{title}
{publish}
{head}
1. Sau hơn 2 chặng với xấp xỉ 30 giờ bay, chưa kể thời gian quá cảnh ở Hàn Quốc tôi mới đặt chân đến thành phố Boston ở bờ Đông nước Mỹ đúng vào giờ trưa. Bữa ăn đầu tiên, món ăn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ chính là... phở.
Trong khi chờ phục vụ tôi nghĩ, đến nơi này để ăn được tô phở đúng là đường xa vạn dặm. Không phải nói theo ý văn học mà thực tế đường xích đạo tức vĩ tuyến dài nhất trên trái đất có chiều dài 40.000 km. Việt Nam và Mỹ nằm ở 2 cực đông và tây bán cầu nên khoảng cách chừng khoảng 14.000 đến 20.000 km (tùy theo điểm đến là bờ Tây hay bờ Đông). Mỗi dặm tính ra bằng cỡ 1,8 km vậy thì tô phở tôi chuẩn bị được ăn cách quê nhà chẳng là vạn dặm sao?
Tô phở “Xe lửa” ở Phialadelphia -Ảnh: X.H
Không nói nhiều người cũng biết bản đồ ẩm thực thế giới nhắc nhiều đến những món ăn Việt Nam như bánh mỳ đường phố, cà phê phin, bún bò Huế, mỳ Quảng... Nhưng phở là món ăn được biết nhiều nhất ở nước ngoài. Cùng với trang phục áo dài, nón lá, phở là thương hiệu riêng có của người Việt, nhắc đến phở là nhắc đến người Việt.
Nước Mỹ nơi có hơn 2 triệu người Việt định cư, chiếm 40% số người Việt định cư ở nước ngoài thì việc tìm một quán phở rất dễ, thậm chí ở những khu đông người Việt sinh sống thì gần như đường phố nào cũng có quán phở. Người Mỹ nói tiếng Anh không phát âm được dấu “hỏi” nên nhiều quán có đông thực khách bản địa trên bảng hiệu chỉ ghi chữ “Pho”, đọc là “Pho” nhưng tất cả đều hiểu đó là quán phở Việt Nam.
Tô phở đầu tiên tôi ăn tại quán “Pho Pasteur” khá nổi tiếng ở thành phố Boston, có hương vị gần giống với phở quê nhà. Nước dùng trong, ngọt, thịt bò tái vừa, có sẵn dĩa rau thơm và giá trụng, chanh ớt đầy đủ. Nhưng do thực khách đến đây không chỉ người Việt nên gia vị ít nhiều gia giảm, ví như thiếu một chút tiêu xay thơm mịn, thiếu một chút tương ớt theo “gu” của tôi.
Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho tôi hít hà cái hương vị món ăn xếp vào hàng “quốc hồn, quốc túy” quê nhà, đủ cho tôi tự hào rằng món ăn có tên gọi là phở đã vượt đường xa vạn dặm đến đây góp phần làm nên “căn cước” của xứ sở nằm phía bên kia bán cầu nước Mỹ.
2. Chuyện về phở thì dài dòng lắm, kể cả ngày cũng không hết. Từ Boston, tôi có hành trình qua New York sầm uất, Washington D.C. ở bờ Đông, đến vùng Trung như thành phố Phialadelphia của bang Pensylvania, ngược lên kinh đô cờ bạc Las Vegas của bang Nevada rồi quay trở về bang California phía bờ Tây, nơi người Việt tập trung đông nhất ở Mỹ. Nhờ vậy, tôi có mặt và thưởng thức nhiều quán phở, nhiều loại phở. Có thể kể tên các quán phở Bằng ở New York, phở Bosa ở Las Vegas, phở Kim Long ở Los Angeles, phở Việt ở Litte Saigon...
Chủ quán “Pho Bosa” (áo đỏ) ở Las Vegas là người Việt -Ảnh: X.H
Đầu tiên, những ai từng có dịp đến Mỹ đều biết đa phần tô phở ở Mỹ rất to, thường gọi là phở “Xe lửa”. Bánh phở nhiều kèm theo thịt khá nhiều. Người Việt Nam sang, chỉ ai sức ăn khỏe mới dùng hết tô, phụ nữ, trẻ em có khi 2 người dùng chung 1 tô vẫn đủ. Tôi có hỏi các chủ quán, họ bảo, “suất” phở phải như thế mới phù hợp với người bản địa.
Vì sao gọi là phở “Xe lửa” thì có nhiều cách giải thích khác nhau. Có người bảo, trước đây, phở khai sinh ở miền Bắc nước ta, thời chiến tranh có loại phở “Không người lái” tức phở mậu dịch chỉ có nước dùng, bánh phở mà không có thịt. Từ phở “Không người lái” bằng cách nào đó chuyển sang phở “Tàu bay”. Mà đã có phở “Tàu bay” rồi thì sinh ra phở “Xe lửa”. Nhưng cũng có người bảo, gọi tô phở lớn theo cách gọi size áo quần X.L (size lớn), rồi thực khách đùa, biến X.L là “Xe lửa”!
Phở Việt Nam ở Mỹ cũng đa dạng. Nói về thịt có phở gà, phở bò, chả viên, phở xương thậm chí cả phở... tôm hùm. Ở đây, xin nói thêm, tôm hùm nhất là ở bờ Đông nước Mỹ giá khá rẻ so với thu nhập bình dân, chỉ tầm 5 usd / 1 pound (tức 1 kg giá chỉ 240.000 đồng tiền Việt Nam). Nhiều quán phở còn chiều thực khách đa dạng bằng việc “gia tăng” thêm các loại nấm, ốc, rau củ khiến tô phở “Xe lửa” càng ngồn ngộn hơn.
Dĩ nhiên, nói gì thì nói, phở Việt Nam trên đất Mỹ vẫn không thể ngon bằng phở Việt Nam ở... Việt Nam. Ít ra, với tôi là vậy. Tôi có cảm giác như do chất lượng gạo hoặc công thức gia truyền mà sợi phở ở đây không mềm, mịn như sợi phở trong nước. Có nơi không dùng sợi phở to bản mà dùng các loại sợi mỳ khác thay bánh phở. Hay rau thơm, cọng rất dài, lá rất to, xanh thẫm, dày dặn nhưng hương vị cứ ngai ngái. Cọng giá cũng vậy, to, dài nhưng không giòn ngọt bằng ở ta. Nước dùng thì chỉ một vài quán phục vụ người Việt đông mới đầy đủ vị thơm cay từ hương quế, hồi, còn lại thì chỉ đạt mức độ trong, ngọt vừa đủ.
Về giá cả, mỗi nơi một kiểu. Ở Mỹ, thu nhập bình quân và giá trị giờ, ngày công lao động ở các bang khác nhau. Vậy nên, giá mỗi tô phở, ngoài sự khác do chất liệu, khối lượng, thương hiệu (thịt bò khác thịt gà, tô lớn khác tô thường, nhà hàng cao cấp khác quán ăn bình dân) thì còn khác nhau theo giá thị trường. Giá mỗi tô phở dao động trong khoảng 9 usd đến 14 usd, nếu là phở “cao cấp” dùng loại thịt bò “thượng hạng” kèm tôm hùm chẳng hạn, giá lên đến vài chục usd một tô.
3. Phở Việt Nam nổi tiếng ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, đến độ có nhiều trang mạng chuyên viết về phở, giới thiệu các loại phở, chỉ dẫn địa điểm có các nhà hàng, quán phở ngon. Từ chỗ ít người biết, ngày nay gần như người Mỹ nào cũng rành và thậm chí nhiều lần ăn phở.
Tôi có hỏi, nhiều người Mỹ trả lời, món phở rất thích hợp vì ít dầu mỡ, ăn không ngấy và chắc chắn có lợi cho sức khỏe, nhất là nơi có tỉ lệ người thừa cân, béo phì cao. Cũng nói thêm, trước kia, phở Việt Nam thường “lẫn” vào các nhà hàng châu Á nhưng nay các nhà hàng, quán ăn đã đường đường chính chính ghi “Pho” hoặc nằm trong chuỗi hàng quán “Vietnamese Cuisine” (Ẩm thực Việt Nam).
Phở Việt tự hào nằm trong “Vietnamese Cuisine” -Ảnh: X.H
Lịch sử thâm nhập của phở Việt Nam vào đất Mỹ có thể viết thành sách. Nghe kể, những quán phở Việt đầu tiên mở ra ở giai đoạn đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Chỉ trong vòng 2 thập niên sau đó, tức đầu thế kỷ 21, toàn nước Mỹ đã có hàng nghìn quán phở. Năm 2000, một tổ chức thống kê cho biết, doanh thu từ các quán phở Việt Nam trên đất Mỹ đạt đến con số nửa tỉ đô la Mỹ. Hiện tại, nhiều thương hiệu phở Việt đã ghi dấu ấn với thực khách như phở Hoa, phở 79, phở 24, phở 2000... Cách đây 4 năm, năm 2019, một thương hiệu phở Việt còn dành giải thưởng “James Beard Foundation Award” vốn được coi là giải Oscar trong ngành ẩm thực (giải Oscar danh giá thuộc ngành điện ảnh).
Nhiều người Việt xa xứ tâm tình với tôi, rằng ăn phở không chỉ là thói quen mà còn là cách để thả hồn về với quê hương. Nói một cách văn hoa thì đó là cách ăn chứa đựng ký ức, hoài niệm. Thì cũng phải thôi, tôi mới bước chân ra đi năm bữa nửa tháng mà đã nhớ vị quê nhà thì huống chi những người anh em của tôi, đã định cư ở đây nhiều tháng, nhiều năm.
Trong nhiều lần cầm đũa, nhìn hơi khói bốc lên từ tô phở ở xứ người tôi cứ nhớ về những trang văn của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn... Căn cứ chi một món ăn khiến người ta cứ phải mềm lòng. Cái lấp lánh của văn chương, hay đến mấy, giàu hình ảnh đến mấy cũng không bằng đời thực, khi con người ta đối diện với nó, như là phở chẳng hạn, ở khoảng cách diệu vợi của ngàn trùng địa lý. Mới hiểu ra, hạnh phúc trong đời chẳng phải đâu xa, có khi chỉ thoáng chốc với mùi hương dậy lên từ món ăn có tên là Phở.
Bút ký: Phạm Xuân Hùng
QTO - “...Vì có con mẹ chẳng thể quên cha”. Ngày nhà văn Châu La Việt chào đời ở ngôi nhà nhỏ bên dòng sông La, bà ngoại ông có ý đặt tên là Hà hoặc Giang....
QTO - Sớm ra, một thanh niên rồ ga vượt mặt xe tôi rồi đột ngột dừng lại. Anh nhặt mấy hòn đá nằm rải rác giữa mặt đường rồi ném sang vỉa hè, sau đó lên xe...
QTO - Trong văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, phần tinh túy nhất chính là bút ký, trong đó có những trang viết đặc sắc về mùa xuân. Trong bút ký “Hành lang...
QTO - Bùi Đình Thùy là một họa sĩ trẻ đang tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tuy bén duyên chưa lâu với hội họa nhưng anh đã tạo...
QTO - (Nhân đọc tập thơ “10 ngón thu” của Võ Văn Luyến, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2023)
QTO - Mùa này, quê ngoại tôi đẹp lắm. Hương xuân bắt đầu đượm trên những chồi non. Cũng đã lâu, tôi mới thả mình trên cánh đồng làng ngoại, ngắm những cánh...
QTO - Chênh vênh chiều mưa giăng. Em cuộn mình trong chăn nghe tiếng nhạc buồn vọng lại từ một quán cà phê vắng khách nơi góc phố: “Chiều nay còn mưa, sao...
QTO - Mưa! Có lẽ, không nơi đâu như ở xứ này. Những cơn mưa dai dẳng bám đất, bám người cơ hồ như duyên nợ. Trời tối sầm, mưa sũng nước, gió quét từng cơn....
VOV.VN - Tối 17/11, Lễ hội Hokkaido 2023 với chủ đề “Quảng Ninh - Hokkaido: Hội nhập văn hóa giàu bản sắc” đã khai mạc tại khu vực Quảng trường 30/10 (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng...
QTO - Nhà tôi nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh um cây trái. Nhờ những lớp phù sa đắp bồi qua bao mùa lũ lụt mà tầng đất vườn trở nên dày dặn. Có lần, tôi...
QTO - Năm lên ba tuổi, tôi - một thằng bé nhà quê Quảng Bình - lần đầu tiên được theo bà ra Hà Nội bằng ô tô. Đó là một chiếc xe tải nồng khẳm mùi nước mắm...
QTO - Tôi ghé bản vào mùa hoa trẩu. Giữa màu xanh lưng trời, từng cụm hoa trắng ngần bồng bềnh như những đám mây trùm lên thung lũng. Cây trẩu gần nhất nơi...