuống đè hai bố con người Mông, anh Phẩm lao đến xô họ ra. Hai bố con người Mông thoát chết nhưng anh Phẩm mất đà rơi xuống vực Mã Pì Lèng hy sinh! Trước đó, anh Dương Đình Sản cũng bị đá rơi vào đầu và hy sinh khi thi công đoạn qua xã Na Khê (huyện Yên Minh).

Cũng trên đoạn đường Đồng Văn - Mèo Vạc, anh Vũ Cao Vân, TNXP thuộc đại đội Nam Định cũng hy sinh ở Pải Lũng (Mèo Vạc). Khi lên triền núi tìm chỗ khoan lỗ đặt mìn, cả khối đá khổng lồ phía trên bỗng trượt xuống, hất tung anh Vân xuống đường. Thân thể anh bị khối khá nặng mấy tấn đè lên.

60 năm - Một cung đường đánh thức biên ải Hà Giang

Tượng đài tôn vinh những thanh niên xung phong đã hiến dâng thanh xuân cho Tổ quốc để làm nên con đường huyền thoại -Ảnh: L.Đ.D

Lần trở lại cung đường này, khi dừng chân ở Pải Lủng, nơi liệt sĩ Vũ Cao Vân hy sinh, chúng tôi xúc động khi thấy khu tưởng niệm các TNXP mở đường Hạnh Phúc với tượng đài bề thế và nhà bảo tàng đã hiện diện ở đó, trên chập chùng của những ngọn đá tai mèo. Lịch sử luôn công bằng và sự hy sinh nào cho Tổ quốc cũng luôn được tưởng vọng xứng đáng. Tượng đài là sự gợi nhớ với hình ảnh những TNXP đang cầm trên tay búa, choòng trong trang phục dân tộc bản địa - những người đã dâng hiến cả tuổi xuân cho con đường để rồi con đường này đổi thay hẳn cả một vùng đá mênh mông nơi cực Bắc đất nước.

Giờ đây từ thành phố Hà Giang vào Mèo Vạc, qua những thị trấn huyện lỵ dọc tuyến đường có thể hình dung rõ nhất những gì mà cung đường Hạnh Phúc mang lại. Những địa danh thiêng liêng, những kỳ quan danh thắng, những di tích lịch sử văn hóa, những vẻ đẹp riêng có của cuộc sống trên cao nguyên đá... tất cả đã được con đường “đánh thức”.

Có lẽ ở Việt Nam không có tuyến đường nào mang lại nhiều cảm xúc cho những người mê “phượt” như cung đường này. Điểm cực Bắc Lũng Cú của huyện Đồng Văn không nằm trên cung đường, nhưng chính nhờ đường Hạnh Phúc này mới có thể kết nối được những bước chân mọi miền về với địa chỉ thiêng của miền cực Bắc.

Rồi Quản Bạ với Núi Đôi kỳ vĩ mà gợi cảm, Yên Minh với những rừng trúc, rừng sa mộc đẹp như thước phim cổ trang. Đồng Văn với di tích nhà Vương, phố cổ, những phiên chợ, Mèo Vạc với Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, sông Nho Quế... Thật ra đó mới là những địa chỉ “phổ thông”, còn với những dân mê khám phá chuyên nghiệp thì Hà Giang đúng là một kho tàng vô tận của những địa chỉ “check in”.

Cuối hành trình của con đường Hạnh Phúc là thị trấn huyện lỵ Mèo Vạc. Từ trụ sở UBND huyện trông ra công viên trước mặt có thể nhìn thấy tấm biển đá được tôn tạo thay cho tấm biển gốc đã được đưa về Bảo tàng Hà Giang. Trên tấm bia đá ấy, những dòng chữ ghi thông tin, dù đơn sơ như nét chữ đục mờ trên đá nhưng trĩu nặng mồ hôi và máu của bao thế hệ:

“ Tổng số ngày công sử dụng: 2.246.321

...

Khối lượng đào đắp: 2.899.638 m 3

Chiều dài cầu 5m- 5,4m : 42 cái

Cống 0,5m đến 2m: 392 cái

Tổng số tiền đã chi: 5.549.201 đồng (theo thời giá năm 1965).

Những ngày mùa xuân này, trên cung đường kỳ vĩ lại rộn rã những chuyến xe chinh phục cực Bắc, chiêm bái ngàn hoa. Nếu có thể, xin hãy dừng lại bất cứ đâu trên cung đường và nghĩ về một thế hệ đã làm nên con đường bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Thanh xuân của họ trôi qua, nhưng con đường là vĩnh cửu!

Lê Đức Dục

Tin liên quan:
  • 60 năm - Một cung đường đánh thức biên ải Hà Giang
    Lên Hà Giang, nghe hơi thở của đá...

    Chúng tôi đến Hà Giang không vào mùa hoa tam giác mạch để được chìm trong sắc tím hồng giữa bạt ngàn cao nguyên đá; cũng không vào mùa đổ nước vô ruộng của bà con dân tộc nơi đây để chìm trong cảnh sắc lung linh của những thửa ruộng bậc thang, khi nước về quyện hòa với màu trời, màu đất. Mùa hoa mơ, hoa mận cũng đã qua. Nhưng Hà Giang với những vách đá tai mèo xám xịt , với những cung đường uốn lượn, một bên vách đá, bên kia thăm thẳm vực sâu vẫn khiến chúng tôi - những người khách phương xa lần đầu đặt chân đến miền cực Bắc của Tổ quốc - mãi đắm say.


Lê Đức Dục

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long