Cập nhật:  GMT+7

Xanh mãi vùng đồi Bướm Bạc

(QT) - Ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hầu như ai cũng biết về ông Cáp Đình Hội, người khai sinh những cánh rừng với diện tích 200 ha trên vùng đồi Bướm Bạc và tâm nguyện đi tìm đồng đội. Sau khi ông mất, những người con trai của ông lại tiếp nối giữ màu xanh cho những khoảng rừng mênh mông ấy cũng như tiếp tục thực hiện di nguyện tìm đồng đội của cha. Hiện những người con của ông còn tiếp tục thực hiện mô hình trồng hồ tiêu sạch đầy triển vọng… Từ những cánh rừng trồng xanh thẫm... Vùng đồi Bướm Bạc thuộc địa phận xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng trong chiến tranh là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt. Sau chiến tranh đó là một “vùng đất chết” đúng nghĩa với chi chít hầm hố đạn bom, cỏ tranh, sim mua và rắn rít. Mấy mươi năm sau, bây giờ những ai có dịp về vùng đất này sẽ ngỡ ngàng với màu xanh bất tận của những cánh rừng. Chúng tôi gặp anh em Cáp Quốc Hà, 46 tuổi và Cáp Thanh Tùng, 41 tuổi, là những người con của CCB Cáp Đình Hội, người có công khai hoang miền đất này cũng như tâm nguyện đi tìm đồng đội đã hy sinh trên đồi Bướm Bạc năm xưa.

Khu vườn hồ tiêu của anh em anh Hà trên đồi Bướm Bạc

Lúc chúng tôi ghé, anh Tùng cặm cụi sửa chữa chiếc xe tải vận chuyển gỗ rừng, còn anh Hà tranh thủ tiếp chúng tôi. Nhấp ngụm chè xanh, đưa đôi mắt lên bức ảnh gia đình chụp chung bên ngôi nhà tranh lụp xụp năm xưa, những ký ức một thời gian khó lại ùa về trong tâm khảm anh Hà. Anh kể, cha anh- ông Cáp Đình Hội- là chiến sĩ kiên trung và cũng là người cha mà anh em của anh hết lòng tôn kính. Cha anh tham gia cách mạng từ lúc tuổi thiếu niên, năm 18 tuổi ông đã là chiến sĩ tinh nhuệ của Trung đoàn 95 hoạt động khắp núi rừng miền Tây Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Năm 1966, trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, ông bị thương và bị địch bắt đưa đi giam giữ ở nhà tù Côn Đảo. Tháng 10/1967, ông cùng một số chiến sĩ bị biệt giam tổ chức vượt ngục, rồi gia nhập lực lượng T66, huyện đảo Phú Quốc, chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông Hội định cư ở huyện đảo Phú Quốc cho đến năm 1992 thì quyết định trở về quê nhà ở thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Những ngày ở quê, ông Hội lại đau đáu nhớ thương những đồng đội đã hy sinh trên đồi Bướm Bạc. “Cha tôi trăn trở ghê lắm, đêm nào cũng gác tay suy nghĩ. Sau đó ông quyết định vác ba lô cắt rừng lên đồi Bướm Bạc để tìm đồng đội. Cũng từ chuyến đi đầu tiên ấy, ông quyết tâm gắn bó với vùng đất này, dù thời điểm ấy đây là vùn g đồi hoang vu, đầy đạn bom, thú dữ, lau lách lại không hề có đường đi. Hồi ấy cha tôi đã 70 tuổi. Thương cha, anh em chúng tôi cũng quyết định theo cha để cùng khai hoang đất và tìm đồng đội của cha”, anh Hà nhớ lại. Sau khi được huyện Hải Lăng cấp 200 ha đất hoang ở vùng đồi Bướm Bạc, bắt đầu từ năm 1994, cha con ông Hội cùng với khoảng chục người họ hàng cơm đùm mắm muối lên dựng lều tranh ở bên mép đồi, nằm kế bên khe suối. Những ngày đầu, để đảm bảo cuộc sống tự cung tự cấp giữa núi rừng, cứ tranh thủ sau một ngày đánh vật khai hoang, đêm đến họ hái rau rừng để cải thiện bữa ăn. “Chúng tôi cứ cặm cụi khai hoang từ tinh mơ cho đến lúc mặt trời tắt chứ cũng không tính tháng ngày. Phải mất đến vài năm sau đó thì toàn bộ diện tích đất hoang mới cơ bản được dọn tương đối sạch sẽ. Sau khi khai hoang vỡ đất xong, chúng tôi bắt đầu trồng rừng”, anh Hà kể. Nhưng những ngày đầu, do mặt đất còn hoang hóa, dấu tích đạn bom còn in hằn, đất chưa thuần thục nên những khoảnh rừng cứ còi cọc không chịu lớn. Những người họ hàng bắt đầu thấy chán nản và lần lượt rủ nhau bỏ về làng. Riêng mấy cha con anh Hà, dù cũng bắt đầu cảm thấy hoang mang nhưng không vì thế mà nản chí. “Cha cầm chắc tay hai anh em quả quyết: Đã không lên đây thì thôi, chứ đã lên rồi thì phải quyết tâm bám trụ đến cùng, như những đồng đội của cha khi xưa đánh giặc vậy. Cha nói rồi những cánh rừng sẽ xanh lại, rồi cuộc sống của các con sẽ đổi khác. Đặc biệt là ở đây các con sẽ được các chú, các bác đồng đội cha phù hộ, gắng lên các con à”, trầm ngâm nhìn những cánh rừng xanh mướt mắt, anh Hà nhớ lại. Cha con anh sau đó tiếp tục bỏ công sức chăm sóc những cánh rừng đã trồng, nơi nào cây còi cọc thì cải tạo lại đất, đào hố trồng mới, nơi nào đã lên thì phải phát dọn cây dại. Đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức ròng rã trong nhiều năm trời tiếp theo, những cánh rừng cuối cùng cũng đã phủ một màu xanh đầy hy vọng. Khoảng 10 năm sau, rừng trồng của cha con anh đã bắt đầu cho khai thác lứa đầu tiên với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Vào thời điểm ấy, con số thu nhập như vậy đã là đáng mơ ước, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với ý chí, quyết tâm của cha con anh. Trong quá trình khai hoang trồng rừng trên đồi Bướm Bạc, ba cha con cũng tỉ mẩn dò từng khoảnh đất để tìm đồng đội của ông Hội. Và họ đã tìm và quy tập về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng 24 bộ hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2009, ông Hội qua đời do sức khỏe yếu bởi di chứng từ những ngày tù đày ở Côn Đảo. “Ngày cha mất, anh em tôi buồn vô hạn. Anh em tôi tự hào về ông, về những bài học, về ý chí vượt khó trong cuộc sống mà ông để lại. Chúng tôi quyết tâm phải thực hiện ước nguyện của cha là tiếp tục gắn bó với đồi Bướm Bạc, phải để nơi này xanh mãi cũng như cố gắng tìm thêm hài cốt đồng đội của cha”, anh Hà tâm sự . ...đến cây hồ tiêu Phú Quốc trên đồi Bướm Bạc Bây giờ thì anh Hà, anh Tùng đã kế thừa những cánh rừng của cha để lại. Họ đã giàu lên thật sự với rừng, với mảnh đất hoang tàn và đầy ân tình mà năm xưa mấy cha con đã quyết tâm bám trụ. Anh Hà cho biết, để phục vụ cho việc trồng, khai thác rừng, anh em anh đã đầu tư mua sắm 7 xe cơ giới các loại như máy múc, xe tải chuyên chở gỗ, xe cày đất… và mọi việc vận hành, sửa chữa các loại xe anh em anh đều thành thạo. Để có điện sinh hoạt, vận hành máy móc, các anh ngăn suối và lắp đặt tua-bin để lấy điện. “Ở đây cách Quốc lộ 1A ngót hơn 7 km đường rừng đầy trắc trở nhưng hầu như mọi thứ anh em tôi đều chủ động được. Trước đây anh em tôi nuôi đến 50 con bò, hàng trăm con dê còn gà thì nhiều vô kể. Tuy nhiên do dân đi rừng đặt bẫy nhiều quá nên cuối cùng chúng tôi bỏ hết chăn nuôi, chỉ chuyên tâm với trồng rừng. Chúng tôi cũng vừa mới khai thác khoảng 50 ha rừng, thu về hơn 4 tỷ đồng. Cứ chu kỳ khoảng 5 năm là khai thác rừng, khai thác đến đâu phủ xanh đến đó. Rừng của anh em tôi luôn đạt khối lượng, chất lượng tốt và giá thành trung bình đạt khoảng 90 triệu đồng/ha. Do có máy móc chủ động phục vụ trồng, khai thác rừng nên có lãi khá. Nói chung là nhờ rừng mà anh em tôi giờ đã có cuộc sống sung túc”, anh Hà vui vẻ cho biết. Anh Hà tâm sự, hồi còn ở Phú Quốc anh có trồng hồ tiêu nên khá am tường loại cây trồng này. Dù rất muốn trở lại với cây hồ tiêu Phú Quốc nhưng do bận rộn với rừng, mãi đến đầu năm 2015 anh mới thực hiện được ý định mang cây hồ tiêu Phú Quốc về với đồi Bướm Bạc. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn tiêu đã vươn xanh tới đỉnh trụ choái, anh Hà kể: “Tôi đầu tư mua cây giống, làm trụ choái, dây lưới, hệ thống tưới nước tự động… cũng ngót nghét 400 triệu đồng cho mô hình hồ tiêu này. Đây là giống tiêu được trồng phổ biến ở Phú Quốc, được lai tạo giữa cây tiêu Ấn Độ với giống hồ tiêu Vĩnh Linh, có sức chịu hạn tốt, cây khỏe, cho hạt to đều, vị cay thơm nồng, chuỗi hạt dài từ 12-15 cm. Dù mới xuống giống từ đầu năm 2015 nhưng đến nay 1.200 gốc tiêu của chúng tôi đã cho lứa hạt đầu tiên. Tôi chắc chắn sẽ thắng lợi với loại cây hồ tiêu này”, anh Hà quả quyết. Quả thật từng đến nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình trồng hồ tiêu nhưng chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một mô hình trồng hồ tiêu nào quy mô, khoa học và ngăn nắp đến vậy. Khu vườn hồ tiêu rộng cả héc ta, được bố trí nhiều tầng quanh một quả đồi đất đỏ lạo xạo sỏi cơm. Từng hàng hồ tiêu thẳng tắp, được che bằng lưới, có hệ thống tưới nước tự động. Đặc biệt, anh Hà trồng hồ tiêu theo chuẩn sạch “từ gốc đến ngọn”. Đó là không hề can thiệp phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phân xanh và các chế phẩm sinh học. Mỗi một gốc cây anh đầu tư 2 xe rùa phân chuồng, để phòng bệnh và giúp cây sinh trưởng tốt anh phun các chế phẩm sinh học như dung dịch riềng, tỏi, ớt… Anh cho biết, trồng ở Phú Quốc cứ mỗi gốc cho thu hoạch 10 kg hạt khô, ở Bướm Bạc ít lắm cũng cho 5 kg hạt khô thì đã là nguồn thu nhập lớn. “Đầu ra thì tôi không lo vì đã ký hợp đồng bao tiêu với một công ty thu mua hồ tiêu ở Phú Quốc với giá ổn định 200.000 đồng/kg hạt khô. Chắc chắn vụ thu hoạch năm 2017 chúng tôi sẽ thu không dưới 1 tỷ đồng từ vườn hồ tiêu này. Hiện chúng tôi đang tiếp tục triển khai trồng khoảng 1.000 gốc tiêu nữa. Chúng tôi tính giá trị của mỗi héc ta hồ tiêu tương đương với 20 ha rừng và chắc chắn sẽ làm được. Chúng tôi tin rằng rồi đây, ngoài rừng thì khu vực đồi Bướm Bạc sẽ được biết đến như là một vùng chuyên canh cây hồ tiêu tập trung quy mô lớn và có hiệu quả cao”, chia tay với chúng tôi, anh Hà, anh Tùng khẳng định. Và chúng tôi tin, với ý chí sắt đá, sự nhạy bén của mình, họ sẽ thành công với mơ ước trồng tiêu sạch như những cánh rừng mà họ đã dày công tạo dựng... Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nỗ lực đưa điện về vùng sâu, vùng xa

Nỗ lực đưa điện về vùng sâu, vùng xa
2016-07-05 05:46:41

(QT) - Có lẽ chỉ người dân vùng sâu, vùng xa bấy lâu quen dùng đèn dầu tù mù mới thấu hiểu, cảm nhận được ánh nguồn điện sáng làm thay đổi tích cực cuộc sống của mình như thế...

Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế

Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế
2016-07-04 06:05:14

(QT) - Những năm qua, phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp của Cựu chiến binh (CCB) thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đạt được nhiều...

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Gio Sơn

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Gio Sơn
2016-07-04 06:04:15

(QT) - Mặc dù không phải là xã điểm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015 của huyện, tỉnh, nhưng xã Gio Sơn là đơn vị đầu tiên của...

Liên kết cùng nông dân trồng rừng gỗ lớn

Liên kết cùng nông dân trồng rừng gỗ lớn
2016-07-03 05:52:43

(QT) - Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) của Hiệp Hội quản lý rừng quốc tế (FSC) ban hành,...

Tâm nguyện và hiện thực sống động

Tâm nguyện và hiện thực sống động
2016-07-01 08:36:15

(QT) - 27 năm trước, đúng 15 giờ ngày 22/7/1989, tại hội trường UBND thị xã Đông Hà đã diễn ra cuộc gặp mặt cảm động mừng sự kiện lập lại tỉnh Quảng Trị (1/7/1989). Diễn văn...

Doanh nghiệp đang cần gì?

Doanh nghiệp đang cần gì?
2016-07-01 08:21:49

(QT) - Thời gian qua, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của UBND tỉnh và...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết