Cập nhật:  GMT+7

Mùa hạ năm ấy

Khi những tiếng ve râm ran trong các lùm cây, trên cây phượng già trước sân trường báo hiệu mùa hè đã đến. Mùa hè, chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm học mới, mùa của những tháng ngày ôn thi mệt nhoài và đầy lo lắng, sau mỗi kỳ thi cuối cấp lại ngậm ngùi chia tay nhau, mỗi người bước vào chân trời mới, cho những dự định của tương lai.

Mùa hạ năm ấy

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Tiếng ve càng nhiều là lúc báo mùa hạ đã đến lâu rồi, thời gian cho những buổi thi và tổng kết cuối năm sắp cận kề. Sau đó mỗi học sinh đành chia tay nhau cho những tháng ngày nghỉ hè hay ra trường, chỉ còn sân trường in bóng nắng và chiếc trống nằm im thiêm thiếp đợi năm học sau.

Chính vậy, mà mỗi lần nghe tiếng ve lòng tôi luôn thổn thức những ký ức tuổi học trò của mình ngày trước, của mùa hạ năm ấy dẫu đã xa ngôi trường cũ thân yêu ở quê hương ngót nghét hai mươi lăm năm. Ngày ấy, mỗi lần đến ngày 26 tháng 3 được trường tổ chức cắm trại là vui như hội.

Lớp nào cũng muốn trại mình to đẹp hơn cả, trang trí cổng chào phải nổi bật nhất, thế là bàn nhau phân công mỗi người mỗi việc, nào là tìm được cây tre cao to, lồng đèn, hoa treo phải xanh, đỏ lộng lẫy. Vui nhất là những ngày được ba mẹ cho ở lại trường cùng dự hội trại, mỗi lớp một trại chui vào chui ra mà vui hết cả ngày. Những cuộc thi đẩy gậy, kéo co sao mà rộn ràng, vui khỏe. Khi đêm xuống là lúc các lớp phải tập trung ở sân trường cùng nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy hát lửa trại...

Ngày trước, nào đâu có điện thoại để vào internet nên thời gian dành rất nhiều cho các hoạt động ngoại khóa, đơn giản, bình dị mà chất đầy niềm vui. Sau những ngày hội trại vui vẻ, đến ngày chia tay vẫn còn luyến tiếc nhiều điều, dường như vẫn chưa thỏa cơn thèm, vẫn bịn rịn, tiếc nuối cho những buổi sân trường hôm qua đầy tiếng nô đùa của các trại lớp nhưng hôm nay đành phải chia tay.

Ai mà chẳng ngẩn ngơ vì sau hội trại này là những ngày tháng thi cuối cấp chuẩn bị xa trường, xa lớp. Đâu đó hoa phượng rơi khắp sân trường, nắng mùa hạ đậm đà trên lưng áo học trò. Ngồi bên nhau viết vội những trang nhật ký, rồi ken đầy những chữ ký trên áo mỗi người, mong ước lưu giữ kỷ niệm thuở học trò để mai này trên đường đời gặp nhau cùng mỉm cười ôn lại một thời học trò đầy kỷ niệm, không thể và không bao giờ quên.

Ngày ấy, vì chưa có điện nên mỗi đêm đều thắp chiếc đèn dầu để mấy anh em trong nhà cùng học, cùng chụm đầu vào nhau mà học đến khi thọc ngón tay út vào mũi ôi thôi nó đen ngòm. Khổ nhất vào mùa hè nắng nóng, gió Lào thổi ào ạt, ngọn đèn tạt ngang dọc theo ngọn gió rồi tắt phụt. Cứ vậy, mỗi đêm không biết bao lần thắp lại đèn và ngồi lau bóng đèn đang nóng, xuýt xoa bởi ngón tay bị bỏng đôi lần.

Vất vả là vậy, nhưng phong trào thi nhau học để đạt học sinh giỏi, học sinh khá dẫu không phát động nhưng cứ ngấm ngầm trong mỗi người trong nhà, rồi nhà này với nhà khác, làng này với làng khác tạo nên một khí thế học tập, ôn luyện hăng say. Có lẽ lúc trước do không có nhiều phương tiện điện tử hiện đại, không có mạng xã hội nên chúng tôi một buổi đi học về, một buổi ra đồng phụ giúp gia đình, tối về là tập trung vào học cho đến khuya, học lúc nào hết bài tập mới đi ngủ, có khi ngủ ngay trên bàn lúc nào chẳng hay.

Sáng ra cũng tất bật đến trường, đến lớp cho kịp giờ dẫu cơn ngái ngủ vẫn hằn nguyên trên khuôn mặt. Sách vở thì giữ gìn cẩn thận để lớp trước dành lại cho lớp sau học. Mỗi bận đến mùa tựu trường, ba mẹ phải tất bật liên hệ mượn, đổi sách cho mấy anh em bước vào năm học mới.

Ai cũng có quê hương, có tuổi thơ và có một mái trường để lớn lên, đến lúc đi xa hay có tuổi thường nhớ về kỷ niệm học trò, về thầy cô, về ngôi trường nơi mình ngày xưa mỗi ngày đến lớp. Mỗi ngôi trường đều chứng kiến thế hệ học trò này trưởng thành bay xa rồi kế tiếp những thế hệ học trò mới.

Thời gian cứ trôi và cuộc sống tiếp diễn từng phút, từng giây, nhưng đó là một vòng tròn nối tiếp nhau quay đều đến một lúc ta lại về gặp nhau ở điểm tâm. Không biết có phải vậy không mà cứ đến ngày hội trường, hội lớp là lòng ta cứ háo hức, mong chờ, dẫu tóc đã bạc, chân đã rã rời vì tuổi tác.

Lê Như Tâm


Lê Như Tâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những “sứ giả” đặc biệt

Những “sứ giả” đặc biệt
2024-07-05 06:05:00

QTO - Trong khoảng 600 vận động viên (VĐV) tham gia Ngày hội Đạp xe Vì Hòa bình tổ chức tại Quảng Trị năm 2024 có 36 VĐV đến từ các nước Lào, Campuchia,...

Nhân lên khát vọng hòa bình

Nhân lên khát vọng hòa bình
2024-06-30 10:41:00

QTO - Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa ra mắt độc giả tập sách “Khát vọng hòa bình”, tập 1. Tập sách này là tiếng lòng, là tâm huyết của nhiều...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết