Cập nhật:  GMT+7

Truyện ngắn: Sao chú không về?

Đang chăn trâu ở ngoài bờ đê, chợt nghe tiếng thằng Lợi bạn tôi gọi:

- Bộ Hạ...ơ... ơi!...ơi... ới... Hạ Bộ!...

Chẳng lạ gì cái danh từ ấy, nhưng tôi không trả lời, chỉ ngước nhìn nó, hờ hững.

- Có một chú bộ đội tìm vô nhà mi.

- Chú bộ đội mô?

- Tao không biết, nhưng thấy quen quen.

Đang ngồi trên lưng trâu, tôi dong thẳng về nhà. Vừa đi vừa đoán, chắc chắn là chú Sung rồi. Cách đây mấy tháng, trước ngày hành quân vào Nam chiến đấu, chú xoa đầu tôi, bảo: “Cháu nhớ học thật giỏi! Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, chú sẽ về thăm ông nội và cháu... sẽ có quà và dạy cháu hát dân ca quan họ...”. Tôi khấp khởi trong lòng quá đỗi ...

***

Hồi ấy vào khoảng cuối năm 1974, một buổi sáng vừa thức dậy để chuẩn bị đi học, nhìn ra khu vườn nhà bỗng tôi thấy có một căn lán xanh màu cỏ úa cùng những tiếng cười nói râm ran. Ông nội bảo: “Bộ đội về đóng quân ở làng ta cháu ạ! Các chú hành quân cả đêm, vừa làm xong lán trại”. Sau này tôi mới biết đó là một tiểu đoàn đặc công từ ngoài Bắc vào trú quân để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam. Bộ đội chia ra làm lán ở khắp làng. Mỗi căn lán là một tiểu đội. Nhà tôi có tấm phản bằng gỗ mít đặt ở đầu hiên gần căn lán nên chú Sung, A trưởng sang ngủ cùng với tôi. Chú người cao lớn, rắn chắc, khuôn mặt chữ điền, vầng trán rộng, đôi mắt to sáng, nhìn rất phong độ, đẹp trai. Đặc biệt là đôi môi đầy đặn, đỏ như môi con gái, cười rất duyên. Chú là một cây văn nghệ của đơn vị, đàn ghi ta điêu luyện và hát các làn điệu quan họ rất hay.

Truyện ngắn: Sao chú không về?

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Đêm đêm, sau thời gian tập luyện, sinh hoạt, trước khi ngủ chú thường kể chuyện cho tôi nghe. Giọng chú vang và trầm ấm lúc lên bổng, lúc xuống trầm rất truyền cảm, hấp dẫn cuốn hút tôi hết đêm này đến đêm khác không có hồi kết làm tôi cứ thắc thỏm chờ đợi như được rắc thính trong lòng vậy. Cũng có đêm, chú kể về làng quê, người thân, thời ấu thơ của chú.

Những lúc đó, giọng chú trầm hẳn xuống nhẹ nhàng, phảng phất một nỗi buồn nhớ xa xăm. Quê chú ở vùng trung du Bắc Bộ, một miền quê trù phú, bát ngát những đồi chè, những nương sắn, bãi ngô xanh mướt... có dòng sông êm đềm, thơ mộng chảy qua trước nhà. Khi bình minh lên hay những buổi chiều tà, dòng sông như dải lụa hồng nhuận sắc, tựa hồ như màu bình minh, màu ráng chiều rơi xuống, tan ra giữa dòng trôi.

Thời xa xưa không biết dòng sông mang tên gì. Cho đến khi triều đình Đại Việt đưa quan, quân lên trấn ải biên thùy Lạng Sơn, gia quyến, người thân của họ đưa tiễn phải dừng lại ở phía bên này của dòng sông. Phút ly biệt, người đi xa, kẻ ở lại biết bao ngậm ngùi, nhớ nhung, thương cảm nên từ đó người ta gọi là sông Thương. Cũng như dòng sông Bến Hải quê tôi, sông Thương đã trở thành con sông huyền thoại, là nguồn cảm hứng vô bờ bến để các nghệ sĩ viết nên những áng thơ văn, ca khúc bất tử ... Rồi chú khe khẽ hát một làn điệu dân ca quan họ:

“... Mỏi mòn đêm thâu suốt năm canh/ Anh ơi em vẫn đợi mỏi mòn/ Thương nhớ ai chim ơi cho nhắn một đôi lời/ Người đi xa có nhớ/ Là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời/ Sao chẳng thấy đâu...”.

Giọng hát của chú ngọt ngào, tình tứ, trữ tình mà có lẽ chỉ những người được sinh ra, lớn lên nuôi dưỡng qua những làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người mới hát được như vậy.

Hát xong chú hỏi tôi:

- Cháu có thích hát quan họ không?

- Hồi cháu ở ngoài Bắc hay nghe các làn điệu quan họ và rất thích nhưng không biết hát - Tôi trả lời chú.

Chú nhỏ nhẹ:

- Hát quan họ dễ nhưng cũng rất khó. Không chỉ phải hát cho tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như: rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt.

- Hát nảy hạt là như thế nào hở chú?

Chú cười: Để từ từ rồi chú sẽ dạy...

Ngoài những đêm chú kể chuyện, hễ cứ rảnh lúc nào là hai chú cháu lại chơi cờ tướng với nhau. Nhà tôi có một bàn cờ tướng cũ, ông nội đem từ nơi sơ tán về. Bàn cờ rạn chân chim, bạc phếch, quân cờ thì mòn nhẵn, màu đen, màu đỏ của nó chỉ những người thường hay chơi mới nhận ra. Bộ cờ chỉ còn ba mươi quân, con tốt đen và con tượng đỏ rơi đâu mất nên phải thay bằng hai cái nắp chai, vậy mà chẳng mấy khi không có người chơi. Tôi tuy nhỏ nhưng được xếp vào loại giỏi nhất làng. Còn chú thì trong đơn vị chẳng ai địch lại. Thật là kỳ phùng địch thủ, người tám lạng, kẻ nửa cân.

Chơi cờ với chú tôi không chỉ học được những thế cờ hay, những nước đi lạ, mà còn học được tính cách điềm đạm, bình tĩnh, khoan hoà, cao thượng của chú. Hồi mới gặp chú, tôi rất hiếu thắng. Chú bảo: “Cờ tướng là môn thể thao trí tuệ để dưỡng tâm, luyện trí. Khi chơi không nên đề cao quá chuyện thắng thua mà điều quan trọng nhất là rèn cho con người sự cẩn thận, biết nhìn xa trông rộng, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống... luôn coi đối thủ là bạn”. Và từ những lời khuyên của chú mà sau này trình độ cờ tướng của tôi được nâng cao hơn, phong cách cũng đẹp hơn không chỉ trong khi chơi cờ mà còn cả trong “bàn cờ cuộc đời” của mình...

Trong ký ức của mỗi con người, có lẽ ai cũng có những kỷ niệm không bao giờ quên. Những kỷ niệm vui buồn cùng những tháng ngày ngắn ngủi ở bên chú đã trở thành vùng ký ức sâu đậm, miền nhớ thương theo suốt cuộc đời tôi...

Tôi còn nhớ như in, một buổi tối chú ngồi nói chuyện với ông nội:

- Cháu được cấp trên cho về nghỉ tranh thủ mấy ngày. Bộ đội thời chiến mấy ai được nghỉ phép nên ông tôi dò hỏi:

- Chắc là ngoài nhà có việc gì hệ trọng!?

- Dạ! Cháu về lần này là để cưới vợ ông ạ! Năm tháng trước đóng quân gần nhà, hai gia đình đã tổ chức lễ dạm ngõ. Chúng cháu yêu nhau mấy năm rồi, từ thời đang còn học phổ thông. Cô ấy người cùng làng, nết na, hiền thục, chịu thương, chịu khó... Có điều cháu cứ đắn đo, phân vân mãi, chiến tranh chưa biết đến khi nào, sợ lỡ ra thì khổ cho người ta. Nhưng bố mẹ cả hai gia đình cứ giục mãi, còn gửi thư cho thủ trưởng đơn vị xin phép. Nhà cháu chỉ có hai ông bà, người chị gái thì đi lấy chồng xa ở trên thành phố, thi thoảng mới về thăm. Các cụ muốn có đứa cháu cho vui cửa, vui nhà rồi để nối dõi tông đường...

Ông nội gật gật đầu bảo:

- Các cụ nghĩ rứa là phải. Ông đây cũng rứa... Thôi cháu đừng phân vân làm chi nữa, đi thu xếp đồ đạc để sáng mai về sớm kẻo các cụ buồn, trông.

Chú về khoảng một tuần thì trở lại đơn vị, người gầy, đen hơn trước. Tôi mừng rơn ôm chầm lấy chú. Chú mở ba lô lấy một cân chè xanh Bản Ven (đặc sản bí truyền của người Cao Lan ở núi rừng Yên Thế) tặng ông nội, còn tôi là mười quả cam Bố Hạ ngọt lịm. Buổi tối tôi ngồi chờ chú đi sinh hoạt về để nghe kể tiếp câu chuyện trước hôm chú về phép. Ông nội bảo: “Chú đi xa về mệt, để đêm mai cháu ạ!”. Tôi vâng lời, hai chú cháu cùng nhau đi ngủ. Chỉ một lúc đã nghe chú ngáy o...o. Rồi tôi cũng thiếp đi. Tôi thiếp đi không biết bao lâu thì mơ màng thấy có ai đó đang ôm chặt người mình, âu yếm hôn lên gáy, lên mặt. Rồi một bàn tay dò dẫm, thò vào ngực, mơn man, nhè nhẹ...

Tôi hoảng quá, cố vùng ra khỏi vòng tay, ngồi dậy rồi lần tới chỗ ông nội nằm. Ông nội ngạc nhiên hỏi: “Sao cháu không ngủ mà tới đây”. “Cháu sợ quá!...” - Rồi kể lại cho ông nghe. Ông bảo: “Không có chi mô. Chú ấy nằm mơ đó. Thôi được, nằm đây ngủ với ông ... Cháu nhớ không được kể với ai chuyện ni nghe!”. Lúc đó ở phía đầu tấm phản tôi nghe có tiếng trở mình, hình như chú cũng đã tỉnh giấc...

Sáng sớm hôm sau tôi dậy đánh răng rửa mặt, thấy chú có vẻ ngượng ngùng lắm, nhưng chú không nói gì. Buổi trưa đi học về, chú gọi tôi ra sau vườn nhà dúi cho tôi một gói kẹo sữa Hải Hà, rồi thầm thì: “Hạ này, chú xin lỗi! Đêm qua chú mơ ngủ cháu ạ!... Chú sẽ không bao giờ làm thế nữa...”.

Định bụng từ hôm ấy trở đi sẽ sang ngủ với ông nội, nhưng nghe chú nói vậy, tôi khẽ gật đầu. Và thế rồi từ đêm hôm đó trở đi chú lấy chiếc chăn chiên cuộn tròn lại đặt giữa chỗ hai chú cháu nằm. Chú bảo: “Đây là biên giới bất khả xâm phạm cháu nhé!”. Tôi cười: “Riêng cháu được phép gác chân lên chứ?”. “Đồng ý” - Chú cười theo tôi. Quả thực khi đó tôi còn ngây thơ quá. Tôi không thể hiểu được nỗi khát khao bản năng, sự chịu đựng, mất mát hy sinh của những người lính phải xa vợ sau đêm tân hôn như chú, của những người vợ phải mỏi mòn, khắc khoải chờ mong chồng nơi chiến trận xa là như thế nào...

Và cả cái tên mà bạn bè hay trêu gọi tôi nữa, kể ra thì buồn cười đến chảy nước mắt, nhưng nó đã theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ và cho đến bây giờ chẳng thể nào nguôi quên được. Chả là, xế chiều hôm ấy, đơn vị chú tập trung ở sân hợp tác xã để hành quân vào Nam. Tôi đi học về nhìn thấy một chiếc quần lót ở dưới tấm phản nằm. Ngẫm nghĩ chắc chú ấy sơ ý rơi ra không biết, liền nhặt lấy đút vào túi quần rồi chạy ù ra sân hợp tác xã. Đến nơi thấy rất đông người, ông bà già, thanh niên nam nữ và trẻ con đứng bao xung quanh. Bộ đội thì xếp thành một khối màu xanh, ai cũng khoác một chiếc ba lô và một khẩu súng.

Tôi đưa mắt tìm chú nhưng không trông thấy đâu cả. Một chú đứng ở phía ngoài hô: “Chuẩn bị hành quân”. Tôi không biết phải làm thế nào, đành gọi to tên chú: “Chú Sung ơi! Chú Sung ơi!”. Một cánh tay giơ lên rồi hạ xuống, thì ra chú đứng ở phía đầu hàng quân. Tay thọc vào túi rút chiếc quần ra, tôi vừa chạy đến gần chỗ chú vừa gọi toáng lên: “Chú Sung ơi! Chú Sung ơi!... Chú quên cái quần...”. Nếu gọi như vậy thôi thì cũng đã ổn rồi.

Đằng này vì không biết tên chiếc quần nhỏ ấy là gì và sợ chú không nghe rõ. Bí quá tôi đành gọi to lên một lần nữa: “Chú Sung ơi! Chú Sung ơi!... Chú quên... Chú quên cái quần bịt ... ạ”, rồi liều lĩnh chạy đến dúi vào tay chú. Chao ôi! Mặt chú sượng ra, dở cười, dở mếu. Mọi người ở ngoài cười tít mắt, tít mũi, còn mấy cô con gái thì ngượng mặt đỏ lên, ngoảnh ra phía sau. Tôi thì chẳng hiểu gì cứ đứng trân ra nhìn... Về sau, cũng chính vì vậy mà tôi mới có cái biệt danh ấy.

***

Ngồi trên lưng trâu, càng về đến gần nhà, lòng dạ càng xốn xang hơn. Tôi cứ nhủ thầm, vậy là chú đã về, đã về... Tôi lùa vội trâu vào chuồng rồi chạy lên nhà. Ông nội đã về đang ngồi trước bàn cùng chú, nét mặt có vẻ trầm tư lắm. Tôi định chạy đến ôm chầm lấy chú mà hét toáng lên mừng rỡ, nhưng rồi ngỡ ngàng, đứng sững lại, trố mắt ra nhìn. Ông nội ra hiệu cho tôi lại gần, bảo: “Chú Hùng đồng đội của chú Sung...”. Chú Hùng mở ba lô lấy ra một bộ cờ tướng bằng nhựa rất đẹp đưa cho tôi: “Đây là quà của chú Sung tặng cháu, chiến lợi phẩm chú ấy thu được hôm đánh Chi khu Nhơn Trạch. Còn chú Sung...”.

Chú Hùng lặng đi một hồi lâu mới nói tiếp: “... Sáng ba mươi, tháng Tư, đơn vị chú tiến vào cửa ngõ Sài Gòn từ hướng Đông Nam... Trên cửa sổ tầng hai của một căn nhà gần sân bay Tân Sơn Nhất, một họng súng AR15 đã xả đạn xối xả vào người chú ấy. Chú Sung bị thương rất nặng rồi hy sinh sau đó chừng ba mươi phút...”. Nghe chú Hùng kể, tôi bàng hoàng chết lặng, không sao cầm được nước mắt. Tôi vừa ôm bộ cờ vào lòng vừa nghẹn ngào nấc lên: Chú Sung ơi! Chú Sung ơi! Chú hẹn với cháu ngày chiến thắng chú về kể chuyện cho cháu nghe, dạy cháu hát dân ca quan họ, chơi cờ với cháu... Sao chú lại không về hở chú?.

Văn Xương



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đã từng có một Đông Hà như thế

Đã từng có một Đông Hà như thế
2024-07-04 11:12:00

QTO - Hiện thời, Đông Hà đã chuẩn bị đầy đủ sức vóc để trở thành đô thị loại II. Đó là một sự thăng tiến rất đáng tự hào đối với mảnh đất và con người Đông...

Mùa hạ năm ấy

Mùa hạ năm ấy
2024-07-01 10:10:00

QTO - Khi những tiếng ve râm ran trong các lùm cây, trên cây phượng già trước sân trường báo hiệu mùa hè đã đến. Mùa hè, chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm...

Nhân lên khát vọng hòa bình

Nhân lên khát vọng hòa bình
2024-06-30 10:41:00

QTO - Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa ra mắt độc giả tập sách “Khát vọng hòa bình”, tập 1. Tập sách này là tiếng lòng, là tâm huyết của nhiều...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết