Cập nhật:  GMT+7

Nhà báo Lương Duy Cường: Quê nhà cứ phập phồng trong ngực trái

(Nhân đọc tập bút ký “Ký ức bão!” của tác giả Lương Duy Cường, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025).

Nhà báo Lương Duy Cường: Quê nhà cứ phập phồng trong ngực trái

Bìa tập bút ký “Ký ức bão!” của tác giả Lương Duy Cường - Ảnh: P.X.D

Nhà báo Lương Duy Cường quê ở làng văn vật Lệ Sơn, thuộc huyện Tuyên Hóa (cũ), nằm trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình ngày trước. Anh thi đậu Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế. Ra trường, vào vùng đất cực Nam Trung bộ làm báo, rồi định cư ở TP. Hồ Chí Minh và hiện là biên tập viên cao cấp, công tác ở Báo Người Lao Động, đã cho ra đời đến nay là 5 đầu sách.

Nhà báo Lương Duy Cường đi xa, đi nhiều, mắt thấy bao điều, tai nghe không ít chuyện, cũng vào loại lăn lộn và từng trải, nhưng hễ cứ gợi nhắc đến quê nhà là ngực trái cứ phập phồng cho dù tuổi tác đã ngoài 60, đã qua hơn một vòng hoa giáp.

Tập bút ký “Ký ức bão!” tập hợp nhiều bài viết về các đề tài, vùng đất khác nhau, từ rẻo cao Tây Bắc cho đến quần đảo Trường Sa, từ võ đạo của thầy Karate-do Nguyễn Văn Dũng văn võ song toàn xứ Huế cho đến linh sơn Bạch Mã huyền bí mà nhà văn tài danh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chiêm bái bằng biệt danh “Ngọn núi ảo ảnh”... Những trang viết ngồn ngộn thông tin và cảm xúc, suy ngẫm của một ký giả luôn xông xáo, cứ muốn đặt tay và áp tai vào mỗi nóng lạnh cuộc đời.

Phần lớn các bút ký đều rưng rưng thương nhớ nguồn cội, quê nhà như các bút ký: “Ký ức bão!”, “Đêm trắng ở rốn lũ”, “Sông Gianh đi qua đời tôi”, “Phượng đỏ Nậm Chu”, “Chuyện bảo tồn danh thắng ở làng chiến đấu”, “Tình quê giữa tâm dịch”, “Người làng”, “Khát vọng xanh nơi tuyến lửa”... Những bài viết về bão lũ quê nhà, một “định mệnh thời tiết” ở miền Trung, một hiện tượng thiên nhiên quá quen thuộc tưởng chẳng có gì cần phải nói thêm nhưng qua ngòi bút tác giả Lương Duy Cường vẫn lay động lòng người.

Những vất vả, cơ cực, hiểm nguy... cứ đặc quánh trong từng câu chữ, nhiều đoạn đọc thấy căng mình đầy kịch tính gần như muốn nghẹt thở bởi những tình huống bất thường luôn thử thách con người. Phải là người chịu khó quan sát và nếm trải nhiều lần, nếm trải đến tận cùng mới có được những trang viết như thế.

Song điều tôi muốn nói ở đây là dẫu vậy, trong những tình huống ngặt nghèo, tiếng cười, sự hài hước của con người Quảng Trị vẫn bật lên, vượt qua hoàn cảnh, thậm chí vượt qua số phận để sống chung với bão, lũ, để chiến đấu kiên cường như một chiến binh thực thụ, ấy là khí chất của những người không bao giờ chịu đầu hàng kể cả những thứ được coi là định mệnh thiên nhiên.

Kết thúc bút ký đầy ám ảnh “Ký ức bão!”, tác giả viết: “...Chuyện bão lụt thành nỗi kinh hoàng ám ảnh suốt đời tôi. Có người tếu táo gọi bão lụt là đặc sản- thứ đặc sản nghĩ đến là khiếp đảm, nhưng như một tâm thức níu kéo khiến ai xa quê cũng thổn thức. Mà không tếu táo thế thì chắc gì bám trụ nổi ở vùng đất này”.

Nhưng quê nhà hiện lên qua trang viết của văn nhân, ký giả Lương Duy Cường cũng không phải chỉ là thiên nhiên khắc nghiệt bởi chính thiên nhiên ruột rà ấy đã sinh thành nên những báu vật vô giá như Phong Nha - Kẻ Bàng, những làng quê văn vật, những mỹ tục truyền kỳ... Và đó gia tài muôn đời dùng không hết nếu con người biết nâng niu và khai thác một cách nhân bản, thông minh.

Cũng với tâm nguyện cháy bỏng như thế, trong bút ký “Khát vọng xanh nơi tuyến lửa”, có những đoạn văn sinh sắc, xôn xao mời gọi: “Du khách sau việc thám hiểm hang động, nếu đến bản làng của 16 dân tộc đang định cư ở đây thì còn được nghe những điệu Hôi Lên đằm thắm, thưởng thức những đặc sản như cơm pối và ốc đực... Nếu may mắn đúng dịp rằm tháng ba thì còn được đắm chìm trong lễ hội văn hóa các dân tộc đặc sắc đến độ dân gian lưu truyền câu ca: “Thà rằng đau ốm mà nằm. Chớ ai lại bỏ hội rằm tháng Ba”".

Dòng sông Gianh quê nhà cứ thổn thức trong từng nhịp thở qua hồi ức: “Sông Gianh huyền hoặc khói sương những buổi ban mai. Bản hòa âm thôn dã buổi ban mai trong trẻo theo tôi suốt cuộc đời, như một ám ảnh khôn nguôi. ...Ôi, sông Gianh quê tôi, sông Gianh ngọt ngào, sông Gianh bi tráng” (trích “Sông Gianh đi qua đời tôi”).

Còn nhiều điều ký thác đáng nói về tập bút ký này. Nhưng xin nhường lại cho bạn đọc lần hồi khám phá và cảm nhận. Chỉ xin mạn phép thưa rằng: Những ai dù ở gần hay đi xa mà vẫn không thôi khắc khoải với quê nhà thì hy vọng hồng phúc cội nguồn vẫn còn lắm phù sa tâm cảm, đắp bồi cho hôm nay và mai sau bởi chân tình hương hỏa.

Phạm Xuân Dũng


Phạm Xuân Dũng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Người thầy tâm huyết với môn bơi

Người thầy tâm huyết với môn bơi
2025-07-20 05:45:00

QTO - Nhiều năm qua, anh Phạm Chí Thanh (SN 1989), giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) luôn dành trọn tâm...

Những con đường xuôi ngược

Những con đường xuôi ngược
2025-07-20 05:30:00

QTO - Thành phố Đông Hà cuối ngày luôn khoác lên mình tấm áo của sự hối hả. Những dòng xe cộ miệt mài trôi, mang theo bao phận đời lướt qua nhau. Cúc, mười...

“Sứ trình thi tập” và hành trình trở về

“Sứ trình thi tập” và hành trình trở về
2025-07-20 05:25:00

QTO - Gần 230 năm “lưu lạc” trong văn đàn với phần tên tác giả khuyết danh, thậm chí có lúc nhầm lẫn của Phan Thanh Giản hay Nguyễn Đề, mãi đến năm 2023,...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long