Ngư dân mong muốn được tạo sinh kế bền vững (Kỳ 2)
>>>> Ngư dân mong muốn được tạo sinh kế bền vững (Kỳ 1) (QT) - Tận dụng lợi thế để chăn nuôi bò, trồng cây
 |
Là người gắn bó với biển từ nhỏ nên anh Nguyễn Luật (46 tuổi), ở thôn 5, xã Triệu Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị) rất muốn biển trở lại bình thường như trước để anh và các ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt. Sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều tháng trời nhà anh rơi vào cảnh túng thiếu. “Trước đây đi biển, mỗi ngày tôi và các ngư dân trong thôn cũng kiếm được từ 300- 400 nghìn đồng, thậm chí khi được mùa, thu 2-3 triệu đồng/ngày là chuyện bình thường. Nay không biết làm gì thì lấy đâu ra tiền chi tiêu, tiền cho các con ăn học. Nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm nên đời sống hàng ngày của chúng tôi cũng vơi đi vất vả phần nào. Nghĩ rằng không thể ngồi không chờ biển hồi sinh trở lại nên tôi đã thế chấp sổ đỏ vay 150 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, gia cầm và làm vườn”, anh Nguyễn Luật cho biết. Nhờ lựa chọn hướng đi phù hợp, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và biết cách tận dụng lợi thế đồng cỏ, bãi chăn thả nên việc nuôi bò của gia đình anh Luật đang tiến triển tốt. Mới chưa đầy 4 tháng, 5 con bò giống đã phát triển khá nhanh khiến anh rất vui. Anh Luật cho hay trong số 5 con bò mua về có 2 bò mẹ sắp sinh sản nên việc nhân rộng đàn bò trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, gia đình anh đã cải tạo mở rộng đất vườn để trồng sắn, đậu xanh nhằm tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và tăng thêm thu nhập. Mấy tháng nay, anh Luật còn đi phụ hồ để kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học. “Mình là dân miền biển nên quen với biển rồi, làm nghề này không quen vất vả vô cùng, nhưng nay đành phải làm chứ có sự lựa chọn nào hơn nữa. Chỉ mong rằng trong thời gian tới, biển trở lại như trước để có thể bám biển mưu sinh lâu dài”, anh Nguyễn Luật cho hay. Phát triển chăn nuôi, làm vườn và trồng rừng trên cát
 |
Nhiều tháng nay không làm biển nên ông Nguyễn Hữu Chức (54 tuổi), ở thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đành ở nhà giúp vợ chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Còn vợ ông là bà Nguyễn Thị Khiến (54 tuổi) tranh thủ ra thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) phụ giúp các chủ lò sấy phơi cá để kiếm thêm thu nhập. “Vừa qua, gia đình tôi thường xuyên nhận được lương thực, thực phẩm và tiền mặt của các cấp, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên việc nhận gạo, tiền chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt. Điều mà chúng tôi cần là một ngư trường trong, sạch và phong phú thủy, hải sản như xưa. Biết là sẽ còn thời gian dài biển mới hồi sinh trở lại nên thời gian tới chúng tôi mong muốn các cấp cần tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào trồng rừng trên cát, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn”, ông Chức chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Chức bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương nên xác định rõ trách nhiệm trong việc đền bù, khắc phục ô nhiễm môi trường, tránh tái diễn việc xả thải như vừa qua để biển hồi sinh trở lại. Đồng thời, trong quá trình ngư dân chờ đợi tiếp tục vươn khơi, các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện để ngư dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, có hiệu quả. Nhằm khắc phục khó khăn trước mắt, gia đình ông Chức dự kiến sẽ mở rộng quy mô nuôi lợn nái và lợn thịt để vừa chủ động nguồn giống vừa tiết kiệm chi phí và quản lý tốt hơn chất lượng đàn giống. “Hiện nay, gia đình tôi có 2 lợn nái sinh sản và có trên 10 lợn giống dùng để nuôi lợn thịt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ không bán lợn con như trước nữa mà giữ lại để nhân rộng đàn làm kinh tế”, bà Khiến cho biết. Ngoài ra, gia đình ông Chức còn tận dụng quỹ đất, ao hồ nhỏ để trồng ném, ươm bạch đàn, keo lai (dự kiến để trồng rừng), trồng sắn, dưa quả và nuôi ngan để tăng thêm nguồn thu nhập. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các huyện và ngành nông nghiệp nghiên cứu, xây dựng các mô hình để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân vùng biển, đặc biệt là vùng biển bãi ngang để tạo sinh kế lâu dài. Như vậy với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự chủ động của ngư dân, tin tưởng rằng trong thời gian tới, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sẽ tạo ra sinh kế bền vững giúp ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hỗ trợ ngư dân tiếp tục vươn, khơi bám biển
 |
Ông Ngô Văn Minh, 54 tuổi, ở khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết hang loạt, công việc hàng ngày của ông cùng với người con trai 24 tuổi là đánh bắt hải sản gần bờ. Mỗi chuyến đi biển trên chiếc thuyền công suất 12 CV, hai bố con ông Minh đánh bắt các loại hải sản gần bờ như tôm, ghẹ, mực với thu nhập trung bình 500.000 đồng/ngày để lo cho 8 nhân khẩu trong gia đình. Để đỡ đần cho chồng, bà Hoàng Thị Tâm, vợ ông Minh hàng ngày đi làm công cho các cơ sở hấp, sấy, chế biến cá trong vùng kiếm thêm thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng bình yên và hạnh phúc. Nhưng rồi cách đây hơn hai tháng, biển bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt khiến gia đình ông cùng bà con ngư dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Bên đống ngư lưới cụ được gia đình vay mượn đầu tư hàng chục triệu đồng, giờ phải rơi vào cảnh “đắp chiếu” chờ… bán phế liệu, bà Tâm buồn bã nói: “Toàn bộ tiền vay mượn đều đổ vào ghe thuyền, đống ngư lưới cụ này. Bây giờ, biển bị nhiễm độc, tôm cá chết, chồng con tôi không đi biển được nên phải đưa lên bờ bảo quản. Khổ nổi, nhiều ngư lưới cụ lâu ngày không sử dụng, bị hư hại phải bán theo giá phế liệu. Một cái lồng xếp (lừ) khi mua mới có giá 35.000 đồng/cái, bây giờ bán phế liệu, 100 cái chỉ được 200.000 đồng”. Để lo cho từng bữa ăn gia đình, ông Minh đi lái tàu thuê thu mua hải sản cho một người dân trong vùng nhưng mỗi tháng cũng chỉ kiếm được 1 triệu đồng do ít người đi biển, hải sản đánh bắt không còn nhiều, phần thì tiêu thụ khó khăn. Đứa con trai 24 tuổi của ông Minh từ đầu tháng 6 mới kiếm được việc làm trên một chiếc tàu đánh bắt xa bờ với thu nhập tháng đầu tiên được 2,5 triệu đồng. Riêng bà Tâm thì không có việc làm do các cơ sở chế biến đã đóng cửa. Vì vậy, bữa cơm gia đình ngày càng đạm bạc. Trong điều kiện khó khăn đó, gia đình ông Minh cũng nhận được sự trợ cấp kịp thời của nhà nước với 100 kg gạo, 10 lít dầu ăn, 2 thùng mỳ ăn liền. Ông Minh cho biết, việc trợ cấp của nhà nước trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời để người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Còn lâu dài, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ông Minh đề xuất: “Tôi không thể bỏ nghề biển, bởi đây là cái nghề đã gắn với bao đời cha ông tôi để lại. Với tôi, biển là nhà, là quê hương, biển đã giúp tôi mưu sinh, tôi phải bám biển và giữ biển. Vì vậy, mong muốn của gia đình là được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đóng tàu vỏ thép vươn khơi làm giàu và góp phần giữ biển, đảo quê hương. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách tiêu thụ hải sản, cụ thể phải thường xuyên kiểm soát và công bố chất lượng hải sản để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, mới mong người làm nghề biển vượt qua khó khăn trước mắt”. Mong muốn biển trở lại trong lành
 |
Bà Khổng Thị Thuận, 52 tuổi, kinh doanh dịch vụ ăn uống Hải Sản ở bãi tắm Cửa Việt, Gio Linh cho biết, bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự cố cá chết hàng loạt bất thường, quán của bà đã chủ động thay đổi thực đơn từ hải sản sang thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi như gà, lợn… nhưng vẫn vắng khách. Do đặc thù khí hậu miền Trung, mỗi mùa du lịch biển chỉ hoạt động hơn bốn tháng, những tháng còn lại là nghỉ đông. Theo bà Thuận, riêng năm 2015, 4 lao động chính trong gia đình bà làm quần quật trong mùa du lịch cũng kiếm được khoảng 100 triệu đồng để chi phí cho cả năm. Nhưng mùa biển năm nay, suốt gần 3 tháng vào mùa cao điểm biển mà chỉ bán được khoảng 15 triệu đồng. Nói về chuyển đổi nghề, bà Thuận cũng tính đến chuyện cho 2 người con đã trưởng thành đi xuất khẩu lao động nhưng sổ đỏ đã mang đi thế chấp ở ngân hàng để vay tiền đầu tư vào quán từ đầu năm. Ngồi nhìn ra biển xa xăm, bà Thuận chia sẻ: “Bây giờ nói chuyện đền bù, làm sao đong đếm hết những thiệt hại mà người dân biển chúng tôi đang gánh chịu. Tôi chỉ mong rằng nhà nước cần có giải pháp để trả lại biển sạch, hải sản sạch cho tiểu thương chúng tôi cùng ngư dân và những lao động kiếm sống từ biển…”. Quan tâm hỗ trợ nghề cá xa bờ
 |
Ông Trần Minh Trầm, 59 tuổi, chủ của một tàu cá đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, năm 2008, gia đình ông vay vốn đóng mới một chiếc tàu có công suất 400 CV. Mỗi năm, tàu cá của ông đi được 20 chuyến, mỗi chuyến từ 10 - 15 ngày với 7 lao động. So với các tàu xa bờ trong vùng, tàu của ông Trầm chỉ chuyên đánh bắt cá thu - loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Nhờ kinh nghiệm nghề biển lâu năm mà chuyến đi biển nào, tàu của ông Trầm cũng đầy ắp cá thu, cá ngừ. Riêng năm 2015, tàu ông Trầm đi được 20 chuyến, đã thu về hơn 20 tấn cá thu và các loại cá khác, cho thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức tiền công 60 triệu đồng/người/ năm, sau khi trừ đi chi phí ông kiếm được khoản tiền từ 400 - 500 triệu đồng để trang trải mọi chi tiêu trong gia dình và trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, công việc đánh bắt hải sản của gia đình ông ngày càng khó khăn. Theo ông Trầm, sau khi xảy ra sự cố cá chết, tàu của ông chỉ đi được 4 chuyến với lượng hải sản thu được chỉ bằng 50% so với các chuyến biển khác, đặc biệt giá thành giảm xuống còn 50%, có khi không bán được. Làm ăn khó khăn, thu nhập giảm sút, một số lao động trên tàu cũng tính chuyện chuyển nghề lên đất liền làm những công việc khác nhưng ông Trầm vẫn cố níu chân người lao động ở lại tàu. Ông Trầm nói với những lao động của mình: “Biển là nhà, là quê hương, còn biển chúng ta vẫn có cơ hội làm giàu…”. Thương ông chủ tàu tâm huyết với nghề, nhiều lao động không đành rời đi và hy vọng một tương lai tươi sáng ở phía trước. Tuy nhiên, theo ông Trầm cái khó nhất của nghề đánh bắt tàu xa đó là thời gian đi biển dài, chi phí cho chuyến đi cao và nhiều rủi ro. Vì vậy muốn vươn khơi phải tính toán được các chi phí, lượng hải sản thu được và quan trọng nhất là tiêu thụ được hải sản. Nhưng với thực tế là hải sản đánh được ít, giá cả thấp khiến nhiều chủ tàu cũng do dự mỗi lúc muốn ra khơi. Cũng như những ngư dân khác, ông Trầm mong muốn sau sự cố cá chết, nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nghề cá xa bờ như giãn nợ, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xăng dầu và đặc biệt là khâu tiêu thụ hải sản. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để làm sạch biển, kiểm soát môi trường biển để ngư trường trở lại như xưa. (Còn nữa) Bài, ảnh: NHƠN BỐN- LÊ MINH