{title}
{publish}
{head}
Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh. Ở đó, công tác chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả, người dân được nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng internet vào đời sống một cách thiết thực.
Thôn thời 4.0
Đến thôn Tân An, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh chúng tôi ấn tượng bởi khung cảnh bình yên, khang trang, sạch đẹp nơi đây. Hệ thống camera an ninh phủ khắp xóm; nhà văn hóa thôn được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin của người dân; tỉ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt trên 90%.
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Cam Chính, huyện Cam Lộ hôm nay - Ảnh:T.L
Mở đầu câu chuyện về xây dựng NTM thông minh, anh Lê Bá Cương, Bí thư Chi bộ thôn, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) thôn Tân An bộc bạch: “Bây giờ, chỉ cần vài thao tác trên máy, người dân đều có thể nắm được các thông tin của thôn, xã thông qua các nhóm zalo, facebook. Áp dụng chuyển đổi số đã khắc phục được những hạn chế của loa truyền thanh truyền thống trước đây, nhờ vậy các thông tin cần thiết đến với từng người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, cùng với đó là sự phản hồi các thông tin cũng được thực hiện thuận lợi hơn”.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng thôn NTM thông minh, năm 2022, Tổ CNSCĐ được thành lập tại thôn Tân An với 8 thành viên, trong đó cán bộ cấp ủy, ban điều hành thôn và trưởng các tổ chức, đoàn thể làm nòng cốt.
“Để người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số, chúng tôi đã tích cực vận động người dân lắp đặt internet băng thông rộng.
Đồng thời, từ nguồn xã hội hóa, thôn đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm công cộng, điểm tập trung đông người và kết nối về điểm giám sát tập trung tại công an xã, thôn nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh - trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường.
Trong phát triển kinh tế, chuyển đổi số cũng được áp dụng linh hoạt, hiệu quả. Hiện nay, thôn Tân An đang từng bước triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử; các nhóm bán hàng trên mạng xã hội zalo, facebook, shoppe... từ đó, từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương”, anh Cương chia sẻ.
Việc xây dựng xã hội số đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, từ đó chính người dân Tân An đã trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động cụ thể như thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thanh toán các dịch vụ mua bán hàng, cước điện thoại, điện thắp sáng...
Đa dạng kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin giữa chính quyền và người dân như qua các nhóm zalo, facebook đã giúp người dân nắm bắt kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đem lại niềm tin của người dân đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Đã thành thói quen, sáng sớm trước khi bắt đầu công việc thường ngày, ông Nguyễn Văn Quốc, thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ lại nhâm nhi chén trà, mở máy điện thoại lướt xem qua trang facebook của thôn để cập nhật những tin tức mới nhất. “Hiện tại, chúng tôi đang có một trang facebook tên “Mai Trung thôn” với trên 90% người dân trong thôn tham gia. Những thành viên đều là người sử dụng điện thoại thông minh, do đó lượt tiếp cận tốt, khả năng cập nhật thông tin nhanh và rất hiệu quả.
Thông qua trang facebook đã tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những hoạt động của địa phương đến người dân trên địa bàn và nhận được lượt tương tác rất cao. Đặc biệt, từ khi thành lập nhóm facebook của thôn, việc tiếp nhận thông tin của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với hệ thống loa truyền thanh truyền thống, nhóm facebook của thôn thực sự là một kênh thông tin hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay”.
Chuyển đổi số đi vào từng ngõ ngách
Được triển khai thực hiện từ cuối năm 2022, đến nay trong giai đoạn 1, hệ thống camera an ninh đã được phủ sóng trên toàn xã Vĩnh Giang với 7 mắt chính ở 7 thôn. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ lắp đặt thêm từ 25-26 mắt camera trên phạm vi toàn xã, nhất là các địa điểm phức tạp về an ninh trật tự, các giao lộ ngã ba ngã tư. Tổng kinh phí thực hiện 2 giai đoạn khoảng 200 triệu đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Đại úy Hoàng Hữu Nhất, Phó trưởng Công an xã Vĩnh Giang cho biết: “Việc lắp đặt hệ thống camera an ninh là một trong những giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo tốt an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, hệ thống camera an ninh đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí số 19 trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh”.
Các tổ chức, đoàn thể thôn Tân An, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, vào cuộc hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số - Ảnh: T.L
Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM thông minh, thời gian qua, xã Vĩnh Giang đã tích cực áp dụng chuyển đổi số vào xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Lê Vỹ bộc bạch: “Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, chúng tôi đã lồng ghép thực hiện NTM thông minh.
Đến nay, xã Vĩnh Giang đã thành lập được 7 Tổ CNSCĐ trên phạm vi toàn xã. Sau khi ra đời, tổ có nhiệm vụ hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. Thành viên các tổ ở thôn, xã đã hướng dẫn cho người dân sử dụng điện thoại thông minh, tại các thôn đã thành lập nhóm zalo cộng đồng để thông tin, tuyên truyền về các chế độ, chính sách”.
Tổ CNSCĐ tại các thôn hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Nhờ vậy, đến nay tỉ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên tại xã Vĩnh Giang đạt 60,1%.
Sản phẩm bột đậu xanh Vĩnh Giang đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được giới thiệu sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại Postmart. Đồng thời, các điểm công cộng trên địa bàn xã như UBND xã, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa các thôn đều có mạng wifi miễn phí, đáp ứng chất lượng dịch vụ, các điều kiện kỹ thuật theo quy định.
Tại xã Cam Chính, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hà: “Thực hiện mô hình chuyển đổi số để xây dựng NTM thông minh, 65% người dân trên địa bàn xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong các lĩnh vực nổi trội, 75% số hộ dân có kết nối internet; 100% cán bộ, công chức của xã sử dụng điện thoại thông minh, có sử dụng hộp thư điện tử công vụ và văn phòng điện tử để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.
Dịch vụ viễn thông được phủ sóng toàn xã, số hộ dân sử dụng dịch vụ internet ngày càng nhiều; 82,7% tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh; 9/9 thôn có điểm truy cập wifi, 7 điểm camera quan sát tại các trung tâm học tập cộng đồng các thôn, ngã tư các trục đường chính của xã, trụ sở cơ quan xã. Hệ thống dịch vụ công quốc gia được triển khai trong đội ngũ cán bộ, công chức và từng bước tuyên truyền đến toàn dân thực hiện trên môi trường mạng; hệ thống pano, áp phích trên địa bàn được điện tử hóa”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nông thôn hiện đại
Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng là giải pháp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thực hiện định hướng xây dựng nông thôn hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu có tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn (xóm) NTM thông minh.
Với nhiều địa phương trong tỉnh, khái niệm xây dựng NTM thông minh còn rất mới mẻ, chưa ban hành được tiêu chí cụ thể về xây dựng nông thôn NTM thông minh, xã NTM thông minh. Tuy nhiên, các địa phương và người dân đều hiểu đây là mô hình thôn ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh tự động vào sản xuất, đời sống. Từ đó, người dân chủ động thực hiện, lồng ghép trong thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao.
Để thực hiện mô hình xã NTM thông minh, trong thời gian tới, xã Cam Chính sẽ căn cứ vào quy định, hướng dẫn của các cấp về thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nói chung và xây dựng “Xã thông minh” nói riêng để ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp. Đồng thời, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên hệ thống phần mềm.
Triển khai các ứng dụng kết nối người dân với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, kinh doanh. Quan tâm triển khai giải pháp tích hợp thương mại điện tử cho HTX, nông dân, tổ hợp tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ điều hành và quản lý sản xuất nông nghiệp...”, ông Hà chia sẻ.
Để triển khai chương trình xây dựng NTM thông minh, các địa phương cần chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt là huy động tối đa nguồn lực của địa phương. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư về cơ sở hạ tầng số, kết nối internet đến cấp xã, thôn.
Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nói chung và NTM thông minh nói riêng cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị và vai trò trung tâm của người dân trong tham gia thực hiện chuyển đổi số. Các địa phương cũng cần từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ của người dân ở vùng nông thôn.
Thanh Lê
QTO - Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, từ đường tỉnh đến đường huyện,...
QTO - Giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền...
QTO - Bây giờ đang là mùa biển động với từng đợt sóng bạc đầu căng ngang cửa lạch Cửa Việt trong sầm sập mưa gió, rét buốt. Vậy nhưng, thời tiết đó vẫn...
QTO - Tốt nghiệp ngành Công nghệ môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, sau đó làm kỹ sư môi trường cho một số doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ...
QTO - Bằng sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm, ông Hồ Văn Dương đã biến vùng đầm lầy hoang hóa ở thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ thành trang trại trù phú...
QTO - Hưởng ứng Chương trình trồng mới một tỉ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, các đơn vị,...
QTO - Trong các địa phương thuộc khu vực Bắc miền Trung, hiếm có một vùng đất nào hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như huyện Vĩnh Linh, tỉnh...
QTO - Năm 2023 là một năm đầy thử thách, biến động của nền kinh tế nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây cũng là chính thời điểm mà các doanh nghiệp...
QTO - Trên trục đường Xuyên Á của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây từ Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) có nhiều điểm du...
QTO - Trung tuần tháng 9/2023, tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình Caravan du lịch năm 2023 với chủ đề “Sắc màu Quảng Trị” và Hội thảo Kết nối du lịch...
QTO - Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan - 1st Meet Thailand” do tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Thái Lan lần đầu tiên tổ chức...
QTO - Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế nội tại kéo dài càng bộc lộ rõ hơn sự khó khăn trong đầu...