Cập nhật:  GMT+7

Vàng hoa thuở ấy

Hôm qua đi làm về, bỗng dưng tôi dừng lại bởi phát hiện trên đường đã ngập tràn xác hoa điệp vàng. Ở Đà Nẵng, có lẽ chỉ có con đường này trồng toàn cây muồng và tôi đã đi lại nhiều lần. Vào mùa hoa một màu vàng rực trên không trung chấp chới nhưng chỉ đến khi màu vàng ấy trải đầy trên mặt đất như một tấm thảm miên man sâu hút trên đường làm bồi hồi một nỗi nhớ xa thẳm, đánh thức trong tôi cái màu vàng chênh chao trong ký ức.

Vàng hoa thuở ấy

Hoa điệp vàng nở rạo rực những con đường kỷ niệm - Ảnh: I.T

Tôi nhớ đến màu hoa điệp vàng rạo rực ở Pleiku bận tôi về thăm một người bạn ở đó. Nhớ nhất là đoạn đường từ Bến xe ở cây số 3 về Ngã sáu Buôn Ma Thuột. Ngày ấy mới ra trường lên nhận công tác ở Đăk Lăk. Trên đường đi tôi vô tình chung xe với một người bạn gái học cùng khoá ở Đại học Sư phạm Huế.

Chúng tôi đến Buôn Ma Thuột, thị xã “buồn muôn thưở” ấy đón chúng tôi bằng một sắc hoa rực rỡ vàng đong đưa trong gió. Người bạn ấy vốn sinh ra trong một khu vườn Huế, tâm hồn được ướp đẫm với hương hoa từ ngày còn thơ bé.

Sau một hành trình dài, vật vờ thay đổi xe, phải ở lại Nha Trang, một đêm thức trắng nằm đợi trước phòng vé để 3 giờ sáng chen chúc sắp hàng mua vé mới kịp chuyến đi Ban Mê. Ngày ấy nếu không mua được vé thì phải ở lại ngày hôm sau. Nếu hôm sau không kịp xếp hàng mua vé thì xem như khó khăn lắm vì tiền bạc trong ví rất ư là khiêm tốn.

Tâm trạng bồn chồn lo lắng và mệt mỏi của một người vừa bước ra thế giới bên ngoài của ngày đầu đi dạy học nơi xa nên khi bất chợt thấy được con đường hoa không khỏi ngỡ ngàng. Bạn như gặp lại một nỗi mênh mang nhè nhẹ của một niềm say đắm thơ mộng cũ. Đoạn đường này ngày ấy đi bằng xe ngựa để vào phố, âm thanh lạ lẫm lóc cóc đều đều chậm rãi của vó ngựa dọc theo con đường với hàng cây muồng hun hút vào thị xã.

Bình yên và buồn buồn. Tâm trạng bỡ ngỡ lo ngại trên đôi mắt bạn. Còn tôi, vốn đã quen với dặm đường gió bụi qua những trang văn của lớp nhà văn trước, cứ thấy nôn nao rạo rực trong lòng với phố núi. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm, tâm hồn còn đuổi bắt theo những mây trời mộng ảo. Không hiểu sao tôi đã quên đi nhiều thứ, nhưng vẫn giữ lại hình ảnh những cánh hoa li ti vương trên tóc bạn và chuyến xe thổ mộ lạ lùng nơi phố núi.

Khi đến Buôn Ma Thuột chúng tôi chia tay, bạn về ở lại nhà người quen, tôi về ở lại Ty Giáo dục tỉnh. Anh em cùng khoá đợt lên Đăk Lăk đều được nhận quyết định công tác ở các trường, chỉ mình tôi vẫn chưa được phân nhiệm. Khoảng thời gian chờ đợi thật dài, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi chỉ biết đi bộ từ Ty Giáo dục ra Ngã Sáu, đi lại trên con đường cũ.

Lúc này hoa điệp đã rụng nhiều, thấm một nỗi buồn chơ vơ hiu hắt với màu hoa vương vãi trên đường. Sau này tôi chợt khám phá ra một điều khác với mọi người, ấy là trong tâm hồn lại thích ngắm nhìn mùa hoa rụng rơi, phải chăng là những khoảnh khắc phân vân níu kéo của một đời hoa với thời gian sẽ biền biệt trôi xa, một đi không bao giờ trở lại.

Có lần, nhìn ngắm say sưa hoa lộc vừng rụng đầy giữa một khoảng sân của ngôi nhà đầu ngõ, tôi đã “nài nỉ” với bà chủ nhà xin đừng quét đi hoa rụng, bà lão chừng như cho mình là đứa dở hơi, “rác mà răng không quét”, rứa là sau đó đi ngang nhà, tôi “lẩy” không thèm dừng lại nữa.

Thời nhỏ, tôi từng đi theo chị tôi men theo con đường ven sông Thạch Hãn ở quê nhà, nhìn chị nhặt những những cánh hoa phượng vĩ rụng trên đường rồi đem về ép vào tập sổ tay chép đầy những bài thơ tình của Xuân Diệu, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Huy Cận... Rồi chị cũng đi lấy chồng rất xa, bỏ lại tập thơ chép tay ép nhiều hoa phượng đầy xao động của một thời nữ sinh áo dài trắng lộng gió trên nẻo đường xưa như một nỗi nhớ thao thiết về quê nhà.

Sau cùng, tôi cũng được phân công về trường cấp 3 Buôn Hồ. Dạy ở đó được mấy tháng lại bị điều lên Gia Nghĩa, cách đó gần 200 km, đi về cũng mất 2 ngày. Trường mới mở đóng tạm trong ngôi chùa Tỉnh hội chỉ mới 2 lớp 10, dạy mỗi tuần có 8 tiết, rảnh rỗi tôi lang thang theo với một màu hoa vàng hoang dại dã quỳ của phố núi.

Những ngày ấy, buồn quá tôi đã đánh bạn với loài hoa đặc hữu của Tây Nguyên. Vâng, tôi vô cùng cám ơn người bạn ấy đã cho tôi bớt sự cô quạnh, đơn lẻ trên phố núi.

Ôi màu hoa da diết đến cháy lòng. Không có nơi nào mà nhiều hoa dã quỳ đến thế, hoa từ trong lòng phố nhỏ dọc dài theo những nẻo đường của núi rừng. Hoa dã quỳ lại có nhiều tên họ khác: sơn quỳ, cúc quỳ. Nhưng tên nào cũng đều gợi nhắc đến những âm vang của mùa xuân và mùa thu trong sự thay đổi của đất trời. Tôi đã từng ngẩn ngơ đắm đuối theo cái sắc vàng ấy suốt một quãng thời trẻ tuổi. Ngày trở lại Gia Nghĩa, dã quỳ không còn trong phố nhỏ, đã thu hẹp dần chỉ còn ở những ven đồi ở xa.

Nhiều năm sau trở lại Ban Mê, ngã đường từ cây số 3 về thị xã chẳng còn một bóng dáng cây điệp vàng nào nữa. Tôi đứng buồn lạc lõng trơ trọi tưởng như mùa hạ đã mất đi giữa trời đất. Người bạn gái cùng trường năm ấy đã lâu lắm không nhận được tin tức, không biết cô còn nhớ đến chiếc xe ngựa trở về phố thị và màu hoa cũ không...

Hồ Sĩ Bình


Hồ Sĩ Bình

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lắng lòng với “Bốn mùa thương nhớ”

Lắng lòng với “Bốn mùa thương nhớ”
2024-10-25 09:26:00

QTO - Mấy hôm trước ở Sài Gòn, khi ngồi lại với nhau mừng Nguyễn Linh Giang, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh ra mắt sách mới “Bốn mùa thương nhớ” -...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long